Biên cương nghĩa tình

23/06/2014 16:11

(Baonghean) - Đã thành thông lệ, những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp cùng những chiến sỹ “áo Blouse trắng” của Bệnh viện Quân y 4 hành quân đến bản Thoọng Pẹ, huyện Căm Cớt, tỉnh BôLyKhămXay (Lào) để khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nơi đây.

Mới 5 giờ sáng, trời thành Vinh đã đón những tia nắng đầu tiên cũng là thời điểm chúng tôi cùng 15 y, bác sỹ của bệnh viện bắt đầu xuất phát. Trên xe, qua tiếng nói, cười, tôi cảm nhận rõ sự háo hức của từng người tham gia chuyến đi. Quãng đường gần 200 km lên dốc, xuống đèo với nhiều khúc cua, rồi “vượt biên giới” ở Cửa khẩu Cầu Treo sang nước bạn làm ai cũng thấm mệt. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi đến Bệnh xá ở bản Thoọng Pẹ. Vừa bước xuống xe, những cái bắt tay chắc nịch cùng những lời hỏi thăm thân tình của một số bà con nói được tiếng Việt, cùng tiếng nói, cười của đông đảo bà con trong bản dành cho đoàn công tác như đón những người thân lâu ngày trở về. Mọi mệt mỏi trên chặng đường hành quân bỗng chốc tan biến, không nghỉ ngơi, các anh, chị bắt tay ngay vào công việc.

Bác sỹ Bệnh viện Quân y 4 khám bệnh cho bà con bản Thoọng Pẹ, huyện Căm Cớt, tỉnh Bôlykhămxay (Lào).
Bác sỹ Bệnh viện Quân y 4 khám bệnh cho bà con bản Thoọng Pẹ, huyện Căm Cớt, tỉnh Bôlykhămxay (Lào).

Trưởng bản Doong Dê nói tiếng Việt khá tốt, chia sẻ cùng chúng tôi: “Là bản xa trung tâm của huyện, nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh còn nhiều hạn chế nên thường xuyên xảy ra dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy, cảm cúm. Hai năm trước, Bệnh viện 4 của Bộ đội Việt Nam sang khám, cấp phát thuốc miễn phí và hướng dẫn bà con trong bản cách giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh nên nay đã đỡ hẳn. Hôm nay, bộ đội Việt Nam trở lại khám, cho thuốc miễn phí, bà con nhân dân biết ơn lắm!...”. Qua lời phiên dịch của ông Doong Dê, chị Loong Nưa cảm động chia sẻ: “Con tôi bị bướu cổ đã mấy năm nay, khó thở, khó ăn lắm! Hai năm trước bộ đội Việt Nam sang khám và hướng dẫn cho cách điều trị nay đã đỡ nhiều rồi. Hôm nay, tôi đưa con đến khám lại và cảm ơn các bộ đội Việt Nam luôn...”.

Về trưa, cái nắng của nơi núi rừng biên cương càng trở nên oi bức và dù phải trao đổi với bà con qua phiên dịch song sự niềm nở, nhiệt tình, ân cần, tận tụy trong việc khám, tư vấn sức khỏe của đội ngũ y, bác sỹ không vì thế mà chùng xuống. Cô gái trẻ Nguyễn Thị Hằng, Dược sỹ khoa Dược của bệnh viện hào hứng bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia việc làm đầy tình hữu nghị này. Mặc dù say xe nhưng khi đến đây, đón nhận tình cảm của bà con nhân dân em rất vui và bao mệt nhọc trong em đều tan biến hết...”.

Chỉ nghỉ ngơi buổi trưa hơn 1 tiếng đồng hồ, các y, bác sỹ của bệnh viện lại tiếp tục công việc, bởi bà con trong bản đến khám mỗi lúc một đông. Có mặt tại buổi khám bệnh hôm đó, Đại tá Hoàng Nghĩa Nam, Giám đốc Bệnh viện Quân y 4 cho biết: “Hàng năm, bệnh viện đều tổ chức 3 - 4 đợt khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân các xã, bản dọc đường biên giới Việt - Lào trên địa bàn Quân khu. Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến nay, chúng tôi tổ chức được 5 đoàn để khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà ở một số địa phương như: xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn; xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ.

Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức đoàn sang nước bạn Lào nhằm thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa quân và dân 2 nước. Đợt này, chúng tôi còn tặng Bệnh xá Quân dân y kết hợp của bản Thoọng Pẹ một số trang, thiết bị y tế như: tủ thuốc, máy thông họng, bộ khám ngũ quan và bộ máy vi tính để bệnh xá có thể đáp ứng phần nào công tác khám, điều trị bệnh cho nhân dân quanh vùng...”.

Sau gần một ngày khám, tư vấn sức khỏe cho hơn 500 người dân bản Thoọng Pẹ, chúng tôi tạm biệt bà con của bản trong tình cảm bịn rịn, lưu luyến để hành quân về nước khi trời đã tối hẳn. Trên đường về, tôi còn nhớ mãi câu nói của ông Thòng Dua Phít, cựu chiến binh Quân đội Lào: “Ngày xưa, bộ đội Việt Nam đã giúp chúng tôi giải phóng đất nước, đến nay họ lại khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho chúng tôi nữa. Tình cảm của bộ đội Việt Nam dành cho chúng tôi như không có biên giới vậy...”.

Bài, ảnh: Nguyễn Đức Cương