Biến hy vọng thành hiện thực
(Baonghean) - Việc khai trương hai đường bay từ Thành phố Vinh tới Thủ đô Viêng Chăn của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và từ Thành phố Vinh đi Đà Lạt đã đem lại cho Nghệ An nhiều niềm tin và hy vọng. Hy vọng là từ sự khai mở bầu trời sẽ tạo tiền đề, vị thế để khai mở sang các lĩnh vực khác, như là giao thương, buôn bán, du lịch-dịch vụ cùng các mối bang giao cả về chiều sâu lẫn chiều rộng để nâng tầm các mối quan hệ trong nước và quốc tế cả về kinh tế và chính trị. Và đây cũng là thêm được một lợi thế so sánh để nâng cao sức hấp dẫn và tính cạnh tranh với các địa phương trong khu vực.
(Baonghean) - Việc khai trương hai đường bay từ Thành phố Vinh tới Thủ đô Viêng Chăn của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và từ Thành phố Vinh đi Đà Lạt đã đem lại cho Nghệ An nhiều niềm tin và hy vọng. Hy vọng là từ sự khai mở bầu trời sẽ tạo tiền đề, vị thế để khai mở sang các lĩnh vực khác, như là giao thương, buôn bán, du lịch-dịch vụ cùng các mối bang giao cả về chiều sâu lẫn chiều rộng để nâng tầm các mối quan hệ trong nước và quốc tế cả về kinh tế và chính trị. Và đây cũng là thêm được một lợi thế so sánh để nâng cao sức hấp dẫn và tính cạnh tranh với các địa phương trong khu vực.
Vấn đề quan trọng hơn cả là phải có cách làm, bước đi phù hợp để biến những lợi thế, những niềm hy vọng đó thành hiện thực. Tạo ra những kết quả cụ thể trong cuộc sống và trở thành một nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Nói có thêm đường bay là có thêm cơ hội giao thương, buôn bán, điều đó hoàn toàn đúng, nhưng lại không hoàn toàn dễ để tận dụng được cơ hội. Nếu như không có một kế hoạch bài bản với lộ trình thực hiện cụ thể cả về công việc lẫn thời gian phù hợp hoàn cảnh cụ thể từng giai đoạn.
Điều đầu tiên phải làm là tập trung nghiên cứu, xem xét thật kỹ lưỡng là ở cuối đường bay bên kia có những gì mà ta cần hay không và phải làm gì để có được cái mà ta cần. Ngược lại, bên này đường bay cũng phải nhìn nhận lại và xem xét là ta đã có đủ những thứ mà người ta cần hay chưa. Còn thiếu những gì cần phải bổ sung và bổ sung như thế nào, trong bao lâu để có đủ những thứ mà thiên hạ cần. Vì suy cho cùng, người ta đi lại, dù là bằng đường bộ, đường không hay đường thủy thì cũng đều vì danh hay vì lợi, hoặc là cả hai. Được cả hai là tốt nhất. Nếu không thì cũng phải được một trong hai thứ đó. Còn không được gì cả chắc chắn là người ta không đi nữa, không tìm đến ta nữa. Và ngược lại, cứ đi không mãi, ta cũng không muốn tìm đến họ nữa. Và dẫu có thêm bao nhiêu đường bay đi nữa, cũng chẳng ích gì.
Về lý thuyết là vậy. Về cụ thể thì ngành được hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất từ hai đường bay mới chính là du lịch. Cả hai đầu, bên kia hay bên này đường bay đều là những thị trường du lịch rộng lớn với tiềm lực và sức hấp dẫn du khách rất lớn. Một bên là sự chuyên nghiệp đã có từ rất lâu cùng địa thế, cảnh quan và thời tiết đẹp. Một bên là sức hấp dẫn khó cưỡng của sự nguyên sơ và mới lạ cả về tự nhiên lẫn con người. So với họ, ngành Du lịch và môi trường du lịch của ta hiện có phần kém thế hơn. Nhưng kém thế không phải khi nào cũng đồng nghĩa với “kém miếng” nếu biết tận dụng vai trò, vị thế của một vị trí trung chuyển. Muốn vậy thì phải tạo được sự hấp dẫn riêng có, khác biệt với hai đầu bên kia. Sự riêng có, khác biệt đó ta đã có sẵn. Đó là biển. Đà Lạt không có biển. Viêng Chăn không có biển. Biển sẽ là “món mới, món lạ và ngon” để du khách dừng chân lại, bỏ tiền ra thưởng thức trong một hành trình “lên rừng, xuống biển” để trải nghiệm hết mọi cung bậc của nhu cầu thưởng lãm. Và du khách, dù lên Đà Lạt hay ngược sang bên Lào đều luôn phải dừng chân lại xứ Nghệ ta.
Đó là một lợi thế rất lớn. Vấn đề còn lại là ta phải biết cách níu kéo, thu hút họ dừng chân nơi trung chuyển này càng lâu càng tốt. Càng nghĩ ra nhiều cách giúp họ tiêu tiền để họ trải nghiệm và thỏa mãn mọi sở thích cá nhân thì ta càng có lợi. Nhưng để làm được điều đó không hề dễ. Phải tạo được sự bắt mắt ngay từ cái nhìn ban đầu của du khách. Tiếp đó là sự tiếp đón chân thành, chu đáo, ân cần và niềm nở. Không có sự “chặt chém” và nơi ăn, chốn nghỉ hay các địa điểm vui chơi giải trí, tham quan, ẩm thực phải đem lại cho du khách cảm giác trong lành, an toàn, thân thiện và luôn được tôn trọng. Dù họ giàu hay nghèo, chi tiêu nhiều hay ít. Từ ánh mắt sẽ dẫn đến trái tim, một khi họ đã quyến luyến rồi thì thể nào cũng sẽ tìm đến ta một hay nhiều lần nữa như là một điểm đến nghỉ ngơi, thư giãn lý tưởng. Tóm lại là ta vừa phải đáp ứng vừa phải tạo ra những thứ khiến họ cần. Hãy mạnh dạn tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển ngành Du lịch từng bước đáp ứng được những tiêu chí nêu trên. Vì rằng, ta đang ở điểm giữa của hai đường bay. Mà ở giữa thì không bao giờ mất phần chăn. Vì thế, bước đi đầu tiên trong lộ trình biến hy vọng thành hiện thực, nên ưu tiên tập trung nhân tài, vật lực cho ngành Du lịch.
Một khi đã trở thành địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trên toàn cầu tìm đến xứ Nghệ ta đầu tư, sinh cơ lập nghiệp. Vì vừa là nơi nghỉ nghơi vừa là nơi kiếm tiền, thỏa mãn được hai nhu cầu lớn nhất của con người thì ai mà chẳng ham thích. Làm được như thế chắc chắn những hy vọng ngày hôm nay sẽ thành hiện thực trong tương lai gần.
Duy Hương