Tổng thống Putin "vẽ" lại châu Âu

19/03/2014 19:34

Tổng thống Vladimir Putin ngày 18/3 đã có các bước đi đầu tiên để tiếp nhận khu vực Crimea của Ukraine vào Nga. Động thái này được xem là sự vẽ lại quan trọng nhất biên giới châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Tổng thống Vladimir Putin
Tổng thống Vladimir Putin

Ông Putin ngày 18/3 đã chính thức thông báo với Quốc hội về yêu cầu gia nhập Nga của Crimea và phê chuẩn một dự luật về việc gia nhập này. Trước đó, ngày 17/3 ông Putin đã ký sắc lệnh “Về việc công nhận Cộng hòa Crimea”, theo đó xác nhận Crimea là một nhà nước độc lập. Việc sáp nhập Crimea với tư cách một nhà nước độc lập của Nga được đưa ra dựa vào cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3, với việc gần 97% cử tri ở khu vực này đã bỏ phiếu rời khỏi Ukraine và trở thành một phần của Nga.

Ngày 18/3, ông Putin có bài phát biểu trước Quốc hội, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo mới ở Crimea. Sau bài phát biểu này, ông Putin gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Crimea Vladimir Konstantinov và ký thỏa thuận về sự gia nhập Liên bang Nga của Crimea.

Các động thái của ông Putin trong ngày 18/3 là bước chuẩn bị cho Quốc hội Nga phê chuẩn việc sáp nhập Crimea sau khi dự luật được Tòa án Hiến pháp Nga phê chuẩn. “Quốc hội thực hiện trách nhiệm của mình một cách nhanh chóng và hợp lý” – ông Sergei Naryshkin, Người phát ngôn Duma Quốc gia Nga nói. Toàn bộ quá trình nói trên dự kiến sẽ hoàn tất ngay trong tuần này. Sau đó, Crimea sẽ trở thành một phần của Liên bang Nga với tư cách là một nước cộng hòa.

Trong một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng lớn của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea, Quốc hội khu vực ly khai Trans-Dniester của Moldova ngày 18/3 cũng cho biết sẽ đề nghị Moscow cho phép sáp nhập vào Nga.

Báo chí Nga cho biết sau khi Crimea trở thành một chủ thể của Liên bang Nga, Bộ Tài chính nước này dự kiến chi 5 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng bán đảo để Crimea có thể thu hút khách du lịch, xứng tầm với một vùng đất xinh đẹp có tiềm năng du lịch lớn. Tất nhiên, đây là những dự án dài hạn, còn trước mắt, Nga sẽ phải chi một khoản tiền không nhỏ, ước tính khoảng 30 tỷ USD trong 10 năm, để ổn định tình hình kinh tế-xã hội và nâng mức sống cho người dân Crimea, hiện vẫn là một vùng nghèo khó.

Tổng thống Putin đã khẳng định: “Trong trái tim và tâm trí của nhân dân Nga, Crimea là một phần không thể tách rời." Điều đó phần nào lý giải hành động kiên quyết, mạnh mẽ và kịp thời của Moskva khi đáp lại lời kêu gọi hỗ trợ từ lãnh đạo Crimea. Động thái của Moskva nhằm bảo vệ các kiều dân Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine cũng góp phần giúp uy tín của Tổng thống Vladimir Putin tăng vọt lên hơn 71%, mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Nước Nga, vốn coi Crimea và thành phố cảng Sevastopol - nơi đóng căn cứ của Hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga suốt hơn 230 năm qua - là những địa danh anh hùng, là niềm tự hào của nước Nga, có những lợi ích nhất định ở vùng lãnh thổ mang tính chiến lược nhìn ra Biển Đen này.

Đương nhiên, cùng với việc chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea và xúc tiến những thủ tục sáp nhập nước Cộng hòa này vào Liên bang Nga, Moskva đang đứng trước nguy cơ phải hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ và phương Tây, trong đó có việc cấm đi lại và phong tỏa tài sản của nhiều quan chức Nga.

Các lệnh trừng phạt

Trước các bước đi nói trên của Nga, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố các lệnh trừng phạt với 7 quan chức của Nga, trong đó có Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin và 4 người Ukraine vì cáo buộc đã cướp đoạt sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, gồm có cả cựu Tổng thống Yanukovych. “Nếu Nga tiếp tục can thiệp vào Ukraine, chúng tôi đã sẵn sàng để áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới” – ông Obama cảnh báo.

Liên minh châu Âu cũng đã đưa ra lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với 21 quan chức của Nga và Ukraine, trong đó có Phó Đô đốc Alexander Vitko – Chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga. “Cho đến nay, đây là các biện pháp trừng phạt toàn diện nhất được áp dụng đối với Nga kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh” – một quan chức cấp cao của Mỹ nhận xét. Mặc dù vậy nhưng quan chức này nói rằng, hiện nay những trừng phạt này nhắm vào các cá nhân chứ không phải các lợi ích kinh doanh lớn hơn của Nga.

Tuy nhiên, yêu cầu hành chính do ông Obama ký vẫn cho phép tiến hành thêm các biện pháp nhằm vào “các cá nhân có ảnh hưởng lớn tới chính sách của Chính phủ và nền kinh tế Nga nhưng không nắm giữ các vị trí trong Chính phủ”. Ông Obama hiện vẫn để ngỏ một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay nếu Nga đồng ý rút quân khỏi các căn cứ ở Crimea, cho phép triển khai các nhà quan sát nước ngoài và đồng ý đàm phán với Ukraine.

Bên cạnh đó, Nhật Bản ngày 18/3 cũng tuyên bố sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. “Việc Nga công nhận nền độc lập của Cộng hòa tự trị Crimea là một hành động đáng trách, là động thái vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” – Bộ Ngoại giao Nhật Bản trong một tuyên bố ngày 18/3 viết. Thông cáo của Bộ này cho biết thêm, Tokyo sẽ “ngừng các cuộc đàm phán về việc nới lỏng các yêu cầu visa và sẽ không khởi động các vòng đàm phán về một thỏa thuận đầu tư mới, một thỏa thuận vũ trụ và một thỏa thuận nhằm ngăn chặn các hành động quân sự nguy hiểm”.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao ở Brussels cho biết EU và các nhà lãnh đạo Ukraine có thể sẽ ký phần chính trị của một thỏa thuận đã bị ông Yanukovych từ chối hồi tháng 11 vừa qua. Thỏa thuận này đã dấy lên các cuộc biểu tình và dẫn tới việc ông Yanukovych bị lật đổ.

Theo Phapluat/Vietnam+