Báo Nhật: Tiết lộ việc TQ phê chuẩn khoan dầu Biển Đông
Các nhà lãnh đạo hàng đầu TQ từ đầu năm nay đã quyết định xúc tiến khoan dầu ở Biển Đông bất chấp hậu quả ngoại giao.
Nhật báo Ashahi Shimbun, một trong những tờ báo hàng đầu Nhật Bản đăng tải thông tin này.
Đầu tháng 5, TQ đã đơn phương triển khai giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế của VN.
TQ triển khai rất nhiều tàu bảo vệ giàn khoan hạ đặt trái phép ở vùng biển VN. Ảnh: Ashahi Shimbun |
Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia TQ (CNOOC) từ lâu đã muốn thực hiện việc khoan dầu khí ở Biển Đông. Tuy nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao TQ đã phản đối vì lo ngại rằng, quan hệ giữa nước này với các láng giềng sẽ trở nên tồi tệ vì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong vùng biển.
"CNOOC không quyết định một mình trong việc khoan dầu. Các nhà lãnh đạo TQ đã chấp thuận việc này hồi đầu năm nay”, một nhà nghiên cứu đệ trình các đề xuất chính sách lên chính phủ TQ cho biết.
Theo nhà nghiên cứu này, công ty dầu khí đã kêu gọi cần tiến hành khoan dầu ở vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hơn một thập niên qua. Quân đội TQ với tham vọng mở rộng lợi ích quốc gia, cũng ủng hộ động thái này.
Ngày 2/5, CNOOC đã kéo giàn khoan khổng lồ, có khả năng khoan sâu 3.000m ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
Theo Yi Xianliang, phó tổng giám đốc vụ các vấn đề biên giới và đại dương, Bộ Ngoại giao TQ thì, nước này đã bắt đầu tính toán hoạt động trong vùng biển cách đây một thập niên. Tuy nhiên, một số nguồn tin trong ngành công nghiệp dầu khí nói rằng, công việc trước đây chủ yếu liên quan tới khảo sát địa chất.
Trong những nhân tố dẫn tới quyết định khoan dầu là sự hiện diện ngày càng lớn của quân đội TQ trên Biển Đông, cũng như việc người dân TQ tăng cường nhận thức về vấn đề lãnh thổ và lợi ích hàng hải bắt nguồn từ tranh chấp Trung - Nhật ở Hoa Đông.
Tuy nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại TQ khá lo lắng. Bộ Ngoại giao TQ đang tìm kiếm xây dựng một môi trường bên ngoài ổn định mà họ cảm thấy là cần thiết để phát triển kinh tế. Họ e ngại quan hệ với các nước ASEAN và Mỹ sẽ suy giảm nếu TQ bắt đầu khoan dầu ở Biển Đông và giữ lập trường thận trọng về vấn đề này.
Trong một thời gian dài, đề xuất không được thực thi vì TQ không có công nghệ khoan nước sâu.
Tuy nhiên, vào năm 2008, CNOOC đã chi khoảng 6 tỉ nhân dân tệ (953 triệu USD) để bắt đầu chế tạo thiết bị khoan nước sâu. Giàn khoan được hoàn tất tháng 5/ 2011.
Giàn khoan này đã được triển khai ở mỏ khí Liwan cách bờ biển Hong Kong 300km về phía đông nam. Dự án này do CNOOC và một công ty Canada thực hiện. Theo một quan chức của công ty Canada thì công việc khoan đã hoàn tất năm ngoái, sản xuất khí đốt bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3.
Khi dự án tại mỏ khí Liwan hoàn thành, CNOOC đã đưa giàn khoan ra vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa để bắt đầu hoạt động đầu tháng 5.
Động thái này là một dấu hiệu khác cho thấy, Bắc Kinh ít chú tâm tới quan điểm quốc tế, và tìm cách thúc đẩy nhanh chóng việc kiểm soát hiệu quả Biển Đông trên cơ sở và những lợi ích của riêng họ.
Kể từ năm 2001, khi TQ ra nhập Tổ chức Thương mại thế giới, những tập đoàn dầu khí nhà nước TQ đã nhanh chóng mở rộng hoạt động ở nước ngoài và họ cũng rất hăm hở để phát triển các tài nguyên nằm trong Biển Đông.
Chính quyền của chủ tịch TQ khi đó là ông Hồ Cẩm Đào đã “giữ chân” các công ty dầu khí. Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao TQ, đó vẫn là thời của nguyên tắc ngoại giao mà cố lãnh đạo TQ Đặng Tiểu Bình đưa ra gọi là “thao quang dưỡng hối” (ẩn mình chờ thời).
Tuy nhiên, chính quyền hiện nay rõ ràng đã đi theo một đường hướng khác bằng việc theo đuổi mục tiêu biến TQ thành “cường quốc hàng hải”. Điều này dẫn tới các động thái ngày một gia tăng của TQ ở Biển Đông và Hoa Đông.
Theo Vietnam.net