Khi mô?

06/05/2014 23:33

(Baonghean) - Dân ta bản lĩnh, trí tuệ và gan góc nên đã chiến thắng nhiều kẻ thù hùng mạnh hơn mình nhiều lần. Lập nên những chiến công hiển hách làm “chấn động địa cầu” trong suốt 30 năm đấu tranh bảo vệ đất nước.

Những ngày tháng Tư, tháng Năm lịch sử này, mở đài nghe, bật ti vi xem, giở báo ra đọc hay đến dự các buổi gặp mặt, trao đổi đều thấy nói rứa cả. Thật đáng tự hào. Nhưng tự hào rồi lại băn khoăn vì thấy: có vẻ như bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, những phẩm chất cao quý đó chưa phát huy một cách có hiệu quả. Bằng chứng là gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một “chiến thắng” nào vang dội, tầm cỡ thế giới. Chưa có một tên tuổi, một thương hiệu nào gây ấn tượng mạnh với cả thế giới như “thương hiệu” Điện Biên Phủ. Tại răng rứa hầy?

Câu hỏi ni rất khó trả lời cho ngắn gọn mà lại đầy đủ, chính xác nên tui chỉ dám đưa ra một ví dụ để “cả làng” cùng ngẫm. Đó là nhân dịp 32 doanh nghiệp nhận giải thương hiệu Việt được yêu thích nhất, người ta đã bàn nhiều, nói nhiều về xây dựng và phát triển thương hiệu Việt cả ở trong nước lẫn nước ngoài. Một bà Việt kiều là chủ doanh nghiệp dược phẩm đã phát biểu: “Chúng tôi tin rằng không có lý do gì Việt Nam không thể bắt kịp các nước đang phát triển khác, các nước trong khu vực ASEAN và châu Á về công nghiệp dược phẩm. Người Việt Nam khi được đào tạo, quản lý một cách bài bản và khoa học, có thể xây dựng được một ngành dược không thua kém bất kỳ một dân tộc nào trên thế giới”.

Bà nớ nói hoàn toàn có cơ sở từ thực tế và không chỉ ở mỗi ngành dược không thôi đâu, mà ở các ngành nghề khác, khi được tiếp cận cách đào tạo, quản lý một cách bài bản, khoa học, người Việt Nam ta đều có thể làm nên chuyện, khiến thế giới phải ngả mũ khâm phục. Bằng chứng là trong âm nhạc chúng ta có Đặng Thái Sơn, trong Thiên Văn học chúng ta có Trịnh Xuân Thuận và mới đây, trong Toán học, chúng ta có Ngô Bảo Châu. Và không ít người có tên tuổi trên thế giới ở các lĩnh vực khác nữa. Điểm chung của họ là đều được học hành ở những đất nước có nền giáo dục và đào tạo bài bản, khoa học cùng phương thức quản lý tiên tiến chứ không phải ở trong nước. Như vậy, về tố chất cơ bản và cần thiết, người Việt ta không hề thua kém ai cả. Điều khiến chúng ta phải chịu thua sút là do chưa được đào tạo bài bản và quản lý một cách khoa học. Điều buồn là cho đến hôm nay, ngành Giáo dục vẫn đang chưa biết phải làm gì và làm như thế nào với đề án đổi mới toàn diện và các vụ trọng án liên tục diễn ra với con số tổn thất hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mỗi vụ.

Và vấn đề đặt ra ở đây là đến khi mô thì chúng ta có được nền giáo dục - đào tạo bài bản và một nền quản lý khoa học như mong muốn. Khi mô?

Nghệ Nhân