Nơi truông lên phố
(Baonghean) - Thị trấn huyện lỵ của huyện trung du Thanh Chương mấy năm lại nay làm người ta ngạc nhiên bởi hình hài phố thị vừa dáng dấp hiện đại vừa nhuốm vẻ mơ màng phố núi. Thay đổi ấy khiến cho những định kiến, những ý chí muốn chuyển dời huyện lỵ về vùng Rộ - Võ Liệt - nơi người Pháp chọn đặt huyện đường thời phong kiến cũng phải nhãng dần...
Hồ trung tâm thị trấn Thanh Chương. Ảnh: Hà Lành |
Tôi cứ muốn gọi huyện lỵ nằm ở thế đất vùng truông ấy như tên gọi cúng cơm của nó: Thị trấn Dùng.
Thì, văn bản Nhà nước khi cho thành lập thị trấn này chả là đã đặt tên “Thị trấn Thanh Chương”, nhưng nhiều văn bản bây giờ vẫn ghi là “Thị trấn Dùng” khiến không ít bậc lão thành địa phương cứ nổi đóa lên; mặc dù, khi tôi hỏi chiết nghĩa cái chữ “Dùng” ra sao thì không ai biết cả?!
Rồi, tôi lại phải dẫn câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”, để xin hẹn gặp quấy quả ông Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương, người vốn quê Cát Ngạn, nay đã trở thành công dân - thị dân của Dùng mà trong chút máu me văn nghệ ông từng có những bài viết nặng nghĩa tình cho “nơi đất ở” này. Chiều đầu hạ, cái bức khí đã nghe rình rập ngọn gió Lào làm cuộn lên những đám bụi đỏ phía công trường xây dựng cây cầu Dùng mới trị giá trên dưới 160 tỷ đồng. Thời gian cho thấy, cứ mỗi lần thị trấn này xây dựng thêm một công trình công cộng lớn là dồn nén cho một sự bứt phá đô thị không chỉ về thương mại dịch vụ, mà từ đó người dân còn được hoan hỷ nghênh đón những giá trị văn hóa tinh thần mới để khẳng định đâu cứ phải một trung tâm phố thị có lịch sử lâu dài thì ưu việt hơn. Thị trấn Dùng không có được bề dày địa chí và tuổi phố thị như những thị trấn Đô Lương, Thái Hòa, Sa Nam… nhưng những “chứa chấp”, vật lộn trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt cho đến những thăng trầm khẳng định vị thế như hôm nay đã tạo cho thị trấn này một giá trị quần cư đô thị đích thực.
“Khi mô cho hết truông Dùng/ Cho qua truông Rạng, cho cùng truông Si” - tôi mang cái câu ca nghe thương đến se lòng ấy của thăm thẳm tâm sự tiền nhân mà tôi hóng được từ ông Đặng Anh Dũng, để về xã Thanh Đồng tìm gặp cụ Võ Hạnh - nguyên Chủ tịch huyện Thanh Chương thời kỳ 1970 -1974. Ở tuổi 83, cụ Hạnh còn khá minh mẫn. Câu chuyện một già một trẻ trải về những năm tháng đầu thế kỷ trước, khi chợ Dùng là biểu hiện sống động nhất cho tên gọi một vùng truông. Cậu bé Võ Hạnh lên bảy, tám tuổi đã theo mẹ về chợ Dùng bán mớ chè, nải chuối … và bắt đầu nghe đến những từ cách mạng, cộng sản từ những buổi chợ còn lèo tèo quán lá ấy. Truông Dùng trước đó tính đến sự hiểm trở heo vắng bắt đầu từ nút thắt rú Nguộc, đường nhỏ len giữa mái núi rậm rì và lác đác “rợ mấy nhà” (chữ mượn của Bà huyện Thanh Quan - PV).
Lên nữa là truông Rạng, có đồn binh của Pháp khởi phát cho cuộc binh biến Đô Lương của Đội Cấn. Tiếp nữa là truông Si, có chợ Si… Nơi chợ thị trấn bây giờ, có cây da mà theo cụ Võ Hạnh, thời Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), người cộng sản trẻ được kết nạp Đảng năm 16 tuổi Võ Thúc Đồng (ông là một chính khách tên tuổi của Việt Nam) quê xã Thanh Ngọc, đã leo lên cắm lá cờ đỏ búa liềm (?)… Nhân dân nay vẫn quen gọi chợ thị trấn là chợ Da. Người mẹ thôn quê tảo tần chợ Si, chợ Dùng của cụ Võ Hạnh, cũng là một đảng viên lão thành, sớm noi theo gương yêu nước của cha anh hoạt động trong những ngày tiền khởi nghĩa. Dùng vì vậy, vốn cũng là đất tiềm ẩn hào khí yêu nước.
Như thế, ngay trước Cách mạng tháng Tám, truông Dùng đang là một địa danh mạn ngược heo hút, bí hiểm đối với khách lữ hành với lộ trình truông nối truông. Cách mạng về, người cày có ruộng, Dùng vẫn là vùng truông thưa thớt dân cày. Cho đến năm 1957, sửa sai cải cách ruộng đất, Ban chấp hành lâm thời của huyện mời các cụ lão thành tham gia để lấy lại uy tín với nhân dân. Việc đặt “đầu não” lãnh đạo huyện ở đâu được các cụ tranh cãi gay gắt. Hai vùng phát triển hai đầu huyện như vùng Cát Ngạn (Cát Văn) thì ảnh hưởng thông thương của Đô Lương; vùng hạ huyện chợ Cồn ảnh hưởng phía Nam Đàn, Vinh; địa điểm Rộ (Võ Liệt) được đề xuất chọn lựa, nhưng đất ấy vốn vùng lũ lụt, ruộng lại thuộc hạng “nhất đẳng diền” cần ưu tiên cho nông nghiệp, nên cuối cùng các cụ quyết định “định đô” ở Dùng dù giao lưu đường sá đối với Dùng đang là bế tắc…
Bây giờ, ở thị trấn cạnh Bưu điện huyện, vẫn còn sừng sững một ống khói xây bằng gạch là chứng tích một thuở lao động và kháng Mỹ anh dũng của Dùng với nhiều cơ sở công nghiệp như giấy, đường, mỳ sợi, nước chấm, hợp tác xã cơ khí nông cụ… của tỉnh chuyển về hoạt động ở đây từ những năm 1959 - 1960. Năm 1965, Mỹ đánh phá ác liệt, có ngày Dùng hứng trọn 3 tiếng đồng hồ đạn bom trút xuống, các cơ quan huyện phải sơ tán về các xã lân cận; đến năm 1972 lại lục tục kéo về, nhà công sở vẫn là những nhà gỗ cũ mua của dân… Thời điểm trước và sau năm 1985, khi có quyết định thành lập thị trấn, ngoài công trình cầu treo Dùng “cắm vào lòng sông Lam bí hiểm một cột mốc thứ 2 sau cầu Bến Thủy” (“Nhịp cầu sang Xuân” - Nguyễn Huy Cận) và Nhà hát nhân dân quy mô nhất tỉnh lúc ấy (sau Nhà Văn hóa Lao động tỉnh), thì huyện lỵ trung du vẫn mang nặng dấu ấn dã chiến và cơ chế bao cấp với vỏn vẹn một cây số đường nhựa xuyên qua như thế suốt những tháng năm dài cho đến thời kỳ Đổi mới…
Công trường xây dựng cầu Dùng mới. Ảnh: Đ.S |
Và cho đến hôm nay. Chiều chớm hạ này. Dạo chân trên hành lang các con hồ trung tâm phố Dùng lát gạch thoáng đẹp, dưới những vầng hoa bằng lăng bung nở tím cả sắc trời trung du, tôi ngó bốn phía thị trấn muôn hình khối kiến trúc nhà dân, công sở, nhà hàng dịch vụ khang trang in bóng mặt hồ xanh; mà trở về một ký ức riêng vào năm 1982, khi tôi mang theo tiêu chuẩn tháng 12 cân thóc của Hợp tác xã ở Thanh Khai vùng hạ huyện lên học lớp năng khiếu tập trung ở Dùng cách nhà 15 cây số. Con đường lớn duy nhất xuyên qua huyện lỵ hồi ấy luôn phủ lên đỏ đọc một lớp bùn đất sau mỗi cơn mưa, bên lề đường còn rậm tre pheo và bóng cọ.
Nay, phố Dùng ngoài tuyến chính Quốc lộ 46 chạy qua, là những ngả đường khối xóm thảm nhựa phẳng phiu nối với các tuyến giao thông thuận lợi chạy về các xã trong huyện. Cũng từ điều kiện giao thông ấy và phát triển tốt dịch vụ, Dùng đã ngày một “hút” về những nhu cầu kinh tế - văn hóa xã hội khẳng định trung tâm kinh tế - chính trị của huyện. Nhưng đáng nói nhất, vẫn là quy hoạch đô thị rộng 655 ha cho khoảng 1.000 khẩu dân cư trong 15 khối xóm mà quỹ đất dành cho các công trình thiết chế văn hóa, trường học đang còn dồi dào, đủ để thấy một tầm nhìn của địa phương. Tầm nhìn ấy, tỷ như cuộc chuyển đổi ruộng cày thành hai con hồ rộng mênh mông giữa lòng thị trấn vào năm 2005 ấy; mà như ông Đặng Anh Dũng nói, còn là một bứt phá cả về nhận thức, chấm dứt cảnh “thị dân vác cày nghênh ngang trên đường nhựa”, để nay mỗi sáng, mỗi chiều nhộn bước chân người thư thả tản bộ, rèn luyện dưỡng sinh làm nên một nét phố văn minh và thanh bình đến lạ!
Ít có thị trấn nào có đến hai ngôi chợ lớn như ở Dùng. Trên có chợ thị trấn sầm uất, dưới có chợ chiều buổi họp cuối ngày đông vui không kém. Sản vật Thanh Chương gọi là phong phú ở hai chợ này. Mùa nào thức rau quả nấy: trám, ổi, chuối, mít, chè xanh… đến con cá con tôm ao đầm, sông suối, ruộng quê đánh bắt lên tươi roi rói. Nói đến ẩm thực Dùng, từ những quán hàng bình dân đến những nhà hàng lớn như Phố Huyện, Song Linh… đều phong phú các món chế biến từ đặc sản quê nổi tiếng như trám, gà đồi, cá mát, nhút, canh măng thính… ăn một lần là nhớ mãi. Sự làm ăn khấm khá, kiến trúc nhà dân cũng đổi dạng nhanh chóng bắt kịp kiến thiết mới tầm trung tâm huyện lỵ. Nhà cao tầng mọc lên, trên sinh hoạt, dưới bung ra dịch vụ làm ăn, cho thuê… nhưng đã nghiêm ngắn lề hè, được người dân tự giác chăm chút vệ sinh môi trường, trồng hoa cây cảnh; nếp sống khối phố, nhịp bán mua văn minh đã chững chạc làm dày thêm quang cảnh phố xá một phố núi hấp dẫn trong tương lai. Cuối năm 2014 này, khi mà cầu Dùng 2 hoàn thành, nối con đường lớn vươn về vùng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, dám chắc phiên chợ thị trấn sẽ thêm sắc màu váy thổ cẩm của đồng bào Thái vùng tái định cư về đan nhịp phố vui.
Chiều trung du buông chầm chậm. Phố núi dần lên đèn. Lung linh gương mặt hồ điểm những đóa sen tháng Năm thơm ngát. “Khi mô cho hết truông Dùng…” - đường xưa truông vắng nay là mơ màng phố núi thoai thoải con dốc đường nhựa như ẩn chứa lời chào tạm biệt. Ừ là tạm biệt nhé phố núi! Chào những nụ cười rạng rỡ của nam thanh nữ tú đang hóng mát ven hồ, trao nhau sắc tím màu hoa bằng lăng; chào cụ già râu tóc bạc phơ đang cẩn trọng chăm sóc bồn hoa trước cửa; chào cả ánh trăng phố núi vừa kịp ươm vàng lên cảnh sắc phố thị đông vui. Đã hết một nẻo truông Dùng heo hút xưa để bây giờ tôi được mang theo một phần tình nghĩa tình nghĩa quê hương phố huyện...
Đ.S