Hành động phi pháp, không thể ngụy biện!

06/05/2014 14:34

(Baonghean) - Ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo cho biết giàn khoan có tên Hải Dương 981 (HD-981) sẽ tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15029’58” vĩ Bắc – 111012’06” kinh Đông từ ngày 2/5 đến 15/8. Ngày 4/5, Đài Truyền hình Việt Nam chính thức cho biết người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD-981 nêu trên nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, Việt Nam kiên quyết phản đối hành động xâm phạm này.

Để tạo môi trường hòa bình và ổn định phát triển đất nước, Việt Nam đã kiên trì thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ và giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất liền, vùng trời và vùng biển đảo trước những hành động gây hấn hoặc tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc bằng các biện pháp hòa bình. Những nỗ lực kiên định lập hòa bình trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp của Việt Nam vừa phù hợp với truyền thống yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ quốc tế trong “thế giới phẳng”, được dư luận tiến bộ đánh giá cao. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là phía Trung Quốc chẳng những không nhận ra những nhận thức sai lầm, lệch lạc về tuyên bố “đường lưỡi bò” và những hành vi gây hấn của họ trên biển Đông, mà còn tiếp tục có những bước đi nguy hiểm, hành động sai trái, hết sức ngang ngược, thực sự đáng tiếc và hoàn toàn không thể chấp nhận.

Việc đưa giàn khoan HD-981 đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy phía Trung Quốc đã phạm sai lầm lớn, là hành động phi pháp, phi nghĩa, tất sẽ phải nhận sự lên án, tố cáo và thái độ kiên quyết phản đối bởi không thể ngụy biện dưới bất kỳ hình thức nào.

Trước hết, với tư cách là một trong năm nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan đến hoạt động ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (tiếng Anh: United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS), cũng gọi là Công ước Luật biển, là một hiệp ước quốc tế được tạo ra trong Hội nghị về Luật biển Liên Hợp Quốc lần thứ 3 diễn ra từ năm 1973 cho đến 1982 với các chỉnh sửa đã được thực hiện trong Hiệp ước Thi hành năm 1994. Công ước Luật biển là một bộ các quy định về sử dụng các đại dương của thế giới, có hiệu lực từ năm 1994. Theo quy định tại Công ước này thì Trung Quốc đã đưa giàn khoan vào sâu quá đường xác định vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tới 81 hải lý/148km. Việc làm này cho thấy Trung Quốc chẳng những không gương mẫu thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc, mà còn vi phạm nặng văn bản pháp lý của Liên Hợp Quốc, được coi là văn bản pháp lý cao nhất của thế giới về xác định chủ quyền biển đảo. Việc tự ý thực hiện các ý đồ xâm phạm chủ quyền quốc gia khác, bất tuân pháp luật quốc tế là điều mà thế giới đã, đang và tiếp tục lên án, tẩy chay, bởi hành động đó chỉ có thể là hành động của kẻ “côn đồ”, “giang hồ”, “đầu gấu làng”. Hành động đó luôn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các mối quan hệ tốt đẹp, gây mất đoàn kết và gây hấn giữa các quốc gia, dân tộc, nguyên nhân của những xung đột, va chạm và đối đầu, đi ngược lại với tiến trình lịch sử văn minh của thế giới phát triển.

Cùng với đó, Cục Hàng hải Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, là bằng chứng không thể chối cãi về việc phía Trung Quốc đã hành động đơn phương chà đạp lên các cam kết, tuyên bố về quan hệ hợp tác giữa hai nước láng giềng Việt Nam – Trung Quốc. Đây không còn là hành động xảy ra ở vùng tranh chấp, mà hành động xảy ra ở ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hơn thế, đó còn là bước đi nguy hiểm, cho thấy sự vi phạm của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở những tuyên bố, gây hấn, mà đã hiện thực hóa bằng hành động ngạo mạn, đầy hiếu chiến và hiếu thắng. Với hành động đó, Trung Quốc không có bất cứ căn cứ pháp lý, căn cứ thực tế nào để ngụy biện, che dấu cho hành động sai trái nói trên. Do đó, việc kiên quyết đấu tranh để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là cần thiết và chắc chắn phải thực hiện quyết liệt cho đến khi Trung Quốc chấm dứt mọi hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Việc đưa giàn khoan khổng lồ, với giá hàng tỷ đô la, đến vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, cho thấy phía Trung Quốc không hề ngẫu nhiên mà phải có một lộ trình thực hiện ý đồ gian hiểm trong lâu dài, và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này hết sức nguy hiểm bởi nếu ý đồ độc chiếm biển Đông không bị ngăn cản, Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện thực hóa yêu sách vô lý “đường lưỡi bò” một cách thâm hiểm hơn với các hành động ngang ngược, trắng trợn hơn. Nếu các biện pháp đấu tranh chưa đủ sức nặng để ngăn chặn, không có gì đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với tư cách như một quốc gia quần đảo để tạo ra vùng chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và các quốc gia liên quan. Nếu điều này xảy ra thì chẳng khác nào một đại thảm họa đối với tất cả các quốc gia có chủ quyền bị Trung Quốc chiếm giữ.

Tuy nhiên, một khi vấn đề lợi ích quốc gia, chủ quyền đất nước, lợi ích chính đáng của toàn thể dân tộc được luật pháp quốc tế thừa nhận, Việt Nam sẽ buộc phải bảo vệ chủ quyền bằng những biện pháp cụ thể, thực tế và hiệu quả. Với tất cả sức mạnh pháp lý, sức mạnh chính nghĩa, cơ sở thực tế và căn cứ lịch sử không thể chối cãi, Việt Nam kiên quyết phản đối, không chấp nhận bất cứ lý do ngụy biện, ngụy trang nào che đậy cho hành động vi phạm chủ quyền của phía Trung Quốc; đồng thời kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi mọi hành động xâm phạm chủ quyền trái pháp luật của phía Trung Quốc.

Chí Linh Sơn