Sức trẻ nơi cửa biển

10/03/2014 14:44

(Baonghean) - Những năm gần đây, xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) có nhiều trăn trở trong phát triển kinh tế gắn với tài nguyên biển. Ngoài việc phát triển mạnh nghề mộc truyền thống, nhiều thanh niên trẻ đã mạnh dạn nuôi ngao, nuôi tôm…

Gắn bó với nghề khai thác thủy sản và nghề mộc (Làng nghề Trung Kiên có tuổi ngót 700 năm), nhưng nhìn chung cho đến nay đời sống người dân xã Nghi Thiết vẫn chưa thể gọi là giàu. Trong điều kiện đó, các mô hình kinh tế do những người trẻ ở đây đang tạo nên khí thế làm ăn mới tác động đến nhiều phong trào ở địa phương.

Hai tàu công suất 400CV đang chờ hoàn thiện ở xưởng mộc  Nguyễn Trọng Hồng.
Hai tàu công suất 400CV đang chờ hoàn thiện ở xưởng mộc Nguyễn Trọng Hồng.

Anh Hoàng Văn Thái - Bí thư Đoàn xã Nghi Thiết, cho hay, đến thời điểm này, tổng số thanh niên con em trong xã có gần 1.700 người, trong đó có trên 60% đi xuất khẩu lao động và làm ăn khắp nơi trong nước. Nghề đi biển hiện chỉ còn một số trung niên duy trì và buộc phải thuê lao động ở các địa phương khác. Lãnh đạo xã cũng đã rất trăn trở về vấn đề trên; trong các phương hướng, giải pháp phát triển kinh tế đều khuyến khích khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương.

Ở xóm Chùa 2 có vùng bãi sông rộng hơn chục hécta, một số diện tích đã được Nhà nước đầu tư trồng rừng ngập mặn. Nhiều năm về trước, bãi cát để hoang hóa nhưng nay đã mọc lên trên bãi sông các căn chòi của người dân nuôi ngao; trong đó, có căn chòi của chàng Bí thư Chi đoàn TN xóm Chùa 2 Phạm Văn Hải sinh năm 1984. Sinh ra từ làng chài, gắn bó sông nước nhưng là Hải thực sự chăm chỉ lao động, đi làm thuê nhiều nghề rồi tích góp tiền công về quê lập nghiệp. Năm 2010, sau khi đã được tập huấn ngắn về nuôi trồng thủy sản, anh đầu tư gần 100 triệu đồng khoanh 1,5 héc-ta bãi sông để nuôi ngao. Phạm Văn Hải cho biết, năm đầu tiên anh lãi hơn 100 triệu đồng, năm thứ 2 và thứ 3 dù ngao bị nhiễm bệnh, lãi không như tính toán nhưng vẫn tích lũy thêm khoản kha khá để tiếp tục đầu tư nuôi ngao và… cưới vợ.

Nay, vợ chồng anh gần như thức ngủ với con ngao. Cao điểm khi thu hoạch, Hải thuê thêm nhân công là người trong làng, trong xã. Nuôi ngao “1 vốn 3 lời”, nếu như thuận lợi năm 2014 này Hải dự kiến thu lãi khoảng trên 200 triệu đồng. Khát vọng của Hải là nếu có thêm diện tích, sẽ vay vốn đầu tư nuôi khoảng 3 - 5 hécta ngao với quy trình mới và cần khoảng 3 - 5 lao động thường xuyên. Không chỉ làm ăn giỏi, Phạm Văn Hải còn tích cực hoạt động Đoàn thanh niên, thường xuyên đem ý tưởng làm ăn và kinh nghiệm nuôi ngao trao đổi trong các kỳ tổng kết, sinh hoạt Đoàn Thanh niên và Hội LHTN của xã.

Cũng là từ ý tưởng táo bạo và sau khi đã xem xét kỹ lợi thế tự nhiên, từ năm 2002, chàng thanh niên giáo dân Nguyễn Văn Trung (sinh năm 1978) ở xóm Mới đã quyết định chung sức với người anh rể ra vùng cửa lạch sông Cấm để đào đầm nuôi tôm thẻ chân trắng. Hơn 2 héc-ta đất cồn để hoang chủ yếu cho người dân thả bò, được Trung và anh rể bỏ công sức, tiền bạc cải tạo thành những vuông đầm nuôi tôm khá quy mô. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, có vụ thắng vụ hòa, đến năm 2006, Trung tách ra nuôi riêng hơn 1 héc-ta đầm tôm và từ đó đến nay, Nguyễn Văn Trung được ghi nhận là “vua” tôm Nghi Thiết. Phó bí thư Đoàn xã Đậu Văn Thắng cho biết Trung là người nuôi tôm duy nhất của xã chưa hề biết thua lỗ dù xảy ra dịch bệnh về tôm trong tỉnh không ít. Đó là vì anh chịu khó, kỹ tính trong phòng chống dịch và bảo vệ đầm tôm.

Hiện nay, Trung đã thả tôm vụ mới với 47 vạn tôm giống, ước tính thu hoạch sẽ lãi ròng khoảng 150 triệu đồng; một năm thả 2 vụ, nếu thuận lợi anh có lãi ròng 300 triệu đồng. Trung cho biết, hiện nay anh thuê 2 nhân công, trả lương 4,5 triệu đồng/tháng; vụ tôm thắng lợi thì kỳ thu hoạch anh trả 10 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay sau 10 năm nuôi tôm trên “đất khó” Nghi Thiết, Trung đã tích lũy được gần 1 tỷ đồng tiền vốn, dự kiến có thể sẽ đầu tư để mở thêm dịch vụ đầu ra cho con tôm bằng bỏ mối cho các chợ hải sản và dịch vụ ăn uống bên Cửa Lò. Được biết, Nguyễn Văn Trung còn là thành viên Hội đồng mục vụ giáo họ Đông Ngạn của giáo xứ Lộc Mỹ, đã có rất nhiều đóng góp trong phát triển phong trào thanh niên vùng giáo ở Nghi Thiết và anh cũng là tấm gương làm giàu trên quê hương có sức lan tỏa lớn ở địa phương.

Với khát vọng làm thăng hoa nghề mộc truyền thống của làng nghề mộc Trung Kiên, anh Nguyễn Trọng Hồng – thành viên tích cực của Hội LHTN xã, sinh năm 1977, ở xóm Chùa 2, là trong 4 mô hình thanh niên lập nghiệp mở nghề mộc làm ăn hiệu quả ở Nghi Thiết. Lớn lên theo nghề mộc của cha ông, Nguyễn Trọng Hồng cũng nghe nhiều về lịch sử nghề đóng tàu thuyền đáng tự hào của làng mộc Trung Kiên. Năm qua (2013), anh quyết định xin chính quyền xã ra bãi sông đổ đất đắp mặt bằng hết hơn 5 nghìn mét khối đất, thêm nửa tỉ đồng vốn tự có và vay mượn để mở xưởng đóng tàu, thu nạp 20 lao động trẻ là con em trong làng nghề với mức lương 3,5 – 5 triệu đồng/người/tháng tùy công việc và tay nghề. Mới chỉ một năm mở xưởng, anh Hồng đã đóng 5 thuyền lớn từ 300 – 500 CV, hiện có 2 thuyền đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Nguyễn Trọng Hồng tâm sự: “Mở xưởng chủ yếu là để anh em bạn nghề có công ăn việc làm, thu nhập, nên tích lũy của cơ sở chưa có nhiều. Bản thân tôi vẫn làm việc quần quật như một thợ cả, chỉ ăn lương nhiều hơn chút đỉnh vì mình chịu trách nhiệm quản lý, giao dịch. Cái khó là không có kênh cho vay vốn dài hạn nên khó mở rộng quy mô; được vay ngân hàng 100 triệu đồng thì thời hạn chỉ 1 năm, có khi vừa mua xong nguyên liệu chưa kịp đóng thuyền thì lại đến hạn trả. Hiện tại, nếu được vay thêm khoảng 300 triệu đồng thời hạn 3 năm, tôi có thể thu nhận thêm khoảng 10 lao động nữa để mở rộng xưởng đáp ứng nhu cầu khách hàng”. Theo Bí thư Đoàn xã Hoàng Văn Thái, thì hiện cả xã có 4 mô hình thanh niên lập nghiệp như anh Thắng, trong đó có 2 “ông chủ” sinh sau năm 1980; mỗi mô hình sử dụng ít nhất cũng là 10 lao động. Thực tế, nếu có kênh cho vay vốn phù hợp, sẽ thành lập được khoảng 2 - 3 mô hình cơ sở mộc của thanh niên nữa; như thế, riêng các mô hình mộc thanh niên lập nghiệp của xã sẽ sử dụng hàng trăm lao động trẻ là con em của xã…

Hiện tại, được sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã, Đoàn thanh niên và Hội LHTN xã Nghi Thiết đang tiến hành lập đề án phát triển kinh tế trong thanh niên; trong đó sẽ lấy các mô hình thanh niên lập nghiệp đã có hiệu quả làm nòng cốt để phát động phong trào. Từ đó nhân rộng phong trào làm ăn giỏi trên quê hương xã biển anh hùng Nghi Thiết.

Bài, ảnh: Đình Sâm