Hỗ trợ xi măng làm giao thông nông thôn: Những bất cập

15/05/2014 10:18

(Baonghean) - Chủ trương hỗ trợ xi măng làm GTNT của tỉnh là một trong những chính sách thiết thực đối với phong trào xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, ngân sách eo hẹp, sự vào cuộc của các đơn vị liên quan chưa quyết liệt khiến chính sách hỗ trợ xi măng đang gặp những khó khăn.

(Baonghean) - Chủ trương hỗ trợ xi măng làm GTNT của tỉnh là một trong những chính sách thiết thực đối với phong trào xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, ngân sách eo hẹp, sự vào cuộc của các đơn vị liên quan chưa quyết liệt khiến chính sách hỗ trợ xi măng đang gặp những khó khăn.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Để kích cầu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản hỗ trợ xi măng làm đường GTNT. Theo đó, định mức hỗ trợ được đưa ra là 200 tấn xi măng/km (đối với đường cấp A) và 150 tấn xi măng/km (đối với đường cấp B), kinh phí còn lại chiếm khoảng 70% tổng khối lượng công trình gồm cát, sỏi, đá và công lao động do nhân dân đóng góp và các địa phương chủ động huy động từ các nguồn khác. Kết thúc đợt 1 (năm 2012), tỉnh đã hỗ trợ cho các địa phương 96.544 tấn xi măng và đã làm được 547 km đường GTNT. Từ hiệu quả chính sách hỗ trợ xi măng đợt 1, tỉnh tiếp tục chủ trương hỗ trợ xi măng đợt 2 (năm 2013).

Theo đó, tổng số xi măng tỉnh đã ký hợp đồng với doanh nghiệp để cung ứng cho các huyện, thành, thị xã làm GTNT đợt này là 106.694 tấn. Tuy nhiên, cho đến 25/4/2014, các địa phương mới chỉ nhận được 93.119 tấn, còn thiếu 13.575 tấn chưa được doanh nghiệp cung ứng cho các địa phương. Riêng chủ trương hỗ trợ xi măng đợt 3 (năm 2014), trên cơ sở nhu cầu của các địa phương đăng ký, tỉnh giao cho Sở Tài chính ký hợp đồng với các đơn vị để cung ứng 94.025 tấn xi măng cho các địa phương. Đến thời điểm cuối tháng 4, các địa phương mới nhận được 300 tấn. Số xi măng Sở Tài chính ký hợp đồng với các đơn vị để cung ứng mới chỉ là số được tỉnh duyệt, còn thực tế, nhu cầu xi măng làm GTNT ở cơ sở còn lớn hơn.

Làm đường GTNT ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Làm đường GTNT ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.

Theo phản ánh từ các địa phương, tiến độ cung ứng xi măng làm GTNT để thực hiện NTM hiện nay rất chậm và nhỏ giọt. Tại xã Kim Liên (huyện Nam Đàn), hiện có 4 nội dung trong 4 tiêu chí GTNT, nội đồng, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt tiêu chí NTM. Theo đó cần phải làm 20 km đường GTNT; 22/25 xóm điều chỉnh và sửa chữa khuôn viên nhà văn hóa, mua sắm bộ khánh tiết và làm 3,5 km kênh xây. Nhằm tạo sự hưởng ứng mạnh mẽ trong nhân dân, ngày 17/2, xã Kim Liên tổ chức lễ phát động phong trào về đích xây dựng NTM năm 2014 và sau lễ phát động, phong trào hoàn thành các nội dung, tiêu chí NTM còn lại diễn ra sôi nổi, nhất là việc hoàn thành tiêu chí GTNT ở các xóm Mậu 1, Mậu 3, Mậu 5, Hội 3, Đồng 1, Hồng Sơn 1, Hồng Sơn 2,....

Ông Trần Lê Chương – Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên, cho biết: Nhờ chủ trương hỗ trợ xi măng của tỉnh, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo sát sao, các xóm quyết tâm, người dân được bàn bạc dân chủ, phong trào xây dựng làm NTM được triển khai “ầm ầm” ở các xóm. Các xóm huy động đóng góp từ trong nhân dân, bình quân mỗi khẩu 200 – 300 nghìn đồng, có hộ 7 khẩu với tổng mức đóng 1,4 - 2,1 triệu đồng. Ngoài đóng theo mức huy động, có những hộ còn ủng hộ thêm cho xóm để làm đường 5 triệu đồng như gia đình ông Trần Khắc Liên, xóm Hội 3. Tuy nhiên, theo ông Trần Lê Chương, khó khăn hiện nay là lượng xi măng theo chính sách hỗ trợ của tỉnh tiến độ cấp còn chậm, ảnh hưởng đến phong trào xây dựng NTM trong nhân dân. Nhu cầu xi măng làm GTNT của xã trong năm 2014 là 3.518 tấn, nhưng đến thời điểm này, xã mới nhận được 1.500 tấn xi măng. Do chưa có xi măng nên có một số xóm đã hoàn thành phần lu lèn nền đường và hệ thống giao thông nội đồng cũng đang trong tình trạng... chờ xi măng. Kim Liên đang cần trên 2.000 tấn xi măng để hoàn thiện tiêu chí giao thông.

Tương tự, ở xã Nam Cát với tổng số xi măng được hỗ trợ là 2.750 tấn, trừ số lượng hỗ trợ đợt 1 xã đã nhận đủ thì đến nay xi măng hỗ trợ đợt 2 mới chỉ nhận 437/952 tấn và 800 tấn của năm 2014 vẫn chưa có. Không chỉ ở Nam Đàn, ở các địa phương Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu... đều đang trong tình trạng “đường chờ xi măng”. Điều đáng nói, thời điểm này đang là thời gian cao điểm để làm GTNT lại không có xi măng để làm, trong khi đó mùa gặt đang đến gần và sau mùa gặt tiếp đến mùa mưa sẽ ảnh hưởng đến việc làm GTNT.

Đâu là giải pháp?

Theo ông Hoàng Viết Đường – Giám đốc Sở Tài chính (đơn vị được UBND tỉnh giao trách nhiệm nắm bắt nhu cầu, phân bổ chỉ tiêu xi măng cho các địa phương và ký kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng), hiện tại, phong trào xây dựng NTM, nhất là làm GTNT đang lên cao ở các địa phương. Nhu cầu về xi măng và yêu cầu tiến độ của các địa phương là rất đúng và chính xác. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề kinh phí. Thực hiện chủ trương cho vay xi măng làm đường GTNT xây dựng NTM, tỉnh đã ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng qua 3 đợt với tổng 297.263 tấn xi măng (Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai, Công ty CP Xi măng dầu khí Nghệ An, Công ty CP Xi măng và VLXD Cầu Đước). Tính đến ngày 25/4/2014, tổng số xi măng các huyện đã nhận là 189.963 tấn và đã xây dựng được hơn 1.000 km đường GTNT. Tổng số kinh phí dự toán phải chi theo chỉ tiêu, kế hoạch đã ký hợp đồng là 432 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua 2 đợt cung ứng xi măng (năm 2012, 2013), đến nay tỉnh đang còn nợ các doanh nghiệp 127,8 tỷ đồng. Và cộng thêm nhu cầu kinh phí mua xi măng đợt 3 tương đương 148,4 tỷ đồng thì tỉnh đang cần 276,2 tỷ đồng mới đáp ứng nhu cầu vay xi măng cho các địa phương. Thế nhưng, ngân sách của tỉnh dành vào việc mua xi măng hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM đang gặp khó khăn, dự toán phân bổ ngân sách mua xi măng năm 2014 chỉ 50 tỷ đồng, cộng 25 tỷ đồng bổ sung để thưởng cho các xã về đích sớm thì tổng chỉ có 75 tỷ đồng, trong khi đó nhu cầu kinh phí mới và nợ cũ đã là hơn 276 tỷ đồng, không đủ trả nợ cũ cho các doanh nghiệp dẫn đến việc cung ứng từ các doanh nghiệp hạn chế. Mặt khác, nhu cầu được hỗ trợ xi măng của các địa phương diễn ra trong cùng thời điểm cũng là vấn đề khó khăn.

Tại cuộc làm việc giữa Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh với Công ty Xi măng vừa qua, ông Nguyễn Quốc Huy – Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Hoàng Mai, cho rằng: Theo cam kết thỏa thuận đã được ký kết giữa tỉnh với doanh nghiệp thì thời hạn thanh toán tiền mua xi măng được thực hiện khi doanh nghiệp cung ứng đủ 30.000 tấn xi măng trong vòng 3 tháng. Và đến thời điểm ngày 30/4/2014, doanh nghiệp đã cung ứng cho các địa phương qua đơn vị trung gian là Công ty TNHH Thành Luân được 70.317 tấn, nhưng mới chỉ được thanh toán 29,5 tỷ đồng và tỉnh đang nợ 42,233 tỷ đồng. Mặc dù tỉnh đã có văn bản đề nghị Công ty Xi măng Hoàng Mai cho giãn trả nợ vào cuối năm 2014 và năm 2015, nhưng theo đại diện doanh nghiệp, đơn vị cần tiền để mua nguyên vật liệu đầu vào, trả lương cho người lao động, mặt khác, trong điều kiện hiện nay các nơi khác mua trả tiền ngay còn không có xi măng để bán.

Theo tìm hiểu, hiện nay lượng xi măng sản xuất đạt 2 triệu tấn/năm và nguồn xi măng cung ứng phục vụ cho chương trình xây dựng NTM chỉ khoảng 10% nên ý kiến cho rằng không đảm bảo nguồn cung ứng là không có lý. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là thiếu nguồn ngân sách để đảm bảo mua xi măng cung ứng cho các địa phương. Theo Ông Hoàng Viết Đường – Giám đốc Sở Tài chính, mặc dù đang rất khó khăn về nguồn tài chính, nhưng chủ trương hỗ trợ xi măng của tỉnh vẫn tiếp tục phải được triển khai. Sở Tài chính sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ứng tiền cấp quyền sử dụng đất năm 2014, vay vốn kiên cố hóa kênh mương, vay từ vốn nhàn rỗi của kho bạc để trả nợ cho các doanh nghiệp; hoặc doanh nghiệp cho tỉnh tính tiền lãi chậm trả quá hạn theo quy định của ngân hàng. Doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm đồng hành với tỉnh trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước.

Còn theo Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, ông Trần Quốc Chung, tỉnh nên trực tiếp làm việc với các đơn vị sản xuất xi măng để ký hợp đồng mua và cung ứng xi măng cho các địa phương, không nên chuyển tiền cho công ty trung gian. Mặt khác, cũng cần xem xét kiến nghị của các huyện về việc chuyển cho các huyện tự hợp đồng với nhà máy để cung ứng xi măng, về ưu điểm thì các huyện sẽ chủ động hơn nhu cầu xi măng, thời điểm cần xi măng; nếu giao cho huyện thì tỉnh phải đảm bảo đầy đủ nguồn kinh phí cho các huyện, bởi nếu không thì các địa phương cũng sẽ trở thành con nợ giống như chủ trương đợt 1, nhiều huyện đang nợ tiền cung ứng vận chuyển xi măng, như huyện Nghi Lộc tiền vận chuyển là 1,6 tỷ đồng nhưng tỉnh mới chuyển trả 400 triệu đồng.

Bài, ảnh: Mai Hoa