Đường Lý tự trọng Nhịp phố trẻ

31/03/2014 20:51

(Baonghean) - Cảm giác như mỗi ngày, phố khoác cho mình một vẻ tươi mới. Sự “không tuổi” ấy của đường Lý Tự Trọng (TP. Vinh), là bởi ở đây luôn tấp nập những dịch vụ đáp ứng đủ mọi nhu cầu của giới học sinh, sinh viên của các trường học trên địa bàn, mà “gu” mua sắm, giải trí và cả làm đẹp đã làm nên một nhịp phố trẻ trung…

Đường Lý Tự Trọng dài hơn một cây số, nằm trọn trên địa bàn phường Hà Huy Tập (TP. Vinh), nối ngang từ Đại lộ Lê-nin phía Đông lên đường Hà Huy Tập ở phía Tây. Đi trên đường, người ta sẽ nhanh chóng bỏ qua sự cũ kỹ, chật hẹp, thiếu vỉa hè nằm trong khu quy hoạch tổng thể xu hướng hiện đại ấy, để phải chú mục vào muôn sắc của các biển hiệu thiết kế theo phong cách “a còng” hai bên mặt phố. Một vài cụ già râu tóc bạc phơ thả bộ trên phố, những bà hàng rau quả, thực phẩm với gánh hàng nhỏ gọn nép vào các góc ngõ, những hàng đồ cũ bày bán vội bên vỉa hè để một nhoáng lại dọn đi…như càng làm tôn lên nhịp trẻ trung, tấp nập mua bán và sử dụng các dịch vụ của giới học sinh, sinh viên.

Toàn cảnh đường Lý Tự Trọng
Toàn cảnh đường Lý Tự Trọng

Trường Đại học Kinh tế Nghệ An đứng chân bên mặt bắc phố chính là hạt nhân làm nên phong cách phố này. Đây là một trường đại học công lập thuộc UBND tỉnh quản lí. Trường có chức năng đào tạo nguồn nhân lực về kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng cho tỉnh Nghệ An và các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. Ngoài ra các sinh viên của nước bạn Lào có nhu cầu học những chương trình đào tạo này cũng sẽ được trường đảm nhận đào tạo. Buổi tan trường, đường Lý Tự Trọng cuốn hút bởi những tà áo dài thanh nữ; những thời khắc sáng – trưa - chiều - tối đường lại lao xao, háo hức muôn gương mặt của học sinh, sinh viên nội trú, thuê trọ. Hàng cà phê giải khát, hàng xí muội ô mai, hàng bánh rán bánh bèo, cho đến cơm bún phở bình dân… thi nhau làm dậy lên những hương vị, khiến bạn khó cưỡng ý định sà vào, để đợi đón một thức ẩm thực từ tay cô chủ, bà chủ mặt tươi như hoa lấy tiêu chí phục vụ tối thượng là làm vừa lòng các thượng đế tuổi ô mai. Trong các không gian dịch vụ mua sắm thời trang, may mặc, mỹ phẩm, quà lưu niệm, cắt tóc uốn sấy, games online… thường là với chiều ngang nhỏ hẹp, nhưng phong cách trang trí vui nhộn, hiện đại, luôn đông khách, dường như “nống” cả cái trẻ trung ra mặt phố. Chủ của một vài shop thời trang, làm đẹp nguyên sinh viên của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, ra trường không xin được việc làm ngay, đã đem vốn kiến thức kinh tế học được thuê ki-ốt kinh doanh, nuôi được cả em ăn học tại chính ngôi trường cũ của mình.

Chợ mới Phong Toàn nhìn từ đường Lý Tự Trọng
Chợ mới Phong Toàn nhìn từ đường Lý Tự Trọng

Cũng bên mặt bắc đường Lý Tự Trọng, như cố phủ nhận những rực rỡ, trẻ trung sôi động của lớp lớp dịch vụ nói trên, có cái cửa hàng biển hiệu trắng chữ đen đề “Bách hóa tổng hợp”, phênh phếch tường vôi, bán những hàng tiêu dùng như bao bì, bạt, nón mũ, giày dép… với mẫu mã “bảo hộ lao động”; cạnh đó là mấy ki-ốt bán cuốc xẻng, chổi tre chổi đót, quạt điện cũ treo lòng thòng những xâu cánh quạt phủ dày lớp bụi, hàng cơm bình dân của bà già nhai trầu mà khách thường là cánh thợ nề, ông xích lô… Tất cả, gợi lên một nếp sống thời bao cấp, có vẻ lạc lõng nhưng lại làm nên một nét thú vị cho phố.

Tấp nập, trẻ trung mặt phố là thế, nhưng những lối ngõ hai bên đường thường yên bình với màu xanh tre pheo, lác đác phi lao trong những bìa rậm cây dây leo thay cho bờ rào của những khu vườn xanh rau mùng tơi, khóm chuối. Đang lùi dần về phía sau mặt phố là một bộ phận dân cư “gốc” lao động tự do, dân công chức nhỏ mới đến định cư, dường như cuộc sống không mấy bận tâm đến ồn ào phố xá phía ngoài. Lối ngõ bình yên đi qua khoảnh ao chuôm xanh rì cây cỏ dại, dẫn vào đền Yên Xá, một ngôi đền nhỏ nằm tịch mịch giữa vườn keo rộng đã tạo nên một “bất ngờ phố”. Xem dẫn tích của đền mới biết đất này (địa giới phường Hà Huy Tập) quãng gần 3 thế kỷ trước còn là một dải đất hoang vu, phía Đông giáp Hưng Lộc mà ngày xưa gọi là làng Lộc Đa, phía Bắc giáp Nghi Phú xưa gọi là Yên Đại, phía Nam giáp Hưng Bình tức tổng Yên Trường và phía Tây giáp Quán Bàu khi đó còn là khu vực đường cận vệ ngoại trấn… Cho đến khi ngài cử nhân Lê Trung Sỹ (triều Lê sơ) về đây khai khẩn chiêu dân lập ấp, cuộc sống dần sinh sôi, hậu thế tôn ngài làm Thành hoàng thờ ở đền này. Danh phận xưa của đất ấy đang âm hưởng ở tên gọi của hai khối Yên Sơn và Yên Toàn hai bên đường Lý Tự Trọng nay. Cũng như tên làng Phong Toàn còn đậm trong ký ức kháng Pháp, chống Mỹ ở lớp người cao tuổi gắn bó với Vinh hiện nay.

Lưu giữ cho một tên đất Phong Toàn lịch sử, là phía Đông cuối đường Lý Tự Trọng có trụ sở của Hợp tác xã Phong Toàn, phía trước nghiêm ngắn dãy ki-ốt xây mới hứa hẹn sẽ sôi động hoạt động dịch vụ từ Đại lộ Lê-nin lan tỏa vào. Đối diện bên kia trụ sở hợp tác xã, là Chợ mới Phong Toàn quy mô kiến thiết chỉ kém Chợ Vinh và Chợ Ga, dù mua bán chưa mấy sầm uất, nhưng cũng đủ làm rộn lên một quãng phố như một gạch nối trẻ trung với những dãy biệt thự, khách sạn, khu đô thị mới cao tầng án ngữ ngang ngoài đại lộ lớn kia…

Sẽ có một ngày, đường Lý Tự Trọng giải tỏa mặt bằng, mở rộng chỉnh trang vỉa hè khang trang theo quy hoạch, làm đổi thay nhiều dáng vẻ đời sống mặt phố. Nhưng chắc chắn một điều, nhịp sống sôi động, trẻ trung nơi phố này vẫn vậy, một khi trường Đại học Kinh tế Nghệ An, ngày một nâng tầm quy mô và chất lượng. Còn những người trẻ mọi miền về đây học tập và rèn luyện, gắn bó với phố, hẳn sẽ có lúc suy ngẫm và tự hào về con đường thân thương mang tên người chiến sỹ cộng sản anh hùng mãi mãi tuổi 17 – Lý Tự Trọng.

Lý Tự Trọng tên khai sinh là Lê Văn Trọng, con của một gia đình cách mạng ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng lại sinh ra tại tỉnh Nakhon Phanom - Thái Lan vào năm 1914. Năm 1923, chỉ mới 10 tuổi, Lê Văn Trọng được sang Trung Quốc học tập; tham gia hoạt động trong Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí hội và được Lý Thụy (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) đặt tên là Lý Tự Trọng. Anh là 1 trong 5 đội viên được Lý Thụy giao hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 - 1927. Năm 1927, Lý Tự Trọng bị đặc vụ của Tưởng Giới Thạch bắt. Năm 1929, anh về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và làm liên lạc cho Xứ uỷ Nam Kỳ; liên lạc với các đồng chí cộng sản ở nước ngoài qua các chuyến tàu đến Cảng Sài Gòn. Ngày 9/2/1931, trong khi bảo vệ một đồng chí cán bộ Xứ ủy Nam Kỳ diễn thuyết ở sân vận động Lareni (Sài Gòn), Lý Tự Trọng đã bắn chết tên mật thám Lơgrăng và bị bắt, bị kết án tử hình. Anh bị xử chém vào 21/11/1931, lúc mới 17 tuổi. Tên Lý Tự Trọng được đặt cho nhiều con đường ở các đô thị trên cả nước.

Bài, ảnh: Đình Sâm