Ngư dân mong sớm dỡ bỏ tàu thuyền nát
(Baonghean) - Đồng Minh, Tân Minh và Đồng Thanh (xã Quỳnh Lập – TX.Hoàng Mai) là 3 xóm biệt lập nằm cách trung tâm xã khoảng 9 km. Bao đời nay người dân nơi đây sống dựa vào nghề khai thác hải sản gần bờ, hiện 3 xóm có 50 chiếc tàu cá cũ nát nằm án ngự tại lạch tránh trú bão, gây cản trở cho những thuyền đang hoạt động. Mặc dù những con thuyền cũ nát không sử dụng được nhưng các chủ thuyền không chịu tháo dỡ vì mong đợi sự hỗ trợ của Nhà nước.
Hàng chục tàu cá cũ nát chiếm chỗ nơi tránh trú bão tại xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai). |
50 chiếc tàu cá cũ nát đều có công suất dưới 20 CV, chủ yếu tồn tại từ năm 2001 và một số ít từ năm 1997 đến nay. Được biết, thông thường một chiếc thuyền công suất dưới 20 CV đóng để đi biển chỉ sử dụng được tối đa 13 năm là “hết date”, vì dạng thuyền này đầu tư thấp, vỏ gỗ mỏng, chất liệu gỗ kém nên hơn 10 năm khai thác đã xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó 50 chiếc tàu cá cũ trên đã nhiều năm nằm bờ không đi khai thác càng hư nặng. Qua quan sát, tất cả các con thuyền đều rệu rã, không còn máy, khoang thuyền chứa đầy bùn đất, nhiều chiếc chỉ còn lại cái đáy mê.
Song những người có thuyền cũ nát không chịu dỡ bỏ, còn những hộ có tàu cá đang hoạt động thì vô cùng bức xúc vì không có nơi neo đậu nhưng cũng không thể ra tay dỡ bỏ những chiếc thuyền cũ kia. Người dân nơi đây đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Sở dĩ có hiện tượng mua tàu thuyền cũ chờ hỗ trợ, xuất phát từ năm 2008 khi Nhà nước có chế độ hỗ trợ giá dầu cho ngư dân, không ít người dân đã mua tàu thuyền cũ hợp thức để được hỗ trợ tiền dầu. Vài năm nay, không hiểu xuất phát từ cơ sở nào, người dân 3 xóm trên lại rỉ tai nhau mua tàu thuyền cũ chờ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Vậy là thuyền rách không đi khai thác cứ nêm chặt tại nơi trú gió bão.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Ngư – Chi hội trưởng hội nghề cá của 3 thôn trên thừa nhận: “Cùng là ngư dân đi đánh cá với nhau, thương dân, muốn động viên bà con sửa đổi tàu thuyền nên từ năm 2012 trở về trước tôi đã che giấu thực trạng này và vẫn kê khai số tàu thuyền cũ thuộc diện đang hoạt động để làm sổ sách, giấy phép khai thác cho 39 tàu thuyền hỏng của 2 xóm (Đồng Minh và Tân Minh), nhưng thực tế những chiếc thuyền trên đã không khai thác 3 năm nay”. Năm 2013, bão số 10 và 11 xảy ra gây mưa lớn, nước dâng cao, tàu thuyền neo đậu chen chúc chồng lên thuyền nát, dẫn đến bị trôi 3 thuyền đang hoạt động gồm thuyền của ông Hoàng Văn Ngư, Nguyễn Văn Liệu, Trần Xuân Hà; 3 chiếc bị chìm của các hộ: Trần Xuân Ngắm, Hoàng Văn Khư, Trần Xuân Vương, gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ do bị hư hỏng các thiết bị trên thuyền phải đầu tư trang bị lại. Khi đó đích thân ông Ngư mặc áo phao bơi lội trong đêm để giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền.
Chứng kiến bão gió thiên tai, ngư dân càng thêm bức xúc về nơi neo đậu. Mỗi khi đài báo gió, các thuyền đi ngoài biển vội vã chạy về tránh trú tại khu vực Hói Rào (nơi có hàng chục thuyền nát đang chiếm chỗ), do nhiều thuyền nát đã chìm dưới mặt nước nên tàu cá của ngư dân không phát hiện được đã bị đâm, va phải thuyền chìm làm gãy cánh quạt, cong trục, phải đầu tư tiền triệu để sửa chữa. Do đó ngư dân nơi đây tha thiết kiến nghị lên ngành chức năng và chính quyền địa phương sớm có chế tài để thanh lý, giải bản số thuyền cũ nát để có chỗ cho tàu thuyền đang hoạt động neo đậu.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Xuân Tảo - một trong những hộ có thuyền nát đang án ngự ở nơi neo đậu. Ông Tảo thừa nhận mua thuyền cũ từ năm 2009, giá 17 triệu đồng, hiện thuyền đã hỏng không khai thác được đang nằm ở bến. Khi chúng tôi hỏi thuyền không còn sử dụng được sao không thanh lý đi? Ông Tảo lúng túng bộc bạch: “Cách đây mấy năm, Nhà nước có chế độ hỗ trợ giá dầu cho ngư dân, sau đó chúng tôi nghe phong phanh sẽ có hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Năm 2013, được biết không có chủ trương hỗ trợ cho cá nhân, hộ nào sắm thuyền mới thì tự lo kinh phí, mà có dự án CRSD về bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển bền vững chỉ hỗ trợ cho tập thể về đầu tư xây dựng hạ tầng chung… Bây giờ gia đình đã mua thuyền mới để đi khai thác, còn thuyền cũ cứ để vậy vì các hộ khác cũng như thế, biết đâu sau này có chế độ gì đó…”.
Qua tìm hiểu, tâm lý những hộ có thuyền cũ không muốn bỏ vì họ hy vọng vào một sự hỗ trợ nào đó. Còn những hộ có tàu cá đang hoạt động thì rất bất bình. Gia đình anh Mai Văn Lĩnh, chị Trần Thị Châu ở xóm Tân Minh bức xúc: Vừa qua, ảnh hưởng của các cơn bão liên tiếp, mưa lớn, nước biển dâng cao, tàu cá của nhà tôi bị chìm 2 lần vì không có nơi neo đậu an toàn, phải đậu ở ngoài xa. Sóng, gió đập mạnh khiến tàu cá bị gãy cánh quạt, hư hỏng các thiết bị, phải đầu tư trang bị lại, rất tốn kém. Không riêng gì nhà tôi, cuộc sống của người dân 3 xóm Đồng Minh, Tân Minh và Đồng Thanh đều dựa vào nghề khai thác ven biển. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp thanh lý các tàu thuyền cũ nát, giải phóng nhằm có chỗ cho những tàu cá đang hoạt động có nơi neo đậu an toàn để ngư dân yên tâm mỗi khi gặp bão gió”.
Anh Lê Văn Huân, xóm Tân Minh chia sẻ: Năm lên 12 tuổi tôi đã theo cha xuống thuyền đi biển, nay đã gần 30 năm lênh đênh bám biển, khi sóng lặng, nước êm, tàu cá đậu ở bãi ngang, nhưng mỗi khi bão gió phải vào bãi Hói Rào tránh trú. Nhưng mấy năm nay, hàng chục thuyền nát đậu án ngự tại lạch tránh bão, không có chỗ cho chúng tôi đậu. Bão số 10, 11 vừa qua, nước dâng mênh mông, một số tàu thuyền bị lật chìm, ngư dân khóc ròng, chờ tới khi nước rút, bà con trong xóm cùng hỗ trợ kéo thuyền lên, song nhiều thiết bị trên thuyền bị hư hỏng, thiệt thòi cho ngư dân. Trước sự bất cập thuyền đang hoạt động thì không có chỗ neo đậu, thuyền nát không đi khai thác chiếm chỗ đậu, nhân dân vô cùng bức xúc. Chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm vấn đề này để người dân yên tâm bám biển làm ăn, ổn định cuộc sống.
Trao đổi vấn đề này với ông Trần Đình Chiểu - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, được biết: Năm 2013 có Dự án CRSD về bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển bền vững triển khai tại địa phương. Để thực hiện dự án, có chương trình khảo sát tàu thuyền tại các xóm, từ đó người dân suy diễn sắp tới có hỗ trợ nên nhiều hộ đã mua thuyền cũ về tấp tại lạch tránh bão để chờ hỗ trợ. Thực chất dự án chỉ hỗ trợ cho tập thể, như đầu tư cơ sở hạ tầng chung, bến cá, xây dựng nhà hoạt động của xóm, trang bị thiết bị thông tin, bộ đàm liên lạc… để cộng đồng cùng hưởng lợi. Xóm, xã đã nhiều lần tuyên truyền về vấn đề này cho người dân, nhưng một bộ phận vẫn chưa thấu hiểu?
Ông Chiểu cho biết: “Vừa qua, ảnh hưởng các cơn bão, một số tàu thuyền không có nơi neo đậu dẫn đến bị chìm, trôi, ngư dân đề xuất với xã dỡ bỏ tàu thuyền cũ. UBND xã sẽ tổ chức khảo sát, khơi thông luồng lạch để các tàu cá đang hoạt động có chỗ ra, vào. Kế hoạch của xã là mời các hộ có tàu cá hỏng lên làm việc, giao trách nhiệm cho cá nhân, nếu các hộ không hợp tác với xã để giải quyết vấn đề này, buộc xã phải phối hợp với các lực lượng chức năng để cưỡng chế xử lý các tàu thuyền hư ải. Từ nay đến cuối năm, chính quyền địa phương kiên quyết xúc tiến làm sớm nhằm giải phóng luồng lạch, đảm bảo nơi neo đậu an toàn cho các tàu cá đang hoạt động vào tránh trú gió bão.
Quỳnh Lan