Nan giải thu phí đường bộ
(Baonghean) - Việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ (theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ) được xem là nguồn lực quan trọng góp phần cải thiện hạ tầng giao thông. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, thu phí đường bộ đối với xe mô tô đạt rất thấp.
Thi công làm đường giao thông ở Diễn Hoa (Diễn Châu). |
Việc thu phí đường bộ các phương tiện xe cơ giới tại Nghệ An được thực hiện thông qua 3 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại TP. Vinh, Nghi Lộc và Nghiã Đàn, nên công tác này được thực hiện rất hiệu quả (năm 2013 tổ chức thu phí 51.768 lượt xe ô tô với tổng số tiền là 150.870 triệu đồng). Ông Đặng Thanh Đường – cán bộ Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An cho biết: “Để thực hiện tốt công tác thu phí, trung tâm đã thành lập tổ chuyên trách, đồng thời chủ động đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thêm các thiết bị, máy tính để ứng dụng phần mềm tính phí, phần mềm thu phí… Năm 2013 tại trung tâm đã thu phí 45.588 lượt phương tiện với tổng số tiền là 132.505 triệu đồng và trong 3 tháng đầu năm 2014 tiến hành thu 9.734 phương tiện với số tiền hơn 26. 404 triệu đồng”. Công tác thu phí đường bộ xe ô tô được các chủ phương tiện chấp hành nghiêm túc, tuy nhiên, việc quy định về hoàn phí theo Thông tư 197/TT – BTC ở tỉnh ta vẫn còn vướng mắc. Do mới áp dụng nên một số khách hàng chưa biết được thủ tục nộp sổ và tem kiểm định cho đơn vị đăng kiểm trước khi đưa phương tiện đi sửa chữa, dẫn đến việc không làm được thủ tục hoàn phí.
Trong khi thu phí đường bộ đối với xe ô tô khá thuận lợi, thì việc thu phí xe mô tô ở tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh đã tham mưu các cấp, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương tổ chức thu phí cụ thể, chi tiết và mở tài khoản tiếp nhận kinh phí bảo trì đường bộ, đồng thời có công văn đôn đốc các huyện, thành, thị thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, đồng thời trên cơ sở số liệu của Phòng CSGT Văn phòng Quỹ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định tạm giao dự toán thu phí đường bộ… nhưng việc thu phí đường bộ đối với xe mô tô vẫn thực hiện chậm. Tại TP. Vinh, hiện có khoảng 180.028 xe mô tô và năm 2013 số thu phí đường bộ dự kiến hơn 12.173 triệu đồng nhưng cho đến thời điểm này mới chỉ đạt số thu hơn 3.855 triệu đồng.
Ông Trần Văn Dũng - Cán bộ kế toán UBND phường Quán Bàu - TP. Vinh cho hay: “UBND phường đã cung cấp tờ khai cho cán bộ của 12 khối và thông qua đó trực tiếp phát cho người dân. Cùng với việc thực hiện đúng quy trình, hướng dẫn của cấp trên, UBND phường còn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động qua hệ thống loa truyền thanh tại các khối, nên người dân chấp hành tốt. Tại khối 1 có khoảng 300 phương tiện và người dân đã nộp phí 25 triệu đồng/KH 27 triệu đồng, hay tại khối 2 có nhiều hình thức triển khai việc tuyên truyền, vận đồng người dân nộp phí… Nhờ vậy, với 3.100 phương tiện xe mô tô đã đạt số thu phí là 241,7 triệu đồng/KH 351 triệu đồng và hiện nay, phường đang tiến hành thống kê lại phương tiện trên địa bàn để triển khai công tác thu phí đường bộ 2014”.
Theo thống kê của Quỹ Bảo trì đường bộ, tại 21 huyện, thành, thị có khoảng 1.073.139 xe mô tô và theo kế hoạch năm 2013 sẽ thu hơn 57.884 triệu đồng, nhưng đến thời điểm này cũng mới chỉ thu được hơn 13.480 triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến việc số thu đạt thấp, ngoài việc các địa phương chưa tích cực vào cuộc (thậm chí đến nay vẫn còn một số địa phương chưa triển khai hoặc thu phí đạt tỷ lệ thấp như Con Cuông, Yên Thành, TX. Hoàng Mai…), thì chế tài xử phạt đối với chủ phương tiện trong việc nộp phí chưa cụ thể (việc thu phí đang thực hiện trên cơ sở vận động). Cùng với đó, do địa bàn tỉnh ta khá rộng, có nhiều huyện miền núi, một số vùng dân cư sống thưa thớt nên việc tuyên truyền, vận động người dân nộp phí đường bộ gặp rất nhiều khó khăn. Một vấn đề bất cập trong việc thu phí đường bộ đối với xe mô tô, là số liệu thống kê phương tiện xe máy, xe chở hàng 3 và 4 bánh của các cấp, ngành còn “vênh” nhau… Để thực hiện tốt công tác thu phí, mới đây UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các huyện, thành thị tích cực triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, theo đó sẽ xem xét lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ thu phí sử dụng đường bộ để làm một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm của các địa phương.
Do hệ thống giao thông tỉnh ta rất phát triển, nhưng thời tiết phức tạp, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều… nên đường giao thông xuống cấp nhanh, nhất là tại các tuyến đường huyện, xã, trong khi đó ngân sách hàng năm cấp cho công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường tỉnh là rất thấp (năm 2013 là 32 tỷ đồng và năm 2014 là 22,3 tỷ đồng) và gần như không có kinh phí để cấp cho việc quản lý, bảo trì các tuyến đường huyện, xã. Vì vậy, việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ sẽ là nguồn lực quan trọng góp phần cải thiện hạ tầng giao thông ở tỉnh ta, nên các cấp, ngành liên quan và nhất là người dân cần thực hiện tốt công tác này.
Năm 2013 Quỹ Bảo trì đường bộ Nghệ An đã tiếp nhận, quản lý nguồn 35% thu phí xe ô tô từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương với số tiền là 95 tỷ đồng. Số tiền được sử dụng duy tu, bão dưỡng cho 22 tuyến đường tỉnh và huyện. Cũng từ nguồn thu phí đường bộ, năm 2014 này, TP Vinh được hỗ trợ 3,5 tỷ đồng để thực hiện dự án bố trí điểm dừng, đỗ xe ô tô, xe máy, mở lối rẽ phải tại ngã ba, ngã tư, lắp đặt biển chỉ dẫn và địa danh, biển báo hiệu phân làn, phân luồng… Đặc biệt là ngày 22/3 vừa qua, tỉnh ta đã khởi công xây dựng cầu Khe Ang (Nghĩa Đàn) với tổng kinh phí 40,9 tỷ đồng và nguồn vốn đầu tư được sử dụng từ thu phí bảo trì đường bộ. |
Hoàng Vĩnh