Nâng cấp khả năng phòng chống bão lũ
Sáng 4/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013, nhiệm vụ năm 2014.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị |
Năm 2013: Thiên tai lớn, bất thường
Năm 2013, thiên tai ở nước ta diễn biến phức tạp, bất thường, bão xuất hiện sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Đây là năm ghi nhận được số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông ảnh hưởng đến Việt Nam đạt mức kỷ lục trong 50 năm qua với 15 cơn bão và 4 ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 12 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.
Trong số đó, có 3 cơn bão có cường độ mạnh (trên cấp 12) tạo ra 5 "kỷ lục" về số cơn bão mạnh đổ bộ vào nước ta. Bão số 14-siêu bão Haiyan là cơn bão rất mạnh về cường độ có thể so sánh với bão Katrina mạnh nhất thế giới đổ bộ vào nước Mỹ. Lũ đặc biệt lớn do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 15 tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gây ngập úng trên diện rộng, một số sông đã vượt mức lịch sử. Mưa đá, lốc xoáy gây thiệt hại lớn các tỉnh miền núi phía Bắc cuối tháng 3; trận lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra vào đầu tháng 9 tại xã Bản Khoang (huyện Sa Pa, Lào Cai) và các đợt rét đậm, kèm theo mưa tuyết lớn lần đầu tiên xuất hiện trong vòng 30 năm trở lại đây vào nửa cuối tháng 12/2013 tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó ảnh hưởng lớn nhất tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, thiên tai trong năm 2013 đã làm 285 người chết và mất tích, 859 người bị thương, 12.185 nhà bị đổ, sập, trôi, 893.435 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái, 345.802 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp... Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 28.000 tỷ đồng.
Dành ưu tiên cao cho phòng chống thiên tai
Năm 2013, trong điều kiện kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, song Đảng, Nhà nước, Chính phủ vẫn giành sự ưu tiên cao đối với công tác PCLB, thể hiện qua việc chỉ đạo, ban hành về chính sách, bố trí kinh phí cho công tác tu bổ, nâng cấp các công trình đê, kè, hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền, công trình chống sạt lở, di dân tái định cư vùng thiên tai, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, tìm kiếm cứu nạn...
Sự chủ động trong chỉ đạo điều hành và phối hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác PCLB ngày một tốt và hiệu quả hơn, huy động 577.311 lượt người; 7.948 lượt phương tiện các loại tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và TKCN; chỉ đạo xử lý 1.695 vụ, cứu được 4.510 người và 527 phương tiện; thông báo kêu gọi, hướng dẫn 1.094.567 lượt tàu thuyền/4.922.216 lao động đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn; di dời 388.988 hộ/1.555.952 người, ra khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn, ứng phó, khắc phục hiệu quả 5 vụ tràn dầu.
Điển hình như trong đối phó với siêu bão số 14 (Haiyan), Ban chỉ đạo PCLBTW - Ủy ban Quốc gia TKCN đã theo dõi sát sao diễn biến của bão để kịp thời điều chỉnh, bổ sung vùng, phạm vi ảnh hưởng của bão và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai ngay các phương án đối phó với siêu bão, nhất là công tác sơ tán, di dời dân và kêu gọi tàu thuyền. Công tác dự báo bão số 14 thực hiện cụ thể chi tiết, việc bổ sung bản tin và thông tin kịp thời giúp cho công tác chỉ đạo điều hành từ Trung ương và địa phương sát với thực tế.
Những dự báo
Theo các báo cáo chuyên đề tại Hội nghị, hàng năm trên khu vực Biển Đông có khoảng 9-10 cơn bão, trong số này bão mạnh chiếm tỷ lệ khoảng 40%. Năm 2014, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông có khả năng ở mức thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm, khoảng 9-10 cơn nhưng cần đề phòng những cơn bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 16, 17, có hướng di chuyển phức tạp và không theo quy luật khí hậu hoặc ATNĐ, bão ảnh hưởng dồn dập trong thời đoạn ngắn.
Theo kết quả nghiên cứu của Chương trình Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho thế kỷ 21 sử dụng hệ thống mô phỏng trái đất của Nhật Bản, (IPCCP, 2012), cũng cho thấy số lượng bão mạnh (Vmax > 70 m/s) có xu thế tăng. Trong tương lai, khu vực bắc và giữa Biển Đông có thể có bão cấp 16, cấp 17. Khu vực Nam Biển Đông có bão cấp 12-13 hoạt động. Nguy cơ nước dâng bão cao nhất tập trung tại các khu vực ven biển từ Cửa Đáy tới Đèo Ngang, có nơi độ cao nước dâng do bão có thể lên tới 4,5m.
Ngay sau đợt thị sát chỉ đạo phòng chống cơn bão HaiYan đổ bộ vào nước ta, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cử Đoàn công tác sang Philippines, khảo sát thực tế tìm hiểu điều kiện bão, nước dâng, công tác dự báo, cảnh báo, tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả bão Haiyan. Đây sẽ là những bài học kinh nghiệm lớn cho Việt Nam trong trường hợp tái diễn những cơn siêu bão, thảm họa thiên nhiên trong điều kiện BĐKH bất thường trong tương lai.
Kết quả làm việc cho biết, siêu bão HaiYan với vận tốc gió lên tới 320 km/h (vượt cấp 17) đã đổ bộ vào Thành phố Tacloban vào ngày 08/11/2013, đi xuyên qua khu vực miền Trung Philippines và ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn gồm 10 tỉnh với trên 16 triệu dân. Nước biển dâng do bão cao trên 7m, tràn sâu vào đất liền từ 1-1,5 km cuốn trôi nhà ở, đồ đạc, tàu thuyền và người trên mặt đất, tạo sự va đập, xáo trộn. Đây là tình huống bất ngờ và là nguyên nhân gây thiệt hại nhiều nhất trong cơn bão này.
Khi bão đổ bộ, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, điện lực bị phá hủy, đường giao thông bị chia cắt, các địa phương vùng thiên tai bị cô lập hoàn toàn, sự chỉ đạo, chỉ huy hỗ trợ của Trung ương và bên ngoài khó tiếp cận, không kịp thời; các lực lượng tại chỗ bị thiệt hại nặng nề, chỉ còn hoạt động 20-25%, trạm cứu hỏa bị hư hỏng nặng, xe cứu hỏa bị cuốn trôi, trung tâm y tế tập trung không hoạt động, vì vậy số người chết tiếp tục gia tăng sau bão do không được cứu chữa, chăm sóc kịp thời.
Báo cáo chuyên đề khuyến nghị các bài học kinh nghiệm rút ra trong vụ ứng phó Haiyan của Philippines, đó là việc triệt để sơ tán dân, thực hiện nghiêm chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là việc xây dựng tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khu vực trũng thấp, khu vực ven biển; xây dựng các trung tâm sơ tán, cứu trợ nhân dân ở những khu vực an toàn, khu vực cao, xa bờ biển; xem xét nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, xây dựng hệ thống đê biển theo mô hình đề xuất của Nhật Bản, gồm 2 tuyến trong đó tuyến trong là tuyến dự phòng ngăn nước dâng khi vỡ tuyến ngoài. Tăng cường hệ thống thông tin liên lạc, đặc biệt là bổ sung điện thoại vệ tinh để đảm bảo liên lạc thông suốt khi thiên tai xảy ra; huy động lực lượng, trang thiết bị ứng phó thiên tai cấp quốc gia bố trí trước tại các khu vực chiến lược.
Toàn cảnh hội nghị. |
Bài học kinh nghiệm chống siêu bão
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những nỗ lực, kết quả trong công tác dự báo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong năm 2013 vừa qua. Trong điều kiện tiếp tục chịu tác động lớn từ tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai diễn biến khó lường, công tác phòng chống lụt bão năm qua đã có nhiều cố gắng, giảm thiểu được thiệt hại về người và tài sản.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chuẩn bị kịp thời, tinh thần cảnh giác cao của các cấp, các ngành và người dân trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó siêu bão Haiyan. Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc đánh giá cao về chỉ đạo phòng tránh, ứng phó của Chính phủ và các địa phương.
Chỉ ra những thách thức trong tương lai với các nghiên cứu, dự báo về sự khó lường của thiên tai đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh BĐKH ngày càng thực tế, không còn là nguy cơ, dự báo bão mạnh, thảm họa thiên tai hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai với đất nước ta, ngoài các công tác thông thường, việc chuẩn bị, ứng phó, khắc phục với thiên tai cần được “nâng cấp” từ nhận thức, trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng đến các cơ chế và hành động của mọi cấp, mọi ngành và từng người dân.
So với sức tàn phá và nước dâng do siêu bão như đã xảy ra tại Philippines, thì những giải pháp ứng phó cần được quan tâm, chú ý hơn nữa, rút ra những bài học kinh nghiệm khác. Từ việc neo đậu tàu thuyền hiện chỉ đảm bảo an toàn so với bão thường gặp tại Việt Nam (cấp 10- 12), việc chỉ đạo sơ tán dân từ nhà yếu sang nhà vững chắc vẫn còn chung chung, chưa phân biệt được đâu là nhà kiên cố, nhà ở khu vực cao có thể chịu được cấp bão lớn, việc đào hầm tránh bão nếu ven biển thấp trũng sẽ tăng nguy hiểm hơn trong bão lớn.
Cũng cần chú ý phương án dự phòng trong tình huống siêu bão mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm như thông tin, điện lực, lực lượng, hậu cần, chỉ đạo, chỉ huy, vì vậy khi gặp thảm họa lớn sẽ lúng túng, khó khăn trong ứng cứu, hỗ trợ khẩn cấp. Một đặc thù tại Việt Nam, bão thường kết hợp với mưa, với siêu bão là mưa cực lớn gây lũ lụt, úng ngập nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hồ chứa và đê điều cũng cần phải được dự tính trước.
Trên tinh thần đó, các Bộ, ngành, lực lượng chức năng cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ cụ thể, trước hết là hoàn thiện Dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch, nghiên cứu các giải pháp đối phó với siêu bão trước tháng 6 năm nay. Chỉ đạo và kiểm tra việc xây dựng và tổ chức diễn tập phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ" khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2013. Xử lý nghiêm những sai phạm về vi phạm an toàn đê điều, vi phạm về thoát lũ. Tăng cường việc trồng mới và tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm nâng cao khả năng điều tiết, bảo vệ hệ thống đê biển, chống triều cường và sóng lớn khi có bão. Tăng cường sự phối hợp giữa chủ hồ và địa phương trong việc giám sát vận hành xả lũ; đầu tư bổ sung các trạm quan trắc KTTV, xây dựng bản đồ ngập lụt, hệ thống cảnh báo thông tin tới nhân dân vùng hạ lưu.
Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ đạo phân vùng ảnh hưởng của bão tương ứng với cấp gió bão mạnh nhất có thể đổ bộ vào các khu vực; xây dựng kịch bản nước dâng tương ứng với bão mạnh. Tăng cường công tác dự báo, cập nhật thường xuyên và phân tích tác động của bão, nước dâng trong các bản tin dự báo để chính quyền và nhân dân hiểu được và chủ động phòng, tránh.
Bộ NNPTNT chỉ đạo xây dựng bản đồ ngập lụt xâm nhập vào đất liền với kịch bản nước dâng do bão làm cơ sở để các địa phương xây dựng phương án phòng tránh, sơ tán và phục vụ chỉ đạo, chỉ huy; xây dựng các bản đồ ngập lụt vùng hạ du các con sông trong trường hợp lũ lớn, xả lũ khẩn cấp từ các hồ chứa, đặc biệt là khi vỡ đập.
Bộ Xây dựng chủ trì chỉ đạo hướng dẫn phân loại nhà ở, công trình hạ tầng hiện có đảm bảo an toàn hoặc không an toàn ứng với cấp bão lớn làm cơ sở chỉ đạo hướng dẫn, sơ tán; nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong xây dựng ứng với cấp gió bão theo phân vùng. Các tỉnh, thành phố xây dựng phương án phòng tránh, sơ tán, ứng phó với cấp bão lớn, chuẩn bị phương tiện cung ứng hậu cần thiết yếu sau thiên tai.
Theo chinhphu.vn