Lộc biển cuối năm

21/01/2014 22:09

(Baonghean) - Những ngày áp Tết, mỗi chuyến tàu ra khơi như mang theo hơi thở của mùa xuân.Tất cả đều hy vọng những chuyến biển cuối năm trúng cá, được giá, để ngư dân làng biển có một cái Tết sung túc, trọn vẹn…

Mới hơn 5 giờ sáng, trong màn sương giá rét còn chưa tỏ mặt người, bến cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) đã sôi động bán, mua tấp nập. Bà con í ới gọi nhau, người khuân cá lên xe, người cân đong tính toán hòa lẫn trong tiếng máy nổ của tàu, của các phương tiện vận tải thu gom cá làm nóng cả không gian làng biển. Tàu NA 93687 của anh Nguyễn Văn Hữu thôn Phong Thái, xã Tiến Thủy vừa cập bến, những khoang cá còn tươi nguyên, lấp lánh trong sương sớm. Các thuyền viên vội vàng chuyển từng khay cá lên bờ. Các chị, các mẹ cân đong cá bán cho thương lái tại bến. Anh Hữu cho biết: “Chuyến này đánh được hơn 10 tấn cá, chủ yếu cá cơm, cá nục và một số mực, bán được gần 100 triệu đồng, trừ chi phí, anh em đi nghề được chia xấp xỉ 2 triệu đồng/người. So với các tháng trước thì chuyến biển này chỉ đạt sản lượng trung bình, bởi có những chuyến biển chúng tôi khai thác được 20 tấn cá các loại, bán được trên 200 triệu đồng, mỗi bạn nghề được chia 4 - 5 triệu đồng, ai nấy đều phấn khởi. Tàu của tôi có 9 anh em đi chung, thường xuyên khai thác ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ, đợt này không khí lạnh tăng cường, việc đánh bắt cũng khó khăn hơn. Dù vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục chuẩn bị nhiên liệu và các nhu yếu phẩm cần thiết để đi chuyến biển cuối năm, hy vọng sẽ trúng lớn”.

Ngư dân xã Tiến Thủy ( Quỳnh Lưu) chuẫn bi ra khơi.
Ngư dân xã Tiến Thủy ( Quỳnh Lưu) chuẫn bi ra khơi.

Gần đó, tàu NA 91868, công suất 535CV của anh Vũ Nguyễn Tính xóm 6, xã Sơn Hải cũng vừa cập bến sau 17 ngày đánh bắt trên biển, tổng thu hoạch được 26 tấn cá trỏng, cá đốm, mực, bán ngay cho chủ nậu thu mua tại bến thu về 260 triệu đồng. Anh Tính hồ hởi chia sẻ: “Chúng tôi có 12 anh em đi chung, trừ chi phí, mỗi người được 4 – 5 triệu đồng. Nhưng cuối năm mà giá cá rẻ, bán tại bến chỉ 8.000 – 10.000 đồng/kg tùy loại, cùng dịp này năm ngoái giá cá trỏng 13.000 – 14.000 đồng/kg. Bán xong hải sản chúng tôi lại khẩn trương chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu và lương thực để tàu nhanh chóng ra khơi, hiện đã lấy đủ đá lạnh, chờ bơm dầu nữa là xuất bến. Chuyến đi biển lần này đến ngày 26, 27 tháng chạp mới về, anh em ai cũng hy vọng trời cho chuyến biển cuối năm nhiều may mắn, lộc biển đề huề để có thêm thu nhập mua cho con bộ quần áo mới và sắm thêm nhiều hương vị ngày Tết. Mặc dù đang độ trăng sáng nhưng mỗi thành viên trên tàu đều quyết định ra khơi bởi “nghiện” nghề, lúc này mà ở nhà thì rất nóng ruột.”

Trước đây anh Tính chỉ đi bạn cho người ta, thu nhập chẳng ăn thua, anh quyết định hùn vốn với 10 anh em cùng chung đóng mới con tàu này trị giá 3,2 tỷ đồng để vươn khơi làm ăn. Những hôm biển lặng, sóng êm, đánh bắt rất hiệu quả. Năm nay ơn trời cho được mùa biển, cuộc sống của ngư dân được ấm no, ổn định. Tuy vậy, nghề đi biển cũng lắm gian nan, việc đánh bắt ngoài khơi xa lại càng nguy hiểm, có những lúc gặp gió bão bất ngờ ập đến, tính mạng của anh em trên tàu bị đe dọa. Chính vì vậy người đi biển liên tục nghe đài nắm bắt thông tin diễn biến thời tiết để ứng phó kịp thời.

Tàu cá của anh Nguyễn Hồng Phong xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy đang chuẩn bị gần 900 cây đá lạnh cùng hàng tấn nguyên liệu khác để đi chuyến biển cuối năm. Anh cho biết: Mặc dù đang độ trăng sáng nhưng nhiều chủ tàu vẫn quyết định cho tàu ra khơi, bởi áp Tết giá các loại hải sản sẽ tăng nhanh so với ngày thường do sức tiêu thụ của thị trường tăng mạnh, nếu may mắn trúng cá sẽ có một cái tết đàng hoàng. Họ cùng nhau cầu mong trời yên biển lặng, nguồn hải sản dồi dào để mỗi con tàu ra khơi sẽ chở về niềm vui cập bờ. Những chuyến đi biển cuối năm của ngư dân cũng trở nên đặc biệt hơn so với ngày thường, bởi ngoài việc mang theo các nhu yếu phẩm cần thiết, các chủ tàu còn trang bị thêm “đồ nhắm”, bánh chưng, dưa hành…để mang không khí ngày xuân từ đất liền ra biển khơi, tạo không khí vui tươi, đầm ấm giữa đại dương mênh mông.

Riêng xã Tiến Thủy có 331 tàu thuyền đánh cá, tổng sản lượng khai thác hải sản năm 2013 đạt 16.967 tấn, giá trị gần 157 tỷ đồng, tăng 1,3% so kế hoạch, tăng 13% so cùng kỳ năm ngoái. Giá trị sản xuất ngư nghiệp chiếm hơn 53% trong tổng giá trị sản xuất của địa phương. Nhân dân xã Tiến Thủy chủ yếu sống dựa vào nghề biển, với 70% số hộ có lao động tham gia nghề khai thác biển, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,6 triệu đồng/người/năm. Nhờ biển cho cá, mực, đời sống nhân dân ngày càng ấm no hơn, ngư dân mạnh dạn vay vốn đầu tư đóng mới tàu máy lớn để vươn khơi. Trong năm 2013, toàn xã đóng mới 20 chiếc tàu có công suất từ 480 CV trở lên.

Ông Hồ Xuân Thân- Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy cho biết: Năm 2013 là một năm bình yên với nghề biển của địa phương, nhân dân phấn khởi vươn khơi bám biển dài ngày, chỉ những ngày bão gió mới nghỉ ở nhà. Nhờ khai thác biển hiệu quả kéo theo các nghề khác phát triển như thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, trên địa bàn xã có 4 xưởng đóng và sửa chữa tàu thuyền, 28 xe đông lạnh chuyên chở hải sản đi tiêu thụ khắp nơi; 15 ốt xăng dầu, 27 cơ sở sản xuất đá lạnh phục vụ tàu cá của ngư dân vươn khơi, 13 cơ sở thu gom buôn bán hàng hải sản bao tiêu sản phẩm… tạo cơ sở hậu cần đồng bộ để nghề khai thác hải sản địa phương ngày càng phát triển. Đảng ủy, UBND xã xác định nghề khai thác hải sản là mũi nhọn để phát triển kinh tế của địa phương, do đó luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ phát triển, thường xuyên quan tâm động viên nhân dân đầu tư sắm tàu to, yên tâm bám biển vươn khơi khai thác nhiều sản phẩm có giá trị cao, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Quỳnh Lưu là huyện có nghề khai thác biển phát triển mạnh, với tổng tàu thuyền 1.157 chiếc, tổng sản lượng khai thác các loại hải sản năm 2013 đạt 42.638 tấn, bằng 167,3% kế hoạch năm. Với tổng giá trị khai thác hải sản trên 1.000 tỷ đồng, nghề khai thác biển chiếm 70% trong tổng giá trị nội ngành thủy sản toàn huyện. Những năm gần đây, huyện Quỳnh Lưu tích cực quan tâm tạo điều kiện về hạ tầng nghề cá nhằm giúp ngư dân thuận lợi vươn khơi khai thác nhiều hải sản làm giàu cho gia đình và quê hương, giải quyết nhiều việc làm cho lao động trên biển cũng như lao động hậu cần nghề cá, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng biển.

Bài, ảnh: Quỳnh Lan