Thị xã Hoàng Mai: Rà soát vùng xung yếu, ứng phó với mưa lũ

11/08/2014 09:48

(Baonghean) - Để chủ động đối phó với mùa mưa bão năm 2014, Thị xã Hoàng Mai đã và đang chủ động tập trung rà soát các vùng xung yếu; kiểm tra đánh giá thực tế hệ thống giao thông, cầu cống; chỉ đạo các phường, xã xây dựng phương án phòng chống bão lũ năm 2014 phù hợp với thực tế địa phương, nhằm giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng do mưa bão gây ra.

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch tỉnh  kiểm tra công tác phòng, chống bão ở hồ Vực Mấu, tháng 7/2014. Ảnh: A.N
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống bão ở hồ Vực Mấu, tháng 7/2014. Ảnh: A.N

TIN LIÊN QUAN

Năm 2013, trong điều kiện thị xã mới thành lập, thời tiết khí hậu diễn biến khá phức tạp, UBND thị xã đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống lụt bão trên địa bàn, tập trung đôn đốc, sửa chữa các công trình xuống cấp, hư hỏng do mưa lũ năm 2012 và các công trình ách yếu PCBL trên địa bàn như tu sửa đập Khe Cầu, đê sông Trịch, đôn đốc tiến độ thi công các dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão lạch Cờn, nạo vét cải tạo kênh nhà Lê, xây dựng kè chắn sóng phường Quỳnh Phương, Quỳnh Lập...

Mặc dù chủ động phòng, chống bão lũ, nhưng thiên tai bất khả kháng, cơn bão số 10 và đợt mưa lớn sau bão số 11 đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, sản xuất của nhân dân trên địa bàn thị xã. Hậu quả đã làm 2 người chết, 1 người mất tích, 15.000 ngôi nhà bị ngập; 420 ha lúa mùa bị mất trắng; 614,7 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trên 70% năng suất, tổng thiệt hại ước tính hơn 800 tỷ đồng. Thị ủy Hoàng Mai kịp thời thành lập 10 tổ công tác chỉ đạo cơ sở khắc phục hậu quả bão lụt. UBND thị xã thành lập 2 đoàn phúc tra hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại của nhân dân do các phường, xã đề nghị. Tính đến ngày 9/1/2014, đã có 301 đơn vị, tổ chức, cá nhân đến ủng hộ, cứu trợ, tổng số hàng hóa, tiền mặt, trị giá trên 24 tỷ đồng. Ngoài các chính sách hỗ trợ của tỉnh, thị xã còn ban hành các chính sách hỗ trợ thêm từ nguồn cứu trợ và ngân sách dự phòng của thị xã, với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng để giúp đỡ kịp thời các gia đình bị thiệt hại. Sau bão lũ, UBND thị xã đã tổ chức đợt phát động toàn dân ra quân làm giao thông, thủy lợi, tập trung nạo vét kênh mương, tu sửa đê, đường giao thông,... Đến tháng 7/2014, từ nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ, các tuyến đê bị vỡ như đê biển Quỳnh Dỵ, đê sông Hoàng Mai của xã Quỳnh Dỵ, tuyến đê sông ngăn mặn Sông Mơ xã Quỳnh Liên bị phá hỏng năm 2013 đã được tu sửa kịp thời; đường 537 cũng đã được hoàn thành, sẵn sàng phòng chống mưa lũ...

Ngày 7/8/2014, UBND Thị xã Hoàng Mai đã tổ chức 10 đoàn kiểm tra công tác phòng chống lụt, bão tại 10 phường, xã để rà soát, kiểm tra việc thực hiện phương án phòng chống lụt, bão trong năm 2014. Kết quả kiểm tra cho thấy, các xã, thị trấn đã chủ động rà soát, bổ sung các phương án phòng chống bão, lũ trong năm 2014. Tập trung tuyên truyền, khắc phục tư tưởng chủ quan, lơ là trong một số cán bộ, nhân dân, chủ động tu sửa các công trình ách yếu để phòng chống mưa bão; kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão; huy động lực lượng dân quân, đoàn thanh niên và nhân dân khơi thông cống rãnh, phát quang cây cối hai bên đường, kè bao tại những điểm có nguy cơ sạt lở cao...

Để phòng, chống bão lụt trong mùa mưa bão 2014, qua đánh giá thực trạng, hiện tại, hệ thống tiêu lũ, nhất là một số lòng kênh như kênh La Man phường Quỳnh Thiện, hói Bãi (Mai Hùng), khe Dong (Quỳnh Lộc)... bị bồi lấp, sạt lở, xuống cấp không đảm bảo tiêu thoát lũ khi có mưa lũ xảy ra; hệ thống công trình giao thông hầu hết xuống cấp, một số tuyến giao thông dở dang như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1A đi Thái Hòa, đường Xuân Liên... các trường học ở Quỳnh Lập, Quỳnh Phương, Quỳnh Trang, Mai Hùng không đảm bảo chống lụt bão. Thị xã có 962 tàu khai thác hải sản, nhưng khu neo đậu tránh trú bão lạch Cờn được UBND tỉnh quyết định phê duyệt dự án, đầu tư kinh phí triển khai giai đoạn I, vẫn đang thiếu kinh phí, mới đảm bảo neo tránh cho khoảng 2/3 số tàu thuyền, số còn lại phải chạy ra tận Thanh Hóa neo tránh trong điều kiện không an toàn, rất vất vả cho ngư dân.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm những vấn đề chưa làm tốt trong công tác phòng, chống lụt bão năm 2013, Thị xã Hoàng Mai đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với bão lũ trong mùa mưa lũ năm nay. Ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hoàng Mai cho biết: Phương châm là chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó, lấy phòng, tránh là chính. Hiện tại, Ban chỉ đạo phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn thị xã đã xây dựng kế hoạch, dự báo xu thế thiên tai, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014: kiểm tra và kịp thời tu sửa, có phương án bảo đảm an toàn các công trình hồ đập, đường giao thông; rà soát lại các khu dân cư có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai. Có phương án sẵn sàng hỗ trợ cơ sở thiên tai xảy ra; xây dựng phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng phường, xã. Tổ chức và thực hiện tốt công tác trực ban, chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Phê duyệt phương án phòng, chống bão lũ cho các phường, xã trong năm 2014. Tổ chức ký hợp đồng lực lượng, hợp đồng vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn và xử lý sự cố công trình xảy ra trong lụt bão. Chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các phương án bảo vệ các công trình thủy lợi; chuẩn bị dự phòng các phương tiện, vật tư khắc phục các sự cố khi mưa bão và phục vụ sản xuất trước, trong và sau lụt, bão. Đồng thời, Thị xã cũng đang tiếp tục đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ máy thông tin và thiết bị cứu sinh cho ngư dân; trang bị vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lụt bão; bố trí vốn để xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình thiết yếu phòng chống bão trên địa bàn thị xã...

Điều mà lãnh đạo Thị xã Hoàng Mai cũng đang băn khoăn, lo lắng, đó là, hiện tại tuyến đê bao Sông Mơ ngăn mặn, ngăn lũ cho khu nuôi trồng thủy sản diện tích trên 400 ha, đã có dự án đầu tư giai đoạn I, nhưng đê vẫn chưa khép kín toàn tuyến, khả năng mưa bão đe dọa khu vực nuôi trồng thủy sản của nhân dân vẫn có thể xảy ra, sẽ gây thiệt hại kinh tế lớn cho nhân dân. Thị xã Hoàng Mai có hệ thống sông hồ nhiều, tuyến bờ biển dài 18km, nhưng các phương tiện chuyên dùng như ca nô, máy phát điện công suất lớn chưa có. Đặc biệt, kịch bản xả lũ hồ Vực Mấu, hệ thống cảnh báo, thông báo xả tràn hồ Vực Mấu vẫn chưa được xây dựng... nếu mưa bão lớn xảy ra, nguy cơ uy hiếp đời sống, sản xuất của nhân dân vẫn còn rất lớn.

Anh Nguyễn

Thị ủy Hoàng Mai