Hòa hợp là cội nguồn sức mạnh!

17/04/2014 20:00

(Baonghean) - Sự kiện chuyến tàu thăm huyện đảo Trường Sa của bà con kiều bào nước ngoài lần thứ 3, diễn ra vào dịp cuối tháng 4 này đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước... Đó không chỉ xem là bước đi đột phá trong vấn đề hòa giải, những nỗ lực lấp hố sâu hoài nghi, mà quan trọng hơn, chuyến đi này đáp ứng được nhu cầu, tình cảm của những người con dân Việt, trong đó có những người, vì nhiều lý do mà phải sống xa quê hương.

Như vậy, có thể coi chuyến đi này là chuyến trở về đất mẹ, đất mẹ ở nơi đầu sóng thiêng liêng, đất mẹ của bao năm trái tim đồng bào vẫn đau đáu hướng về. Hóa ra, dù đã cách xa là thế, dù đã từng khác nhau là thế, nhưng chúng ta lại trở về một điểm chung, ấy là dòng máu ở trong huyết quản, là một lòng hướng về mảnh đất thiêng của Tổ quốc với mong mỏi chưa bao giờ thôi về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Hai chuyến đi trước, khi kiều bào ở xa Tổ quốc được lên tàu đi thăm quần đảo Trường Sa, được lênh đênh trên vùng biển rộng lớn có chủ quyền dân tộc, được thăm các nhà dàn, đảo lớn, đảo bé, đảo nổi, đảo chìm; được chứng kiến hiện thực đời sống bám biển, bám đảo; được giao lưu với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa... nhiều thành viên trong đoàn đã xúc động mãnh liệt, bày tỏ sự tri ân chân thành và ghi nhận công lao giữ trời giữ biển của quân và dân ta. Những chuyện rất bình thường, rất đời thường của cán bộ, chiến sĩ, của các công dân trên đảo, lại là những điều vô cùng xa lạ, khác với những thông tin mà nhiều kiều bào từng nghe, từng tin.

Người dân đảo Trường Sa đón khách ra thăm. Ảnh: Trần Hải
Người dân đảo Trường Sa đón khách ra thăm. Ảnh: Trần Hải

Có không ít những hoài nghi về tuổi trẻ Việt Nam, về những con người thế hệ hiện tại ở quê nhà với trách nhiệm gìn giữ tiền đồ ông cha để lại, nhưng khi họ gặp những người lính trẻ mới mười tám đôi mươi, những người đáng tuổi con, tuổi cháu mình đã biết chấp nhận thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, đối mặt với hiểm nguy gian khó nhưng vẫn yêu đời, vẫn tràn trề nghị lực để đủ kiên gan bền chí giữ biển giữ đảo quê hương, thì rất nhiều điều đã “vỡ òa”. Đến, để thấy, dù chỉ là tiếng chuông chùa, tiếng trẻ học bài, tiếng lợn kêu, chó sủa, mùi trầm thơm hay đơn giản chỉ là những xâu vỏ bưởi và quả bồ kết phơi khô treo tòng teng trước cửa một gia đình ở đảo Trường Sa lớn... là những âm thanh, mùi vị, hình ảnh tự nó có thể diễn đạt được nhiều điều về sự sinh sôi nảy nở cũng như những điều phải có để đảm bảo cho cuộc sống người Việt sinh sôi nảy nở ở nơi có tuyên bố chủ quyền của Tổ quốc.

Rồi biết bao câu chuyện hiểm nguy gian khổ, chuyện lính, chuyện đời... thực sự là nhưng trải nghiệm cần thiết và quý giá để mỗi người tự chiêm nghiệm. Thực tế, việc đầu tư xây dựng các căn cứ quốc phòng, công trình quân sự, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng bộ máy chính quyền nhân dân, đảm bảo các điều kiện đời sống thiết yếu cho bà con nhân dân huyện đảo Trường Sa, duy trì và mở rộng năng lực khai thác ngư trường Trường Sa... cho thấy ý chí quyết tâm cũng như khả năng hiện thực giữ biển giữ đảo của Việt Nam đang được củng cố và tăng cường lên tầm cao mới. Để giữ gìn toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất liền, vùng trời và biển đảo, chúng ta không chỉ sẵn sàng đấu tranh trên các mặt trận chính trị, ngoại giao, pháp lý... mà còn chuẩn bị sẵn sàng các năng lực tự vệ bằng thực lực quân sự, biện pháp quân sự khi cần thiết.

Trong chuyến đi thăm Trường Sa lần này, các cán bộ, đồng bào, chiến sỹ còn được tham dự một nghi lễ quan trọng, đó là lễ cầu siêu, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, chiến sĩ Việt Nam cộng hòa đã tử trận để bảo vệ Hoàng Sa, các thuyền nhân tử nạn. Việc tổ chức cầu siêu và tưởng nhớ chiến sĩ Việt Nam cộng hòa ngã xuống vì bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, cho thấy tất cả những người yêu nước Việt Nam, có hành động xả thân để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ từng tấc đất tấc biển thuộc cương vực lãnh thổ cha ông để lại, đều xứng đáng được tri ân, dù họ là ai, ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thuộc chế độ nào.

Đối với những thuyền nhân tử nạn, họ là những người vì lý do khách quan hoặc chủ quan, lẽ này, lẽ khác, có thể là sự lầm đường, cũng có người vì không chịu được một giai đoạn đất nước sau chiến tranh có hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt mà ra đi tìm tương lai mới nhưng đã không may tử nạn trên biển. Nhưng, dù bản thân mỗi người muốn hay không, muốn chối bỏ hay không, thì đó cũng là những người con nước Việt, lớn lên từ nguồn nước quê hương, nói bằng tiếng nói quê hương. Và thời gian trôi đi, đã làm cho chúng ta thấu rõ “máu chảy ruột mềm”, nỗi đau ấy, là nỗi đau không riêng mỗi gia đình thuyền nhân, mà là nỗi đau chung.

Cũng như sự có mặt của kiều bào ta trong chuyến đi thăm Trường Sa lần này là lời khẳng định rõ ràng nhất: kiều bào ta là một bộ phận không tách rời của cộng đồng Việt Nam. Trân trọng tấm lòng hướng về quê hương của mỗi người con xa quê, ấy là những điều Nhà nước ta cũng như mỗi người dân sống, làm việc trên đất nước này đều ý thức. Không bao giờ chúng ta quên những đóng góp quan trọng của đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài qua nhiều giai đoạn lịch sử. Trước, trong và sau cách mạng tháng Tám (1945), kiều bào Việt Nam ở nước ngoài luôn có thể trở thành cơ sở cách mạng khi cần thiết để hỗ trợ phong trào cách mạng trong nước đi đến thắng lợi, thành công. Với chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều trí thức Việt kiều đã tự nguyện từ bỏ cuộc sống thuận lợi ở nước ngoài, hăng hái về nước vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Nhiều tên tuổi trí thức Việt kiều trở về đã có những đóng góp lưu danh sử sách như: Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, Giáo sư - Bác sỹ Tôn Thất Tùng, Nhà toán học Lê Văn Thiêm, Giáo sư Hồ Đắc Di, Triết gia Trần Đức Thảo... Ngày nay, rất nhiều trí thức Việt kiều tiếp tục đóng góp, cống hiến, làm rạng danh đất nước, tiêu biểu như Giáo sư Ngô Bảo Châu... Cùng với đó, rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh, phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, chuyển dòng kiều hối về Việt Nam hằng năm ngày càng nhiều, góp phần quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có xây dựng và bảo vệ biển đảo Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những khác biệt về chính trị trong một thời gian khá dài đã hằn sâu những khoảng cách vô hình nhưng vô cùng nặng nề trong một bộ phận những con người có cùng một đất nước, một quê hương. Hoàn cảnh lịch sử và số phận dân tộc trong những thời điểm nhất định, vì cả lý do khách quan và chủ quan, đã lựa chọn hoặc đẩy đưa con người ta đến những lý tưởng khác nhau, chiến tuyến khác nhau. Điều đáng nói, là bi kịch chia cắt không chỉ trong phạm vi một đất nước, mà có khi sự phân chia khốc liệt xảy ra ngay cả trong một làng xóm, một dòng họ, có khi ngay trong một gia đình nhỏ. Thế nên, trách nhiệm hàn gắn khoảng cách, xóa bỏ mặc cảm, hóa giải hận thù ngay trong chính những con người mang dòng máu Việt... là trách nhiệm cần có từ cả hai phía.

Gần 4 thập kỷ là thời gian quá đủ, thậm chí quá dài cho việc tiến tới hóa giải, dẹp bỏ những hoài nghi, hận thù, để nhường chỗ cho sự độ lượng, chân thành, nhường chỗ cho nỗ lực “tôn tộc đại quy” (tạm hiểu: tôn trọng họ hàng, cộng đồng dân tộc tất có sự quy tụ, hòa hợp lớn). Có thể xem việc tổ chức lễ cầu siêu bằng nghi lễ của 6 tôn giáo đang “chung sống” hữu hảo và được tạo điều kiện tồn tại và phát triển phù hợp với luật pháp và phong tục tập quán các cộng đồng dân tộc Việt Nam như là làn gió mát lành góp phần xóa tan đi những oi bức ngột ngạt còn rơi rớt lại, mở rộng thêm bầu không khí hòa hợp hoàn toàn phù hợp với đường lối tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tất cả vì mục đích tạo sức mạnh hợp lực để xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Hy vọng, từ việc làm tiên phong mở ra đường hướng hòa hợp dân tộc một cách thiết thực và cụ thể này, ngày càng có nhiều việc làm thiết thực, có tính thuyết phục cao, để người Việt khắp mọi miền đất nước, khắp nơi trên thế giới đều hội tụ tâm tư, tình cảm, chung tay gây dựng cơ đồ đất nước. Để mỗi người đều có quyền tự hào về quê hương, bản quán, về cội nguồn xứ sở thân thương mà bản thân mình không là người ngoài cuộc, càng không thể là người vô trách nhiệm trước quê hương, đất nước!

Ngô Kiên