Ứng phó với dịch sâu cuốn lá
(Baonghean) - Hiện toàn tỉnh đã gieo cấy gần 57.000 ha lúa hè thu và hơn 90.000 ha lúa mùa. Lúa hè thu trà gieo cấy sớm đã vào giai đoạn đứng cái làm đòng, riêng lúa mùa đang giai đoạn đẻ nhánh rộ. Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là sâu cuốn lá nhỏ đã và đang bùng phát mạnh ở tất cả các trà lúa cả hè thu lẫn vụ mùa và có khả năng trở thành dịch sâu hại lớn trên diện rộng, nếu không được tổ chức phòng trừ kịp thời và đúng lúc.
![]() |
Cán bộ Trạm BVTV huyện Nghĩa Đàn kiểm tra sâu hại lúa. Ảnh: Như Trang |
Dịch sâu cuốn lá lan trên diện rộng
Đến xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên mới thấy rõ tác hại của sâu cuốn lá nhỏ đến mức độ nào. Trên cánh đồng lúa ở xóm 4, màu xanh của lúa không còn nữa mà là màu trắng bạc do sâu cuốn lá phá hoại tan nát. Gặp chị Nguyễn Thị Hải đang đứng ở thửa ruộng bị sâu cuốn lá phá hoại nặng, chị kể: Vụ này nhà chị gieo cấy 12 sào lúa hè thu, có 7 sào bị sâu phá hoại nặng như thế này, còn lại 5 sào nhẹ hơn. Những ngày qua cả nhà chị phải thay nhau ra đồng phun thuốc cứu lúa. Nghe đâu lứa sâu cuốn lá sắp tới còn nhiều hơn thì nguy to lắm.
Ông Lê Viết Hùng - Phó Trạm BVTV Hưng Nguyên cho biết: Trạm đã dự tính, dự báo rất chính xác sự phát sinh lứa 3 sâu cuốn lá vừa qua và cả lứa 4 sâu non sẽ nở rộ vào các ngày 14 – 20/7 tới. UBND huyện cũng đã có công văn đôn đốc các xã triển khai biện pháp phòng trừ sâu cuốn lá trên phạm vi toàn huyện, nhưng bà con nông dân các xã vẫn có thói quen khi nào thấy sâu cuốn lá vào tổ, thậm chí lá lúa đã trắng bạc và tơi tả khi ấy mới đi mua thuốc về phun. Đây chính là nguyên nhân mất tiền mua thuốc, mất công đi phun trừ mà sâu không chết, hậu quả là mất mùa. Bởi ở giai đoạn lúa đứng cái làm đòng, nếu không chủ động phòng trừ kịp thời sâu cuốn lá, chắc chắn năng suất lúa sẽ giảm nghiêm trọng, thậm chí không có thu hoạch do lá ôm đòng (lá công năng) bị sâu phá nát.
Còn tại xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn, trên 4 sào lúa của gia đình ông Bùi Trọng Lưu ở xóm Hải Lộc, cũng như diện tích lúa của nhiều hộ nông dân trong xóm đã xuất hiện sâu cuốn lá hại lúa với mật độ dày, nếu không kịp thời phun thuốc phòng trừ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Ông Lưu cho biết: “Vụ hè thu - mùa thường hay xuất hiện sâu bệnh nhưng năm nay, mật độ sâu cuốn lá xuất hiện nhiều nên bà con nông dân chúng tôi rất lo sợ, chúng tôi chấp hành theo đúng khuyến cáo của huyện, chủ động phun thuốc phòng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu cuốn lá gây ra”. Xã Nghĩa Lộc có 100 ha lúa mùa sớm, hiện các chân ruộng đã xuất hiện sâu cuốn lá với mật độ từ 40-70 con/m2, nơi cao từ 100-150 con/m2, cục bộ 150-200 con/m2. UBND xã sau khi nhận được thông báo chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá của huyện đã nhanh chóng chỉ đạo bà con nông dân phun thuốc phòng trừ.
Theo kết quả điều tra của Trạm BVTV huyện Nghĩa Đàn thì hiện nay lúa mùa sớm mùa chính vụ đang thời kỳ bén rễ đến đẻ nhánh, sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 phát sinh và gây hại với mật độ cao, toàn huyện có 700 ha nhiễm sâu với mật độ phổ biến từ 20-50 con/m2; nơi cao 100-150 con/m2; cá biệt 200-250 con/m2. Hiện sâu cuốn lá lứa 3 đã vũ hóa rộ từ 8 - 12/7; sâu non tuổi 1, tuổi 2 lứa 4 sẽ ra rộ từ 15 - 20/7. Sâu non lứa 4 có khảng năng phát sinh mật độ cao, trên diện rộng và gây hại trên trà lúa mùa thời kỳ đẻ nhánh đến cuối đẻ nhánh làm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa, đặc biệt là ở lứa 4 có thể có hiện tượng gối lứa, do đó thời gian gây hại của sâu non lứa 4 sẽ kéo dài. Trước tình hình đó, UBND huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo khẩn trương các ngành chức năng và 25 xã, thị trấn, kịp thời hướng dẫn người dân phun thuốc phòng trừ.
Ông Nguyễn Viết Trung - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Nghĩa Đàn khuyến cáo: “Hiện nay chúng tôi đã chủ động tuyên truyền, tổ chức phòng trừ khi mật độ sâu cuốn lá gây hại cao; Cử cán bộ nông nghiệp, cán bộ BVTV xã kết hợp với cán bộ thực vật huyện điều tra diễn biến, tuyên truyền các biện pháp phòng trừ đến bà con nông dân. UBND các xã gửi công văn đến các đại lý buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn để đại lý bán đúng thuốc theo hướng dẫn cho bà con nông dân để phòng trừ có hiệu quả. Lưu ý: Nếu các đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn bán không đúng theo hướng dẫn thì Chủ tịch UBND xã xử lý theo Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 17/7/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành quy định quản lý thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Cho đến thời điểm này toàn tỉnh đã gieo cấy gần 57.000 ha lúa hè thu và hơn 90.000 ha lúa mùa. Phần lớn diện tích lúa hè thu tập trung ở các huyện đồng bằng ven biển, lúa mùa gieo cấy chủ yếu ở các huyện vùng cao. Hiện tại lúa hè thu trà gieo cấy sớm đã vào giai đoạn đứng cái làm đòng. Đa số diện tích này tập trung ở các huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương… Riêng lúa mùa đang giai đoạn đẻ nhánh rộ.
Cảnh báo từ sâu cuốn lá hại lúa
Vụ hè thu 2010, toàn tỉnh mất mùa cũng do sâu cuốn lá phá hoại và UBND tỉnh đã chi ra 1,9 tỷ đồng để mua thuốc trừ sâu giúp bà con nông dân phòng trừ. Vụ đó, toàn tỉnh gieo cấy 57.380 ha lúa và hầu hết trên diện tích này đều bị sâu cuốn lá phá hoại liên tục, nhiều lứa gối nhau kéo dài suốt cả vụ gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử từ khi có vụ lúa hè thu ra đời. Năng suất lúa vụ hè thu 2010 chỉ đạt bình quân 19,24 tạ/ha, giảm 27,5 tạ/ha so với vụ hè thu 2009 và giảm 25,8 tạ/ha so với kế hoạch. Tổng sản lượng lúa hè thu 2010 giảm 15.697 tấn so với vụ hè thu 2009 và giảm 13.565 tấn so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Với nền nhiệt độ cao như hiện nay sâu cuốn lá càng phát triển mạnh và nhanh hơn. Một số huyện có diện tích lúa hè thu bị sâu cuốn lá phá hoại nhiều như: Quỳnh Lưu 2.300/7.600 ha, Hưng Nguyên 1.200 ha/5.300 ha, Diễn Châu 1.300/9.000 ha, Yên Thành 2.200/12.700 ha… HTXNN Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu là một trong số các HTX có diện tích lúa bị sâu cuốn lá phá hoại khá nhiều. Theo ông Hồ Hữu Giao - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Nam Sơn thì vụ lúa hè thu năm nay HTX gieo cấy 260 ha lúa. Lứa 3 sâu cuốn lá vừa rồi đã có gần 100 ha lúa bị sâu cuốn lá phá hoại. Theo dự báo của Trạm BVTV huyện và qua kiểm tra đồng ruộng thì lứa 4 sâu cuốn lá đợt này sâu non chuẩn bị nở và khả năng lứa sâu này có thể nói là “đại dịch” vì đồng nào, ruộng nào cũng thấy nhiều trứng sâu trên lá lúa. Mấy ngày nay Ban Quản lý HTX Nông nghiệp Nam Sơn đang phân công nhau xuống tận từng xóm động viên bà con nông dân chuẩn bị đầy đủ thuốc, bơm, tất cả đồng loạt ra đồng phun thuốc diệt sâu vào các ngày 15, 16 và 17/7.
Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An thì lứa sâu thứ 3 sẽ vũ hóa rộ trong khoảng thời gian từ ngày 7 - 12/7 và sau đó sâu non tuổi 1, tuổi 2 lứa 4 sẽ ra rộ từ ngày 14 - 20/7. Đặc biệt, sâu non lứa 4 có khả năng sẽ phát sinh, phát triển với mật cao trên diện rộng và dễ có nguy cơ trở thành dịch gây hại nặng đến rất nặng đối với lúa hè thu thời kỳ lúa đứng cái làm đòng, lúa mùa thời kỳ cuối đẻ nhánh rộ.
Giải pháp phòng trừ sâu cuốn lá
Để chủ động phát hiện phòng trừ kịp thời, hiệu quả đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 4. Đề nghị các cơ sở sản xuất và bà con nông dân thực hiện tốt những nội dung sau đây:
- Thường xuyên kiểm tra, thăm đồng, bám sát ruộng để phát hiện sớm, chính xác thời gian xuất hiện rộ của sâu trưởng thành lứa 3 và sâu non tuổi 1, tuổi 2 lứa 4 để chủ động phòng trừ ngay.
- Để phòng trừ có hiệu quả cao đối với loại sâu này, chúng ta chỉ phun thuốc tiêu diệt sâu khi có mật độ sâu từ 70 - 100 con/m2 trở lên đối với lúa thời kỳ đẻ nhánh (lúa mùa) và 30 con/m2 trở lên đối với lúa hè thu đang vào thời kỳ làm đòng hiện nay.
Chỉ nên dùng các loại thuốc đặc hiệu để phun như: Ammate 150SC, Clever 150SC, Obaone 95 WG, Voliam Targo 063SC, Virtako 40 WG… Tất cả phun theo liều lượng khuyến cáo khi sâu ở tuổi 1 - 3 có ghi ở ngoài bao bì, nhãn mác.
- Tuyệt đối không nên mua thuốc ở các ki ốt mua bán kinh doanh tự do, trôi nổi ở ngoài thị trường, rất dễ mua phải thuốc giả, thuốc dởm, thuốc quá hạn sử dụng… để rồi tiền mất mà không tiêu diệt được sâu, lại gây ô nhiễm môi trường. Tốt nhất đến các cửa hàng có đăng ký kinh doanh vật tư thuốc bảo vệ thực vật để mua hoặc trực tiếp đến các trạm bảo vệ thực vật huyện để mua và còn được hướng dẫn phương pháp sử dụng thuốc có hiệu quả nhất. Công việc phòng, chống sâu cuốn lá nhỏ cho lúa hè thu và lúa mùa lúc này là hết sức cần thiết và rất bức bách. Nhưng bà con nông dân chúng ta thực sự chưa có kinh nghiệm về phòng, chống loại sâu này. Phần lớn các cơ sở sản xuất và bà con nông dân ta chỉ khi nào thấy lá lúa bị cuốn, màu xanh của lá không còn nữa, cả bụi lá xơ xác… lúc này mới mua thuốc về để phun thì không có tác dụng.
Sâu cuốn lá nhỏ chỉ phun có tác dụng khi sâu non đang ở tuổi 1 và tuổi 2. Vì vậy, phải thực hiện phun thuốc trừ sâu khi có thông báo của các Trạm Bảo vệ thực vật huyện thông báo về xã và xã thông báo với dân thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã.
Doãn Trí Tuệ - Như Trang