Khó giải ngân vốn nhà ở xã hội

09/07/2014 14:25

(Baonghean) - Xây dựng nhà ở xã hội là chủ trương được Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện về nguồn vốn đầu tư cho cả doanh nghiệp và người mua nhà. Song trên thực tế hiện nay do điều kiện vay vốn rất chặt chẽ, cả doanh nghiệp xây dựng và người mua nhà đều khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Do đó, dòng vốn đầu tư cho nhà ở xã hội mới chỉ giải ngân được rất ít cho khách hàng cá nhân.

(Baonghean) - Xây dựng nhà ở xã hội là chủ trương được Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện về nguồn vốn đầu tư cho cả doanh nghiệp và người mua nhà. Song trên thực tế hiện nay do điều kiện vay vốn rất chặt chẽ, cả doanh nghiệp xây dựng và người mua nhà đều khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Do đó, dòng vốn đầu tư cho nhà ở xã hội mới chỉ giải ngân được rất ít cho khách hàng cá nhân.

Trong thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở Xây dựng nắm bắt nhu cầu nhà ở xã hội và các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP, tuy nhiên do nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng còn đang thiếu hụt so với nhu cầu thực tế, nên dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này còn rất thấp. Đến nay, trên địa bàn Nghệ An các tổ chức tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP, dư nợ 23,7 tỷ đồng, gồm 65 khách hàng vay, tất cả đều là khách hàng cá nhân.

Dự án nhà ở xã hội của Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh tại số 176, Nguyễn Du.
Dự án nhà ở xã hội của Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh tại số 176, Nguyễn Du.

Thực tế để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng và mua nhà ở xã hội không dễ bởi điều kiện vay vốn rất chặt chẽ. Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Nghệ An (BIDV), đến thời điểm hết tháng 6/2014 mới chỉ duy nhất 1 khách hàng cá nhân được vay vốn, với dư nợ hơn 60 triệu đồng. Theo ông Hoàng Hải Nam – Phó phòng khách hàng cá nhân BIDV Nghệ An: Sở dĩ khó giải ngân vốn cho vay nhà ở xã hội, bởi hầu hết các hồ sơ vay vốn thuộc diện hỗ trợ đều không đủ điều kiện theo Nghị quyết số 02 của Chính Phủ và Thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định, đối với khách hàng doanh nghiệp “Có mục đích vay vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh kể từ ngày 7/1/2013 để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội”. Dự kiến trong tháng 7/2014, chi nhánh sẽ giải ngân 30 tỷ đồng cho dự án nhà ở xã hội tại xã Nghi Kim của Công ty CP đầu tư xây dựng Trường Sơn. Dự án này đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận việc đăng ký khoản cho vay bằng nguồn tái cấp vốn.

Ông Lê Thanh Phong – phó giám đốc Ngân hàng công thương Bến Thuỷ chia sẻ: Đối với lĩnh vực cho vay nhà ở xã hội, chi nhánh đã phân công cán bộ nhân viên đi tiếp thị ở các dự án nhà ở thương mại có diện tích căn hộ dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 để mời khách hàng vay vốn, nhưng rất ít khách hàng đáp ứng được điều kiện vay. Hơn nữa, nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn còn khan hiếm. Các thủ tục xác minh khách hàng chưa có nhà ở tại địa phương rất khó khăn (quy định yêu cầu người được vay vốn phải chưa có nhà ở), trong khi ngân hàng tin tưởng vào xác minh của chính quyền địa phương. Đến nay, chi nhánh Ngân hàng Công thương Bến Thuỷ có 10 khách hàng cá nhân đã được vay vốn mua nhà ở xã hội, với dư nợ khoảng 3 tỷ đồng.

Về phía các doanh nghiệp - chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, hầu hết các doanh nghiệp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn của ngân hàng nên vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn. Dự án nhà ở xã hội 15 tầng tại phường Quán Bàu, TP. Vinh, trước đây do Công ty CP Trung Việt làm chủ đầu tư, nay là Công ty CP địa ốc Kim Thi. Dự án này có diện tích xây dựng gần 1.300m2, diện tích sàn gần 19.000m2, với 238 căn hộ. Dự kiến tổng đầu tư xây dựng khoảng 142 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đình Dũng nguyên là chủ đầu tư của dự án này chia sẻ: Mặc dù Nhà nước có chính sách ưu đãi vốn vay đối với dự án nhà ở xã hội, nhưng tiếp cận vốn rất khó, bởi nhiều cái vướng mà cả doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đều rất lúng túng.

Tôi đã tiếp xúc với vài ngân hàng nhưng ngân hàng không mặn mà. Với một loạt điều kiện yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng, như tài sản đảm bảo, năng lực tài chính, năng lực quản lý, vốn đối ứng… chúng tôi không thể đáp ứng đầy đủ, đành phải bỏ ý định vay vốn ưu đãi. Hiện nay, doanh nghiệp tự xoay trở, tiếp tục triển khai xây dựng bằng nguồn vốn tự có, vay thương mại và huy động từ khách hàng. Thiết nghĩ, Nhà nước đã có chủ trương rất ưu việt, được đông đảo mọi tầng lớp xã hội ủng hộ, song cần có sự điều hành quyết liệt hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước tạo sự đồng bộ, tháo gỡ rào cản. Ngân hàng Nhà nước phải có hướng dẫn cụ thể về phía doanh nghiệp phải có những điều kiện gì và ngân hàng thương mại cần như thế nào?

Tương tự, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội của Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, với quy mô 27 tầng, 352 căn hộ tại địa chỉ 176 - Nguyễn Du, TP. Vinh đang xây dựng, rất cần vốn để đẩy nhanh tiến độ. Ông Trần Bá Thái – Phó Giám đốc công ty cho biết: Đến thời điểm hiện nay chúng tôi đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây dựng công trình, đã xây xong phần móng, 2 tầng hầm và 4 tầng nổi. Hiện rất cần vốn để tiếp tục hoàn thành công trình, song đang phải chờ Tổng Công ty lương thực miền Bắc làm việc với Ngân hàng Công thương Việt Nam để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội. Chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm được giải ngân nguồn vốn vay.

Đến nay, trên địa bàn Nghệ An có 5 dự án nhà ở xã hội (1.400 căn) đã được Bộ Xây dựng chấp thuận ghi vào danh mục dự án được vay vốn với tổng mức đề nghị cho vay là 330 tỷ đồng. Trong số đó chỉ có một dự án được cấp giấy phép xây dựng, 4 dự án còn lại đang làm thủ tục.

Khó khăn hiện nay là đối tượng vay vốn và hộ gia đình phải thỏa mãn điều kiện: “Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội”. Nhưng trên thực tế có một số cán bộ, người lao động chưa lập gia đình, có cùng hộ khẩu với bố mẹ (đã có nhà và đất)… nếu chiếu theo quy định nói trên thì cán bộ này đã có nhà ở và đất thuộc sở hữu của mình nên không được vay vốn. Trong khi trên thực tế nhu cầu có nhà ở tại TP. Vinh của những người này là có thật và rất bức xúc. Vấn đề này NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An đã có kiến nghị với NHNN Việt Nam làm việc với Bộ Xây dựng để sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc .

Bài, ảnh: Quỳnh Lan