Cần hoàn thiện hệ thống phân phối

07/03/2014 16:12

  Các sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng cần được kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng.  Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị CoopMart. Ảnh: QUANG MINH

Người dân mua hàng tại siêu thị CoopMart. Ảnh: QUANG MINH

Vụ phát hiện nấm ăn không rõ nguồn gốc trong hệ thống siêu thị mới đây đã khiến không ít người tiêu dùng giật mình. Siêu thị từng được coi là "chiếc phao" cuối cùng để người tiêu dùng bám víu trong cơn bão tràn lan hàng thực phẩm kém chất lượng, thì nay dường như cũng không còn là địa chỉ tin cậy về chất lượng hàng hóa.

"Ma trận" tiêu dùng

Gặp chị Nguyễn Thị Hiền, một bà nội trợ đang mua đồ chuẩn bị bữa ăn tối cho gia đình tại một siêu thị, chúng tôi được nghe chị chia sẻ: "Mua thực phẩm trong siêu thị cũng là để yên tâm hơn thôi, chứ thật ra cũng không biết thế nào. Như rau củ có khi cũng là hàng chợ rồi rửa sạch cho vào bao bì đẹp, như vụ nấm không rõ nguồn gốc trên ti-vi ấy. Bây giờ không biết đâu là "bẩn", đâu là "sạch" nữa".

Đây là lo ngại chung của phần lớn người tiêu dùng hiện nay, nhưng khách quan mà nói, với những quy trình kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) chặt chẽ, các hệ thống siêu thị vẫn bảo đảm cung cấp hơn 90% số thực phẩm là "hàng sạch" đến người tiêu dùng. Tuy vậy, đó cũng chỉ là điểm sáng le lói trong bức tranh tối, vì chỉ khoảng 13% lượng thực phẩm của Hà Nội và 20% của cả nước là được cung cấp từ các hệ thống siêu thị. Trong khi đó, hơn 85% số người dân vẫn đang mua thực phẩm tại các chợ truyền thống... nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật từ thực phẩm thiếu vệ sinh an toàn.

Theo Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội Vũ Vinh Phú, cần nhận thức rõ vấn đề mới đưa ra được cách giải quyết, nên phải xem đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng như hiện nay. Đầu tiên là hệ thống sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Từ con giống đến cây giống, từ phân bón đến thức ăn gia súc... tất cả đều là tự phát, thiếu sự đầu tư và kiểm soát chặt chẽ. Thêm đó vẫn là những câu chuyện quanh cái cuốc, cái cày, những làng bún, những lò mổ tư nhân... thể hiện rõ sự yếu kém về cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật cho sản xuất kinh doanh. "Chúng ta chưa có một hệ thống phân phối hàng hóa hoàn thiện, từ nhà sản xuất cho đến khâu bán lẻ..., tất cả đều rời rạc, cắt đoạn.

Quy trình nhãn mác bao bì cũng không đầy đủ và đồng bộ, nhiều khi thiếu thông tin ghi rõ ai sản xuất, ai đóng gói, ai phân phối một cách rõ ràng. Ý thức của người sản xuất kinh doanh còn kém, mang tính cục bộ, hầu như tất cả đều chưa ý thức được những vi phạm về VSATTP của họ chính là những "tội ác" không thể tha thứ được", Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội Vũ Vinh Phú bức xúc.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Vinh Phú, vấn đề kiểm soát VSATTP cũng còn nhiều bất cập, nhiều nơi vẫn duy trì tác phong quan liêu, làm việc thiếu trách nhiệm, cộng thêm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng gia tăng, càng làm cho bức tranh về thực phẩm kém chất lượng thêm rối rắm. Theo thống kê, đầu tư cho công tác VSATTP của nước ta còn khiêm tốn. Thêm nữa là sự phân công chồng chéo trong công tác quản lý, có đến bốn bộ cùng chịu trách nhiệm là Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng không có một cơ quan nào có trách nhiệm chính và có quyền tuyệt đối. Cuối cùng là việc tổ chức thi hành các bộ Luật về VSATTP, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Quản lý chất lượng sản phẩm... còn chưa kiên quyết và nhiều bất cập, dẫn đến buông lỏng trong quản lý và thiếu ý thức của những người tham gia sản xuất kinh doanh.

Xây dựng chuỗi sản xuất -tiêu thụ khép kín

Quay trở lại với vụ phát hiện nấm không rõ nguồn gốc được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, có thể thấy sự kết nối giữa nhà sản xuất với hệ thống bán lẻ còn nhiều bất cập. Hệ thống siêu thị chưa kiểm soát được hoàn toàn chất lượng thực phẩm đưa vào siêu thị do chưa gắn kết chặt chẽ với các nhà sản xuất. Thực tế cho thấy, nhiều nhà sản xuất vẫn chưa chú trọng, quan tâm đúng mức tới việc xây dựng hệ thống phân phối hoàn chỉnh, nhất là gắn chặt với các kênh phân phối bán lẻ.

Để có thể kiểm soát được chất lượng thực phẩm tại hệ thống siêu thị cũng như các chợ truyền thống thì điều quan trọng nhất là cần xây dựng một mô hình chuỗi sản xuất khép kín từ nơi sản xuất đến bàn ăn. Chủ tịch Vũ Vinh Phú lấy dẫn chứng: rau muống từ đồng ruộng, nên quy chuẩn từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu, quy trình canh tác, nước tưới, thu hái, bao bì, vận chuyển, đến khâu bán lẻ..., tất cả phải được mã hóa bằng số và vạch, có tên tuổi và địa chỉ rõ ràng. Chỗ nào sai cần xử lý ngay chỗ đó, phải có người chịu trách nhiệm. Trước mắt chỉ nên tập trung và làm dứt điểm cho sáu mặt hàng thiết yếu của cuộc sống là gạo, thịt, cá, rau củ, hoa quả, sữa; sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng thành một hệ thống hoàn chỉnh.

Cũng theo ông Phú, cần phải trang bị đầy đủ thiết bị, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tổ chức tốt bộ máy hoạt động nhằm nâng cao năng lực kiểm tra VSATTP. Việc tăng cường thanh, kiểm tra phải đi đôi với trong sạch và lành mạnh hóa đội ngũ cán bộ. Mỗi một thanh tra viên, kiểm soát viên phải có đủ thẩm quyền, để có thể dựa trên những tiêu chí, bằng chứng... đầy đủ, đưa ra phán quyết độc lập và phải tự chịu trách nhiệm về công việc của mình. Đầu mối quản lý cũng cần thống nhất lại, sẽ chỉ một bộ có quyền và trách nhiệm chính, các bộ khác chỉ phối hợp.

Theo kinh nghiệm nhiều nước khác, Bộ Y tế sẽ là nơi phụ trách chính, đưa ra quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về vấn đề VSATTP. Cuối cùng là cần nâng cao "quyền" của thị trường và người tiêu dùng. Hiện nay ở nước ta, người dân nhiều khi còn quá "dễ dãi" trong vấn đề tiêu dùng. Nhưng khi "quyền" của người tiêu dùng đủ mạnh, các sản phẩm kém chất lượng sẽ tự bị đào thải mà không cần nhờ đến sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Theo NDĐT