Lỡ một chuyến biển...

31/05/2014 17:02

(Baonghean) - Vụ cá Nam. Phía biển đang được sự quan tâm, sẻ chia khích lệ từ đất liền. Cánh phóng viên báo chí cũng háo hức tìm cách để được đi khơi đi lộng một chuyến... Điện thoại khắp Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, được báo lại là cữ trăng tròn nên tàu lớn còn ém bờ chuẩn bị chu đáo để vươn khơi. Thế thì tranh thủ làm một chuyến trong lộng vậy...

(Baonghean) - Vụ cá Nam. Phía biển đang được sự quan tâm, sẻ chia khích lệ từ đất liền. Cánh phóng viên báo chí cũng háo hức tìm cách để được đi khơi đi lộng một chuyến... Điện thoại khắp Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, được báo lại là cữ trăng tròn nên tàu lớn còn ém bờ chuẩn bị chu đáo để vươn khơi. Thế thì tranh thủ làm một chuyến trong lộng vậy...

Nhưng, tôi đã lỡ một chuyến biển...

Phó Chủ tịch xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) Bùi Văn Thành nhiệt tình dẫn tôi xuống làng chài, nói: “Anh muốn đi tàu nào thì đi. Có nhà báo cùng bám biển là bà con vui lắm!”. Chiều cửa sông Cấm lấp lóa nắng. Tới lui những con thuyền thúng rộn tiếng í ới. Trong lạch còn nhiều thuyền chờ tiếp lương thực, nước ngọt và tập kết lao động cho chuyến biển đêm. Phó chủ tịch Thành cẩn thận “gửi” tôi lên một con thuyền mới đóng chắc chắn. Nhà chài Tý họ Phạm nhiều đời sông nước miệt biển Nghi Thiết (Nghi Lộc), tuổi trạc ngũ tuần, căng đôi vai rộng uốn bánh lái thuyền cá 44 mã lực phăm phăm hướng biển, trên nóc ca-bin phần phật cờ đỏ sao vàng. “Tiết trời nắng thế này chưa hẳn “được” cá, nhưng bà con ngư dân vẫn bám biển khí thế lắm!”- nhà chài Tý bảo tôi.

Đã từng có chuyến biển dọc ngang hàng tuần ngoài khơi Vịnh Bắc bộ với bà con ngư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), nên tôi có phần chủ quan khi tòn teng máy ảnh háo hức sóng nước. Nhưng khi thuyền vừa ra khỏi cửa sông, nhà chài Tý thốt nhiên hãm máy, gọi: “Ôi quên, anh phải quay về thôi! Cữ ni gió Đông Nam, đêm lên biển động đến cấp bảy, cấp tám, tàu nhỏ dồi dữ lắm!”. Năn nỉ chán, nhà chài Tý vẫn không chịu vì lý do sợ không an toàn cho tôi. Thất vọng lên bờ, Phó Chủ tịch Thành vẫn chưa quay về trụ sở xã, đón tôi và an ủi: “Đêm anh ngủ lại làng chài, mai đón cá về cũng ối chuyện mà viết. Mạnh của nghề gắn với nguồn lợi biển của Nghi Thiết bây giờ không chỉ ở nghề khai thác hải sản, mà trên bờ cũng bắt đầu có nhiều mô hình dịch vụ, đàn bà không đến nỗi chỉ còn trông chờ riêng thu nhập chuyến biển của cánh đàn ông nữa!...”. Thì, tôi cũng đã có dịp đến nhiều làng chài, thấy được cái nhịp nhàng của nghề biển nay ở sự phối hợp dịch vụ hậu cần phía bờ tạo thêm điều kiện cho thành công của mỗi chuyến biển.

Ở Nghi Thiết thuyền đánh bắt chủ yếu vùng lộng và lộng khơi, câu mực hoặc đánh cá đáy với ngư cụ lưới kéo. Chuyến biển cứ bắt đầu xế chiều hôm nay thì rạng sáng hôm sau về, cá nhanh chóng được các bà, các chị bơi thúng ra phân loại, thứ được chuyển về bán chợ xép ở xã, thứ giá trị hơn sang cập bến Cửa Lò nhập cho các nhà hàng hải sản phục vụ mùa du lịch. “Mỗi chuyến biển qua đêm như thế trừ chi phí cũng được dăm, bảy trăm đồng tiền lãi, có khi là 1 triệu! Nếu nghề giã mỗi thuyền cỡ gần 50 CV đi dăm bảy bạn ngang thì thu lãi vài, ba triệu đồng là thường” – nhà chài Sơn vừa thả thúng kịp lên thuyền, vừa nói vọng lên. Thế nghĩa là, từ vụ cá chính ngư dân Nghi Thiết có thể nghĩ đến sự khấm khá mà yên tâm gắn bó bám biển hơn.

Tôi nuối tiếc vẫy chào nhà chài Sơn và các thuyền đánh cá của bà con ngư dân đang nô nức giương cờ Tổ quốc kéo ra phía cửa sông. Thuyền nào cũng trang trọng thay lá cờ mới mua. Chợt nhớ mới rồi Ban tổ chức giải bóng đá Thanh niên dành cho cán bộ, công chức tỉnh và Tỉnh đoàn Nghệ An với tinh thần hướng về biển đảo quê hương “chung tay cùng ngư dân bám biển”, đã đi thăm, tặng quà động viên tiếp sức ngư dân xã Nghi Quang (Nghi Lộc), trong đó có 250 lá cờ Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng ấy thắm tinh thần vệ quốc nhắc nhở ngư dân tỉnh nhà hướng về biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang “dậy sóng” để mà nỗ lực bám biển.

Khi tôi len lỏi trong những lối nhỏ quanh co đặc trưng của làng chài đã được bê tông hóa kiên cố theo chương trình nông thôn mới để quay về trụ sở xã Nghi Thiết, thấy thấp thoáng trong những nhà dân cơ bản xây dựng khang trang là cong cong cổ kính mái nhà thờ các dòng họ, chứng tỏ cho thấy bề dày quần cư gắn bó với biển của người dân chài ở đây. Nghi Thiết có làng nghề mộc đóng tàu thuyền Trung Kiên nổi tiếng hàng mấy thế kỷ nay thì ai cũng biết. Tàu thuyền hạ thủy từ làng nghề Trung Kiên nay có mặt khắp ngư trường lãnh hải thiêng liêng của cả nước, góp phần làm nên một niềm tự hào cho người làng nghề. Rất nhiều người trẻ ở đây đã mạnh dạn lập các cơ sở mộc đầu tư hàng tỷ đồng để phát huy nghề truyền thống. Là làm ăn kinh tế đấy, nhưng mục tiêu tạo việc làm cho hàng chục lao động con em trong xã cũng được coi trọng.

Gặp lại Nguyễn Trọng Hồng, sinh năm 1977 ở xóm Chùa 2, là người tôi từng viết về gương thanh niên lập nghiệp ở Nghi Thiết; anh cho biết: Cơ sở vẫn duy trì 20 lao động trẻ và sau hơn một năm đã cho hạ thủy 7 con tàu cá 300 - 500 CV... Không gian làng Trung Kiên hiện còn có nhiều di tích cổ như đình, đền, chùa, bia đá được tạo dựng từ thời Lê. Làng có đền Hoàng Lao có thờ ông tổ nghề đóng thuyền (Quan Hậu) và chùa Trung Kiên dựng lên dưới triều vua Lê Hy Tông (1662 - 1716) từ công đức của vợ chồng ông tổ làng nghề mộc Trung Kiên là Nguyễn Quý Công. Nói về không gian văn hóa truyền thống Trung Kiên, tài liệu ghi: “Bia Trung Kiên “Cổ thần bi ký” có thân hình hộp 4 mặt, làm bằng đã cẩm thạch từ thời Chính Hoà (1690). Mộ ông tổ nghề đóng thuyền Trung Kiên, Lễ hội làng Trung Kiên... cụm di tích đền, đình, chùa Trung Kiên nằm ở khu trung tâm làng, dọc theo chân núi Rồng, có xưởng đóng thuyền, cư dân đông đúc, thuyền bè qua lại, sông nước hữu tình”...

Ngôi chợ nhỏ nằm giữa vùng làng chài ngày họp 2 buổi, sáng đón cá về vè vè xe máy của người làng và thương lái nơi xa đến đưa hải sản đi khắp các chợ quê, nhà hàng lân cận. Chiều chợ bày rau quả, các thức hải sản sơ chế và có cả hàng quà mùa nào thức nấy, bán mua không cần trả giá, đã “hút” các bà, các chị vừa tiễn người thân đi biển ngoài bến về. Nếp sinh hoạt chợ ấy, dễ cũng có tự mấy trăm năm? Tình cờ gặp ở chợ người quen là vợ chồng nhà chài Ninh ở Phúc Thọ sang Nghi Thiết mua sắm ngư cụ, ông hồ hởi mời: “Hôm nào anh thu xếp đi với vợ chồng tôi chuyến biển nhé. Thuyền nhà tui 40 CV đánh lộng Hòn Mắt, một chuyến đi từ rạng sáng, trưa về, hai vợ chồng kiếm lãi dăm trăm bạc khỏe re”. Câu chuyện cứ thế trải dài về vụ cá Bắc, vụ cá Nam. Rồi nhà chài Ninh hăng hái sang chuyện Biển Đông chủ quyền lãnh hải: “Nói thực, nếu có tiền tui cũng muốn đóng tàu cá lớn, tuyển bạn ngang đi khơi”. Bà Thanh vợ nhà chài Ninh liếc chồng rồi xen vào: “Ông nhà tui dạo ni như người trở tính. Hôm nào không đi biển thì cũng hai, ba giờ sáng ra bến lục cục dọn thuyền rồi ngồi đốt thuốc lá!...”. Ấy là tâm lý nhớ biển thường thấy của ngư phủ, hẳn một phần cũng là bởi hòa vào khí thế bám biển hiện nay của bà con ngư dân cả nước.

Ngư dân Nghi Thiết (Nghi Lộc) chuẩn bị một chuyến biển.
Ngư dân Nghi Thiết (Nghi Lộc) chuẩn bị một chuyến biển.

Người làng miệt biển Nghi Thiết một năm dễ có tới... 12 cái tết! Đó là ví von trong bữa cơm có đặc sản mực tươi và bạch tuộc ở nhà cô Phó Chủ tịch Mặt trận xã Nguyễn Thị Cúc, khi tôi được thân phụ cô cho hay, con em Nghi Thiết công tác, làm ăn ở TP. Vinh và các địa phương lân cận cũng nhiều. Ngoài dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội làng Trung Kiên, thì cứ đến chiều ngày Ba mươi âm lịch hàng tháng, bất kể họ Văn, họ Phạm hay họ Nguyễn... các nhà thờ chi họ đều đỏ hương đăng đón con cháu lũ lượt kéo về, ô tô xe máy rộn đường làng. Thuyền cá nhà chài đi biển xa, biển gần đều phải kịp về neo đậu trong lạch.

Tộc trưởng khăn áo chỉnh tề, sửa mình từ hôm trước để thành tâm báo cáo với tổ tiên ngày vọng đón con cháu về dâng hương báo hiếu. Suốt đêm Ba mươi cho đến rạng ngày mùng Một, cả làng rậm rịch nói cười thăm hỏi, tiếng chiêng, tiếng trống từ các nhà thờ họ tộc dìu dặt gió biển quyện mùi hương trầm. Sau giờ Tý cúng bái xong, là hạ cỗ khuya chia lộc với các thức xôi gà, bánh trái và đương nhiên không thiếu hải đặc sản biển khơi. Câu chuyện xóm làng, làm ăn, học tập và truyền dạy lời răn cha ông, họ tộc cứ thế rôm rả không dứt. Làng biển mà có thế núi dáng sông, giữa nghề chài lưới có một nghề mộc lưu truyền mấy trăm năm... quả Nghi Thiết là một vùng quê biển độc đáo nên mới có một nét sinh hoạt cộng đồng riêng thế chăng?

Bao điều lý thú nữa để lưu luyến vùng đất biển và người dân biển Nghi Thiết. Nhưng đành khất hẹn một dịp khác sẽ ở lại đón niềm vui buổi cá về, hay dự một đêm “trừ tịch” trang nghiêm, ấm cúng của làng biển. Phó Chủ tịch Thành dặn mấy bữa nữa biển trở gió Tây Nam, sóng lặng hơn, nhớ liên lạc mà về “trả nợ” chuyến biển. Lại nhớ về chuyến biển năm trước ấy ngoài khơi Vịnh Bắc bộ với ngư dân Quỳnh Long, để thấy dù người làng chài chuyên nghề đi khơi hay đi lộng, ở đâu tôi cũng cảm nhận được một tình yêu biển mà càng sóng dữ càng bền bỉ, quyết liệt. Về qua núi Hổ, núi Rồng, ngoảnh phía cửa sông Cấm đón mặn mòi gió biển khơi xa rời rợi, tự nhủ sẽ không để lỡ một chuyến biển sau...

Anh Vũ