Niềm tin của cậu bé nghèo

31/05/2014 21:05

(Baonghean) - Về xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) hỏi thăm Lê Văn Chiến, ai cũng bày tỏ niềm cảm thông, chia sẻ trước hoàn cảnh đáng thương của cậu bé 11 tuổi này. Bố mẹ ly hôn và bỏ rơi khi mới 6 tháng tuổi, Chiến sống được là nhờ sự cưu mang, che chở của bà nội. Nay bà nội già yếu, hàng ngày cậu bé phải ra đồng mò cua, bắt cá giúp bà...

(Baonghean) - Về xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) hỏi thăm Lê Văn Chiến, ai cũng bày tỏ niềm cảm thông, chia sẻ trước hoàn cảnh đáng thương của cậu bé 11 tuổi này. Bố mẹ ly hôn và bỏ rơi khi mới 6 tháng tuổi, Chiến sống được là nhờ sự cưu mang, che chở của bà nội. Nay bà nội già yếu, hàng ngày cậu bé phải ra đồng mò cua, bắt cá giúp bà...

Bà, cháu lần hồi nuôi nhau

Tìm về xóm 2B, xã Ngọc Sơn, chúng tôi được bà con nơi đây chỉ dẫn nhiệt tình đường đến nhà bà Lê Thị Hường - bà nội của Chiến. Lúc này, trời đã gần trưa, cái nắng của ngày hè bắt đầu đến độ gay gắt. Ngôi nhà bà Hường chỉ 15m2, lợp ngói pờ-rô- xi măng, điểm cao nhất của mái nhà cũng khoảng 3m. Đồ đạc trong nhà không có thứ gì giá trị, 1 chiếc bàn và 1 chiếc giường đã cũ, bếp có vài ba chiếc nồi nhôm móp méo. Bước vào căn nhà thấp bé ấy, khí nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại. Chủ nhà cho hay: “Từ giờ đến 4 giờ chiều, không thể ngồi được trong căn nhà này, bà cháu tôi phải sang nghỉ nhà hàng xóm cho đỡ nóng”.

Hỏi về đứa cháu nội gặp hoàn cảnh éo le, bất hạnh, bà Hường cho biết Chiến đã bắt đầu nghỉ hè, giờ đang ở ngoài đồng hoặc bờ sông Rào Gang để bắt cá, mò cua về bán kiếm tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày của hai bà cháu. Rồi khóe mắt bà Hường chợt rưng rưng, đôi mắt nhuốm màu sương khói của bà ngân ngấn những giọt nước. Bà chia sẻ: “Thật tội nghiệp, có bố, có mẹ cũng như không, mới 6 - 7 tuổi đầu đã phải lo chuyện mưu sinh, cơm áo”. Theo lời bà Hường, khi Chiến mới chào đời được 6 tháng thì bố mẹ ly hôn, mỗi người đi mỗi ngả, giờ cả hai đều đã có gia đình riêng và sinh con đẻ cái. Chiến được để lại cho bà nội nuôi nấng. Khỏi phải kể đến những nỗi vất vả, nhọc nhằn khi nuôi một đứa trẻ thơ mới đầy nửa năm tuổi...

Bà nội cháu Lê Văn Chiến vẫn còn nhớ như in những lần đứa cháu mình khát sữa, nằm khóc hàng tiếng đồng hồ. Thương cháu, bà Hường phải bế Chiến đi khắp xóm để xin sữa. Hơn 1 tuổi, Chiến đã phải ở nhà một mình. Để có cái ăn cho cả 2 bà cháu, hàng ngày bà Hường phải ra đồng mót lúa, mót khoai. Mùa màng xong, không còn thứ gì để mót, bà vào rừng tìm cây rành rành về bán cho những người làm chổi. Cứ thế, từ năm này qua năm khác, bà phải lo “chạy ăn từng bữa”, gần như không có ngày ngơi nghỉ. Bà Hường nhờ người đóng cho chiếc cũi nhỏ, mỗi khi đi làm bà bế cháu bỏ vào cũi, đề phòng cháu bò đi khắp nơi. Bà đi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều. Lần nào về, cũng thấy cháu kiệt sức vì khóc nhiều. Thương cháu lắm, nhưng không có cách nào khác được. Khi chiến cứng cáp hơn, bà cho Chiến ngồi trong một đầu gánh để cùng ra đồng mót lúa, cùng vào rừng chặt cây rành rành. Do vậy, từ khi còn rất nhỏ Chiến đã theo bà dầm mưa dãi nắng, sớm cảm nhận được vị mặn chát của giọt mồ hôi. Lớn thêm tý nữa, Chiến đã có thể phụ giúp bà những công việc hàng ngày để kiếm sống.

Thương cháu quặn lòng, nhiều đêm bà Hường không tài nào chợp mắt. Bà nghĩ về tương lai của đứa cháu nhỏ bất hạnh, nếu không may có mệnh hệ gì phải sớm từ giã cuộc đời, Chiến sẽ sống như thế nào? Nghĩ đến đó, bà không ngăn nổi những dòng nước mắt. Rồi bà nghĩ rằng chỉ có con đường học hành may chăng mới giúp Chiến có được một tương lai tươi sáng? Vì thế, khi Chiến lên 6 tuổi, bà dắt cháu đến trường đăng ký vào học lớp 1, dù bà biết cuộc sống rồi đây sẽ khó khăn, vất vả hơn nhiều. Từ đó, một buổi Chiến đến lớp, buổi còn lại vẫn tiếp tục phụ giúp bà trong những công việc mưu sinh. Sau tiếng thở dài, bà Hường tiếp tục tâm sự: “Tôi năm nay đã 84 tuổi, sự sống chỉ tính theo từng tháng, thậm chí từng ngày. Nhưng tôi vẫn mong được sống đến lúc thằng Chiến khôn lớn hơn, để làm chỗ dựa tinh thần cho nó...”.

Mấy năm gần đây, sức khỏe bà Hường tụt dốc rất nhanh, đôi chân thường xuyên nhức buốt, đôi tay luôn tê mỏi nên không còn sức để ra đồng mót lúa, vào rừng lấy cây rành rành. Chưa đầy 10 tuổi, Chiến đã trở thành lao động chính, là chỗ dựa của bà nội khi đã bước qua độ tuổi 80. Ngoài giờ đến lớp, Chiến luôn có mặt ngoài đồng để mò cua, bắt ốc về nhập cho các quán ăn trên địa bàn. Ngày nào “thu nhập” cao, Chiến đem về khoảng 60.000 đồng, ngày nào thấp chỉ được khoảng 20.000 đồng. Cuộc sống của 2 bà cháu cứ thế trôi đi trong sự vất vả, lam lũ và nghèo khó.

Niềm vui của Chiến trước “chiến lợi phẩm”.
Niềm vui của Chiến trước “chiến lợi phẩm”.

Bà Hường và khách đang ngồi trò chuyện trước hiên nhà, bỗng dưng Chiến từ ngoài cổng chạy ùa vào sân và nói trong niềm hân hoan, vui sướng: “Hôm nay, được nhiều lắm bà ạ! Cua , cá đều nhiều!”. Chợt nhận ra sự có mặt của người khách lạ, cậu bé chào hỏi lễ phép. Lúc này, chúng tôi mới nhìn rõ hơn cậu bé. Thân hình nhỏ bé so với độ tuổi, chân tay khẳng khiu, da đen nhẻm bởi suốt ngày dầm mình giữa cái nắng như thiêu như đốt. Nhưng ấn tượng hơn cả là sự nhanh nhẹn, hoạt bát; cặp mắt toát lên ánh sáng sáng của nghị lực và niềm tin cuộc đời. Theo chân Chiến ra giếng để tận mắt chứng kiến, chúng tôi thực sự nể phục về tài bắt cua, bắt cá của cậu bé. Chiến “khoe”: “Hôm nay trời nắng to, cua thi nhau bò vào bờ tránh nắng, cá cũng thi nhau ngoi lên mặt nước để thở nên cháu bắt được nhiều hơn mọi ngày. Cháu bắt được toàn những con cua lớn và cá rô, nên dễ bán hơn. Chừng này, chắc được khoảng 70.000- 80.000 chú ạ!”. Vừa nói, cậu bé vừa tìm chỗ râm mát để đặt chậu cua và chậu cá.

Niềm mong của cháu...

Chúng tôi lại theo Chiến ra bụi tre sau vườn ngồi hóng mát. Sau thoáng ngập ngừng, e thẹn, cậu bé bắt đầu trò chuyện cởi mở và thân tình. Trong tâm thức của cậu, bà nội là người tốt nhất trên đời. Cuộc đời bà vốn đã gặp nhiều khổ cực, lúc cuối đời lại phải dang rộng vòng tay để cưu mang đứa cháu bất hạnh. Bà đã tần tảo sớm khuya, tấm lưng còng xuống để kiếm cái ăn hàng ngày nuôi cháu. Chiến thương bà lắm, lúc đầu cậu định không đi học, chỉ muốn ở nhà giúp bà kiếm cái ăn hàng ngày. Biết ý định của cháu, bà nội cậu buồn lắm, nhiều lúc cậu thấy bà nội lặng lẽ ngồi khóc một mình. Chiến không muốn vì mình mà bà nội phải khóc nên quyết định đi đăng ký học lớp 1. Thương bà vất vả, mỗi khi kết thúc buổi học, cậu lại chạy thật nhanh về nhà để đỡ đần bà công việc. Vào tuổi xế chiều, sức lực thường giảm sút rất nhanh. Rồi đến lúc bà nội của Chiến không còn đủ sức ra đồng để kiếm cái ăn nuôi cháu hàng ngày. Lúc này, cậu bé bắt đầu ý thức rằng mình phải vượt lên để làm chỗ dựa cho bà những năm tháng cuối đời. Cũng từ đó, người dân xã Ngọc Sơn thường xuyên thấy Chiến lăn lộn, bươn chải trên những cánh đồng và bên bờ sông Rào Gang.

Khi đã trở nên thân thiết hơn, cậu bé Lê Văn Chiến kể nhiều hơn về những nỗi vất vả, cơ cực của mình. Điều đáng nói là Chiến kể một cách hồn nhiên, vô tư, không biết đó là những thiếu thốn, thiệt thòi bản thân mình đang phải gánh chịu. Mọi người thường ngại ra đường lúc trời nắng to, nhưng với Chiến nắng càng to thì cậu càng bắt được nhiều cua, cá. Dầm chân giữa cánh đồng trưa bỏng rát, Chiến luôn nghĩ đến bà, mong cua, cá nổi lên thật nhiều để cậu bắt về bán có thêm tiền, để bà mua chiếc áo, áo bà đã rách từ lâu. Có những chiều hè trên cánh đồng quê, lũ trẻ trong làng thường ra chơi đùa rất vui. Cánh đồng sau vụ gặt là địa điểm lý tưởng để chơi trò thả diều, đá bóng. Nhìn cánh diều sặc sỡ đủ màu chao lượn giữa không trung, trong làn gió mát rượi, Chiến thèm muốn được nhập vào vui chơi cùng chúng bạn, muốn được cầm sợi dây điều khiển cánh diều. Có lúc, cậu muốn cùng bạn bè mải mê chạy theo trái bóng tròn, cùng hò reo trước những pha bóng đẹp. Thế rồi, chợt nhớ chiếc giỏ vẫn còn vơi so với mọi ngày, đem về bán chắc không được bao nhiêu nên cậu đành gạt bỏ những ao ước... Cậu lại lặng lẽ men theo từng bờ ruộng để bắt cua, cách đó không xa tiếng hò reo của chúng bạn vẫn vang lên...

Lê Văn Chiến bên bàn học.
Lê Văn Chiến bên bàn học.

Đáng khâm phục hơn nữa là cuộc sống vất vả, thiếu thốn và gánh chịu không ít thiệt thòi nhưng trong việc học, Lê Văn Chiến vẫn đạt kết quả khá cao. Trên bức tường nhà, Chiến treo đầy các loại giấy khen về thành tích học tập. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sơn tâm sự: “Biết rõ hoàn cảnh của Chiến, giáo viên chủ nhiệm và Ban Giám hiệu nhà trường luôn dành cho em sự quan tâm đặc biệt. Ai cũng thương Chiến vì biết vượt lên hoàn cảnh, luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, lại ngoan ngoãn và lễ phép. Trong 5 năm tiểu học, hầu như năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi hoặc học sinh tiên tiến”.

Giờ đây, 2 bà cháu không còn đơn độc trên con đường hướng tới tương lai. Bởi lẽ, biết rõ hoàn cảnh của Chiến, những tấm lòng hảo tâm đã tìm đến để sẻ chia, nâng đỡ. Trong đó phải kể đến Hội đồng hương Thanh Chương ở CHLB Đức đã gửi về hơn 10 triệu đồng để hỗ trợ. Số tiền này đang được nhà trường giữ để giúp Chiến trang trải việc học hành trong những năm tiếp theo. Có người ở Thành phố Huế đã liên lạc mời 2 bà cháu vào sinh sống cùng gia đình, nhưng bà Hường không thể rời quê cha đất tổ. Đặc biệt, có 1 nhà hảo tâm ở Thành phố Vinh quyết định hỗ trợ bà Hường mỗi tháng 500 nghìn đồng cho đến lúc bà qua đời. Cùng với đó là sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương, cuộc sống của 2 bà cháu đã bớt đi những nhọc nhằn, vất vả.

Chia tay Lê Văn Chiến, chúng tôi hỏi nhỏ: “Bây giờ, Chiến mong ước điều gì nhất?”, cậu bé trả lời: “Mong bà nội mạnh khỏe và sống lâu, sau này cháu làm việc kiếm thêm tiền để mua cho bà những món ăn ngon, những bộ quần áo đẹp. Vì cháu mà cuộc đời bà thêm nhiều vất vả, thiếu thốn...”. Nói xong, đôi mắt cậu bé như ánh lên nét rạng ngời...

Công Kiên