Đẩy mạnh công tác ATLĐ, VSLĐ trong thời kỳ CNH, HĐH

27/05/2014 10:36

Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TƯ ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 29-CT/TƯ), ngày 12/5/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch số 131-KH/TU triển khai thực hiện.

(Baonghean) - Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TƯ ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 29-CT/TƯ), ngày 12/5/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch số 131-KH/TU triển khai thực hiện.

Theo đó, yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TƯ trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TƯ và kế hoạch triển khai của ban Thường vụ Tỉnh ủy; chú trọng hoàn thiện và nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Mục tiêu cụ thể:

Giai đoạn 2014 – 2015:

- 100% cán bộ cấp tỉnh, cán bộ cấp huyện phụ trách công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, trình độ nghiệp vụ về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

- Trung bình hàng năm: Giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trong các ngành, lĩnh vực khai khoáng, luyện kim, xây dựng, sử dụng điện và sản xuất hóa chất; tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 3% số cơ sở được giám sát môi trường lao động so với năm trước; tăng thêm 1% doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn – vệ sinh lao động.

- 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng lao động.

- 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, được điều tra, xử lý.

Giai đoạn 2016 – 2020:

- 100% cán bộ có chức năng, nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về an toàn lao động, vệ sinh lao động được trang bị đầy đủ các thiết bị, phương tiện phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

- 100% cơ sở y tế có chức năng, nhiệm vụ chẩn đoán, khám phát hiện, điều trị bệnh nghề nghiệp được đầu tư về con người và trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, khám phát hiện về điều trị bệnh nghề nghiệp.

- 100% người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

- Trung bình hàng năm: Tăng 8% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 10% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 8% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức đo, kiểm tra môi trường lao động; tăng thêm 2% doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động.

- Trên 90% số hợp tác xã và làng nghề, 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ được tuyên truyền, phổ biến thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động.

- Phấn đấu 100% người lao động được trang bị các phương tiện cá nhân thiết yếu, phương tiện cấp cứu, cứu hộ cần thiết để phòng ngừa, đối phó, ứng cứu sự cố và tai nạn lao động.

P.V