Biến thách thức thành cơ hội

31/03/2014 20:25

(Baonghean) - Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là yêu cầu bức thiết hiện nay. Với sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của ngành Giáo dục và toàn xã hội, thách thức của đổi mới sẽ trở thành cơ hội thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đó cũng là tinh thần chủ đạo trong chuyến làm việc vừa qua của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tại Nghệ An.

(Baonghean) - Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là yêu cầu bức thiết hiện nay. Với sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của ngành Giáo dục và toàn xã hội, thách thức của đổi mới sẽ trở thành cơ hội thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đó cũng là tinh thần chủ đạo trong chuyến làm việc vừa qua của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận tại Nghệ An.

Đổi mới căn bản, toàn diện

Sáng 28/3, khán phòng của Trường ĐH Vinh trở thành địa điểm hội tụ của những cán bộ, giảng viên, giáo viên công tác trong ngành Giáo dục 2 tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh. Các thầy, cô có mặt từ rất sớm để nghe đồng chí Phạm Vũ Luận, “tư lệnh” của ngành Giáo dục nước nhà quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Một nghị quyết được nhân dân cả nước kỳ vọng sẽ đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay và trong tương lai.

Sinh viên Khoa Hóa (ĐH Vinh) trong giờ thực hành. Ảnh: Sỹ Minh
Sinh viên Khoa Hóa (ĐH Vinh) trong giờ thực hành. Ảnh: Sỹ Minh

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ rõ: Hệ thống trường lớp, quy mô giáo dục phát triển nhanh, rộng khắp. Cả nước đã xây dựng được nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân, tạo nền tảng để nâng cao trình độ đào tạo, kỹ năng nghề nghiệp của người lao động. Tỷ lệ sinh viên trên tổng dân số và tỷ lệ cán bộ kỹ thuật ngày càng cao. Tại các kỳ thi quốc tế và khu vực, người dân Việt Nam có quyền tự hào khi học sinh, sinh viên Việt Nam đạt được nhiều kết quả cao. Hẳn cũng không phải ngẫu nhiên mà vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố kết quả Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2012, Việt Nam được xếp nằm trong top 20 nước và vùng lãnh thổ có điểm chuẩn cao.

Vậy nhưng, chúng ta chưa thể hài lòng, yên tâm giáo dục đào tạo của nước nhà. Bộ trưởng Bộ GD & ĐT phân tích: Chất lượng giáo dục có tiến bộ so với trước đây nhưng so với yêu cầu của sự nghiệp CNH – HĐH, chưa biến được nguồn nhân lực trẻ, dồi dào trở thành thế mạnh của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển. Một tồn tại khác, đó chính là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu… Tất cả những vấn đề tồn tại, yếu kém đó đòi hỏi phải có sự đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục và Đào tạo của nước nhà theo hướng chuyển từ mô hình phát triển giáo dục chủ yếu dựa vào số lượng và quy mô hiện nay sang mô hình phát triển dựa trên chất lượng và hiệu quả. Những phân tích sâu sắc ấy cho thấy tính cấp thiết và kịp thời của Nghị quyết số 29, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay.

Chủ trương đã có, vậy cách làm cụ thể như thế nào? Quan điểm của Bộ GD và ĐT được “tư lệnh” ngành chỉ rõ: Trước hết, phải khẳng định, đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là phủ định sạch trơn tất cả. Mà ngành Giáo dục phải vừa kế thừa, củng cố; phát huy các thành tựu vừa phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới mang vào áp dụng ở nước ta. Quá trình thực hiện đổi mới phải có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình phù hợp với thực tế đất nước và từng địa phương. Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp; cơ chế, chính sách, hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục; điều kiện bảo đảm thực hiện cũng được đổi mới.

Chương trình giáo dục được xây dựng dựa trên nguyên tắc: Tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới; tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên. Cách thiết kế này cho phép lựa chọn có chủ đích trong khối kiến thức rất lớn, rất phong phú của các lĩnh vực khoa học, những nội dung phù hợp với lứa tuổi của học sinh, gần gũi, thiết thực với với cuộc sống; góp phần hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động mới. Như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng dạy và học chủ yếu theo phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò như hiện nay. Tất cả được kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi căn bản, toàn diện cho ngành Giáo dục mà cả 3 lần cải cách trước đều chưa thực hiện, cụ thể hóa thành công.

Phát huy vai trò trường đầu tàu

Sau chương trình quán triệt nghị quyết, đồng chí Phạm Vũ Luận đã làm việc với cán bộ, giảng viên ĐH Vinh. Trường ĐH Vinh là một trung tâm đào tạo lớn của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Hiện nay, trường có 18 khoa đào tạo đại học, 1 trường THPT chuyên, 1 trường mầm non thực hành và 32 phòng, ban, trung tâm, trạm; 2 văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh và Thanh Hóa. Trường đang đào tạo 50 ngành đại học hệ chính quy; 27 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ; 14 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ và 5 môn chuyên hệ THPT. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường đã cơ bản đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu với 960 người. Hiện có 40.000 sinh viên, học sinh, học viên đến từ 54 tỉnh, thành và các nước Lào, Thái Lan, Trung Quốc đang theo học ở trường. Báo cáo ngắn gọn nhưng đầy đủ của thầy Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh đã khái quát lên tinh thần đổi mới quyết liệt của trường trong thời gian qua. “ĐH Vinh đã tích cực tham gia thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông; đổi mới trong công tác đào tạo giáo viên phổ thông theo định hướng phát triển năng lực; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; kiện toàn tổ chức bộ máy, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý; đổi mới công tác tuyển sinh, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo và phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng tăng cường phát triển hợp tác, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các nước trên thế giới”, thầy Khoa cho biết.

Trong không khí cởi mở, chân tình và cầu thị, cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Vinh đã nêu lên những ý kiến góp ý với Bộ trưởng Bộ GD & ĐT nhằm thực hiện đổi mới căn bản, giáo dục toàn diện, hiện thực hóa nghị quyết. Nói chuyện với cán bộ, giảng viên ĐH Vinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Mấy chục năm nay, chúng ta cũng đã nói và thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học. Bây giờ, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng phải đổi mới phương pháp dạy và học. Nhưng lần đổi mới này, ngành Giáo dục cần phương pháp, cách làm, cách tiếp cận mới”.

Theo Bộ trưởng Bộ GD & ĐT, muốn đạt được mục tiêu đó, trước hết phải thay đổi nhận thức tư duy cả số đông, của những người hoạt động trong ngành. Đây là sự nghiệp cách mạng của nhân dân mà ngành Giáo dục là đội xung kích. Công việc này không chỉ là việc riêng của bộ trưởng, cơ quan bộ, giám đốc các trường, sở làm được mà mà là công việc chung của cả 2 triệu thầy, cô giáo. Tất yếu, trong quá trình thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn song cũng có những thuận lợi, đó chính là “cái mới”. Khi toàn thể ngành Giáo dục có cùng chung một tâm thế chủ động, cách thức tổ chức thông minh, sẵn sàng đón nhận để cùng nhau vượt qua thách thức, biến trở ngại thành thuận lợi thì quá trình đổi mới sẽ có hiệu quả vững chắc trong cuộc sống.

Đối với ĐH Vinh, Bộ trưởng có cách đánh giá rất toàn diện và chỉ đạo sát sao. Trường ĐH Vinh hiện đào tạo 2 khối sư phạm và khối ngoài sư phạm. Đại học Vinh phải tính toán và xem việc đổi mới ngành Giáo dục là cơ hội để củng cố, xây dựng ngành Sư phạm vững mạnh, đào tạo giáo viên có chất lượng. Cùng với các trường ĐH đào tạo ngành Sư phạm trong cả nước, ĐH Vinh phải phát huy vai trò đầu tàu là một trong những trường ĐH có chất lượng đào tạo ngành Sư phạm tốt nhất cả nước để chủ động phối hợp, bàn bạc, đưa ra giải pháp kiến nghị với Bộ dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

Đó là tính toán, quy hoạch lại ngành Sư phạm; triển khai chương trình đào tạo giáo viên, đào tạo lại đội ngũ giáo viên các cấp thống nhất trên cả nước, tất nhiên có tính đến đặc thù của từng vùng, miền cũng như phạm vi và đối tượng đào tạo. Còn đối với các ngành đào tạo ngoài sư phạm, đồng chí Phạm Vũ Luận yêu cầu: Lãnh đạo trường phải tính toán chiến lược tăng hay giảm các ngành đào tạo cho phù hợp với thực tế của khu vực và đảm bảo hòa nhịp chung với các trường ĐH khác trên cả nước. ĐH Vinh phải chủ động đề xuất phương án và Bộ sẽ xem xét và cùng tính toán với trường. Nếu làm đúng, chuẩn xác thì làn sóng đổi mới sẽ tạo bệ phóng mạnh mẽ để ĐH Vinh tiến lên.

Thành Duy – Mai Hoa