Cảnh giác với "giặc lửa"

26/05/2014 10:47

(Baonghean) - Chỉ tính riêng ngày 22/5 trên địa bàn tỉnh ta đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy, trong đó 2 vụ cháy rừng và 1 vụ cháy các cơ sở sản xuất lò gạch ở xã Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ. Trong điều kiện thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài như hiện nay chỉ cần một bất cẩn nhỏ cũng có thể gây ra hỏa hoạn để lại thiệt hại nặng nề. Do đó cần chủ động phòng, chống cháy nổ mùa nắng nóng nhằm hạn chế nguy cơ cháy nổ.

(Baonghean) - Chỉ tính riêng ngày 22/5 trên địa bàn tỉnh ta đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy, trong đó 2 vụ cháy rừng và 1 vụ cháy các cơ sở sản xuất lò gạch ở xã Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ. Trong điều kiện thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài như hiện nay chỉ cần một bất cẩn nhỏ cũng có thể gây ra hỏa hoạn để lại thiệt hại nặng nề. Do đó cần chủ động phòng, chống cháy nổ mùa nắng nóng nhằm hạn chế nguy cơ cháy nổ.

2 ngày xảy ra 6 vụ cháy

Chỉ trong buổi chiều ngày 21/5, riêng tại bản Liên Hương, xã Tam Quang đã liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy rừng thuộc vùng rừng phòng hộ và vùng rừng thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát. Ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND huyện Tương Dương đã huy động lực lượng chữa cháy nhưng phải đến 22 giờ ngày 21/5 mới dập tắt được đám cháy. Cũng trong ngày 21/5 trên địa bàn bản Nà, xã Châu Khê, huyện Con Cuông đã xảy ra một vụ cháy rừng khiến gần 1,6 ha rừng bị thiêu rụi. Tiếp đó, sang ngày 22/5, vào khoảng 13h20 đã xảy ra vụ cháy rừng thông tại khu vực giáp ranh giữa xã Thượng Sơn (huyện Đô Lương) và xã Mỹ Thành và Công Thành (huyện Yên Thành). Ông Khả Tiếp - Bí thư xóm Ngọc Sơn, xã Công Thành cho hay: Vào thời gian trên chúng tôi phát hiện thấy cột khói trên cánh rừng thông và báo ngay cho chính quyền địa phương. Ngay sau đó chính quyền cả 2 huyện Đô Lương, Yên Thành đã điều động lực lượng khoảng gần 2000 người, cùng với lực lượng công an, quân đội tiếp cận chữa cháy. Tuy nhiên, do nắng nóng nhiệt độ lên tới 40 độ C, gió mạnh, rừng lại nằm chênh vênh trên đồi cao nên việc dập lửa gặp rất nhiều khó khăn. Một số người tiếp cận được ngọn lửa đã bị ngất xỉu như chị Quá Thị Nga phải chuyển đi sơ cứu. Khoảng gần 5 giờ chiều ngọn lửa mới được khống chế dập tắt, ước tính cháy khoảng trên 10 ha thông.

Cháy rừng ở vùng giáp ranh xã Thượng Sơn - Đô Lương và xã Công Thành - Yên Thành.
Cháy rừng ở vùng giáp ranh xã Thượng Sơn - Đô Lương và xã Công Thành - Yên Thành.

Cũng trong ngày 22/5 trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai đã xảy ra một vụ cháy rừng bạch đàn tại vùng Đồng Kin thuộc khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện (giáp ranh Thanh Hóa). Sau gần 2 giờ đồng hồ “vật lộn” với lửa dữ, lực lượng kiểm lâm và nhân dân địa phương đã khống chế và dập tắt được đám cháy. Diện tích rừng bạch đàn bị cháy khoảng 1,1 ha. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân đốt thực bì bất cẩn dẫn đến vụ cháy.

Nắng nóng, ngoài việc cháy rừng, cùng ngày 22/5 đã xảy ra vụ cháy lớn tại làng nghề ngói Cừa, xã Nghĩa Hoàn –Tân Kỳ, theo báo cáo nhanh của Phòng Công thương huyện Tân Kỳ cho biết: Ngọn lửa đã thiêu rụi 16 lò gạch của 12 hộ dân, thiêu cháy 53 dãy nhà phơi gạch ngói, 200.000 khay đựng ngói, 400.000 m3 củi và 1000 m đường dây điện hạ thế thiệt hại ước tính khoảng trên 6 tỷ đồng.

Lò gạch ngói của 12 hộ dân ở xã Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ bị lửa thiêu rụi
Lò gạch ngói của 12 hộ dân ở xã Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ bị lửa thiêu rụi

Báo động nguy cơ cháy nổ

Ngoài nguy cơ cháy rừng luôn nằm trong tình trạng cấp báo thì hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh ta thời điểm nắng nóng này cũng cần phải nâng cao cảnh giác, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể xảy ra thảm họa khôn lường. Chúng tôi về chợ Trung tâm thương mại Đô Lương, một trong những chợ có nguy cơ cháy nổ rất cao. Ngay từ phía trước, bao vây tứ phía là những quầy hàng tạp hóa nằm san sát nhau. Tiến sâu vào phía trong không khí nóng hầm hập bao trùm ở 2 đình chợ, ngay ở các cửa ra vào đã được các tiểu thương tận dụng treo kín các loại hàng hóa. Hầu hết tại các gian hàng bán quần áo, vải, đồ nhựa, da và hàng mã… rất chật chội, khách hàng phải chen chúc nhau trong lối đi chừng hơn 50 cm. Dù những chiếc quạt chạy hết công suất cũng không làm vơi đi những giọt mồ hôi và căng thẳng, mệt mỏi của các tiểu thương.

Chị Trần Lan, một tiểu thương tâm sự: Trời nắng nóng, tiểu thương như ngồi trên đống lửa. Chúng tôi rất lo vấn đề cháy nổ, bởi hàng hóa quần áo bỏ vốn liếng ra gần 1 tỷ đồng mà xảy ra cháy chợ thì không biết bấu víu vào đâu. Theo quan sát, do đình chợ chật chội nên tiểu thương bày hàng chiếm cả lối đi, khi xảy ra sự cố thì rất khó khăn cho công tác chữa cháy vì hầu hết lối đi vào đều chật hẹp, hàng hóa đều để chiếm dụng tràn lan. Phía từ cổng vào nhiều xe tải đang tháo dỡ hàng vì không có bãi đậu. Chợ trung tâm Đô Lương mặc dù đã được duy tu cải tạo nhưng cũng chỉ được cải tạo ở phía ngoài. Đình chợ phía trong (đình số I) được xây dựng từ những năm 1990 nay đã xuống cấp, quá tải. Theo quy hoạch là 206 ki ốt nhưng số lượng hiện có là 240 ki ốt, trong khi đó, hệ thống bơm nước tự động chưa có.

Ngoài ra, mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng, dầu ở tỉnh ta hiện còn nhiều bất cập, nguy cơ cháy nổ rất cao, hàng trăm điểm bán xăng dầu còn nhỏ lẻ, manh mún, nằm lọt thỏm giữa khu vực dân cư. Như cây xăng dầu của Trung tâm thương mại Yên Thành nằm sát với khu vực dân cư và ngân hàng, gần đó là Trường PTTH Phan Đăng Lưu khi xảy ra sự cố thì rất nguy hiểm. Đáng sợ nhất là các cây xăng dầu ở Thị trấn Nghi Lộc, đều nằm sát vách nhà dân và các công trình công cộng. Hàng loạt cây xăng dầu cỡ lớn ở các xã Nghi Yên - Nghi Lộc, Diễn An - Diễn Châu còn tận dụng khoảng trống làm bãi tập kết xe tải và hàng hóa dẫn đến mất an toàn PCCC. Các cây xăng, dầu ở khu vực TP. Vinh và các thị trấn hầu hết đều có mặt bằng chật hẹp, ảnh hưởng tới môi trường và các công trình kết cấu xây dựng chung quanh. Nhiều khách hàng vào mua xăng bất chấp các biển cảnh báo vẫn vô tư hút thuốc lá, nghe điện thoại di động. Nhân viên tại một số cây xăng lại không có bảo hộ lao động...

Nâng cao cảnh giác đề phòng

Những vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh những ngày qua hầu hết có nguyên nhân của tiết trời nắng nóng khô hanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó là sự bất cẩn của một số người. Như 2 vụ cháy rừng tại bản Liên Hương, xã Tam Quang - Tương Dương, cơ quan chức năng đang điều tra nghi vấn có đối tượng chủ tâm đốt rừng. Vụ cháy rừng tại khu vực giáp ranh Đô Lương, Yên Thành cũng do bất cẩn của người dân. Vụ cháy hàng loạt lò gạch ở Nghĩa Hoàn - Tân Kỳ theo phản ánh của một số người dân, đám cháy bắt nguồn từ lò ngói của gia đình ông Châu Lâm. Sau khi đốt ngói xong, ông Lâm tiến hành đốt hỏa lò. Phía trong lò còn than củi, gặp trời nắng nóng, gió thổi mạnh dẫn đến tàn than bùng lên và cháy lan sang các lò khác. Do đó, trước diễn biến phức tạp của thời tiết nắng nóng, mọi người cần phải luôn cảnh giác đề phòng để tránh hỏa hoạn.

Cháy lò gạch ở Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ).
Cháy lò gạch ở Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ).

Trao đổi với chúng tôi sau khi xảy ra vụ cháy lò gạch ở Nghĩa Hoàn, ông Nguyễn Văn Hạ - Trưởng phòng Công thương cho biết: Lâu nay các hộ dân ở làng nghề gạch ngói Nghĩa Hoàn khá chủ quan, bởi năm 2013 đã từng xảy ra vụ cháy làm thiệt hại 2 lò gạch ngói. Giải pháp chống cháy mùa nắng nóng đối với lò gạch ngói ở Nghĩa Hoàn hiện nay là: Các chủ lò cần sử dụng các vật liệu cứng để che mái lò, giảm bớt các vật liệu tranh, tre, nứa dễ cháy. Thời điểm hỏa lò cần chủ động tưới nước lên phần mái lò để giảm nhiệt. Mỗi chủ lò cần có hệ thống dự trữ nước và máy nổ để phòng cháy, thực tế khi xảy ra cháy lò lực lượng cứu hộ rất khó khăn trong việc tìm nguồn nước. Các chủ lò gạch cần để củi, dầu mỡ, các vật dễ cháy cách xa lò gạch tránh lửa bén vào. Mỗi chủ lò cần mua sắm các bình cứu hỏa để khi xảy ra sự cố xử lý kịp thời. Thực tế các hộ có mua sắm nhưng chủ yếu là đối phó, bình cứu hỏa loại nhỏ và số lượng ít, khi xảy ra sự cố không có khả năng xử lý cao. Chưa kể là ngay tại làng nghề cần phải thành lập riêng tổ cơ động PCCCR khi xảy ra sự cố thì huy động nhanh lực lượng tại chỗ để dập tắt ngay ban đầu.

Để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, trong năm 2014 Công an tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, phương án chỉ đạo công an các địa phương thực hiện kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC. Thực hiện Công văn số 252 của Bộ Công an và Kế hoạch số 26 của Giám đốc Công an tỉnh về việc tổ chức ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16, năm 2014, lực lượng PCCC giữ vai trò nòng cốt trong kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành quy định về PCCC, tổ chức kiểm tra, lập biên bản các cơ sở, hướng dẫn các cơ sở khắc phục những tồn tại, thiếu sót. Tuy nhiên, các vụ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ những bất cẩn như đun nấu, hàn xì, sản xuất, kinh doanh. Đối với đại lý buôn bán xăng dầu, theo các cơ quan chuyên môn để đảm bảo an toàn, nhất là thời tiết nắng nóng, phải thường xuyên kiểm tra nồng độ hơi xăng dầu tích tụ trong bồn xăng dầu, kiểm tra hệ thống (van thông hơi) tại khu vực bồn chứa xăng dầu. Tuyệt đối không được sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, sử dụng điện thoại tại khu vực bồn chứa xăng dầu. Tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhân viên phải được huấn luyện nghiệp vụ và huấn luyện PCCC bổ sung hằng năm theo quy định. Các cơ sở phải được trang bị đầy đủ phương tiện PCCC tại chỗ để kịp thời xử lý các sự cố cháy, nổ xảy ra.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn thì nắng nóng vẫn đang diễn biến rất phức tạp chưa có dấu hiệu mưa. Vì vậy, để bảo đảm an toàn PCCC trong mùa nắng nóng cần nâng cao ý thức cảnh giác của mỗi người dân. Đặc biệt, phải quản lý chặt ngay từ các “đầu mối” dễ gây cháy như nguồn lửa, thiết bị điện, nguồn nhiệt, những vật chất, hóa chất có thể hóa cháy khi nhiệt độ tăng. Các cơ sở, đại lý kinh doanh lĩnh vực xăng dầu, gas, hóa chất... cần phải đặc biệt quan tâm đến các nguyên tắc an toàn trong PCCC. Đối với các chợ cần phải bố trí lực lượng canh gác 24/24 vì nguy cơ cháy chợ ban đêm rất cao. Lực lượng công an cần kiên quyết xử lý các vi phạm về an toàn PCCC, nếu để gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Văn Trường