Dân bản ưng cái bụng mới làm theo

27/01/2014 22:17

(Baonghean) - Trong cái lạnh se sắt của những ngày đầu năm, trong thắm sắc hoa ban, hoa đào, ngược miền tây xứ Nghệ lên với mảnh đất Huồi Tụ (Kỳ Sơn), khác với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về một xã rẻo cao vẫn còn lạc hậu và nghèo khó, Huồi Tụ hôm nay đang khởi sắc từng ngày. đằng sau sự thay da, thắm thịt ấy, có sự góp sức của các đảng viên người Mông, những người luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, tích cực vận động đồng bào Mông thay đổi nếp nghĩ, nếp làm xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới...

Đảng viên Lỳ Bá Cải (trái) trao đổi với  đồng bào người Mông.
Đảng viên Lỳ Bá Cải (trái) trao đổi với đồng bào người Mông.

Men theo con đường quanh co, khúc khuỷu, đến thăm nhà đảng viên Lỳ Bá Cải ở Làng thanh niên lập nghiệp Huồi Tụ, đợi mãi mới thấy vợ chồng anh từ triền chè trở về, đặt gùi chè xuống đất, anh cười như thanh minh: “Chè tuyết shan phải hái từ khi sương còn đọng trên lá mới thơm ngon nên vợ chồng tôi phải đi từ sáng sớm, khi trời chưa rõ mặt người”. Sau khi giục vợ đun ấm chè sóng sánh, chát ngọt ra mời khách, Lỳ Bá Cải vui vẻ kể về “cái duyên” của mình và đồng bào Mông ở Huồi Tụ với cây chè tuyết shan. Hơn 10 năm trước, khi Tổng đội TNXP 8 vào khảo nghiệm, khai hoang, mở đất tìm cách giúp bà con đồng bào Mông xóa cây thuốc phiện, ổn định cuộc sống, Lỳ Bá Cải lúc ấy đang là phó bí thư đoàn xã đã xung phong gia nhập tổng đội với quyết tâm “mình là đảng viên không thể bó tay trước đói nghèo” và suy nghĩ “thương bà con có đất mà vẫn phải nay đây mai đó nên muốn giúp tổng đội một tay, cũng là để giúp đồng bào người Mông mình”.

Là một trong số ít thanh niên Mông tốt nghiệp cấp ba, có bằng cao đẳng nghề và trung cấp lâm nghiệp, lại là người bản địa, thông thuộc địa hình, phong tục, tập quán, Cải trở thành “cầu nối” của cán bộ, đội viên tổng đội với bà con người Mông. Ngày anh cùng tổng đội khai phá nương rẫy thử nghiệm tìm tòi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, bắt đầu từ việc trồng lúa nương đến các loại rau như xu hào, cải bắp, bí xanh, trồng gừng, nuôi gà đen, lợn đen, trồng các loại cây ăn quả rồi trồng chè, tối đến ở lại lán trại giúp mọi người học tiếng Mông để dễ “cầm tay chỉ việc” cho đồng bào.

Những lúc rỗi, anh lại tranh thủ thời gian đến các gia đình tỉ tê trò chuyện, giải thích về ý nghĩa, cái lợi của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi cho đồng bào Mông hiểu. Khi tổng đội xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) Huồi Tụ, Lỳ Bá Cải cũng là một trong những hộ đầu tiên xung phong tới phát triển kinh tế, lập nghiệp tại làng. Ngoài trồng hơn 1 héc ta chè, anh còn trồng rau màu, trồng gừng, khoai sọ, chăn nuôi 6-7 con bò, nuôi gà đen, lợn đen… thu nhập bình quân 70-80 triệu đồng/năm. Nhờ những người tiên phong như Lỳ Bá Cải, hiện nay Làng TNLN đã trở thành một mảnh đất trù phú với 25 hộ kinh tế ổn định. Từ một đội viên bình thường, Cải đã vươn lên trở thành Bí thư chi đoàn, Đội trưởng Đội sản xuất số 1 của Tổng đội TNXP 8.

Còn đảng viên Giềnh Bá Mai - Đội trưởng Đội sản xuất số 2 không chỉ là hộ đội viên làm kinh tế giỏi với 2 héc ta chè, vài ha gừng, mười mấy con bò thịt và hơn 300 con gà đen mà anh còn làm sáng danh dòng họ Giềnh khi vận động hai người anh em con chú con bác là Giềnh Bá Khư - Đội phó Đội sản xuất số 1 và Giềnh Bá Đà - Đội phó Đội sản xuất số 2 ở bản Huồi Khả cùng gia nhập tổng đội và cùng phấn đấu trở thành những đảng viên tiên phong, gương mẫu. Không chỉ hoàn thành tốt công việc được giao ở tổng đội, họ còn tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế hộ tại bản để tuyên truyền, vận động bà con dân bản xóa đói giảm nghèo. Đảng viên trẻ Giềnh Bá Đà, chưa đầy 30 tuổi nhưng cũng có tới 2 ha chè, 10 con bò, vài ha sắn, rau màu thu nhập bình quân 70 - 80 triệu đồng/năm. Đà chia sẻ: “Mình là đảng viên, mình có gương mẫu thì dân bản mới tin, mới ưng cái bụng mới làm theo được chứ…”. Giờ thì gần như cả bản Huồi Khả đã theo Giềnh Bá Đà trồng chè, nuôi bò, đời sống của bà con khấm khá hẳn lên.

Những đảng viên người Mông ở Tổng đội TNXP 8 chăm sóc vườn rau xanh.
Những đảng viên người Mông ở Tổng đội TNXP 8 chăm sóc vườn rau xanh.

Theo lời anh Nguyễn Hữu Trạch - Bí thư Chi bộ, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 8, thì cả 5 đảng viên người Mông trong chi bộ đều là những người trẻ tuổi, gương mẫu, trách nhiệm cao trong công việc, không ngại khó, ngại khổ, luôn sẵn lòng giúp đỡ nhân dân và ham học hỏi. Điển hình như anh Lầu Bá Mai, ở bản Huồi Đun, cán bộ kỹ thuật của tổng đội, mặc dầu hiện tại kinh tế đã khá ổn định nhưng vẫn đang theo học lớp trung cấp lâm nghiệp ở Hà Bắc. Anh Mai quyết tâm đi học để bổ sung thêm kiến thức về KHKT, trước là giúp mình hoàn thành tốt công việc sau là giúp đồng bào Mông xóa đói giảm nghèo.

Không chỉ các đảng viên là đội viên của Tổng đội TNXP 8 mà ở Huồi Tụ còn có nhiều đảng viên đã vươn lên trở thành những “con chim đầu đàn” trong phát triển kinh tế, vận động đồng bào Mông tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Điển hình như đảng viên Lỳ Bá Giao sinh năm 1987, ở bản Huồi Đun, điển hình làm kinh tế giỏi; đảng viên Lỳ Bá Cồ sinh năm 1982, là “triệu phú” nơi cổng trời với trang trại hơn 30 con bò, ngoài ra còn phát triển buôn bán dịch vụ cung cấp hàng hóa nhu yếu phẩm cho bà con trong vùng từng được Trung ương Đoàn tặng bằng khen. Điều đáng ghi nhận là hầu hết các đảng viên trẻ người Mông đều có tư tưởng tiến bộ, chỉ dừng lại ở 2 con và cho con ăn học đầy đủ với hy vọng “biết cái chữ để thoát nghèo, giúp đồng bào xây dựng cuộc sống mới”.

Anh Vừ Bá Lỳ - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Huồi Tụ, cho biết: Là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, trên địa bàn có 3 dân tộc: Mông, Thái, Khơ mú, trong đó đồng bào Mông chiếm đa số, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhận thức của một bộ phận nhân dân kể cả đoàn viên, thanh niên về xây dựng Đảng còn chưa đầy đủ. Họ cho rằng, “vào Đảng không được thêm bắp ngô, hạt thóc”, chính vì vậy, những năm trước, Đảng bộ xã Huồi Tụ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phát triển đảng viên mới. Tuy nhiên, đó là chuyện của những năm trước, hiện tại, công tác phát triển đảng viên ở Huồi Tụ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn đảng bộ hiện có 19 chi bộ, trong đó có 13 chi bộ bản với hơn 200 đảng viên (có 125 đảng viên người Mông) hầu hết ở độ tuổi 35-40, đảng viên trẻ nhất sinh năm 1987. Nếu đảng viên trẻ xông pha thì các đảng viên là người có uy tín cũng rất mẫu mực trong xóa đói giảm nghèo, vận động bà con chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bài trừ tệ nạn xã hội, không nghe theo kẻ xấu di dịch cư trái phép sang Lào, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Nếu như hơn mười năm trước, đồng bào Mông ở Huồi Tụ vẫn giữ nếp du canh du cư, phát nương, làm rẫy, trỉa bắp, cấy lúa mỗi năm chỉ một vụ rồi cả nhà lại dắt díu nhau đi khai khẩn. Cứ thế, rừng bị tàn phá, đồi núi thành hoang hóa, đói vẫn hoàn đói, nhiều tệ nạn xã hội nảy sinh. Bây giờ nhờ sự giúp sức của tổng đội, nhờ cách nghĩ, cách làm mới của đảng bộ, chính quyền, sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên nên những đôi chân chai sạn chỉ quen leo núi, những đôi tay thô ráp chỉ quen chặt cây, đốt nương, chọc lỗ, tra hạt của đồng bào nay đã biết trồng chè, trồng gừng, trồng khoai sọ, bí xanh, cải bắp, chăn nuôi bò thịt, gà đen, lợn đen... Dẫu còn không ít khó khăn nhưng đời sống của đồng bào Mông ở Huồi Tụ đã khấm khá hơn nhiều. Một số gia đình còn vươn lên làm giàu, thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Toàn xã hiện có hơn 300 con bò, hơn 410 ha chè tuyết shan, bên cạnh đó các loại cây khác như gừng, khoai sọ cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Đáng quý nhất là những đứa trẻ Mông đến tuổi đã được cắp sách đến trường, người ốm, đau không để ở nhà cúng ma mà bà con đã tự giác đưa đến cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

Rời Huồi Tụ, nhìn những triền chè ngút ngàn màu xanh viền quanh thung núi như một bức tranh thuỷ mặc, những vườn rau đủ loại su hào, cà rốt, bắp cải tím, bắp cải xanh và những vườn hoa ly khoe sắc giữa đất trời, thấy thật mừng cho cuộc sống mới, cho tinh thần xóa đói, giảm nghèo của cán bộ, đảng viên, đồng bào Mông nơi cổng trời heo hút gió mây. Xe đã đi khuất núi nhưng bên tai chúng tôi vẫn văng vẳng những ca từ mộc mạc mà các đảng viên trẻ người Mông vẫn thường hát như lời nhắc nhở, động viên đồng bào an cư lạc nghiệp, chung tay xây dựng cuộc sống mới: “Cá ở dưới nước/Chim bay trên trời/Và con chim cũng có tổ/ Người Mông ta cũng có quê hương/Quê ta là xã Huồi Tụ…”.

Khánh Ly