Chiến sự tại Gaza: Bùng phát dễ, kết thúc khó

23/07/2014 11:23

(Baonghean) - Chiến sự tại dải Gaza đang diễn biến rất khốc liệt. Chỉ trong 2 ngày hôm qua và hôm kia, đã có hơn 200 người Palestine thiệt mạng nâng tổng số người thiệt mạng trong cuộc giao tranh này lên tới gần 600 người, trong đó phần lớn là dân thường. Israel vẫn tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự tại Gaza. Trong khi đó, cả Ngoại trưởng Mỹ John Kery và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã tới Ai Cập để thảo luận với các quan chức nước chủ nhà về việc xúc tiến một thỏa thuận ngừng bắn. Liệu cuộc xung đột Israel - Hamas này có thể sớm chấm dứt qua những nỗ lực ngoại giao này?

Chiến sự leo thang nghiêm trọng tại dải Gaza, gây hậu quả với người dân. Ảnh: AP
Chiến sự leo thang nghiêm trọng tại dải Gaza, gây hậu quả với người dân. Ảnh: AP

VVới hơn 100 người thiệt mạng mỗi ngày, 2 ngày qua là hai ngày đẫm máu nhất kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra 2 tuần trước. Cuộc chiến này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon vừa tuyên bố sẽ mở rộng chiến dịch quân sự nhằm vào các cơ sở của lực lượng Hamas dưới lòng đất. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dù đã triệu tập phiên họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình dải Gaza nhưng cũng chỉ mới đưa ra được những tuyên bố quan ngại sâu sắc và yêu cầu các bên nhanh chóng tiến tới lệnh ngừng bắn. Do đó, chuyến công du của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon và Ngoại trưởng Mỹ John Kery tới Ai Cập được cộng đồng quốc tế kỳ vọng sẽ sớm tìm ra một giải pháp ngừng bắn cho cuộc xung đột đang gây ra nhiều thương vong cho dân thường này. Song vấn đề đặt ra là liệu cuộc xung đột hiện nay có sớm chấm dứt khi mà cả Hamas và Israel đều chưa cho thấy sự nhượng bộ, viễn cảnh hòa giải giữa Israel và Hamas vẫn còn rất xa.

Một trong những chìa khóa quan trọng mở ra hòa bình lúc này là lập trường của Hamas, Tổ chức này mới đây đã từ chối đề xuất của Ai Cập về việc thực hiện một lệnh ngừng bắn với Israel và đang chờ đợi các Chính phủ ở Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một đề xuất khác. Sở dĩ vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột Israel - Hamas của Ai Cập không hiệu quả như năm 2012 bởi chính quyền hiện nay ở Ai Cập đã thay đổi. Tổ chức Anh em Hồi giáo của cựu Tổng thống Ai Cập Mohammad Morsi trước đây có quan hệ mật thiết với Nhóm vũ trang Hamas của Palestine nên việc Ai Cập “nói chuyện” với Hamas sẽ không mấy khó khăn.

Trong khi đó hiện nay, chính quyền của Tổng thống El Sisi của Ai Cập đã liệt Tổ chức Anh em Hồi giáo vào danh sách khủng bố và cũng có quan hệ không mấy tốt đẹp với Tổ chức Hamas nên tất nhiên, Hamas khó có thể đặt niềm tin vào viễn cảnh Cairo sẽ đứng lên bảo vệ lợi ích cho họ trong các cuộc đàm phán. Về chiều ngược lại, Ai Cập cũng không có sự nhượng bộ, ưu ái đối với Hamas như trước, do đó mà đề xuất ngừng bắn do Cairo đưa ra đã bị Hamas bác bỏ. Ảnh hưởng hiện nay đối với giới lãnh đạo chính trị Hamas nằm ở Qatar, quốc gia có quan điểm thân Mỹ, vì thế mà đương nhiên không thể xuất hiện yếu tố then chốt cho một lệnh ngừng bắn. Hamas đang chiến đấu để cố gắng giành lấy một ưu thế nào đó có thể mặc cả trên bàn đàm phán mặc cho dải Gaza hiện đang phải gồng mình chống đỡ bom đạn từ phía Israel.

Về phía Mỹ, với việc liệt Tổ chức Hamas vào danh sách khủng bố, Mỹ không có quan hệ trực tiếp nào với tổ chức này nên phải làm việc qua trung gian là Ai Cập và Qatar. Vì thế, giới phân tích đánh giá, chuyến đi Trung Đông lần này của Ngoại trưởng Mỹ chưa chắc đã mang lại đột phá đáng kể. Còn Israel dường như đang cho thấy quyết tâm “nhổ cỏ tận gốc” đối với Hamas bằng việc mở rộng chiến dịch quân sự trên không và trên bộ vào dải Gaza mặc cho có thể bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt, quan trọng là Mỹ không ủng hộ Hamas.

Như vậy rõ ràng, khi Mỹ và Ai Cập đều không tạo ra tiếng nói có trọng lượng với Tổ chức Hamas, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chưa thể có tiếng nói mạnh mẽ với cả Israel và Hamas, cuộc chiến hiện nay tại Gaza sẽ vẫn tiếp tục gieo rắc thương vong cho người dân nơi đây. Không có nhiều triển vọng khả quan, tuy nhiên, chuyến công du đồng thời của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon và Ngoại trưởng Mỹ John Kery vẫn được kỳ vọng sẽ mang lại một lực xúc tác mới nhằm thúc đẩy Israel và Hamas đến với một thỏa thuận ngừng bắn. Nếu cuộc chiến này vẫn chưa thể dừng lại ngay lập tức, một lần nữa đối tượng chịu hậu quả của cuộc chiến vẫn là những người dân vô tội trên dải Gaza.

Nguyễn Cao Biền