Những người "đi trước" ở Tri Lễ
(Baonghean) - Chúng tôi đến với bản Huồi Mới 1, xã vùng cao Tri Lễ (Quế Phong) giữa lúc tiết trời miệt vùng cao hãy còn se lạnh. Bản nhỏ với những mái nhà samu ẩn hiện trong sương mai gợi lên cảm giác thanh bình, tĩnh lặng. Đó cũng là vùng đất sinh sống của hàng trăm đồng bào dân tộc Mông chăm chỉ, cần cù, mến khách.
(Baonghean) - Chúng tôi đến với bản Huồi Mới 1, xã vùng cao Tri Lễ (Quế Phong) giữa lúc tiết trời miệt vùng cao hãy còn se lạnh. Bản nhỏ với những mái nhà samu ẩn hiện trong sương mai gợi lên cảm giác thanh bình, tĩnh lặng. Đó cũng là vùng đất sinh sống của hàng trăm đồng bào dân tộc Mông chăm chỉ, cần cù, mến khách.
Bí thư chi bộ bản, đồng chí Và Gà Vừ với dáng vẻ cao to, rắn chắc của một người vùng cao tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ vững chãi tựa trên sườn núi. Ở vùng cao này, không chỉ nhà bí thư Vừ, mà tất cả ngôi nhà của đồng bào Mông đều phải bám sườn núi cheo leo như vậy. Bởi ở một vùng đất mà chỉ có đồi núi trập trùng, việc tìm ra một địa điểm bằng phẳng để dựng nhà là điều rất khó. Hàng trăm năm nay, cái khó của đồng bào Mông không chỉ chuyện cất nhà mà còn có rất nhiều thứ khó khăn khác do sự khắc nghiệt, chia cắt của mảnh đất này mang lại. Nhưng hiện nay, đồng bào đã có nhiều thuận lợi khi trường học được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng tại bản. Con em của 64 hộ đồng bào Huồi Mới 1 ngày ngày thay vì theo cha, theo mẹ lên nương rẫy được cắp sách đến trường. Nhiều phong tục lạc hậu cũng dần được xóa bỏ. Quan trọng hơn nữa “những người của Đảng” ở Huồi Mới 1 đã phát huy tính tiên phong, gương mẫu, thực sự là chỗ dựa tin cậy của đồng bào nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Điển hình như gia đình Bí thư Vừ. Sinh năm 1969, anh Vừ sớm lập gia đình rồi có liền một mạch 6 người con. Chuyện nhà đông con thì dù ở miền xuôi hay vùng cao đều gặp khó khăn nếu không chăm lo phát triển kinh tế. Bởi thế, Gà Và Vừ cùng vợ đi bộ hàng giờ đường rừng, vỡ hoang đất đai làm được 1 ha lúa. Ruộng bậc thang, mỗi năm chỉ làm được một vụ thôi nhưng cả nhà thu về được 6 – 7 tấn lúa. 2 vợ chồng còn tăng gia nuôi trâu, nuôi bò để làm sức kéo, bán cho người vùng khác, giờ cả nhà đang nuôi 2 con trâu, 6 con bò… Cuộc sống dần ấm no, con cái đều được học hành đến nơi đến chốn. Nói chuyện cùng tôi, đồng chí Vừ không giấu được vẻ tự hào khi nhắc đến việc học của con cái: “Ngoài con gái lớn Và Ý Chia lấy chồng rồi, 5 đứa con còn lại của ta đều đang đi học. Đứa học cấp 3 dưới huyện, đứa thì học cấp 2 ở xã và học cấp 1 trong bản. Riêng thằng Và Bá Vừ, sinh năm 1996 được đi học lớp 11, Trường Văn hóa 1 ở Thái Nguyên. Con cái đi học hết, nhà neo người cũng vất vả. Nhưng phải cho đi học, cuộc sống sau ni mới khá hơn được nên vợ chồng ta vui lắm, chăm lo phát triển kinh tế”.
Bí thư bản Huồi Mới I, Và Gà Vừ (đứng giữa) hướng dẫn nhân dân dọn vệ sinh môi trường bản làng. |
Bởi vậy, gia đình bí thư Và Gà Vừ được xem là “thành đạt” ở bản, uy tín của ông với bà con cũng cao lắm. Từ năm 2000, ông làm bí thư chi bộ bản Huồi Mới 1, tích cực vận động bà con từ bỏ tập tục lạc hậu, không di dịch cư trái phép, không tái trồng cây thuốc phiện, chuyên tâm phát triển kinh tế, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ… Mấy hôm nay, thanh niên làm đường vào bản, bí thư Vừ và trưởng bản Thò Chia Chư cùng đi vận động một số hộ dân hiến đất, lui bờ rào để mở rộng đường đi qua bản, nối thẳng đến Huồi Mới 2. Với uy tín của các đảng viên nên khi đến vận động, bà con đều rất đồng tình, riêng trưởng bản Thò Chia Chư gương mẫu thực hiện hiến đất trước để bà con làm theo. “Ta là đảng viên mà, phải gương mẫu chứ”, anh Chư chia sẻ. Còn hộ anh Xồng Giống Tủa vừa hiến đất xong vui vẻ cho biết: “Hôm nay, vợ chồng ta lên rẫy muộn hơn ngày thường để làm lại cái bờ rào. Có cả cán bộ bản cùng đến làm với nhà ta nên công việc cũng nhanh hơn…”.
Chi bộ bản Huồi Mới 1 có 12 đảng viên. Những năm qua, tất cả các đồng chí trong chi bộ luôn là những người gương mẫu, trở thành hạt nhân của cộng đồng. Đồng chí Lỳ Y Chủ - nữ đảng viên vừa được kết nạp vào chi bộ trong năm 2013. Chưa đề cập đến những kết quả trong công tác hội phụ nữ của đồng chí, chỉ mỗi việc chị được gia đình ủng hộ làm công tác phụ nữ bản, kết nạp vào Đảng đủ để minh chứng cho những thay đổi căn bản trong suy nghĩ, nhận thức của đồng bào Mông vùng rẻo cao này. Bởi lâu nay như đã thành truyền thống, phụ nữ đồng bào dân tộc Mông vẫn thường có lối sống khá khép kín. Cuộc sống của họ chỉ xoay quanh công việc bếp núc, nương rẫy trong gia đình, nói gì chuyện tham gia công tác xã hội.
Nhưng giờ đây khác nhiều rồi, cũng nhờ sự ủng hộ của gia đình mà mấy năm nay, đảm nhận công tác ở chi hội phụ nữ bản, chị Chủ hoạt động rất hăng hái, nhiệt tình, nhất là chuyện vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Trong những ngày lưu lại Huồi Mới 1, hỏi cánh đàn ông bản về chuyện sinh con thứ 3, nhiều người cứ lắc đầu cười. Thò Và Pó – một dân bản đi cùng tôi bảo: “Bây giờ mà hỏi sinh con thứ 3 là bà con cười đó. Ta cũng chỉ sinh 2 con thôi, sinh thêm đứa thứ 3 xấu hổ với dân bản lắm. Cán bộ thôn bản và hội phụ nữ đã đi vận động rồi, chỉ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Chính nhận thức đó mà không giống các bậc cha anh đi trước sinh con đẻ cái đông đúc, Pó và vợ chỉ có 2 cháu Thò Bá Re và Thò Sơn Chả, vợ chồng cùng nhau nhất quyết không sinh thêm con mà tập trung làm kinh tế. Hiện 2 vợ chồng làm 30a ruộng và phát triển đàn bò lên 5 con, cuộc sống gia đình tương đối ổn định. Vinh dự hơn, với những phấn đấu của bản thân, Pó đã được bồi dưỡng, rèn luyện trở thành quần chúng ưu tú, được bồi dưỡng đối tượng Đảng để sắp tới đây được đứng trong hàng ngũ “những người của Đảng” phía sau cổng trời Tri Lễ.
Nhắc đến vùng cao Tri Lễ (Quế Phong), người ta thường liên tưởng đến những xa xôi, cách trở, cuộc sống của đồng bào các dân tộc còn muôn vàn gian truân, vất vả. Nhưng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự sâu sát của chính quyền địa phương, lực lượng bộ đội biên phòng và cả những đảng viên ở bản, cuộc sống của đồng bào Mông sẽ nhanh vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống càng ấm no, hạnh phúc, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới.
Thành Duy