"Ta cần cái gì" và "Nói có khác"

21/12/2013 20:44

(Baonghean) - LTS: Thực hiện việc bình chọn bài hay, chưa hay, trang báo đẹp và chưa đẹp trên Báo Nghệ An, có rất nhiều độc giả tuần qua đã “bỏ phiếu” hay cho bài viết “Lòng tham và đôi dép” của tác giả Hải Triều, đăng trên chuyên mục “cùng suy ngẫm”, trang 4, 5 báo Nghệ An Cuối tuần, số ra ngày 15/12/2013. Chúng tôi xin giới thiệu một vài ý kiến về bài viết này...

“Ta cần cái gì”

1. Đây là một bài viết về câu chuyện đang được dư luận "nổi sóng" trong những ngày gần đây, xung quanh việc chiếc xe tải chở bia do một người tài xế nghèo điều khiển. Xe gặp nạn, bia đổ tràn ra đường, mặc cho khổ chủ cầu khẩn trong đầm đìa nước mắt "Nếu lấy bia thì cho xin lại cái vỏ để bảo hiểm còn đền, nếu không cả nhà tôi không biết đến kiếp nào trả hết nợ". Đáp lại sự tuyệt vọng đến cùng cực đó, là nét mặt hân hoan vô cảm của đoàn đoàn, lớp lớp người dẫm đạp nhau để giành được vài ba lon bia. Thậm chí, trong số đó có những người lấy về cũng chẳng biết để làm gì vì... không biết uống! Báo chí những ngày qua đặt tên cho sự kiện đau lòng này là vụ "hôi bia". Ở đây, động từ "hôi bia" đã chợt chuyển thành tính từ "mùi bia hôi", như là ám chỉ về sự vô cảm. Một căn bệnh cần phải giật mình ngay lập tức nếu không muốn quá muộn.

Đề cập đến vấn đề này, tác giả Hải Triều đã không chỉ "chạm", mà bằng cách viết lúc suy ngẫm, khi trong trẻo, có đoạn như tâm tình để cùng xem lại một trong những yếu tố quan trọng trong đời sống mỗi người: tư cách và lương tâm trước sự cám dỗ vật chất. Theo nhà Phật, tham-sân-si là "tam độc", 3 căn bệnh trầm kha của người đời, đây cũng là 3 cội nguồn sinh ra mọi tội lỗi. Ở đây, tác giả bài viết muốn hướng người đọc vào vế thứ nhất: lòng tham! Đứng đầu trong ba điều húy kỵ của cuộc sống chữ “tham” được đặt đầu tiên. Bởi vì lòng tham là khởi nguồn của mọi ân oán thù hận. Vì tham lam mà cướp của người khác, chiếm đoạt và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để có được điều mình muốn. Chỉ vì lòng tham mà con người hãm hại lẫn nhau. Chỉ khi biết tiết chế lòng tham của mình, hóa giải sự cố chấp trong lòng và vơi bớt đi niềm si mê của bản thân thì khi đó cuộc sống của chúng ta mới nhẹ nhàng hơn.

Đã đành, tham-sân-si là bản tính cố hữu của con người. Đứa trẻ cũng biết được đâu là mẹ của mình để níu chặt vòng tay không san sẻ cho những đứa trẻ bên cạnh. Như trong câu chuyện của tác giả kể lại về những đôi dép được bác bảo vệ trường chất đống dưới gốc cây của bọn trẻ ăn trộm xoài. Thì vẫn biết "của ăn vụng là của ngon", nên lũ trẻ lớp 5 mới khoái chí trong cái cảm giác hồi hộp ném trộm xoài nhà trường. Những quả xoài tuy chua lè, nhưng lại được nâng lên thành hàng "cao trân, mỹ vị" bởi cộng theo đó là chiến tích của kẻ vụng trộm, sâu xa hơn, là khoái cảm của người ăn cắp không bị bắt gặp. Việc MC Kiều Trinh của VTV bị bắt 2 lần tại siêu thị ở 2 nước tư bản mấy năm trước cũng vậy. Cô ta không thiếu tiền, nhưng khoái cảm "cái cảm giác đạt được những thứ không thuộc về mình hình như lúc nào cũng hấp dẫn hơn là chỉ đơn giản ra chợ mua một cân xoài, đùm khoai" (lời tác giả), đã làm lòng tham trong cô MC này trỗi dậy.

Trong cả bài viết này, tác giả chỉ trích ra một câu nói duy nhất trong suốt câu chuyện về vụ "hôi bia". Đó là câu hỏi của đứa con gái khi thấy mẹ nhào ra đường cướp bóc để khỏi "thua chị kém em", "Nhà mình không uống bia, mẹ lấy làm gì?". Đây cũng chính là câu hỏi day dứt và là nốt trầm lặng buồn nhất của bài viết. Tác giả bình luận " Suốt chặng đường về và cho đến bây giờ, bà mẹ chỉ biết hổ thẹn, tự hỏi rồi đây sẽ lấy tư cách nào để dạy con". Với chi tiết này, tác giả đã găm vào lòng người đọc một câu hỏi lớn day dứt về đạo làm người. Sự hổ thẹn của bà mẹ cũng chính là sự hổ thẹn của bất kỳ ai còn có lòng tự trọng và muốn vươn lên để sống nhân ái!

Đến đây, vấn đề đã được Hải Triều nâng tầm lên thành phạm trù đạo đức. "Câu hỏi của cô con gái tưởng chừng như ngây ngô, hóa ra lại đánh vào đúng ranh giới triết học giữa cần thiết và sự thèm muốn. Chúng ta vẫn thường để cho lòng tham cuốn mình đi xa khỏi câu hỏi "Ta cần cái gì?", “Ta có cần thứ này không?". Trở lại chuyện tham-sân-si, chúng ta có thể biết nhiều người đã từng rất tham lam, vơ vét những thứ không thuộc về mình để làm giàu cho gia đình và bản thân. Họ là những người không biết đến sẻ chia và sẽ không bao giờ san sẻ cho người khác những gì họ nhọc nhằn kiếm được. Tiếng gọi của lương tâm và lý trí đôi khi bị làm mờ đi bởi những cám dỗ quá đỗi tầm thường.

Một đoạn bình luận ngắn nhưng đầy đau xót "Khi ta mừng rỡ vì lấy được dăm ba chục chai bia “của chùa" thì thứ mà ta đã "viếng chùa" không phải là đôi dép hay chai bia mà là tư cách và lương tâm của bản thân". Thật đơn giản biết bao, để đánh đổi lấy thứ vật chất tầm thường (mấy chai bia) ta đã “viếng” cho ngôi chùa, đã đánh mất thứ vô hình nhưng không bao giờ còn có thể lấy lại được: đó là tư cách và lương tâm. Bởi, xét cho cùng "Chúng ta thường xem trọng lợi ích trong mọi phép tính toán, đo lường nhưng lại quên mất rằng tư cách đạo đức của mình cũng là một khoản sinh lời to lớn, mà món hời thu về sẽ là những mối quan hệ lành mạnh và sự tôn trọng của mọi người".

Hãy để lòng tham của chúng ta “tham” cho những người xung quanh để ai cũng có cuộc sống hạnh phúc và no ấm như chính mình. Có như vậy cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn. Một khi lòng tham đi cùng sự ích kỷ và nhỏ nhen thì chẳng bao giờ có những điều tốt đẹp đi kèm. Bởi ai cũng chỉ biết vun vén cho chính mình.

Ở thời chống Pháp, chống Mỹ, con người khổ cực, ăn đói mặc rách, chịu đựng sinh li tử biệt…, nhưng vẫn đoàn kết, yêu thương nhau. Thời bao cấp hàng tuần vẫn họp khu phố, nhưng thời nay hàng năm, mấy năm có bao giờ họp khu phố để giáo dục đạo đức quần chúng nhân dân? Đã để cho con người có sự tự do quá mức về tư tưởng và không giáo dục thì những tật xấu còn xảy ra dài dài…

Vậy nên, hãy biết sống và kiềm chế lòng tham của bản thân, đừng tham lam những thứ không thuộc về mình. Hãy sống và hài lòng với cuộc sống hiện tại và không ngừng tìm kiếm những gì tốt đẹp ở tương lai.

Lần trở lại những bài viết trước đây của tác giả này để thấy cách nâng vấn đề thành tầm triết lý; cao cả ngay từ những câu chuyện; ý tưởng hay sự kiện bình dị; thực sự là “đời” nhất. Lúc là "Đến người Pháp cũng phải ghen tỵ" nói về đạo thầy trò, hoặc như trong bài "Bà còng không đi chợ nữa"(Nghệ An Cuối tuần 1/12), bài viết là cả một nỗi lòng níu kéo, hồi tưởng chuyện ngày đã qua và ào ạt cuộc sống hiện tại. Tác giả đứng giữa dòng chảy tưởng chừng cuốn phăng đi của nhịp sống bây giờ, vẫn khẩn thiết "Liệu có thể chiều lòng những đứa con thất lạc này một chút chăng? Một chút thôi, đừng thay đổi chóng vánh đến dửng dưng, sao không giữ lại chút gì xưa cũ để bớt nhớ nhung, hoài niệm?". Hay như trong "Bộ quần áo của Hoàng đế" (Nghệ An Cuối tuần, ngày 8/12), tác giả đã nêu được những ý cơ bản và rất hợp lý về bản chất của con người, cần phải đặt mình đúng chỗ, như tác giả đã viết: "Theo cách nhìn kinh tế thì quyền lực giống một món đầu tư mà năng lực, hành vi và kết quả làm việc của nhà lãnh đạo là những dịch vụ sinh lời. Nhà lãnh đạo giỏi là người khiến quyền lực của mình lãi mẹ đẻ lãi con..".

Bởi vậy, mỗi người chúng ta hôm nay, khi đọc bài viết này, hãy đọc lại thêm nhiều lần nữa để thỉnh thoảng nhìn xuống chân mình mà tự vấn "Đôi dép lương tâm của mình có còn đây, hay đang ở trên tán xoài xa tít?".

“Nói có khác”

2. Bài viết rất hay, lấy dẫn chứng một câu chuyện nhỏ của chính tác giả từ hồi còn học tiểu học để dẫn đến phản ánh một vấn đề mà vài tuần nay trên các phương tiện thông tin đại chúng đang xôn xao, bàn tán đó là chuyện “hôi của” của một số người dân khi chiếc xe tải chở bia bị tai nạn, đổ bia ra đường. Người ta đã không xót xa, thương tiếc cho người tài xế bị tai nạn, để giúp đỡ mà đằng này khi thấy bia đổ tứ tung họ đã chen nhau “cướp” mặc cho tài xế chiếc xe đó mếu máo van xin. Những con người này đã cho rằng đó là của rơi ra đường, không lấy thì người khác lấy, cái lòng tham đã trỗi dậy khiến họ bất chấp có dùng hay không vẫn cố tranh cướp cho bằng được.

Thói hư tật xấu này của một số người Á Đông không chỉ ở chuyện “hôi bia” này mà còn hiển hiện ở nhiều ngóc ngách khác. Không xấu hổ, không tự trọng, họ nghĩ gì trước câu hỏi của con trẻ “Nhà ta không ai uống bia mẹ lấy làm gì”? Lương tâm họ đã hoàn toàn bị đánh mất khi nhào vào xe bia đổ để “cướp ngày”, thì họ còn có thể trả lời câu hỏi đó của con trẻ được không? Vô hình trung, họ đã trở thành “tấm gương” cho con mình về một nhân cách xấu xa, mà quên đi bài học vỡ lòng của chính họ cũng như con cái họ trong buổi đầu đến lớp “nhặt được của rơi trả người bị mất”.

Và thật may mắn, chỉ mấy ngày sau cũng có một chiếc xe chở sữa bị tai nạn đổ ra đường, thế nhưng sau những phản ứng dữ dội của dư luận về vụ “hôi bia” trên các trang báo, nên người tài xế của chiếc xe sữa đã may mắn bảo toàn được phần nào tài sản, mặc dù sữa đổ đầy đường nhưng tuyệt không ai lấy một hộp. Thế mới biết có nói có khác, những lời chỉ trích, phê bình đã tác động đến ý thức và hạn chế được lòng tham của một số người.

Tác giả Hải Triều đã dùng một lối so sánh, chơi chữ rất hay để phản ánh một vấn đề lớn. Lời lẽ rất nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và sát thực, độc đáo, hấp dẫn...

Người Xây Dựng