Một kiểu "chơi sang"?

18/06/2014 22:19

(Baonghean) - Đến nay, các trường THPT trong cả nước đã công bố điểm thi tốt nghiệp. Năm nay, do được chọn môn thi theo sở trường nên tỉ lệ học sinh tốt nghiệp khá cao. Nhiều trường đạt tỉ lệ 100%. Như tỉnh Thanh Hóa có 82 trường, Bình Định 27 trường, Nghệ An 51 trường, Vĩnh Long 11 trường, Bình Dương 26 trường.

Không ít tỉnh, thành phố như Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trên 98%. Với Nghệ An, theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh hệ THPT là 99,56% và học viên bổ túc THPT 95,55%. Trong đó, khối THPT có 1580 em đậu loại giỏi, 8433 em đậu loại khá; khối bổ túc THPT không có em nào đậu loại giỏi, có 61 em đậu loại khá. Nhìn vào tỉ lệ cao ngất ngưởng này, thật sự là không biết nên vui hay nên buồn. Nhưng thấy có một cái nên.

Đó là nên tính đến chuyện có tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa hay không. Vì thi mà hầu như ai cũng đỗ cả thì rất không nên tổ chức thi nữa. Tổ chức một kỳ thi vất vả, tốn kém mà chỉ để loại vài chục thí sinh thì quá lãng phí sức người, sức của và ít nhiều gây căng thẳng trong tâm lý cho học sinh lẫn phụ huynh. Hơn nữa, kỳ thi năm nay, có những nơi như tại hội đồng thi Trường THPT Quang Trung ở quận Đống Đa (Hà Nội) chỉ có một thí sinh dự thi môn Sử. Vậy mà có tới 19 người gồm thanh tra, giám thị, lãnh đạo hội đồng coi thi, chưa kể đội ngũ bảo vệ, công an phục vụ cho thí sinh này yên tâm “vượt vũ môn”. Một sự lãng phí, một kiểu “chơi sang” không đáng có.

Không ít nhà giáo dục cho rằng nên chuyển từ hình thức thi sang hình thức xét tốt nghiệp căn cứ vào kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh. Bởi nhiều trường nếu để nhà trường tự xét thì tỉ lệ tốt nghiệp không phải là tuyệt đối vì thầy cô biết được sức học của học sinh như thế nào. Một số ý kiến khác thì cho là nên cải tiến thi cử theo cách gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một.

Cả hai luồng ý kiến đều hay. Nếu gộp hai kỳ thi vào làm một thì sẽ tiết kiệm được một kỳ thi, nhưng số lượng người dự thi quá đông, không chắc ngành giáo dục sẽ kham nổi việc chấm điểm một cách chính xác, khách quan để lựa chọn những thí sinh có chất lượng, đủ khả năng học tập ở bậc học cao hơn. Và cũng rất dễ nảy sinh tiêu cực. Mặt khác, trong số hàng triệu học sinh THPT không phải ai cũng đủ học lực và đều có đủ điều kiện cũng như mong ước, khát vọng học lên cao hơn, nhưng vẫn buộc phải “lều chõng đi thi”. Như vậy, vẫn xảy ra lãng phí không nhỏ cho người học. Còn phương án xét tốt nghiệp vừa tiết kiệm được một kỳ thi vừa phù hợp với nguyện vọng của nhiều học sinh là chủ động tham gia hoặc không tham gia kỳ thi ĐH, CĐ tiếp theo. Tạo tâm lý thoải mái cho cả thầy lẫn trò và tiết kiệm được thời gian cũng như một nguồn lực không nhỏ cho xã hội.

Đương nhiên, việc lựa chọn thi gộp hay xét tuyển cần phải tiếp tục được nghiên cứu, mổ xẻ từ nhiều khía cạnh khác nhau và phải có quyết định cụ thể của bộ, ngành chủ quản. Nhưng, dù lựa chọn phương án nào thì cũng nên xem xét và sớm có quyết định. Đừng để đến gần phút cuối mới quyết định gây khó khăn, lúng túng cho cả người học và người dạy... Vì thế, nên tính sớm.

Duy Hương