Nợ thuế, nguyên nhân từ quản lý nhà nước

03/08/2014 21:09

(Baonghean) - Tình trạng nợ đọng thuế kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch thu ngân sách cả năm. Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ thì nợ đọng thuế của cả nước đã lên tới trên 67.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ thuế bình quân chung của cả nước là 12,5%, có 30 tỉnh nợ trên 13%, 17 tỉnh nợ trên 20%, có những tỉnh nợ trên 40% như Sóc Trăng, Thái Bình, Bình Dương, Hà Giang. Một số địa phương có số nợ thuế lớn như Hải Phòng nợ 1.325 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh nợ 18.874 tỷ đồng. Nghệ An tính đến 30/6/2014 nợ thuế 835 tỷ đồng, tỷ lệ 10,5%, tương đương mức trung bình chung của cả nước.

Nợ thuế là tấm gương phản chiếu tình trạng doanh nghiệp chưa vượt qua khó khăn do suy thoái kinh tế. Số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có lợi nhuận, tạo nguồn thu để hoàn thành nghĩa vụ thuế chiếm tỷ lệ không cao trong tổng số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh không có nguồn thu nộp thuế ngày càng tăng. Cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng mã số thuế. Bên cạnh biện pháp tuyên truyền, vận động và tổ chức các đoàn kiểm tra thu thuế; ngành Thuế đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để truy thu thuế như: phong tỏa tài khoản, dừng sử dụng hóa đơn, kê biên tài sản cưỡng chế thuế; nhưng các biện pháp này đem lại hiệu quả không cao. Phong tỏa tài khoản chẳng có tác dụng gì khi tài khoản không có tiền, dừng sử dụng hóa đơn càng đẩy doanh nghiệp vào bế tắc, kê biên tài sản để cưỡng chế thuế thì tài sản đã thế chấp tại ngân hàng. Nợ đọng thuế là hậu quả không tránh khỏi khi doanh nghiệp lâm vào khó khăn, sản xuất, kinh doanh đình trệ.

Ngoài nguyên nhân nợ thuế xuất phát từ doanh nghiệp, có một nguyên nhân quan trọng khác là do buông lỏng quản lý nhà nước. Từ khi Luật Doanh nghiệp được ban hành (và sửa đổi) với hành lang pháp lý rất thông thoáng, các doanh nghiệp được thành lập ồ ạt mà không được kiểm soát. Bên cạnh những doanh nghiệp quy mô lớn hiện đại được đầu tư xây dựng để làm đòn bẩy phát triển kinh tế, những doanh nghiệp quy mô nhỏ lẻ manh mún cũng mọc lên như nấm; đã xuất hiện không ít doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp buôn bán hóa đơn. Hậu quả là nợ thuế chồng chất không chỉ từ những doanh nghiệp gặp khó khăn mà còn từ những doanh nghiệp làm ăn không chính đáng. Riêng ở Nghệ An có 152 doanh nghiệp mua bán hóa đơn bỏ trốn mang theo 20 tỷ đồng nợ thuế. Rõ ràng, nợ thuế có nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý doanh nghiệp.

Những bất cập, yếu kém trong quản lý nhà nước về các lĩnh vực: xây dựng cơ bản, khai thác khoáng sản, phát triển thị trường bất động sản cũng là nguyên nhân gây nợ thuế lớn. Trong xây dựng cơ bản, việc cấp vốn dàn trải để “chia đều” hoặc cấp vốn theo cơ chế “xin - cho” dẫn đến tình trạng nhiều công trình làm xong không có vốn thanh, quyết toán, nợ thuế theo đó tăng cao. Riêng Nghệ An, đến nay tỉnh còn nợ 2.759 tỷ đồng các công trình xây dựng cơ bản, nhiều công trình làm xong không được thanh toán nên không có tiền nộp thuế. Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, do buông lỏng quản lý nên đã xẩy ra tình trạng cấp phép ồ ạt không đúng quy hoạch, nhiều doanh nghiệp một thời “hái ra tiền” nhưng đến nay gặp khó khăn không có khả năng nộp thuế. Thị trường bất động sản một thời sôi động với những “đại gia” móc ruột ngân hàng làm dự án. Nay thị trường bất động sản đóng băng trong thời gian dài làm cho nhiều doanh nghiệp “chết đứng” chưa biết đến bao giờ mới trả được nợ thuế.

Công tác quản lý nhà nước trong nội bộ ngành Thuế cũng có những vấn đề cần chấn chỉnh. Hiện tượng công chức ngành Thuế gây khó dễ cho doanh nghiệp và người dân trong khi làm thủ tục kê khai nộp thuế vẫn chưa được chấm dứt. Cán bộ, công chức ngành Thuế vẫn còn tình trạng làm việc theo tác phong hành chính. Từ khi có quy định doanh nghiệp tự kê khai và tự nộp thuế, công chức ngành Thuế quen dần với tác phong không bám sát doanh nghiệp để kiểm tra đôn đốc nộp thuế mà chờ đến khi quá thời hạn nộp thuế mới tính tiền phạt, khi thành lập các đoàn kiểm tra thu thuế thì đã muộn.

Để giải quyết tận gốc tình trạng nợ thuế phải đổi mới công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng nhất là quản lý doanh nghiệp, quản lý vốn đầu tư, quản lý tài nguyên khoáng sản…Ngành Thuế cũng phải tự đổi mới công tác quản lý để thực hiện các biện pháp thu thuế đạt hiệu quả cao hơn.

Trần Hồng Cơ