Ukraina khốn đốn vì Nga tăng giá nhiên liệu
(Baonghean) - Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, giám đốc điều hành của nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu Nga Gazprom ông Alexei Miller cho biết giá xăng dầu bán cho Ukraina sẽ tăng lên 485 đô la một nghìn mét khối kể từ tháng 4. Chỉ trước đó 2 ngày, mức giá này đã được tăng lên 385.50 đô la một nghìn mét khối so với mức giá cũ là 268 đô la, tức tăng lên 40%.
(Baonghean) - Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, giám đốc điều hành của nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu Nga Gazprom ông Alexei Miller cho biết giá xăng dầu bán cho Ukraina sẽ tăng lên 485 đô la một nghìn mét khối kể từ tháng 4. Chỉ trước đó 2 ngày, mức giá này đã được tăng lên 385.50 đô la một nghìn mét khối so với mức giá cũ là 268 đô la, tức tăng lên 40%.
Với lần tăng giá thứ 2, giá xăng dầu mà Nga bán cho Ukraina đã tăng lên đến 80%, khiến cho nền kinh tế vốn đang bên bờ khủng hoảng của quốc gia này càng bị suy yếu. Đồng thời, ông Alexei Miller cũng yêu cầu Tập đoàn dầu khí quốc gia Ukraina Naftogaz nhanh chóng trả khoản nợ lên đến 2.2 tỷ đô la, một trong những nguyên nhân được đưa ra để giải thích việc tăng giá xăng dầu vừa rồi. Trong trường hợp Ukraina không nhanh chóng trả nợ, Gazprom sẽ đóng van các đường dẫn nhiên liệu...
Thủ tướng Ukraina, ông Arseni Iatseniouk. |
Đáp lại, Thủ tướng Ukraina Arseni Iatseniouk đã tuyên bố vào thứ 6 ngày 4 tháng 4 rằng quốc gia này đang đàm thoại khẩn cấp với các nước láng giềng Trung Âu để nhập nhiên liệu. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters, ông Iatseniouk cho rằng, "Lý do duy nhất khiến Nga tăng giá nhiên liệu bán cho Ukraina là vì chính trị. Chúng tôi dự đoán Nga sẽ còn đi xa hơn trong vấn đề nhiên liệu, có thể là hạn chế việc vận chuyển nhiên liệu xuất khẩu". Được biết, 40% lượng nhiên liệu mà Nga xuất sang Tây Âu được chuyển tiếp qua Ukraina, vậy thì khả năng "rò rỉ" nhiên liệu tại Ukraina có thể sẽ khiến ông Putin quyết định dừng mọi vận chuyển nhiên liệu. Hơn nữa, mùa Đông không quá khắc nghiệt vừa qua khiến cho nguồn dự trữ năng lượng của các nước châu Âu vẫn còn khá dồi dào, ít nhất là với những nước có nguồn dự trữ nhiên liệu lớn như Pháp, Đức hay Ý.
Thủ tướng Iatseniouk cho rằng chiến thuật này của Nga nhắm đến những vùng cận Nga phía Đông và Nam Ukraina nhằm lôi kéo những vùng này bằng cách nói với họ rằng: "Nếu các bạn sát nhập Nga, các bạn sẽ được hạnh phúc và không phải sống trong địa ngục phương Tây". Ông cũng cứng rắn tuyên bố rằng "Chúng tôi có thể trả cái giá cho sự độc lập của mình". Có vẻ như Ukraina sẽ thông qua việc tăng giá nhiên liệu lên gấp đôi kể từ ngày mồng 1 tháng 5, trong khi chính phủ tiếp tục đóng băng các chế độ hưu trí và lương bổng trong một nền kinh tế suy thoái (-3% vào năm 2014) và rất lạm phát (+15%), theo thông tin của Ngân hàng Thế giới. Cũng chính vì điều này mà Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vừa mới chấp nhận cho vay từ 14 đến 18 triệu đô la.
3 quốc gia của Liên minh châu Âu có khả năng vận chuyển nhiên liệu đến Ukraina từ nguồn dự trữ của mình là Slovakia, Hungary và Ba Lan. Theo ông Iatseniouk thì điều này cho phép giá nhiên liệu giảm khoảng 150 đô la. Nhưng các chuyên gia dự đoán nhiên liệu nhập vào sẽ thấp hơn mức yêu cầu của Ukraina khoảng 10% và các quốc gia kể trên, do không còn thuộc quỹ đạo ảnh hưởng của Nga nữa, cũng sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho nhiên liệu của mình. Cũng cần biết thêm rằng hệ thống ống dẫn nhiên liệu châu Âu được xây dựng vào thập niên 70, 80 bởi các tập đoàn nhiên liệu lớn như Gazprom của Nga, E.ON Rurhgaz của Đức hay GDF Suez của Pháp sao cho nhiên liệu được lưu thông từ Đông sang Tây. Việc hạn chế các luồng lưu thông nhiên liệu qua biên giới được thảo luận từ rất lâu, bởi việc lưu thông nhiên liệu quá dễ dàng có thể khiến giá nhiên liệu sụt giảm. Do đó, trong những bản hợp đồng ký kết giữa nhà cung cấp nhiên liệu, có những điều khoản chặt chẽ về việc cấm bán nhiên liệu ra ngoài phạm vi của một vùng địa lý được quy định từ trước.
Rõ ràng không phải vô cớ mà Ukraina cáo buộc việc Nga tăng giá nhiên liệu với động cơ chính trị. Hẳn đây là một trong những động thái nhằm phản pháo lại Ukraina, hay đúng hơn là phản pháo lại kẻ đứng sau là liên minh châu Âu và Mỹ. Thứ 5 vừa qua, Nga đã triệu hồi đại sứ tại NATO về để tham vấn, 2 ngày sau khi các quốc gia thành viên của NATO cắt đứt hợp tác với Nga vì vấn đề khủng hoảng Ukraina. Phó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov trả lời phỏng vấn với giới báo chí, "Khuấy động căng thẳng không phải là lựa chọn của chúng tôi. Nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi không thấy khả thi trong việc tiếp tục hợp tác quân sự với NATO theo kế hoạch thông thường nữa". Ông cũng cáo buộc Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã đưa ra những "tuyên bố gây tranh cãi" trong cuộc họp tuần này giữa các quốc gia thành viên, đồng thời chất vấn việc NATO can dự vào các vấn đề của Đông Âu.
Tất nhiên, nói thì nói thế thôi chứ biết chắc động cơ của Nga là chính trị cũng chẳng giúp Ukraina giải quyết được gì, một khi quốc gia này vẫn còn phụ thuộc mạnh mẽ vào Nga về năng lượng. Trong quá khứ, Nga đã từng giảm giá nhiên liệu cho Ukraina tới 100 đô la trên một nghìn mét khối, đổi lại là việc gia hạn cho đến năm 2042 quyền ở lại các căn cứ quân sự lâu đời tại Crimea, Ukraina của thuỷ quân Nga. Để thấy, được nhận ưu ái, hỗ trợ từ những "người bạn lớn" luôn đi đôi với cái giá cũng lớn không kém. Có lẽ nhiên liệu mới chỉ là con bài đầu tiên mà Nga tung ra trong chiến dịch "hăm doạ" Ukraina mà thôi, vì với lịch sử thân Nga và chịu ảnh hưởng lâu năm từ Nga thì Ukraina còn nhiều điểm yếu mà Nga bắt thóp lắm! Không biết liệu Ukraina có đủ "rắn" để trả đòn không, hay đúng hơn là những "người bạn mới" của Ukraina có "tận tuỵ" đến cùng không, hay lại "đem con bỏ chợ"? Nói nào ngay, chính liên minh châu Âu và Mỹ cũng đang trong hồi đàm phán căng thẳng về các thoả thuận trao đổi tự do tại Bỉ, thứ 6 vừa qua, trong đó đề cập cả lĩnh vực năng lượng. Nói gì thì nói, trước khi lo cho người thì ai nấy vẫn cứ phải lo thân mình trước nhất, còn nếu trông chờ vào sự giúp đỡ của Tây Âu hay Mỹ thì chẳng qua Ukraina đang chuyển sang "ăn cây khác, rào cây khác" chứ nào có độc lập gì?
Nấm Linh Chi