Khó giữ chân cán bộ y tế vùng cao

21/05/2014 18:15

(Baonghean) - Để công tác khám, chữa bệnh ở trạm y tế vùng sâu, vùng xa đạt hiệu quả, điều kiện tiên quyết chính là phải có đội ngũ y, bác sỹ giỏi chuyên môn… Tuy nhiên, để giữ chân y, bác sỹ ở lại với đồng bào thôn bản hiện đang là bài toán khó, cần có giải pháp phù hợp...

(Baonghean) - Để công tác khám, chữa bệnh ở trạm y tế vùng sâu, vùng xa đạt hiệu quả, điều kiện tiên quyết chính là phải có đội ngũ y, bác sỹ giỏi chuyên môn… Tuy nhiên, để giữ chân y, bác sỹ ở lại với đồng bào thôn bản hiện đang là bài toán khó, cần có giải pháp phù hợp...

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế, thời gian qua, tỉnh ta đã đầu tư cơ sở vật chất trang, thiết bị, củng cố đội ngũ cán bộ cho tuyến y tế cơ sở. Từ đầu năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 147 trạm y tế với tổng nguồn vốn đầu tư 244,35 tỷ đồng. Trước thực trạng thiếu y, bác sỹ ở trạm y tế xã, từ năm 2009 đến nay, các đơn vị y tế tuyến tỉnh đã cử 117 lượt bác sỹ về công tác tại 22 trạm y tế tuyến xã; tuyến huyện, tăng cường 368 lượt bác sỹ cho 131 trạm y tế. Tính đến 31/3/2014, 100% trạm y tế có cán bộ y tế hoạt động, 87,7% số xã có bác sỹ công tác (bác sỹ thực của xã là 287 người, đạt 60%), 98,23% thôn, bản, xóm có nhân viên y tế hoạt động… Nhờ vậy, từ năm 2010 trở lại đây, công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn đạt kết quả tốt: Hàng năm các y, bác sỹ ở trạm y tế xã, phường, thị trấn đã khám và điều trị cho trên 2 triệu lượt người, thực hiện tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 95,8% ...

Những thành quả nêu trên rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, còn thiếu tính bền vững. Các y, bác sỹ (nhân tố quyết định cho chất lượng khám, chữa bệnh) công tác tại trạm y tế xã, phường, thị trấn còn thiếu; các trạm y tế xã chưa có bác sỹ công tác ổn định, lâu dài mà hàng năm phải luân chuyển; Số bác sỹ ở xã ít được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ để cập nhật thông tin. Vì nhiều lý do khác nhau nên các y, bác sỹ ở tuyến xã không muốn gắn bó với thôn bản, với công việc ở đây; số lượng y, bác sỹ bỏ hệ thống y tế công chuyển ra làm phòng khám, bệnh viện tư hay chuyển ngành có xu hướng gia tăng. Ông Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết: Thời gian qua, huyện Kỳ Sơn cũng đã cố gắng thực hiện tốt công tác đưa bác sỹ về xã. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan nên còn gặp nhiều khó khăn như về nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế... Hiện nay, huyện đã cắt cử luân phiên bác sỹ về các trạm y tế xã, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Thời điểm này 3 xã có bác sỹ về công tác luân phiên như: Mường Ải, Phà Đánh, Mường Típ, các cán bộ này ở lại thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn trong vòng 3 tháng. Để giữ họ ở lại gắn bó với thôn bản là điều rất khó.

Y bác sỹ Trạm y tế xã Châu Bính (huyện Quỳ Châu) tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Y bác sỹ Trạm y tế xã Châu Bính (huyện Quỳ Châu) tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế hiện chưa phù hợp, lương và phụ cấp quá thấp, đứng thứ 17/18 bộ, ngành. Trong khi thi đầu vào khó, học để trở thành bác sĩ ít nhất cũng phải mất 6 năm nhưng khi ra trường, cán bộ ngành y chỉ được hưởng mức lương tương đương với những người học đại học khác (4 năm). "Chế độ đãi ngộ cho cán bộ ngành y không tương xứng với thời gian học tập cũng như công sức lao động, môi trường lao động, điều kiện làm việc vất vả. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, nông thôn, chính sách thu hút cán bộ về làm việc cho y tế cơ sở, các vùng khó khăn còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, nhân lực y tế phân bổ không đều giữa các vùng, các tuyến".

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng y, bác sỹ chưa gắn bó với miền núi cao được bác sỹ Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu chia sẻ: Hiện nay, các chế độ, chính sách, nguồn thu nhập của y, bác sỹ công tác tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn cơ bản đã được đảm bảo (trung bình thu nhập một tháng của bác sỹ công tác 10 năm ở tuyến xã là 7 - 8 triệu đồng, 20 năm là 12 triệu đồng). Tuy nhiên, nguồn thu nhập đó chẳng còn lại là bao khi trừ đi chi phí xăng xe, đi lại từ nhà đến trạm hay từ trạm đến các hộ dân; địa bàn công tác không có những điều kiện sinh hoạt tốt, không có điện, thiếu nước sạch, thiếu môi trường sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao. Mặt khác, công tác ở trạm y tế xã vùng sâu, ít có điều kiện trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tiếp thu các kiến thức mới, chủ yếu làm công tác dự phòng nhiều hơn hoạt động điều trị chuyên môn.

Bác sỹ Hủn Vi Trường, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cho hay: Rất ít bác sỹ chuyển về công tác tại trạm y tế xã, số y, bác sỹ chuyển ngành, bỏ ra làm ngoài, cử đi đào tạo bác sỹ chuyên tu không về lại địa phương công tác khá nhiều. Thời gian qua, ngành Y tế Quỳ Châu đã cử nhiều y sỹ đi đào tạo bác sỹ chuyên tu, đáp ứng phần nào khó khăn về nguồn nhân lực, dự tính đến cuối năm nay, tất cả các trạm y tế của huyện sẽ đủ 100% số bác sỹ công tác và có xã sẽ có tới 2 bác sỹ…

Để giữ y, bác sỹ gắn bó với các xã vùng cao, ngành Y tế huyện Quế Phong đã “đặt hàng” với Sở Y tế Nghệ An, đồng thời, xin ý kiến Sở Y tế cho tuyển dụng các y sỹ con em người Quế Phong, đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Mông, Khơ Mú để đào tạo chuyên tu lên bác sỹ. Cách làm này đã phát huy hiệu quả, hiện Trung tâm Y tế huyện Quế Phong có 10 bác sỹ ở trạm y tế, 5 bác sỹ ở trung tâm và 3 bác sỹ đang cử đi tăng cường ở xã, chưa kể một số y sỹ khác đang cử đi học. Tất cả các y, bác sỹ đều gắn bó với nghề, với dân bản, bởi họ chính là con em Quế Phong, cứu chữa bệnh tật cho chính người thân của họ. Để trau dồi kiến thức chuyên môn cho y, bác sỹ, huyện thường xuyên cử cán bộ trạm y tế xã đi đào tạo, học hỏi thêm. Hiện tại huyện đang cử 6 bác sỹ đi học siêu âm.

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ như hiện nay thì thiết nghĩ, giải pháp tỉnh, ngành Y tế nên cử, gửi những sinh viên đã thi vào các trường đại học y đạt 26, 27 điểm nhưng vẫn không đậu đi học tại chính các trường đại học y uy tín để sau này sử dụng” cần được nghiên cứu và áp dụng.

Thanh Sơn – Thúy Hiền