Gợi ý đáp án môn Văn khối C, D - kỳ thi ĐH đợt 2

10/07/2014 14:19

Sáng nay 10/7, các thí sinh thi môn cuối cùng của kỳ thi đại học đợt 2 năm 2014. Dưới đây là gợi ý đáp án đề thi môn Văn khối D và C.

TIN LIÊN QUAN

Gợi ý đáp án môn Văn khối D do cô Nguyễn Thị Mai (Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM) thực hiện:

Tải file đáp án tại đây

Câu I: (2,0 điểm)

1. Thể hiện tâm tư tình cảm :

- Khẳng định chủ quyền đất nước Việt Nam là của người Việt Nam.

- Niềm tự hào về truyền thống xưa - nay cùng giữ nước.

2. Ý nghĩa tu từ của từ láy “rì rầm”

- Tiếng vọng lại từ đất.

- Tiếng nói của cha ông từ trước vọng về ngày hôm nay dặn dò con cháu phải tiếp bước cha ông để bảo vệ Tổ quốc.

3. Các dạng của phép điệp và hiệu quả nghệ thuật

- Phép điệp cấu trúc “Trời xanh đây là của chúng ta / Núi rừng đây là của chúng ta”.

- Điệp từ “những”.

- Tác dụng: nhằm nhấn mạnh, tăng cường độ sâu cảm xúc và tăng nhạc điệu cho thơ. Thể hiện chủ quyền của người Việt Nam đối với đất nước Việt Nam và truyền thống giữ nước kết hợp giữa quá khứ - hiện tại - tương lai.

Câu II: (3,0 điểm)

Đây là câu nghị luận xã hội có yêu cầu cụ thể về nội dung, kiểu bài và độ dài của văn bản. Thí sinh cần đáp ứng đúng những yêu cầu nói trên.

Thí sinh có thể triển khai bài viết theo những nội dung cụ thể khác nhau . Sau đây là một gợi ý :

- Cuộc sống của con người là một bài ca kì diệu. Có những cuộc sống thăng hoa bất tử nhưng cũng có những cuộc đời để lại những ngậm ngùi, tủi hổ. Điều đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến vai trò không thể thiếu được của quan niệm sống. Trong giai đoạn hiện nay, có người quan niệm rằng “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa” là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Chúng ta nghĩ gì về quan niệm này?

- Cống hiến là hành động đóng góp cái quý giá của mình vào sự nghiệp chung, sự nghiệp của tập thể. Hưởng là có được cho mình, có được để sử dụng. Hưởng thụ là hưởng của xã hội trong quan hệ với cống hiến. Quan niệm trên khẳng định giá trị của sự cống hiến hết mình và hưởng thụ tối đa. Quan niệm đó cho rằng Cống hiến hết mình và hưởng thụ tối đa là phương châm sống có ý nghĩa tích cực và luôn luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh.

- Cống hiến và hưởng thụ là hai khía cạnh có quan hệ chặt chẽ với nhau. Không thể chỉ có cống hiến mà không có hưởng thụ. Cũng như không thể chỉ hưởng thụ mà không cống hiến. Cống hiến là điều kiện để được hưởng thụ và hưởng thụ là hệ quả tất yếu khi người ta cống hiến cho tập thể, cho xã hội. Con người trong thời đại ngày nay là con người của thời kì hội nhập , giao lưu rộng mở với mối quan hệ đa dạng, phong phú và phức tạp. Cống hiến hết mình và biết hưởng thụ là một phương châm sống có ý nghĩa tích cực. Đây là phương châm sống của người hành động, nó hoàn toàn khác với kiểu sống của người thụ động. Phương châm này có ý nghĩa và tác dụng lớn đối với con người. Về năng lực, sống cống hiến hết mình sẽ giúp người ta phát huy cao nhất năng lực có thể của bản thân. Giúp người ta có một cuộc sống có giá trị và mang lại nhiều đóng góp cho tập thể, cho xã hội. Hưởng thụ giúp người ta tái tạo sức lao động về thể chất và tinh thần. Hưởng thụ giúp người đã cống hiến có được trạng thái tinh thần thư giãn, giải tỏa áp lực tinh thần, mang lại tâm thế tự do giúp con người cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa và sau đó có điều kiện để tiếp tục phát huy năng lực tinh thần đã có ở bản thân.

- Nhưng phương châm đó không phải luôn luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Vì sao? Bản thân con người là hữu hạn. Dù có muốn cống hiến hết mình, con người cũng có những giới hạn về thể chất và tinh thần nhiều khi rất khó vượt qua. Trong khi, hưởng thụ phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của tập thể, xã hội. Do đó không thể đòi hỏi hưởng thụ tối đa. Ngoài ra, khao khát hưởng thụ dễ dẫn người ta đi đến tư tưởng hưởng lạc, một xu hướng tâm lý dễ dẫn đến sự tha hóa, suy đồi.

- Vì vậy, con người cần thấy mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ cũng như tác dụng to lớn của nó. Từ đó có những suy nghĩ đúng đắn và cần thiết về cống hiến và hưởng thụ. Cống hiến và hưởng thụ một cách hài hòa là phương châm sống cần có của bản thân mỗi người. Cống hiến hết mình cần được soi sáng bởi một mục đích cao đẹp, một tư duy sáng suốt để không rơi vào sự mê muội, bị lừa dối. Hưởng thụ chính đáng, phù hợp với nhu cầu chân chính, với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình, xã hội, đất nước.

- “Cống hiến hết mình và hưởng thụ phải chăng” nên là phương châm sống của con người hiện đại hôm nay.

Câu III: (5,0 điểm)

* Giới thiệu tác giả - tác phẩm - tựa đề

- Thanh Thảo là nhà thơ trẻ được công chúng chú ý qua những tập thơ mang diện mạo độc đáo về chiến tranh, nhất là vấn đề con người thời hậu chiến.

- Tiêu biểu là bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” thuộc tập “Khối vuông ru-bich” (1985).

- Ấn tượng nhất là hình tượng Lor-ca với ý kiến cho rằng mẫu nghệ sĩ - chiến sĩ vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình. Và cũng có ý kiến cho rằng đó là mẫu nghệ sĩ thuần túy chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật nhưng bị giết hại oan.

A. BÌNH

1. Tìm hiểu ý kiến:

- Ý kiến 1:

+ Bọn phát xít Phranco hủy diệt tự do dân chủ của con người và Lor-ca vừa là nghệ sĩ yêu cái đẹp vừa là chiến sĩ đấu tranh cho cái đẹp ấy nên đối lập hẳn với bọn phát xít.

+ Nên chúng nhất định phải hủy diệt và đưa Lor-ca đến bản án tử hình .

- Ý kiến 2:

+ Mẫu người nghệ sĩ thuần túy chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo cái đẹp có nghĩa là họ chỉ biết tìm đến cái đẹp thuần túy xa rời cuộc sống và từ đó sáng tạo nghệ thuật chỉ để thỏa mãn đam mê cá nhân.

+ Nên bị bọn phát xít giết hại oan.

2. Tìm hiểu hình tượng Lorca để chứng minh 2 ý kiến:

- Giới thiệu sơ lược về Lor-ca.

- Phân tích hình tượng Lor-ca:

+ Hình ảnh Lor-ca : nghệ sĩ - chiến sĩ

“những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếnh choáng

trên yên ngựa mỏi mòn”

(phân tích nhân vật Lor-ca qua nền văn hóa Tây Ban Nha. Với các chi tiết : hình ảnh trận chiến đấu “áo choàng đỏ gắt”, hình ảnh “tiếng đàn bọt nước”, đơn độc - “trên yên ngựa mỏi mòn”.... nêu bật hình tượng Lor-ca người nghệ sĩ - chiến sĩ sử dụng âm nhạc đấu tranh chống phát xít)

+ Hình ảnh Lor-ca bị hành hình :

“Tây Ban Nha

hát nghêu ngao

bỗng kinh hoàng

áo choàng bê bết đỏ

Lor-ca bị điều về bãi bắn

chàng đi như người mộng du”

(phân tích hình ảnh “áo choàng bê bết đỏ” thể hiện cái chết bi tráng của Lor-ca, “chàng đi người mộng du” phản ánh hình ảnh người chiến sĩ - nghệ sĩ bình thản trước cái chết có nghĩa là bọn phát xít thua cuộc).

+ Sử dụng âm nhạc để đấu tranh chống phát xít đòi hỏi tự do dân chủ:

“tiếng ghi-ta nâu

bầu trời cô gái ấy

tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy

tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan

tiếng ghi-ta ròng ròng máu chảy”

(phân tích khát vọng của người nghệ sĩ - chiến sĩ Lorca đấu tranh cho cái đẹp và cái đẹp bị bạo lực hủy diệt qua một số ngôn từ : điệp ngữ tiếng ghi-ta, hình ảnh “bầu trời cô gái”, hình ảnh tượng trưng siêu thực : bọt nước vỡ tan; cách ngắt nhịp bất thường: ròng ròng/máu chảy)

- Về mặt nghệ thuật , hình tượng Lor-ca được xây dựng bằng những nghệ thuật độc đáo sau:

+ Giọng thơ giàu chất suy tư.

+ Hình ảnh mang màu sắc tượng trưng siêu thực.

+ Chuyển đổi cảm giác rất thành công.

B. LUẬN

- Ý kiến cho rằng hình tượng Lor-ca là mẫu nghệ sĩ - chiến sĩ vì dấn thân tranh đấu cho độc lập, cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình là đúng.

- Nói khác đi mẫu nghệ sĩ - chiến sĩ đấu tranh cho cái đẹp nên bị hủy diệt nhấn mạnh nhiệm vụ của người nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp, đam mê cái đẹp nhưng phải là cái đẹp phục vụ cuộc sống.

- Qua hai ý kiến, chúng ta liên tưởng đến quan điểm sáng tác “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh” để nhấn mạnh: nghệ thuật là cái đẹp của nghệ thuật nhưng phải phục vụ cuộc sống.

* Khẳng định sự đóng góp của Thanh Thảo khi đổi mới văn học

Đề thi môn Văn khối D:

Gợi ý đáp án môn Văn khối C do cô Nguyễn Thị Mai (Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM) thực hiện:

Tải file đáp án tại đây

Câu I:

1) Xác định phương thức biểu đạt của đoạn văn bản: Trong đoạn thơ, tác giả đã dùng phương thức tự sự kết hợp với biểu cảm.

2) Các từ “lảo đảo”, “thập thững” đã diễn tả chân thực và sinh động hình ảnh cô đồng trong trạng thái nửa tỉnh, nửa say; hình ảnh bà ngoại bước thấp, bước cao trong trí nhớ của tác giả.

3) - Sự vô tâm của đứa cháu được thể hiện rõ qua câu thơ “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế”.

Nỗi vất vả của bà ngoại được thể hiện qua biện pháp liệt kê các công việc của bà “mò cua, xúc tép, đi gánh chè xanh”; qua việc liệt kê các địa danh “Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Dao” và qua hình ảnh người bà “thập thững” trong những đêm đông lạnh.

- Người cháu trong đoạn thơ đã thể hiện tình yêu thương sâu sắc đối với bà qua những hồi ức về tuổi nhỏ: Theo bà đi chợ, ăn trộm nhãn chùa Trần, lên chơi đền Cây Thị và những nỗi cơ cực gắn liền với cuộc đời bà.

Câu II: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau. Sau đây chỉ là một gợi ý:

2.1 Giới thiệu vấn đề:

Dân gian có câu: “Chân lí thuộc về kẻ mạnh.”. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, thông thường kẻ mạnh thường là kẻ thống trị thế giới và thống trị người khác. Nhưng sự thống trị không phải là điều cao đẹp, đáng ca ngợi và trân trọng. Phẩm chất cao đẹp của con người là lợi ích mà họ mang đến cho đồng loại. Chính vì vậy trong tác phẩm Đời thừa, nhà văn Nam Cao đã khẳng định: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình.”

2.2 Giải thích:

Có hai cách hiểu về kẻ mạnh: kẻ mạnh về thể lực và kẻ mạnh về tinh thần.

Giải thích câu khẳng định của đề bài: Thế nào là sức mạnh chân chính và sức mạnh của sự ích kỉ và xấu xa. Hình ảnh giẫm lên vai người khác và giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình là hai hình ảnh nghệ thuật tương phản.

2.3 Bàn luận:

- Sức mạnh có thể dùng để giải quyết thành công nhiều công việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau (dẫn chứng). Dùng sức mạnh để đàn áp kẻ khác là một tội lỗi. Dùng sức mạnh để giẫm lên vai người khác và thỏa mãn sự ích kỷ của mình là điều xấu xa. Sức mạnh chân chính là sức mạnh mang đến lợi ích cho người khác, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho đồng loại.

- Có thể cho ví dụ vài hành động về sức mạnh không chân chính và sức mạnh chân chính. Ví dụ như cha mẹ gánh trên vai những gánh nặng của công việc để nuôi dưỡng con cái và đưa con cái đến bến bờ bình yên; những người gánh lấy những công việc nặng nề và nhường những công việc nhẹ nhàng cho đồng nghiệp; những chiến sĩ hải quân và những người lính biên phòng không quản ngại khó khăn để bảo vệ tổ quốc… là những hành động về sức mạnh chân chính. Những người dùng sức mạnh để bắt ép người khác làm theo ý muốn cá nhân ích kỉ của mình; Trung Quốc dùng sức mạnh của nước lớn để đàn áp nhân dân Việt Nam… là sự thể hiện xấu xa của sức mạnh.

- Giúp đỡ người khác bằng khả năng mạnh mẽ, ý chí kiên cường của mình là một phương châm cao thượng mà con người cần phải noi theo. Khi con người mang trong tim một tình yêu chân thành, một lí tưởng cao đẹp thì con người sẽ có một sức mạnh chân chính. Sức mạnh đó sẽ trở nên vĩ đại hơn nhiều khi được hòa chung trong một cộng đồng của một quốc gia hay của một dân tộc. Lịch sử nhân loại đã chứng minh chính sức mạnh vĩ đại của mỗi dân tộc đã mang đến độc lập, tự do và hạnh phúc cho mỗi con người trong mỗi đất nước cụ thể.

2.4 Kết luận:

Lứa tuổi học sinh phải biết tu thân, rèn luyện, học tập để trở thành người mạnh mẽ và có ích cho đất nước. Tình yêu thương, sự hi sinh, tính vị tha, lòng yêu nước… là những nhân tố và nền tảng tạo nên một sức mạnh chân chính cho mỗi con người. Sức mạnh chân chính của mỗi con người là nền tảng để quốc gia tồn tại và dân giàu, nước mạnh.

Câu III:

I. Mở bài :

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu vẻ đẹp hình tượng sông Hương.

- Giới thiệu nhận định.

II. Nội dung :

1) Khái niệm về thể loại bút ký.

- Đây thật sự là một thiên tùy bút. Tùy bút là thể loại văn học hòa quyện yếu tố tự sự với trữ tình, nghĩa là tác giả vừa miêu tả, trần thuật sự việc hình tượng một cách khách quan, vừa xuất hiện trực tiếp cái tôi trữ tình của tác giả.

2) Giới thiệu nội dung :

- Là đoạn văn xuôi súc tích và đầy chất thơ về sông Hương. Vẻ đẹp của đoạn văn là cảm xúc sâu lắng được tổng hợp từ vốn hiểu biết phong phú về lịch sử, văn hóa, địa lí và văn chương cùng với tình yêu đắm say của tác giả dành cho quê hương xứ sở qua hình tượng sông Hương.

3) Phân tích :

a) Vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ tình tứ của sông Hương :

- Vẻ đẹp của sông Hương được tác giả so sánh nhân hóa mang tính cách, phẩm chất của con người.

+ Thượng nguồn của sông Hương được ví như cô gái Digan mang vẻ đẹp “phóng khoáng, man dại” và “dịu dàng say đắm”; dòng sông còn được so sánh như “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”, mang vẻ đẹp “dịu dàng, trí tuệ”.

+ Theo thủy trình của dòng sông, tác giả còn so sánh như “người tài nữ” đánh đàn lúc đêm khuya và như “nàng Kiều”, mà thành phố Huế là Kim Trọng.

+ Nét trữ tình còn biểu hiện qua hình ảnh dòng sông đi suốt thế kỷ về đánh thức “người gái đẹp ngủ mơ màng” giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Sông Hương thật tình tứ “lẵng lơ kín đáo của tình yêu”.

- Vẻ hoang sơ của sông Hương còn gợi ra từ nét “phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u...”…(thí sinh có thể chon lọc thêm dẫn chứng).

- Tác giả thể hiện bút pháp tài hoa, khả năng quan sát tinh tế gợi nhiều cảm xúc thẩm mĩ từ những hình ảnh so sánh giàu chất trữ tình.

b) Sông Hương mang vẻ đẹp trầm tích của văn hóa lịch sử Việt Nam :

- Dòng sông không chỉ bồi đắp phù sa cho đôi bờ xanh cành trĩu quả, mà còn bồi đắp cho tâm hồn con người thành vẻ đẹp văn hóa.

+ Sắc màu của Hương giang “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” gợi nét văn hóa của con người, bởi cái màu xanh của hy vọng, màu vàng của nhẫn nại, màu tím của thương nhớ, thủy chung của con người nơi đây.

+ Tính cách con người “Châu Hóa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở”, như dòng sông thuộc về một “thành phố duy nhất”.

- Trong tổng thể vẻ đẹp mang tính cách và phẩm chất của con người, tác giả còn so sánh dòng sông vừa cao cả biết “hiến dâng” đời mình cho những chiến công và “người con gái dịu dàng của đất nước”, mang dấu ấn lịch sử sâu sắc.

+ Dòng sông “đã sống những thế kỉ vinh quang với nhiệm vụ lịch sử của nó”.

+ Dòng sông cùng thăng trầm với lịch sử với đất nước. (Thí sinh tìm thêm dẫn chứng).

4) Nhận định chung :

- Với vốn hiểu biết sâu sắc, phong phú và ngôn ngữ tài hoa, các phép ẩn dụ độc đáo, gợi cảm, nhà văn đã miêu tả sống động vẻ đẹp của sông Hương. Đồng thời đã bộc lộ tình yêu nồng nàn tha thiết dành cho quê hương xứ sở.

III. Kết luận :

- Ngợi ca tác giả, ngợi ca tác phẩm.

- Khẳng định, nhận định là đúng đắn.

Đề môn Văn khối C:

Theo zing.vn