Cái kết có hậu của một chuyện tình

19/04/2014 21:29

(Baonghean) - Đôi vợ chông khuyết tật ấy ở xóm 11, xã Diễn Hoàng (huyện Diễn Châu). Người chồng tên là Lê Văn Lân (59 tuổi), bị cụt 2 chân và vợ là Nguyễn Thị Hương (57 tuổi), mắt phải bị mù, mắt trái chỉ nhìn được 5%...

Ông Lân đưa chén nước về phía khách, nói: "Từ ngày con trai út đi học Đại học Công nghệ thông tin ở Đà Nẵng, con trai thứ 5 vào Đắc Lắc làm thuê trang trại cà phê, các con gái đi lấy chồng, nhà giờ còn 2 vợ chồng tui thôi". Bà Hương không giấu được nước mắt mỗi khi có khách đến thăm. Giọng bà nghẹn ngào: "Trước đây, đôi mắt của tui cũng như người bình thường khác. 5 tuổi đã theo mự đi bóc lạc thuê kiếm tiền đi học, đi cào nghêu, mẹ tui mất từ khi tui chưa đầy 3 tháng tuổi...". Ông Lân lau nước mắt cho vợ, vào nhà lấy ra cái hộp nhỏ, trong đựng những phong thư đã úa màu thời gian và chiếc lưỡi bào đã cũ, rỉ sét cho chúng tôi xem. Ông nói: “Vượt qua được bao khó khăn cũng nhờ vào những cánh thư hồi bà ấy còn là thanh niên xung phong gửi về động viên tui. Mỗi lần đọc thư của bà ấy, tui nguôi đi mặc cảm về đôi chân của mình. Còn chiếc lưỡi bào này, nó là người bạn đồng hành với tui từ năm lên 10 tuổi, nhờ nghề mộc mà tui nuôi được vợ và các con...".

Gia đình ông Lân trong ngôi nhà mới.
Gia đình ông Lân trong ngôi nhà mới.

Qua lời mẹ kể, ông Lân sinh ra bình thường, mạnh khỏe nhất trong mấy người con. Năm ông hơn 1 tuổi bị hậu sởi, chuyển sang liệt, mà gia đình không hề hay biết. Hồi ấy, cũng như bao gia đình khác trong làng, bố mẹ ông Lân cũng thuộc diện nhà nghèo nên không có điều kiện đưa con đi khám. Đến khi đôi chân con ngày một nhỏ dần rồi teo tóp, không thể đứng được thì đã quá muộn. 10 tuổi ông đi bằng 2 đầu gối. Rồi ông kể: Học hết cấp 1, ông xin phép mẹ nghỉ học, một phần thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, một phần bị nhiều bạn bè chế nhạo đôi chân tàn tật. Trong một chiều mưa, ngồi sau xe đạp của bố, ông trông thấy nhiều người trong làng làm nghề mộc, thế rồi ông nài nỉ bố mẹ cho đi làm mộc. Xưởng mộc xa nhà gần chục cây số (tận xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu), thấy con đam mê nghề mộc nên ngày nào hai bố con cũng cũng chở nhau trên chiếc xe đạp đi đến xưởng mộc ông Tử ở xã Quỳnh Thọ để con được học nghề. 10 tuổi, một cậu bé lết bằng 2 đầu gối khiến bao người xót xa, động lòng thương. Ông Lân may mắn được chủ xưởng mộc (ông Tử) thông cảm hoàn cảnh, tận tình hướng dẫn từng li từng tý.

Từ đôi tay thô ráp, sần sùi, ông cho ra những sản phẩm ban đầu còn đơn giản như chiếc bảng học sinh, cái cối giã vừng, cái khuôn làm bánh, đến những sản phẩm có giá trị như bàn ghế, tủ, giường... Sau hơn 3 năm vừa làm vừa học, với tay nghề khéo léo, ông Lân được nhận vào làm thợ chính của xưởng mộc và tại đây ông được gặp gỡ người con gái miền biển Quỳnh Thọ. Ông còn nhớ như in, ấy là năm 1972, ông vừa tròn 16 tuổi, đã được nhiều người trầm trồ khen tay mộc của ông vừa khéo vừa nhanh. Người tìm đến xưởng mộc đặt đồ cũng có, xem mặt ông cũng có nhưng trong lòng ông vẫn mang nặng nỗi mặc cảm đôi chân. Khi ấy, bà Hương là người giúp ông vượt lên nỗi mặc cảm đó. Ngày ngày, bà đến xưởng mộc đóng mạt cưa, trò chuyện cùng ông, khi thì khen chiếc ghế ông đóng đẹp, lúc thì khen ông làm cái tủ nhanh, khi thì khoe với ông hàng cau nhà bà mùa này trĩu quả... Họ trở thành thân thiết, một tuần đôi bữa bà Hương lại biếu ông quả ổi, xâu táo trong vườn... Tình cảm họ thật hồn nhiên, trong sáng.

Rồi năm ông 19 tuổi, cũng là năm bà Hương đi thanh niên xung phong, lúc đó, ông Lân nhận ra rằng ông đã yêu bà! Mẹ ông lo lắng nói: "Chân con như vầy, mần răng gia đình bên nớ chấp nhận con được". Ông Lân lại nghĩ khác, vì thấy rất rõ trong đôi mắt người con gái mảnh đất Quỳnh Thọ chất đầy niềm tin, tình cảm dành cho ông hết sức chân thành. Những cánh thư từ tuyến lửa bà Hương gửi về hậu phương cho ông, kể ông nghe những trận sốt rét ác tính của bao người nơi rừng thiêng nước độc, những đêm rừng vắt cắn và cả sự hy sinh của cô gái thanh niên xung phong còn son trẻ gan dạ, kiên cường như tiếp thêm nghị lực và xóa đi mặc cảm trong ông. Rồi những lá thư từ hậu phương gửi ra; từ tiền tuyến gửi về, họ động viên nhau, hẹn thề nên duyên chồng vợ khi bà Hương hết nghĩa vụ sẽ xin phép gia đình hai bên gia đình làm đám cưới. Nhưng số phận đã không mỉm cười với họ. Trong một lần bị đau mắt giữa rừng thiêng nước độc, không được chữa trị kịp thời, mắt phải của bà Hương bị mù hẳn, mắt trái nhìn lờ mờ chưa được 5%. Bà Hương đau đớn, đến lá thư ông gửi ra bà cũng phải nhờ đồng đội đọc hộ. Ngày họ gặp nhau, ôm chầm nhau, nước mắt tuôn rơi...

Họ lấy nhau khi cả hai đều tàn tật, gia đình hai bên quá nghèo. Ông ông Lân lo lắng: "Rồi lấy gì để sống đây con, tương con cái ra sao, liệu có đứa nào lại như bố, như mẹ nó không?". Còn bà con xóm làng đến dự đám cưới không kìm được nước mắt trước đôi vợ chồng trẻ tàn tật như vậy, ông còn nhớ mãi hình ảnh bà Tự, người trong làng nắm bàn tay ông dặn dò: "Cố gắng lên cháu nhé", và dúi vào tay ông mấy đồng xu. Những đồng xu ấy tương đương với cả yến gạo hồi đó.

Họ trải qua những tháng ngày cơ cực. Ông Lân vẫn đi làm thợ mộc, còn bà Hương dẫu mù lòa vẫn ngày ngày ra chợ xã bán rau. Người ta quen dần hình ảnh người chồng lết bằng hai đầu gối bên người vợ mù lòa ở chợ với gánh hàng rau. Ngày qua ngày, năm qua năm hết bóc lạc đêm lại làm mộc ngày, đúc sò buổi trưa, chẳng khi nào tay ông ngơi nghỉ. Rồi khai hoang, vỡ đất, trồng rau, trồng màu, tăng gia sản xuất, lợn nuôi cả chục con, lưng áo lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Cái ngày bà chuyển sinh lần đầu, vợ chồng dìu nhau đến trạm xá trong đêm, vợ bụng mang dạ chửa, cơn đau dữ dội, người chồng chỉ đi bằng hai đầu gối nên khó khăn lắm ông mới dìu được vợ. Hai con người khuyết tật tựa vào nhau trong đêm. Mẹ tròn con vuông, ông Lân thương vợ trào nước mắt. Rồi 6 người con, 4 gái, 2 trai ra đời.

Từ người con đầu lòng đến người con út một tay ông Lân chăm sóc, giặt giũ, lo toan, đến cả mỗi lần con ốm con đau, đi bệnh viện... ông không một lời than vãn. Nhiều lần, bà Hương khóc một mình biết chồng quá vất vả, con còn khờ dại. Ông ôm vợ động viên, an ủi, nói để vợ vui: "Từ ngày tui lắp đôi chân giả, đi lại thuận lợi lắm bà đừng lo. Công việc làm mộc của tui cũng nhiều chỉ cần bà vui, khỏe là bố con tui vui rồi". Thương vợ con, những đêm mùa đông rét thấu thịt da ông lụi cụi bóc hết tạ lạc kịp sáng mai giao hàng rồi lại đi làm mộc.. "Giàu hai con mắt cháu ạ, khi đôi mắt của vợ đã mù lòa tui thương lắm, càng thấm cái nỗi thiệt thòi, đau đớn của vợ, nhất là mỗi lần vợ hỏi về khuôn mặt, nụ cười, dáng dấp của mỗi đứa con lòng tui đau như cắt", ông Lân trải lòng.

Dẫu đã gần tuổi 60, ông vẫn ngày ngày bên chiếc xe lăn đi làm thợ mộc khắp nơi: "Phải cố gắng làm cho thằng út có tiền ăn học". Kể hết chuyện cũ, giờ tôi mới thấy ông nở nụ cười: "Từ ngày cháu Linh học Đại học Công nghệ thông tin ở Đà Nẵng, tui vui lắm dẫu lo cho cháu ăn học cũng tốn kém. Lẽ nào mấy chục năm cố gắng được được bây giờ lại không? Thằng Lương đi làm cà phê tận trong Đắc Lắc, cũng gom góp được ít vốn liếng, được bà con đồng hương trong nớ giúp đỡ cho vay tiền mua được một vạt cà phê". Rồi ông khoe thêm, giọng rưng rưng: "Cuối năm 2013, xét hoàn cảnh khó khăn, gia đình được Công ty Syngenta hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà và giúp đỡ ngày công trong suốt quá trình thi công, cộng với tiền tích góp bao lâu nay đi làm thợ mộc của tui, anh em chòm xóm mỗi người giúp thêm một ít, làm được ngôi nhà ni. Ơn này, tui nhớ suốt đời!”.

Trao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Lân ở xã Diễn Hoàng, Diễn Châu.
Trao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Lân ở xã Diễn Hoàng, Diễn Châu.

Biết chấp nhận số phận và biết vươn lên trong cuộc sống của đôi vợ chồng khuyết tật Lê Văn Lân khiến nhiều người ở xã Diễn Hoàng nể phục. 35 năm chung sống với biết bao khó khăn, thử thách, nghèo đói đeo đẳng họ vẫn luôn chia sẻ với nhau. Giờ đây mái đầu đã lốm đốm bạc, nhưng những trang thư cũ thi thoảng vẫn được ông Lân đưa ra. Hai mái đầu chụm lại, ông Lân đọc cho vợ nghe để rồi tình yêu thương tiếp thêm nghị lực cho họ trong cuộc sống!

Thu Hương