Sớm xây dựng kịch bản xả lũ hồ Vực Mấu (TX Hoàng Mai)

24/07/2014 08:08

(Baonghean) - Hồ Vực Mấu là hồ có trữ lượng nước lớn ở Nghệ An, ngoài nhiệm vụ cấp nước cho 3.600 ha đất sản xuất, nước sinh hoạt cho 10 vạn dân thuộc địa bàn 12 xã, thị trấn ở Thị xã Hoàng Mai, còn có tác dụng phòng lũ. Đáng tiếc, năm 2013 việc xả lũ hồ Vực Mấu đã gây nên những hậu quả đáng tiếc. Năm nay, người dân vùng ảnh hưởng mong các cơ quan chức năng sớm xây dựng kịch bản xả lũ, công khai kịch bản này nhưng vẫn chưa có, phương án sơ tán dân rất chung chung.

Hệ thống cống xả lũ hồ Vực Mấu. Ảnh:  V.Đ
Hệ thống cống xả lũ hồ Vực Mấu. Ảnh: V.Đ

TIN LIÊN QUAN

Hồ Vực Mấu được xây dựng năm 1978, thuộc địa bàn xã Quỳnh Trang, Thị xã Hoàng Mai có diện tích lưu vực 215km2, dung tích trữ 75 triệu m3, dung tích phòng lũ 125 triệu m3, cao trình +22,21m. Tràn xả lũ dạng xả sâu có 5 cửa, vận hành bằng cửa van tời điện 5 tấn. Ngày 30/9, 1/10 và 2/10/2013, mưa to kết hợp việc xả lũ tối đa đúng lúc triều cường khiến Thị xã Hoàng Mai chìm trong biển nước. Do việc thông báo tới người dân không đầy đủ, đã gây nên nhiều thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn. Anh Nguyễn Viết Hùng ở xóm 2, Quỳnh Thiện, cho hay: Trong cơn lũ đó may mà cả nhà anh chạy thoát thân, nhưng gà lợn trôi hết, tài sản chẳng còn. Anh Nguyễn Văn Lý ở xóm 1, Quỳnh Lộc có 1 ha tôm cũng trôi hết. Năm nay tôm vụ 1 anh thắng lợi, bù đắp được một phần lãi ngân hàng vay, anh lại thả tiếp vụ tôm thứ 2 trong năm nhưng vừa nuôi vừa lo mất vì xả lũ. Lo lắng, băn khoăn và cả sợ hãi là tâm lý chung của cả cán bộ và nhân dân vùng dưới hạ lưu vùng lòng hồ, bởi theo họ, trong cuộc đời chưa bao giờ thấy có cơn lũ khủng khiếp như thế, ngập lút nhà cửa, mất điện, số phận con người thật nhỏ nhoi trong đêm. Cũng đã có 3 người bị chết trong lũ.

Rõ ràng việc xả lũ năm 2013 thể hiện sự lúng túng, bị động, kéo theo sự bị động ở vùng hạ du và thiệt hại vô cùng nặng nề. Bởi vậy, sau sự cố này, những người có trách nhiệm phải xem xét rà soát lại mọi khâu, từ văn bản pháp lý đến phương án phòng chống lụt bão, từ quy trình vận hành đến xây dựng kịch bản xả lũ, từ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan, ý thức và đạo đức công vụ.

Được biết, các phương án phòng chống lụt bão của Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai đã xây dựng, triển khai. Phương án phòng chống lụt bão năm 2014 cũng đã được gửi cho Thị xã Hoàng Mai sớm, Thị xã Hoàng Mai cũng đã xây dựng phương án phòng chống lũ trên địa bàn, đã bổ sung tiểu ban chỉ huy hồ Vực Mấu là Chủ tịch UBND Thị xã Hoàng Mai. Tuy nhiên, văn bản của tỉnh về quy trình vận hành Hồ Vực Mấu chưa được sửa đổi, đúng hơn là đang trình chưa được ký. Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai Nguyễn Huy Phúc cho biết: “Kịch bản xả lũ hiện chưa có. Cơ bản phải là vốn, chứ vùng ngập lụt thế nào chúng tôi cũng không xây dựng nổi. Còn quy trình vận hành hồ Vực Mấu đang sửa đổi, đang trình, chưa có”.

Trở lại hồ Vực Mấu một ngày trung tuần tháng 7, nhìn ra ngoài xa, lòng hồ Vực Mấu trong xanh gợn sóng. Xung quanh hồ cây xanh và núi đồi bao bọc, những vết lở do lực xả năm ngoái của hồ chỉ còn dấu vết. Chủ tịch UBND xã Quỳnh Dị ông Nguyễn Quang Đại trao đổi với chúng tôi: “Cơn lũ năm ngoái Quỳnh Dị nằm ở cuối nguồn nhưng thiệt hại vô cùng lớn. Năm nay chúng tôi thấy Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai có tiến bộ trong thông báo xả lũ cho người dân, họ điện thoại cho chúng tôi báo trước việc xả lũ 2 - 5 tiếng đồng hồ, rồi xả mấy cửa. Nhưng bà con chúng tôi mong Công ty thủy nông Bắc sớm xây dựng được kịch bản xả lũ, thông báo kịch bản xả lũ đó đến với người dân và công khai hai bên đường Quốc lộ 1A, xả 2 cửa nước ngập đến đâu, xả 5 cửa thì phải làm gì, đừng để người dân sống trong lo lắng, bị động. Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai cần chủ động xả lũ để mùa mưa hồ luôn an toàn mà tính mạng tài sản của người dân vẫn đảm bảo”. Ông Đại cũng cho biết thêm rằng, nhà ông ở sát bờ sông Hoàng Mai, vì vậy hàng chục năm nay ông nắm rõ triều cường con nước. Một ngày triều lên 1 lần, triều lên theo trăng, trăng lên nước lên, khi đỉnh triều cao nước sông Hoàng Mai dâng thêm 2-3 m, nếu cùng với triều dâng mà còn xả lũ nữa là ngập vào nhà dân liền. Những người xả lũ cần nắm vững điều này, không được xả lũ đúng vào lúc triều cường.

Người dân Quỳnh Trang sống ven bờ sông thì cho rằng cần có biển báo ngập nước cho họ và biển báo này được công khai ven sông, ven Quốc lộ 1A. Khi xả nhiều cửa lũ cần có còi hú, chứ chỉ gọi điện cho lãnh đạo xã thì không đủ. “Chúng tôi yêu cầu những việc trên phải làm sớm trước mùa mưa lũ, chứ không nên để thêm một năm nữa”- anh Công xóm 5 cho biết.

Năm nay về phương án tổ chức: Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai sẽ huy động 200 dân quân xã Quỳnh Trang làm lực lượng nòng cốt cùng với cụm quản lý hồ để xử lý kỹ thuật sự cố công trình, do ông Nguyễn Huy Phúc – Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Hoàng Mai làm chỉ huy kỹ thuật. Lực lượng ứng cứu là UBND các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Tân, Mai Hùng, Quỳnh Dị, Thị xã Hoàng Mai, yêu cầu mỗi xã 200 dân quân tham gia ứng cứu khi hồ Vực Mấu có sự cố. Về phương án sơ tán dân: “Khi mực nước hồ đạt đỉnh cao trình +21 và đang dâng lên, hồ Vực Mấu tiến hành xả lũ theo quy trình vận hành. Khi mực nước hồ ở mức báo đông khẩn cấp (+21.92), cần phải di dời dân và tài sản khu vực hạ du hồ Vực Mấu. Khi mực nước hồ ở mức + 22.72 và đang lên, theo qui trình hồ Vực Mấu sẽ vận hành tối đa xả lũ. Nếu kết hợp với triều cường và lượng mưa bổ sung của khu vực hạ du sẽ gây ra hiện tượng ngập lụt nặng nề. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản cần di dời dân đến khu vực an toàn”. Quy định là vậy nhưng di dời bao nhiêu xóm, bao nhiêu xã thì cả Hoàng Mai và cả Công ty Thủy lợi Bắc đều chưa có phương án cụ thể do chưa có kịch bản xả lũ. Bởi vậy, phương án sơ tán rất chung chung. Lấy ví dụ: “Xã Quỳnh Lộc vùng phải sơ tán là Quỳnh Lộc, địa điểm sơ tán là trụ sở các trường học, các nhà kiên cố cao tầng, các đồi núi; Quỳnh Dị vùng phải sơ tán là Quỳnh Dị, địa điểm sơ tán là trụ sở UBND phường, trường học cao tầng, vùng cao…”.

Trao đổi với ông Đệ - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, được biết: Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện đang sửa đổi một số nội dung trong quy trình vận hành xả lũ hồ Vực Mấu (quy trình này ban hành từ năm 1999). Sở dĩ trình muộn là phải họp, lấy ý kiến, nhưng chỉ mới trình được một số vấn đề pháp lý chứ về kỹ thuật thì chưa làm được. Các yếu tố kỹ thuật ở đây cần phải nghiên cứu để tính toán điều kiện thiên tai, thời tiết, mức độ tích nước, mức nước đổ về hồ như thế nào bởi thời gian từ khi ban hành quy trình vận hành này đã quá lâu, hiện nay nhiều điều kiện đã thay đổi. Cũng theo ông Đệ, mâu thuẫn hiện nay là cần giải quyết ổn thỏa mối quan hệ giữa thượng lưu và hạ lưu. Thượng lưu có nhiều hộ lấn chiếm xây dựng nhà ở vùng ngập lụt nên khi nước lớn sẽ ngập đến khoảng 200 hộ (vùng Tân Thắng), nếu hồ không xả lũ thì những hộ này sẽ bị ngập cả mà xả hết xuống hạ lưu thì hạ lưu bị ngập. Bởi vậy, huyện Quỳnh Lưu cần di dời các hộ ở vùng ngập lụt của hồ Vực Mấu.

Về các điều kiện cần để sớm có kịch bản xả lũ đó là kinh phí và con người nữa. Đánh giá mở mấy cửa, ngập bao nhiêu hiện chưa làm được, cần phải có các nhà khoa học vào cuộc. Ngay như ở hồ Vực Mấu mới có hệ thống quan trắc nhưng chỉ có quan trắc ở thượng nguồn, quan trắc ở hạ lưu chưa có.

Như vậy, những điều mong mỏi của người dân trong mùa mưa lũ năm nay ở hạ lưu hồ Vực Mấu vẫn chưa đạt được. Họ vẫn phải sống trong lo sợ và nếu như công tác phòng, chống bão lũ vẫn còn những sơ hở, chủ quan thì hậu quả vẫn còn có thể xẩy ra.

Châu Lan