Hạnh phúc giản dị

22/01/2014 17:06

(Baonghean) - Trong chuyến công tác đến Đoàn KT-QP 4, tôi được nghe không ít câu chuyện cảm động về mối tình của những đôi bạn trẻ từ miền xuôi lên đây lập nghiệp, họ gặp nhau nên duyên vợ chồng và chọn miền biên ải này làm bến đỗ hạnh phúc, góp phần xây dựng phên dậu quê hương thêm vững chắc.

(Baonghean) - Trong chuyến công tác đến Đoàn KT-QP 4, tôi được nghe không ít câu chuyện cảm động về mối tình của những đôi bạn trẻ từ miền xuôi lên đây lập nghiệp, họ gặp nhau nên duyên vợ chồng và chọn miền biên ải này làm bến đỗ hạnh phúc, góp phần xây dựng phên dậu quê hương thêm vững chắc.

Chúng tôi đến Khu gia binh Đoàn KT-QP 4 khi mặt trời đã khuất sau dãy núi. Có lẽ, đây là thời điểm đông vui, nhộn nhịp nhất trong ngày khi các anh, chị hết giờ làm việc ở đơn vị trở về nhà, cùng nhau chung tay lo bữa cơm chiều. Một không khí đầm ấm với những tiếng nói, tiếng cười rộn rã của người lớn xen lẫn là tiếng trẻ thơ nũng nịu bố mẹ sau một ngày đi nhà trẻ.

Hòa trong niềm vui ấy, chúng tôi ghé thăm gia đình Thượng úy Phan Văn Đồng, Trợ lý tác chiến Đoàn KT-QP 4 và cô giáo Trần Thị Lợi, giáo viên Trường THCS Na Ngoi (Kỳ Sơn). Trong căn nhà nhỏ, mùi hương trầm bay ra ngào ngạt, những cánh hoa đào đang khoe sắc đón Tết, chị Lợi đang chuẩn bị một ít “hương rừng” để ngày mai về quê chúc Tết gia đình nội, ngoại. Chị đon đả: “Năm nay, anh Đồng trực tết nên vợ chồng tranh thủ mấy ngày nghỉ cho cháu về quê chúc Tết ông bà...”. Trong câu chuyện được biết anh, chị quen nhau khi anh còn công tác ở Sư đoàn 324, chị là sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An. Năm 2008, khi vợ chồng chưa kịp bén hơi nhau thì anh được cấp trên điều chuyển lên công tác tại Đoàn KT-QP 4.

Để được gần chồng, chị Lợi đã tình nguyện xin lên miền biên ải này công tác. Tưởng rằng nguyện vọng lên Kỳ Sơn để được gần chồng nhưng thử thách lại đến với họ khi chị nhận công tác tại Trường THCS Phà Đánh (Kỳ Sơn), cách nơi chồng công tác hơn 70 km. Chính trong khó khăn đó, họ đã động viên nhau cùng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau hơn 4 năm dạy ở Phà Đánh chị đã được chuyển về Trường THCS xã Na Ngoi - địa phương nơi chồng công tác. Chị Lợi tâm sự: “Có được hạnh phúc như ngày hôm nay vợ chồng em cảm ơn Đoàn KT-QP 4 nhiều lắm. Những ngày mới về đây, chúng em chỉ có hai bàn tay trắng nhưng Đoàn KT-QP 4 đã quan tâm, tạo điều kiện cho vợ chồng mượn đất, hỗ trợ tiền, vật liệu; anh em đồng đội kẻ giúp công, người cho mượn tiền, mỗi người một ít chúng em mới làm được nhà”.

Gia đình Đại úy Phan Trọng Lưu.
Gia đình Đại úy Phan Trọng Lưu.

Chia tay vợ chồng trẻ Đồng - Lợi, chúng tôi ghé thăm gia đình Đại úy Phan Trọng Lưu, Trợ lý kế hoạch Đoàn KT-QP 4 và chị Chu Thị Liên, cán bộ y tế xã Na Ngoi. Trong căn nhà nhỏ, chị Liên đang tranh thủ “bắt” cái bệnh cho bà con, còn bố con anh Lưu đang phụ giúp vợ chuẩn bị bữa cơm chiều... Khi hoàng hôn buông xuống, các bệnh nhân của chị về hết, bên bếp lửa hồng, anh chị cùng chúng tôi ôn lại những kỷ niệm của những ngày đầu gặp nhau. Ngày đó, chị Liên là trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn KT-QP 4, anh Lưu là một kỹ sư - sĩ quan trẻ thuộc Đội Sản xuất 2 (Đoàn KT-QP 4). Những tháng ngày anh chị cùng nhau vượt núi, băng rừng đến giúp bà con dân bản “bắt” cái bệnh, xóa cái nghèo cũng là những tháng ngày đẹp nhất vun đắp cho tình yêu của đôi bạn trẻ. Khi hoàn thành nhiệm vụ của trí thức trẻ tình nguyện cũng là lúc anh chị nên duyên vợ chồng. Và chị tiếp tục tình nguyện ở lại với bản làng và được nhận vào làm việc tại Trạm Y tế xã Na Ngoi.

Những ngày ở lại khu gia binh Đoàn KT-QP 4, chúng tôi mới thấy hết tình làng nghĩa xóm, tình đồng đội ở đây. Sau những ngày làm việc vất vả, tối đến họ lại quây quần bên nhau uống nước chè xanh, hàn huyên chia sẻ với nhau những câu chuyện về quê hương, gia đình và những khó khăn trong công việc. Mỗi gia đình đều có hoàn cảnh riêng nhưng họ có điểm chung là hai bên nội, ngoại đều ở xa nên không giúp được gì nhiều. Hơn ai hết, họ hiểu nhau và chia sẻ cho nhau những khó khăn trong cuộc sống, thay nhau gánh vác những công việc gia đình để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị. Đơn cử như việc trông giữ các cháu nhỏ. Ngày thường các cháu đến trường nhưng vào ngày nghỉ, nhiều gia đình cả vợ và chồng bận công việc cơ quan không có người trông giữ các cháu nhưng chỉ cần trong khu gia binh có một người ở nhà là bố mẹ các cháu không phải lo lắng nữa. Chứng kiến cuộc sống đầm ấm của Khu gia binh Đoàn KT-QP 4 tôi cảm động bởi những tình cảm thân thiết, chân thành, đoàn kết trong đại gia đình khu gia binh này. Và có lẽ đó cũng là lý do để các gia đình trong khu gia binh này luôn vượt lên mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Xuân Điều, Chính ủy Đoàn KT-QP 4 cho biết: “Để cán bộ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 4 đã có chủ trương cho các hộ gia đình quân nhân mượn đất làm nhà, tăng gia sản xuất. Đơn vị còn hỗ trợ mỗi gia đình 20 đến 30 triệu đồng (bằng vật liệu và tiền mặt) cùng một số tiện nghi sinh hoạt và toàn bộ ngày công xây dựng...”. Ngoài ra, đơn vị còn có nhiều chính sách quan tâm thiết thực đến các gia đình quan nhân như trong các dịp lễ, tết hay khi gia đình nào gặp khó khăn, hoạn nạn thì lãnh đạo, chỉ huy Đoàn trực tiếp đến thăm hỏi, động viên từng gia đình. Chính sự quan tâm ấy, giúp gia đình quân nhân “an cư”, giúp cán bộ, công nhân viên yên tâm công tác gắn bó với đơn vị. Và khu gia binh của đơn vị ngày một đông hơn.

Nhìn những gia đình hạnh phúc tôi không thể diễn tả hết bằng lời, tôi thầm nghĩ Đoàn KT-QP 4 đang có một hậu phương không nhỏ ở phía sau. Bởi khu gia binh này, những thành viên trong gia đình quân nhân không chỉ là đồng đội, cùng chung một nghiệp mà họ còn là hậu phương, điểm tựa của nhau. Trong đó có sự hy sinh không nhỏ của các chị - những người vợ chiến sỹ.

Huy Cường