Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công

24/07/2014 08:25

(Baonghean) - Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, để cung cấp thông tin về việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thanh Phùng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH xung quanh vấn đề này.

Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng. Ảnh: Phương Chi
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng.
Ảnh: Phương Chi

P.V: Là tỉnh có số lượng người có công nhiều, xin đồng chí cho biết một số nét về công tác thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua?

Đồng chí Nguyễn Thanh Phùng: Tỉnh Nghệ An nằm ở vị trí chiến lược, trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, do vậy, sự cống hiến về sức người, sức của của tỉnh nhà trong các cuộc kháng chiến là rất lớn, để lại sự hy sinh, mất mát lớn trên các chiến trường với 45.016 liệt sỹ, trên 50.000 thương binh và được hưởng chính sách như thương binh, trên 11.000 người hưởng chính sách bệnh binh, được Nhà nước phong tặng và truy tặng 879 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, qua đó nói lên sự đóng góp to lớn của Nghệ An với công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Thời gian qua, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, chúng ta đã tập trung làm tốt công tác thực hiện chính sách ưu đãi với người có công của tỉnh nhà, thể hiện trách nhiệm, sự tri ân của Đảng, Nhà nước về công tác chính sách thương binh liệt sỹ. Ngành LĐ-TB&XH là cơ quan chuyên môn, tham mưu cho UBND tỉnh và Tỉnh ủy, đã tham mưu để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh người có công, các nghị định, thông tư, thông qua đó để mọi người hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về chính sách ưu đãi cho người có công với đất nước trên địa bàn; tham mưu tổ chức tập huấn cho đội ngũ công chức của toàn tỉnh từ cơ sở, xã, phường, thị trấn đến cấp huyện, tỉnh để nâng cao vai trò trách nhiệm của các cán bộ công chức ngành LĐ-TB&XH, phát huy truyền thống, đạo đức uống nước nhớ nguồn và tận tụy trong công việc. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi cho gần 86.000 đối tượng chính sách được chi trả thường xuyên do T.Ư ủy quyền. Với tỉnh ta, từ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, các thương binh liệt sỹ, người hưởng chế độ bị ảnh hưởng do chất độc hóa học là trên 16.000 người, kể cả đối tượng trực tiếp và con đẻ của họ, với số tiền cấp hàng tháng là 110 tỷ đồng, đây là con số không hề nhỏ.

Chúng ta đã làm tốt công tác chăm lo đời sống về vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, do vậy, toàn tỉnh ta với 480 xã, phường thì 447 xã, phường được đánh giá hoàn thành tốt. Tạo điều kiện nâng cao mức sống, đời sống vật chất của các đối tượng, để mức sống của người có công, bằng hoặc cao hơn mức sống của khu dân cư, đến thời điểm này đã đạt được trên 98%. Những kết quả tiếp theo đó là xây dựng quỹ Đền ơn, đáp nghĩa. Toàn tỉnh ta năm 2013, xây dựng quỹ Đền ơn, đáp nghĩa được trên 18,5 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2014 đạt xấp xỉ 7 tỷ đồng. Năm 2013 làm mới 274 nhà tình nghĩa, cùng với Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ thì đã triển khai, hoàn thành 954 nhà trên tổng số 1018 nhà. Tặng trên 7.000 sổ tiết kiệm với số tiền xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Những kết quả ban đầu thể hiện trách nhiệm của các cấp ủy chính quyền, tổ chức đoàn thể chúng ta tham gia làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự nhân văn của Đảng, Nhà nước ta đối với những người có công với Tổ quốc của tỉnh nhà.

P.V: Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 – 2015, vậy cuộc rà soát này có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thanh Phùng: Tổng rà soát Chỉ thị 23 của Chính phủ vào ngày 27/10/2013, thông qua tổng rà soát trong 2 năm 2014- 2015 để làm rõ và đánh giá đúng thực trạng về tình hình thực hiện chính sách đối với người có công ở các tỉnh, cơ sở các địa phương. Thông qua đó để đánh giá toàn diện việc thực hiện chính sách cho người có công được thực hiện như thế nào, đã kịp thời chưa, đã đầy đủ chưa, đúng sai ở đâu, thiếu sót ở đâu. Thông qua tổng rà soát để Đảng và Nhà nước có được tổng hợp những ý kiến từ cơ sở lên, để có hoàn thiện thêm về chính sách. Tạo điều kiện ngày càng nâng cao mức sống của các hộ chính sách, làm tốt công tác ưu đãi với người có công để họ thấy được sự ưu đãi của Đảng và Nhà nước, trách nhiệm, vai trò của các cơ quan chức năng, cơ quan công quyền.

P.V: Thực tế có những trường hợp người có công với cách mạng nhưng bị mất, thất lạc giấy tờ. Trên tinh thần Chỉ thị 23 trong cuộc rà soát, đồng chí cho biết những trường hợp như thế thì chúng ta có thể đưa ra phương án nào để công nhận công lao của họ đối với cách mạng và cho họ được hưởng những ưu đãi của chính sách này?

Đồng chí Nguyễn Thanh Phùng: Đó là kỳ vọng rất lớn trong cuộc rà soát này, rất nhiều đơn thư được gửi đến cơ quan công quyền về vấn đề này. Cuộc tổng rà soát này diễn ra trong 2 năm (2014- 2015), theo lộ trình cuối tháng 7 năm 2014 này sẽ tổng hợp toàn bộ và công bố danh sách của các huyện thành thị đã tổng rà soát ở các xã, phường, thị trấn và ở các khối, xóm lên. Trong đó có danh sách đề nghị sau khi đã được công khai, minh bạch ở các khối xóm, nơi mà nhân dân quan tâm những người được hưởng chính sách đã đúng chưa, và cũng có 1 danh sách mà cơ sở đề nghị lên trong đó là những người tham gia kháng chiến thực sự và có cống hiến ở các mặt trận, chiến trường kể cả nước bạn Lào nhưng thời gian qua chưa được hưởng. Biên bản của các khối xóm đề nghị lên các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp sau đó tổng hợp về tỉnh. Thông qua tổng rà soát để đến năm 2015 sẽ có tổng hợp chung về tỉnh để báo cáo với Bộ LĐ-TB&XH và UB MTTQ để có hướng xem xét giải quyết, giúp đỡ cho những người thực sự tham gia kháng chiến mà vì những lý do khác nhau đến nay vẫn chưa được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi cho người có công.

P.V: Nghệ An đã và đang thực hiện tốt các chính sách chung cho người có công, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số tiêu cực, sai sót gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội, ngành LĐ-TB&XH đã có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?

Đồng chí Nguyễn Thanh Phùng: Có thể nói rằng, những kết quả đạt được rất đáng trân trọng, bên cạnh đó còn có những hạn chế yếu kém, thậm chí những tiêu cực. Những năm gần đây, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền và đặc biệt là sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu cho Tỉnh ủy thành lập các đoàn kiểm tra và thanh tra, tăng cường công tác kiểm tra, tăng cường dân chủ, tăng cường sự minh bạch ở cơ sở và phát hiện một số trường hợp vi phạm. Đặc biệt là những năm 2010 – 2011 đã có những địa phương có những sai phạm, ngành đã phối hợp chỉ đạo giải quyết triệt để, truy thu các đối tượng có hành vi tham nhũng để cho các đối tượng có công được hưởng theo quy định của pháp luật. Những đối tượng vi phạm về trách nhiệm, ý thức thì xử lý kỷ luật về mặt chính quyền, kỷ luật về Đảng. Nhiều địa phương đã kịp thời xử lý các đối tượng vi phạm và có cả những trường hợp phải đưa ra tòa án để xét xử, đồng thời cũng làm gương đối với những cán bộ để xảy ra những tiêu cực, những con sâu làm rầu nồi canh. Chúng tôi cảm ơn các ban ngành, các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan chuyên môn cùng các huyện thành thị đã phối hợp giải quyết và thực sự cảm ơn những người đã có những thông tin đầy đủ, chính xác trong quá trình chỉ đạo và thực hiện để hạn chế tiêu cực, đặc biệt là thể hiện sự quan tâm đối với người có công trong tình hình hiện nay.

P.V: Ngày kỷ niệm 27/7 đang đến gần, xin đồng chí cho biết ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu như thế nào với tỉnh để thực hiện các chế độ, chính sách với các gia đình có công với cách mạng trong dịp này?

Đồng chí Nguyễn Thanh Phùng: Tháng 7 hàng năm là tháng cao điểm thể hiện sự quan tâm của cấp ủy chính quyền các cấp, của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đối với người có công. Năm nay, ngành LĐ-TB&XH đã có tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch 234 về triển khai các hoạt động ngày 27/7 trên địa bàn tỉnh nhà. Trước hết chúng tôi phối hợp, tham mưu và có kế hoạch tuyên truyền cùng với các cơ quan báo trên địa bàn, tuyên truyền tận ở các cơ sở, ở những người thực hiện chính sách. Tham mưu cho UBND tỉnh chọn những gia đình tiêu biểu, những thương binh tiêu biểu đi dự, báo công với Đảng, Nhà nước ở Hà Nội, thắp hương ở Đền Hùng - Phú Thọ. Đoàn đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm, gặp mặt, ân cần thăm hỏi và thể hiện sự tri ân, cũng đồng thời giao trách nhiệm cho ngành phải quan tâm hơn nữa. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tổ chức thăm tặng quà trên địa bàn tỉnh. Tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 - nơi có các liệt sỹ của cả nước cũng như có liệt sỹ của tỉnh nhà chúng ta đang yên nghỉ. Tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Quốc tế Hữu nghị Việt – Lào, nơi có trên 11.000 phần mộ các chiến sỹ đang yên nghỉ. Tổ chức thăm hỏi tọa đàm ở các cơ sở đối với các gia đình liệt sỹ. Tổ chức các hoạt động uống nước nhớ nguồn, lễ hội ở Nghĩa trang Việt – Lào vào tối 26/7 phối hợp với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với các tổ chức chính trị khác để tổ chức thắp nến tri ân vào tối 26/7 đối với gần 100 nghĩa trang, trong đó những nghĩa trang lớn như Nghĩa trang Hữu nghị Việt – Lào, nghĩa trang ở các thành phố, các huyện. Đó là những hoạt động để chúng ta thể hiện trách nhiệm và đạo lý tri ân với những người có công với nước.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

P.V

Tặng quà nhân dịp 67 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2014)

Thực hiện Quyết định số 1525/QĐ-CTN ngày 8/7/2014 của Chủ tịch nước; Quyết định số 3087/QĐ-UBND ngày 3/7/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc giải quyết kinh phí; theo đó, kinh phí thăm tặng quà cho người có công toàn tỉnh: 19.455.400.000 đồng. Trong đó:

* Quà Chủ tịch nước: 18.610.400.000 đồng; tặng: 94.120 đối tượng

1.Mức quà 400.000 đồng:

Tổng: 3157 người x 400.000 đồng = 1.262.800.000 đồng

- Anh hùng LLVT, AHLĐ: 1 người; Mẹ VNAH: 23 mẹ; Tuất liệt sỹ nuôi dưỡng; Tuất 2 liệt sỹ: 922 trường hợp; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh 81% trở lên: 1.380 người; Bệnh binh 81% trở lên: 290 người; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động 81% trở lên đang hưởng trợ cấp: 541 người.

2.Mức 200.000 đồng:

Tổng: 90.963 người x 200.000 đồng = 18.192.600.000 đồng

- Thương binh dưới 81%: 34.371 người; Thương binh (hưởng MSLĐ): 251 người; Bệnh binh dưới 81%: 10.440 người; Đại diện thân nhân chủ yếu cuả gia đình liệt sỹ: 9.636 người; Người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị suy giảm khả năng lao động dưới 81% đang hưởng trợ cấp: 6.728 người; Người giữ bằng TQGC đảm nhiệm việc thờ cúng liệt sỹ: 29.508 người.

* Quà Chủ tịch UBND tỉnh:

Mức quà của tỉnh với tổng số tiền là: 83.000.000 đồng, trong đó:

- Quà cho các đơn vị thực hiện công tác người có công: 53.000.000 đồng, trong đó:

4 trung tâm x 10.500.000 đồng = 42.000.000 đồng

2 trung tâm x 5.500.000 đồng = 11.000.000 đồng

- Quà tặng cho 20 gia đình chính sách tiêu biểu: 1.500.000 đồng/suất.

20 gia đình x 1.500.000 đồng/gia đình = 30.000.000 đồng

Sở Lao động - TB&XH Nghệ An