Bài 7: Đừng tham bát bỏ mâm

11/04/2014 10:17

(Baonghean) - Đến thời điểm “nước rút” này huyện Diễn Châu vẫn còn khoảng 500 m/28,03 km chiều dài Quốc lộ 1A đi qua địa bàn chưa bàn giao mặt bằng. Ngoài một số điểm vướng nhỏ lẻ như ở Diễn Yên, Diễn Kỷ, Diễn Ngọc, thì nguyên nhân chủ yếu là do 16 hộ dân thuộc xã Diễn Trường chưa chịu bàn giao mặt bằng vì không đồng tình với cách tính chỉ giới được áp dụng với tuyến Quốc lộ 1A đoạn đi qua địa bàn xã…

“Xóm đường một” Diễn Trường hiện có 80 hộ dân sinh sống từ năm 1997 trở lại nay. Sở dĩ có tên gọi là “xóm đường một” bởi xóm gồm các hộ dân góp của 20 xóm trong xã và một số hộ dân đến từ các địa bàn khác. Do đặc thù dân cư thưa thớt (chỉ có 80 hộ/248 thửa đất) nên đã 20 năm trôi qua, xóm này vẫn chưa được lập địa giới hành chính. Ông Lê Hồng Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Diễn Trường cho biết: “Để có thể thành lập một địa giới hành chính xóm đối với các huyện vùng đồng bằng cần phải có từ 200 hộ dân sinh sống trở lên. Ngoài ra còn cần rất nhiều điều kiện khác mà hiện “xóm đường một” chưa hội tụ đủ. Bên cạnh đó, một số hộ dù đã sinh sống ở “xóm đường một” nhưng vẫn thuộc quản lý hành chính của xóm cũ, còn các hộ là công dân từ địa bàn khác sau khi nhập hộ khẩu vào Diễn Trường thì được “sinh hoạt ghép” tại các xóm liền kề”. Bởi vậy, dù các hộ này ở liền kề nhau trên một cung đường nhưng hộ thì thuộc xóm 3, hộ xóm 9, hộ xóm 10. Chẳng may phải hỏi nhà người quen ở đây thì không khác gì sa vào “mê hồn trận”. Sự phức tạp, tạm bợ trên đã gây khó khăn trong việc quản lý hồ sơ nhân khẩu và công tác tuyên truyền vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với các hộ dân “xóm đường một”, trong đó có việc bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A.

Chính vì vậy, Diễn Trường được chính quyền địa phương xác định là một điểm vướng mang tính đặc thù “cá biệt” trong công tác giải phóng mặt bằng. Thế nên việc tháo gỡ các nút thắt tại địa bàn Diễn Trường được “để lại làm sau cùng”.

Trong khi việc thi công đang diễn ra rầm rộ ở các địa phương khác, thì ở Diễn Trường việc thi công đang tạm thời ngừng lại, mặc dù chỉ còn khoảng 200m chiều dài nữa là địa phương này sẽ “cán đích” trong công tác bàn giao mặt bằng. Hiện chính quyền và đoàn thể các cấp đang tích cực tuyên truyền vận động, nhưng một số người dân vẫn thắc mắc và gửi đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền, thậm chí ra tận Quốc hội, với nội dung: “Hội đồng đền bù GPMB các cấp đã làm sai quy trình, quy định trong Quyết định 04 của UBND tỉnh Nghệ An, không minh bạch trong diện tích bồi thường; xác định diện tích bồi thường không có điểm đầu tính từ đâu, từ tim đường hay từ mép đường cũ đến điểm cuối là mấy mét. Khi dân hỏi văn bản để chứng minh thì cán bộ trả lời bằng miệng, thiếu căn cứ…”. Họ còn cho rằng Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Diễn Châu đã xác định diện tích mốc chỉ giới hành lang đã giải tỏa PMU1 tính từ mép chân đường lên tới 8,5 m trong khi theo quy định chung là 13,5m tính từ tim đường…

Ông Chu Văn Thế - công dân xóm 3, hiện sinh sống tại “xóm đường một” cho biết: “Chúng tôi nhận thấy việc xác định diện tích hành lang chỉ giới PMU1 của Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Diễn Châu còn thiếu căn cứ, vì trên các thửa đất cùng tuyến, có hộ diện tích mốc chỉ giới lên tới 11,04 m, có hộ chỉ 8,5m, có hộ 10,5m, thế nên mới có việc mức hỗ trợ chênh lệch hàng chục triệu đồng giữa các hộ”. Giải thích về vấn đề này, ông Lê Văn Thuận – Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Diễn Châu cho hay: “Hiện chúng tôi vẫn còn lưu giữ đầy đủ bản đồ trích đo thời kỳ giải tỏa PMU1. Do vậy, dù hiện trạng bây giờ đã thay đổi, mốc PMU1 có thể bị di dời nhưng căn cứ vào sơ đồ đó vẫn có thể xác định phần diện tích mốc chỉ giới PMU1 một cách chính xác đối với từng hộ dân. Và hoàn toàn không có chuyện ưu tiên cho nhà này, hay làm thiệt cho nhà khác”. Ông Thuận còn cho biết thêm, việc các hộ dân cho rằng có hiện tượng mốc chỉ giới hình “răng cưa” là vì họ chưa hiểu, họ chỉ quan sát chiều dài tuyến bằng mắt thường. Thực tế, đối với các công trình, dự án, nhất là công trình giao thông, việc xác định mốc giới phải được thực hiện bằng phương pháp “lưới tọa độ” cấp quốc gia.

Theo đó, vị trí “đặc thù” về địa hình của “xóm đường một” có nền đường đắp cao hơn mặt bằng thửa đất của các hộ dân không đồng đều, giao động khoảng từ 1,5m-2,5m. Do vậy, để bảo vệ an toàn ổn định chất lượng nền đường, mốc chỉ giới PMU 1 của hành lang bảo vệ đường bộ tại cung đường này lớn hơn đoạn tuyến có nền đường không đắp (nền đường và thửa đất của các hộ dân không chênh nhau về mặt bằng). Bề rộng hành lang bảo vệ đường bộ ở những tuyến đường có nền đường đắp mà nền đường cao hơn mặt bằng các thửa đất trong vùng ảnh hưởng được tính dựa trên cơ sở các kích thước hình học mỗi vị trí mặt cắt ngang nền đường tại các thửa đất. Cụ thể, nền đường đắp tính từ đỉnh mái taluy nền đường cao hơn mặt bằng thửa đất 1,5 m thì bề rộng nền đường phải đắp ra 2,25m (theo tỷ lệ 1:1,5), có nghĩa tại vị trí có thửa đất chênh so với nền đường 1,5m thì bề rộng mốc chỉ giới PMU 1 sẽ là 2,25m+7m=9,25m; tương tự tại các vị trí chênh cao giữa nền đường tính từ mái taluy nền đường với thửa đất là 2,5m thì bề rộng nền đường phải đắp ra 3,75m, và bề rộng phạm vi mốc chỉ giới PMU1 là 3,75m+7m=10,75m. Do vậy, trên cùng một cung tuyến có nền đường đắp cao hơn mặt bằng thửa đất của các hộ dân, việc chênh lệch vài mét bề rộng hành lang bảo vệ đường bộ giữa các hộ dân là điều hoàn toàn bình thường.

Còn việc người dân cho rằng cách xác định diện tích mốc chỉ giới tính từ tim là 13,5m phải được thống nhất trên chiều dài toàn tuyến chỉ là suy luận chủ quan, không có cơ sở pháp lý. Theo Công văn số 1268 PMU1 – QLDA2 ngày 28/7/2010 về thực hiện công tác GPMB PMU1 QL1A trên địa bàn tỉnh Nghệ An gửi Ban Chỉ đạo bồi thường Hỗ trợ và TĐC các dự án nâng cấp mở rộng QL1A đoạn qua tỉnh Nghệ An thì: “Diện tích đất từ chân công trình đến cọc GPMB PMU1: Các đoạn tuyến đi qua đô thị tính từ mép ngoài rãnh dọc đường ra mỗi bên là 3m, các đoạn tuyến đi qua khu vực nông thôn tính từ chân taluy nền đường đắp và đỉnh ta luy nền đường đào mỗi bên là 7m”. Từ nội dung của công văn cho thấy, việc các hộ dân khăng khăng cho rằng “cách xác định diện tích mốc chỉ giới tính từ tim là 13,5m phải được thống nhất trên toàn tuyến” là trái với quy định hiện hành.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân “xóm đường 1”.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân “xóm đường 1”.

Ngoài ra, căn cứ theo số liệu được thể hiện trên giấy chứng nhận QSDĐ của các hộ dân tại đây thì nội dung ở “phần ghi thêm” ghi rõ: “Trong hành lang Quốc lộ 1A cách chân đường 20m không được trồng cây, xây nhà”, cho thấy tại vị trí thuộc “xóm đường một” đã được xác định cụ thể về hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, theo Khoản 2, Điều 18, Quyết định 04/2010/QĐ-UBND ngày 19/1/2010 của UBND tỉnh Nghệ An thì: “Nhà, công trình khác không được phép xây dựng thì tùy mức độ được hỗ trợ”, do đó Hội đồng GPMB huyện Diễn Châu đã thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân nêu trên theo quy định. Ông Lê Hồng Nghệ - Chủ tịch UBND xã Diễn Trường còn cho biết: Hội đồng còn vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ có lợi cho người dân, như chi trả ngay những phần tài sản phát sinh trong quá trình đo đạc kiểm kê.

Bàn giao mặt bằng ở Diễn Trường (Diễn Châu) bị chậm trễ.
Bàn giao mặt bằng ở Diễn Trường (Diễn Châu) bị chậm trễ.

Cũng trên cùng tuyến đường thuộc địa bàn, dù chưa thật hài lòng về mức hỗ trợ, nhưng vì lợi ích chung, nhiều hộ đã đồng ý bàn giao mặt bằng. Ông Chu Duy Phùng cho biết: “Đã là chủ trương của Đảng và Nhà nước thì mình phải chấp hành, mặc dù mức đền bù chưa thoả đáng, nhưng gia đình tôi sẽ không gây khó dễ cho chính quyền, vì suy cho cùng mở đường cũng là để phục vụ dân sinh”. Thực tế không phải ai cũng nghĩ được như thế, hiện nay vẫn còn 16 hộ cố tình không bàn giao mặt bằng vì không đồng tình với cách tính phạm vi mốc giới.

TIN LIÊN QUAN

Những vướng mắc, bất cập này, trước hết là do sự ấu trĩ, non yếu của một số cán bộ chính quyền địa phương trong việc quản lý nhân khẩu, địa chính đất đai…do đó mà “từ cái sảy mới nảy ra cái ung”. Còn các hộ dân, thì lợi dụng vào sự buông lỏng quản lý này để cố tình đưa ra những yêu sách đòi hỏi trái quy định, “kéo bè kéo cánh” khiếu nại vượt cấp. Họ có biết rằng, chính họ vì “tham bát, bỏ mâm” đã tự tước đi quyền lợi của chính mình và người thân suốt nhiều năm qua, khi tự tách mình ra khỏi cộng đồng, ra khỏi sự phát triển chung của đất nước, quê hương.

Hiện nay, mốc thời gian bàn giao mặt bằng đã cận kề (15/4/2014). Toàn tỉnh hiện đã bàn giao được 70,82/73,8km, đạt gần 96%, nhiều địa phương tại địa bàn Diễn Châu như Diễn An, Diễn Phúc, Diễn Hồng nói riêng và địa bàn toàn tỉnh như Quỳnh Lưu, Nghi Lộc nói chung đã gần về đích trong công tác bàn giao GPMB. Cán bộ chính quyền địa phương và người dân “xóm đường một” không thể vì bất cứ lý do gì để có thể gây khó khăn, cản trở đến tiến độ hoàn thành của dự án trọng điểm quốc gia.

- Hôm qua (10/4), Hội đồng GPMB huyện Nghi Lộc đã triển khai phương án bảo vệ thi công đồng loạt trên 780m chiều dài Quốc lộ 1A thuộc địa bàn xóm 2,3,6 xã Nghi Long. Nhìn chung, việc bảo vệ thi công diễn ra thuận lợi. Như vậy, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, đến thời điểm này huyện Nghi Lộc chỉ còn khoảng 30m chiều dài Quốc lộ 1A đi qua địa bàn chưa bàn giao mặt bằng.

- Cũng trong ngày hôm qua, tại Thị xã Hoàng Mai đã bàn giao được thêm 1,6km/4km còn lại, đồng thời xử lý xong 5 điểm vướng nhỏ lẻ tại 3,4km đã bàn giao trước đây mà chưa thi công được. Hiện tại còn 1,4km/14,4km tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua Thị xã Hoàng Mai chưa bàn giao mặt bằng.

- Tại huyện Quỳnh Lưu trong ngày hôm qua, Hội đồng bồi thường GPMB các cấp đã bàn giao được 0,7km/1,1km chiều dài tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn xã Quỳnh Văn. Đến thời điểm này, Quỳnh Lưu còn 750m chưa bàn giao mặt bằng, đạt 98,87%.

Nhóm PV