Mỹ và Đức: Đồng minh trở mặt

13/07/2014 21:44

(Baonghean) - Ngày 10/7, chính phủ Đức đã yêu cầu người đứng đầu cơ sở tình báo của Mỹ tại Đức rời khỏi lãnh thổ nước này. Quyết định này được dự đoán sẽ khiến cho quan hệ 2 nước trở nên căng thẳng, nhất là khi Mỹ vốn là đồng minh lịch sử của Đức. Quyết định trục xuất này là kết quả của hàng loạt vụ bê bối gián điệp liên quan đến các quan chức của Đức gần đây, và rằng "các cơ quan tình báo Mỹ đã không hợp tác và đưa bất kì câu trả lời nào" của chính quyền Đức về các sự kiện trên, người phát ngôn của Quốc hội Đức cho biết.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tuần vừa qua, 1 nhân viên 31 tuổi của cơ quan tình báo BND của Đức đã bị bắt với cáo buộc làm gián điệp ngầm cho CIA. Làm việc tại trụ sở của cơ quan tình báo đóng ở ngoại ô Munich, người đàn ông này được cho là đã tuồn hơn 200 tài liệu cho Mỹ từ cuối năm 2012. Thứ 4, toà án Đức tuyên bố đã mở cuộc điều tra một trường hợp gián điệp còn nghiêm trọng hơn. Nhân vật chính lần này là một quan chức của Bộ Quốc phòng.

Sau quyết định trục xuất được đưa ra vào thứ 6, đại sứ quán Mỹ ở Berlin đã thông báo với báo chí: "Đại sứ quán Mỹ đã nhận được báo cáo về yêu cầu trục xuất giám đốc tình báo Mỹ tại Đức của chính quyền Đức. Theo nguyên tắc làm việc, chúng tôi không bình luận về vấn đề tình báo". Nhưng có thể nói, đây là động thái trừng phạt thường thấy ở các nước đối địch, trong thời gian khủng hoảng chứ hiếm khi xảy ra ở các nước đồng minh, chứ đừng nói đến các đồng minh thân thiết. Tuy nhiên, những cáo buộc về hành vi gián điệp của Mỹ đã làm rạn nứt nghiêm trọng lòng tin của Đức và đã đến lúc để Đức xử lí, làm lại từ đầu, Thủ tướng Đức Angela Markel cho biết. Các quan chức Đức cũng thẳng thắn phát ngôn về quyết định trục xuất này, thể hiện sự bất mãn với hành vi do thám bằng máy ghi âm và máy quay của Mỹ. Phát biểu đầy chua chát trước khán giả của một chương trình truyền hình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức ông Wolfgang Schaeuble miêu tả hành vi gián điệp của Mỹ như là một hành động "gàn dở" và "ngu xuẩn phát khóc lên được". Ông cũng đề cập đến tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa Đức và Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và cảnh báo rằng vụ bê bối này sẽ làm hỏng mối quan hệ hai nước.

Những cáo buộc mới này lại chất thêm gánh nặng lên mối quan hệ vốn đã căng thẳng kể từ khi cựu nhân viên cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ thông tin Mỹ nghe lén máy điện thoại di động của Thủ tướng Đức bà Angela Merkel. Một trong những vụ mới nhất hiện đang được thêm vào hồ sơ sẵn có của các công tố viên liên bang liên quan đến các hành vi do thám bà Merkel. Vụ bê bối NSA đã khiến các công tố viên phải thành lập một uỷ ban đặc biệt để điều tra và truy tố hình sự tội phạm gián điệp mạng của tình báo nước ngoài. Kể từ vụ bê bối đó, các động thái ngoại giao xoa dịu của Mỹ vẫn chưa được phía Đức chấp nhận. Hiện đang trong quá trình chờ kết quả điều tra, tuy nhiên bà Merkel không chần chừ thể hiện sự thất vọng của mình đối với các cáo buộc gián điệp vào thứ 5 vừa qua: "Theo cách nhìn thông thường, tôi cho rằng do thám đồng minh của mình, rốt cuộc chỉ là một sự lãng phí năng lượng. Chúng ta có quá nhiều vấn đề, và chúng ta cần tập trung vào những điểm thiết yếu. ISIS, Syria, khủng bố - tất cả những cái đó đều cần được ưu tiên hơn là do thám lẫn nhau. Và lòng tin giữa đồng minh là điều tối quan trọng".

Sở dĩ vấn đề gián điệp là điểm nhạy cảm của Đức, chính bởi đặc thù lịch sử thế kỷ 20 của quốc gia này. Bóng ma của một chế độ phát xít bóp chết cái gọi là tự do riêng tư cá nhân, những vụ scandal gián điệp quy mô lớn trong chiến tranh lạnh gây chia rẽ đất nước thành Tây Đức và Đông Đức, đó là tiền đề cho luật bảo mật chặt chẽ được đưa ra sau chiến tranh. Theo đó, ngay cả những thông tin đơn giản nhất về công dân Đức cũng chỉ được trao đổi khi có sự đồng ý của khổ chủ. Đến nỗi các nhà quảng cáo còn bị cấm lập hồ sơ lưu trữ thông tin cá nhân của khách hàng.

Trong bối cảnh này, các nhà ngoại giao cấp cao của Đức và Mỹ dự kiến gặp nhau tại Vienna, Áo vào cuối tuần này trong khuôn khổ một cuộc đàm phán đa quốc gia liên quan đến tương lai chương trình hạt nhân của Iran. Một quan chức của Bộ ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp đến từ Đức Frank Walter Steinmeier sẽ bàn bạc các vấn đề của Trung Đông và Ukraina, khó có thể tưởng tượng được là họ sẽ bỏ ngỏ vấn đề gián điệp tình báo. Phía bên kia Đại Tây Dương, những vụ việc gần đây khiến không ít quan chức tại Washington phải suy tư. Đại cử tri đảng Dân chủ của bang Colorado Mark Udall cho hay: "Tôi lo là chúng ta đã truyền sai thông điệp đến một trong những đồng minh tối quan trọng".

Người phát ngôn của Nhà Trắng John Earnest từ chối bình luận về các hoạt động tình báo như là "vấn đề chính trị", nhằm bảo vệ cho an ninh quốc gia và "tài sản tình báo" của Mỹ. "Tôi không có gì để nói thêm về vấn đề này", người phát ngôn của Bộ ngoại giao Jen Psaki trả lời khi được hỏi về thông tin chính phủ Đức "đá đít" một quan chức tình báo của Mỹ. Các nhà báo Đức cho hay, khi liên lạc với các quan chức ở Washington ngay sau khi thông tin trên được tung ra, đã nhận được email trả lời với vẻn vẹn mấy chữ (thông điệp này đã được đăng tải nguyên văn bằng tiếng Anh trên các báo ở Đức): "Miễn bình luận". Và cũng xin miễn bình luận về tương lai mối quan hệ giữa Mỹ và Đức khi mà đây là lần thứ 2 Đức "vả mặt" Mỹ (lần trước là vấn đề chiến tranh ở Trung Đông), động thái được báo chí Đức nhiệt liệt hoan nghênh và tung hô là tuyên bố về sự độc lập và tự trọng chủ quyền của Đức.

Nấm Linh Chi