Sát cánh bên nhau trên mặt trận mới

21/12/2013 20:52

(Baonghean) - Cuộc sống đời thường đòi hỏi họ tiếp tục phát huy phẩm chất người lính trên tuyến đầu của “mặt trận” kinh tế; và vẫn đó vẹn nguyên tình đồng đội khi họ cùng tập hợp nhau lại thành một đội ngũ, chia sẻ, động viên nhau vượt lên những khó khăn thử thách góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên quê hương. Đó là các thành viên Hội Doanh nghiệp CCB Nghệ An...

Có thể nói, trong trên 4.000 doanh nghiệp Nghệ An phải ngừng hoạt động, giải thể ở giai đoạn 2012 - 2014, thì việc chỉ có 7/107 doanh nghiệp của Hội Doanh nghiệp CCB Nghệ An phải tạm ngừng hoạt động là một con số “biết nói”, rằng: Những CCB trở về từ những thử thách, chiến đấu hy sinh trên chiến trường đánh giặc đã lao vào mặt trận làm ăn mới trong cơ chế thị trường với quyết tâm thắng lợi cao không kém.

Hội Doanh nghiệp CCB Nghệ An được thành lập từ năm 2012, hiện có gần 100 doanh nghiệp hội viên, hoạt động ở các lĩnh vực: Xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, khai thác khoáng sản, chế biến nông - lâm - hải - sản, chăn nuôi, trồng rừng... đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động tỉnh nhà. Nói về hiệu quả của tổ chức Hội của CCB - doanh nhân, ông Nguyễn Phong Phú - Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: “Hội Doanh nghiệp CCB khác với các hội khác ở chỗ trong bản chất, trong tâm tư, suy tưởng có bản chất người lính Cụ Hồ làm nền tảng... cho nên trong hai năm qua đã phát triển được tổ chức từ mọi cấp. Thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách, pháp luật của nhà nước đối với các tổ chức doanh nghiệp nên trong 2 năm qua, các hội viên của Hội Doanh nghiệp CCB Nghệ An đã vượt qua những khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng. Trong hơn 100 doanh nghiệp hội viên, ngoài 7 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, số còn lại vẫn phát triển tốt, doanh thu trong 2 năm đạt gần 3 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 60 tỷ đồng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp CCB Nghệ An đã thu hút được gần 6.000 lao động thường xuyên và hàng chục nghìn lao động không thường xuyên với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/ người/ tháng”. Có doanh nghiệp như Công ty TNHH Hòa Hiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, doanh thu 2 năm 2012 - 2013 đạt 660 tỷ đồng, nạp ngân sách nhà nước gần 20 tỷ đồng và sử dụng thường xuyên trên 400 công nhân lao động...”.

Qua tiếp xúc với người lao động tại các doanh nghiệp do CCB làm chủ, chúng tôi nhận thấy người lao động có tâm lý an tâm làm việc, tin tưởng hơn khi ở đó họ luôn được đảm bảo các quyền lợi hợp pháp... Tích cực sản xuất đáp ứng thị trường cuối năm và chuẩn bị cho mùa xây dựng năm tới, tại nhà máy của Công ty TNHH Định Nhàn (xã Nghi Liên - TP. Vinh) đang huy động hết công suất thiết bị và nhân lực sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao.

Công nhân tích cực sản xuất ở doanh nghiệp Định Nhàn của CCB Nguyễn Tiến. Ảnh: A.V
Công nhân tích cực sản xuất ở doanh nghiệp Định Nhàn của CCB Nguyễn Tiến. Ảnh: A.V

CCB Nguyễn Tiến Định - Giám đốc Công ty cho biết: “Thực tế, doanh nghiệp của chúng tôi đã phải trải qua một thời gian gánh chịu thiệt hại trong sản xuất kinh doanh do bị các gian thương xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm kè chống bão. Chúng tôi đã ngay lập tức nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của anh em đồng đội, đồng chí trong Hội CCB tỉnh và nhất là Hội Doanh nghiệp CCB để góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật ấy... Nhờ thế, doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho công nhân lao động”.

Anh Nguyễn Văn Nhật, một công nhân trẻ cho hay: “Làm việc ở Công ty TNHH Định Nhàn, chúng tôi rất yên tâm. Giám đốc Công ty là một CCB, thể hiện rất rõ bản lĩnh dám nói dám làm nên đã giúp doanh nghiệp đứng vững qua các thời kỳ khó khăn để ổn định sản xuất, phát triển; từ đó có sự quan tâm rất tốt đến đời sống của người lao động như chúng tôi”. Hoạt động trên lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải hàng hóa... Công ty TNNHH Hoa Thường (TP. Vinh) do CCB Nguyễn Thủ Thường làm giám đốc là một địa chỉ tin cậy của nhiều CCB cùng con em trong tỉnh tìm kiếm việc làm. Ông Nguyễn Đức Bình - công nhân lái xe của Công ty, cho hay: “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, tôi được nghỉ chế độ. Trong quá trình tìm kiếm việc làm, tôi đến Công ty TNHH Hoa Thường và khi biết tôi là một CCB, ông giám đốc đã ngay lập tức nhận tôi vào làm việc với mức thu nhập khá và có nhiều sự quan tâm, tạo tâm lý làm việc thoải mái cho tôi cũng như các anh em khác”.

Tại các làng nghề mây tre đan của Công ty TNHH Đức Phong (Nghi Phong - Nghi Lộc), người lao động làng nghề đang tranh thủ thời gian để sản xuất mặt hàng lồng đèn kịp cho đơn hàng quý 4 của Công ty. Công ty với sự lãnh đạo của CCB Thái Đại Phong được coi là một điển hình cho hoạt động lao động - xã hội của tỉnh, đóng góp phần quan trọng trong quá trình phát triển nghề mây tre đan ở Nghệ An hàng chục năm qua. Thành công của doanh nghiệp này chính là cơ hội để hàng nghìn người lao động địa phương có thêm việc làm, ổn định một nguồn thu nhập, nhiều hộ làm nghề đã đảm bảo được thoát nghèo bền vững. CCB Thái Đại Phong tâm sự: “Gia nhập Hội doanh nghiệp CCB, các doanh nhân là CCB như chúng tôi mong muốn tập hợp lại, sát cánh bên nhau để giúp đỡ động viên nhau làm ăn, từ đó ngoài làm giàu cho mình còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong đó có con em CCB, thương binh đồng đội của mình”.

Làm mây tre đan tại doanh nghiệp Đức Phong  của CCB Thái Đại Phong. Ảnh: Xuân Nhường
Làm mây tre đan tại doanh nghiệp Đức Phong của CCB Thái Đại Phong. Ảnh: Xuân Nhường

Hiệu quả trong mục đích kinh tế là còn để tác động tích cực hơn nữa hiệu ứng hoạt động xã hội, đó luôn là mục đích của các doanh nghiệp do CCB làm chủ ở Nghệ An; họ không những tập trung làm giàu hợp pháp mà còn tập trung cho mục tiêu xóa nghèo bền vững trên địa bàn. Chủ trương hỗ trợ miền Tây xóa đói giảm nghèo đã được tỉnh ban hành và các đơn vị trong toàn tỉnh chung sức, đồng lòng thực hiện. Hội Doanh nghiệp CCB Nghệ An đã lựa chọn xã Châu Đình, một xã vùng sâu thuộc huyện miền núi Quỳ Hợp để hỗ trợ, giúp đỡ. Đây là xã miền núi thuần nông, đời sống của nhân dân còn gặp khá nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Điều kiện tự nhiên, xã hội này chi phối tập quán canh tác, sản xuất của bà con.

Để thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân xã Châu Đình, Hội Doanh nghiệp CCB cam kết hỗ trợ kỹ thuật và giống để sản xuất 4 héc - ta giống lúa mới trên địa bàn xã; mô hình giống lúa AC5 được trồng thử nghiệm thành công, đã và đang được nhân rộng trên địa bàn toàn xã. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp CCB đã phối hợp cùng Công ty TNHH Đức Phong mở 2 lớp dạy nghề mây tre đan xuất khẩu cho bà con nông dân xã Châu Đình. Ghi nhận sự giúp đỡ của các doanh nghiệp CCB, ông Nguyễn Văn Sửu - Chủ tịch UBND xã Châu Đình nói: “Đó là một sự giúp đỡ rất thiết thực, mở ra triển vọng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Châu Đình chúng tôi trong công cuộc xóa đói giảm nghèo...”.

Tạo ra sự sôi động trong hoạt động doanh nghiệp tỉnh nhà, các doanh nhân là CCB đã sát cánh bên bên nhau trên mặt trận mới không kém phần khốc liệt thời kinh tế thị trường và họ đã thực sự khẳng định mình. Không chỉ mở rộng tổ chức tại địa phương để cùng liên doanh, liên kết sản xuất, các doanh nhân là CCB Nghệ An đã có chiến lược nhìn xa, trông rộng dưới hình thức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở những đơn vị bạn. Thí dụ như việc liên kết với Hiệp hội Doanh nghiệp CCB tỉnh Quảng Ninh, đơn vị có nhiều điều kiện và kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh. Trong năm 2013, hai hiệp hội đã có chương trình giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và ký kết mở rộng quan hệ phát triển sản xuất. Hướng đi này, đã tạo thêm cơ hội cho những doanh nghiệp CCB Nghệ An và tỉnh bạn Quảng Ninh nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp...

Như thế, bằng hiệu quả hoạt động của mình, các hội viên Hội Doanh nghiệp CCB Nghệ An đã đại diện cho các cựu chiến binh quê hương Bác Hồ khẳng định: Dù ở lĩnh vực hoạt động nào, những người lính năm xưa cũng chứng tỏ được vai trò, vị trí tiên phong, trở thành những điển hình tiêu biểu trong công cuộc xây dựng quê hương, nỗ lực góp sức đưa Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Bắc miền Trung!

Anh Vũ