Giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A: Những vướng mắc cần tháo gỡ
(Baonghean) - Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An có tổng chiều dài 73,8 km từ Thị xã Hoàng Mai đến TP Vinh, đến nay đã bàn giao mặt bằng được 59,8 km. Một số điểm ở TX Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc vẫn chưa thể tiến hành thi công. Trong khi đó, theo cam kết của UBND tỉnh với Chính phủ, Bộ GTVT và các nhà đầu tư, đến 30/4/2014 toàn bộ tuyến Ql 1A đoạn qua nghệ an sẽ bàn giao xong mặt bằng cho các đơn vị thi công. Nguyên nhân của việc chậm tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng là do một số vướng mắc về chi trả tiền đền bù…
Nhiều đòi hỏi trái quy định của Nhà nước
Theo ông Đinh Đăng Khánh - Phó Giám đốc Ban Quản lý công trình giao thông, Phó Chủ tịch Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng tỉnh: Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A đang gặp một số vướng mắc. Do dọc Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh ta có nhiều công trình công cộng (viễn thông, cáp quang, điện nước…) gây khó khăn trong quá trình giải ngân nguồn vốn hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng. Mặt khác, tỉnh ta có số hộ bị ảnh hưởng lớn với 4.642 hộ, số hộ dân phải di dời nhiều với 216 hộ, bố trí tái định cư ở 15 khu. Riêng huyện Nghi Lộc có 96 hộ/9 khu tái định cư. Quá trình thực hiện dự án có sự điều chỉnh về quy mô, công tác TĐC chậm, nhiều người dân thắc mắc về giá, vị trí tái định cư, không chịu nhận tiền hỗ trợ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Nhưng vướng mắc lớn nhất vẫn là người dân đòi bồi thường đất và tài sản trên đất trong phạm vi PMU1 (là phạm vi đã giải tỏa hành lang an toàn giao thông thuộc dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A do Ban Quản lý PMU1 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư từ năm 1993 đến 1998). Từ đó có các hành động ngăn cản không cho đo đạc, kiểm kê áp giá, không chấp hành đền bù, hoặc đã nhận tiền, nhưng không bàn giao mặt bằng, có những đòi hỏi về quyền lợi vượt quá quy định của Nhà nước.
Lực lượng chức năng bảo vệ thi công QL 1A đoạn qua xóm 14, xã Diễn An, Diễn Châu. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ở Quỳnh Lưu đã thực hiện bàn giao đạt 85%, vượt 15% so với toàn tỉnh, trong số 12,111 km đi qua 6 xã, 1 thị trấn đã bàn giao được 10,125 km. Thế nhưng trên thực tế, trong số 10,125 km đã được bàn giao cho đơn vị thi công vẫn có nhiều điểm người dân không đồng ý, thậm chí ngăn cản thi công. Điển hình như đoạn qua Quỳnh Giang có 1,75 km đã bàn giao, nhưng hiện nay vẫn chưa thể thi công vì 50 hộ dân vẫn yêu cầu bồi thường trong phạm vi PMU1. Đoạn qua Quỳnh Văn dài 2,1km, hiện còn 47 hộ nằm trong phạm vi PMU1, nhưng vẫn không chịu ký hồ sơ bàn giao mặt bằng. Hay như đoạn qua Quỳnh Thạch có tổng chiều dài 2,4 km, với 146 hộ bị ảnh hưởng, đã kiểm kê áp giá cho toàn bộ 146 hộ, nhưng đến nay mới chỉ thi công được 200m. Đoạn từ Kênh Nguyễn Văn Trỗi đến Bệnh viện Quỳnh Lưu, vẫn còn 116 hộ chưa bàn giao mặt bằng, do phản ứng dây chuyền trong việc đòi chi trả đền bù không đúng quy định. Tại Quỳnh Hậu có 12 hộ dân chưa thống nhất ký hồ sơ, một số hộ yêu cầu bồi thường trong phạm vi mốc giới PMU1, một số hộ cho rằng đơn giá nhà cửa, vật kiến trúc thấp. Theo báo cáo của UBND huyện Quỳnh Lưu, năm 1995, khi thực hiện dự án PMU1 giải tỏa Quốc lộ 1A từ chân đường ra mỗi bên 7m, tương đương từ tim đường ra mỗi bên 13,5m, hầu hết các hộ chưa được bồi thường, hỗ trợ về đất (kể cả nguồn gốc đất có trước 1980), chỉ có một số trường hợp phải di chuyển tái định cư, mới được áp giá về đất và chuyển vào khu tái định cư. Nay để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, các hộ trong diện này yêu cầu phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất trong phạm vi 13,5m.
Riêng trường hợp 74 hộ dân thuộc các xóm 5, xóm 6 và xóm 11 thuộc khu vực Đồng Lô và Hè Lan đã được cấp bìa đỏ vào các năm từ 1993 - 1996 sau khi có mốc chỉ giới của PMU1 là do chính quyền địa phương đã vi phạm điểm 5, khoản c, Điều 4, Điều 13 Luật Đất đai 1998. Tuy nhiên, qua nhiều năm đã thu thuế đất của các hộ này, chính quyền địa phương xã Quỳnh Giang đã nộp ngân sách xã và sử dụng vào xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương. Với lý do đã nộp thuế và đất các hộ đang sinh sống là đất thổ cư có bìa đỏ nên các hộ dân tại đây không cho các nhà thầu tiến hành thi công, mặc dù trước đó đã đồng ý bàn giao mặt bằng.
Ở Diễn Châu có tổng chiều dài Quốc lộ 1A đi qua địa bàn huyện là 28,05km trên 10 xã và 1 thị trấn. Đến thời điểm này, huyện Diễn Châu đã bàn giao được 21,38 km, đạt 76%; vướng mắc lớn nhất tập trung ở xã Diễn An. Toàn xã có chiều dài Quốc lộ 1A đi qua là 5,8 km với 402 hộ bị ảnh hưởng, hiện vẫn có 17 hộ chưa chịu ký vào hồ sơ bàn giao mặt bằng. Phần lớn các hộ này đều cho rằng đất thổ cư trước 1980 nằm trong phạm vi PMU1 vẫn được đền bù.
Bên cạnh đó, không ít hộ dân cố tình xây dựng công trình trong phạm vi đã giải tỏa, nay vẫn không chịu tháo dỡ để bàn giao mặt bằng thi công như 16 hộ dân có lều ốt tại xóm 4 Nghi Yên (Nghi Lộc) hay 30 hộ ở Quỳnh Thiện (Thị xã Hoàng Mai)…
Hôm qua (26/2) Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Diễn Châu đã tổ chức bảo vệ thi công đoạn qua xóm 14, xã Diễn An có chiều dài 910m từ (425 + 900) từ (436 + 800). Ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện cho biết: “Để có thể bảo vệ thi công, chúng tôi đã có bản kế hoạch cho từng ban chuyên trách, đồng thời ra thông báo cho xã từ 2 ngày trước, xã đã có thông báo gửi đến các hộ dân trên phạm vi bảo vệ”. Tuy vẫn còn vài người dân cố tình chống đối nhưng các lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn nên buổi bảo vệ thi công đã diễn ra an toàn. Dự kiến bảo vệ thi công tại Diễn An (Diễn Châu) sẽ diễn ra trong 2 ngày. Cùng ngày, Hội đồng giải phóng mặt bằng Thị xã Hoàng Mai đã tiến hành bảo vệ thi công Quốc lộ 1A đoạn qua khối 13 dài 210m và khối 5 dài 231m thuộc phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai. |
Tuy nhiên, theo Khoản 3, Điều 5 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định 04/2010/QĐ – UBND ngày 19/01/2010 của UBND tỉnh thì các trường hợp trên không được bồi thường, hỗ trợ. Việc các hộ dân tại một số địa bàn bị ảnh hưởng gồm Diễn An (Diễn Châu), Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu), Nghi Yên (Nghi Lộc) không đồng ý bàn giao mặt bằng là trái với quy định của Nhà nước. Trong thời gian qua, tại các điểm như Quỳnh Văn, Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu), Diễn An (Diễn Châu), Nghi Yên (Nghi Lộc), Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng các cấp đã phối hợp với UBND xã và ngành chức năng tiến hành nhiều cuộc đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng để tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương của Nhà nước, ý nghĩa và lợi ích khi Quốc lộ 1A được mở rộng, nâng cấp, nhưng các hộ dân vẫn kiên quyết không đồng tình.
Ở Diễn An, mặc dù qua đối thoại, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện và các ngành liên quan đã trực tiếp trả lời chất vấn về các điều khoản liên quan đến Luật Đất đai và chủ trương, chính sách liên quan đến việc áp giá, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng nhưng nhiều hộ dân vẫn khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình. Điển hình là các hộ ông Nguyễn Văn Minh, Trần Văn Tùng hay như hộ ông Cao Thanh Phúc ở xóm 14, đã được kiểm kê áp giá theo trích đo kỹ thuật thiết kế thi công phần đất và tài sản trên đất bị ảnh hưởng trong phạm vi hành lang an toàn giao thông dự án Quốc lộ 1A, nhưng vẫn cố tình đòi bồi thường phần đất nằm trong phạm vi PMU1. Trong đối thoại với chính quyền, Con trai ông Cao Thanh Phúc là Cao Thanh Khương còn tỏ thái độ thách thức, chống đối các cơ quan chức năng nếu tiến hành các phương án bảo vệ thi công.
Tại cuộc đối thoại giữa chính quyền huyện Nghi Lộc với 18 hộ dân vùng chợ tại xóm 4, Nghi Yên - có lều ốt xây dựng trong phạm vi đã giải tỏa trước năm 1995. Mặc dù theo mục b, khoản 2, Điều 18 của Quyết định 04 “nhà, công trình khác xây dựng trước ngày 01/07/2004 trên đất không đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định nhưng tại thời điểm xây dựng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền công bố và cắm mốc nhưng không bị cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ thì được hỗ trợ tối đa 50% giá trị bồi thường”, các hộ nêu trên đã được áp giá chi trả tiền bồi thường đúng quy định, nhưng họ vẫn không đồng tình. Họ cho rằng “Những năm 1990, chính quyền địa phương “mời” họ ra vùng chợ này và lập nên một vùng thị tứ sầm uất như ngày nay nên phải được hỗ trợ đền bù 100% vật kiến trúc”.
Cũng tại xóm 4, Nghi Yên, các hộ dân nằm trong vùng tái định cư vì có tuyến mở mới với chiều dài 5,7km, đoạn qua kênh Nhà Lê đã được kiểm kê, áp giá, hỗ trợ di dời TĐC với khung giá hỗ trợ chi trả 100% như hộ ông Nguyễn Văn Bình được kiểm kê áp giá 1,8 tỷ đồng và 4 suất TĐC cho 4 người con chưa tách hộ; hộ ông Cao Trọng Cường đã được phân về khu TĐC mới ở xứ đồng Khe Cạn nhưng vẫn “chê” mức giá đền bù thấp, chưa chịu ký vào hồ sơ. Ngoài ra, trên địa bàn Nghi Lộc còn có 37 hộ dân thuộc xã Nghi Long chưa chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công với lý do chưa chấp thuận phương án đền bù của Hội đồng Bồi thường GPMB huyện.
Tại một số điểm khác, nhiều hộ dân cho rằng công tác kiểm kê, áp giá, chi trả hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A chưa thỏa đáng, như trường hợp trên cùng một thửa đất có hộ được đền bù, có hộ không được đền bù; hộ được đền bù ít, hộ được đền bù nhiều. Về vấn đề này, Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng các huyện cho biết: Việc kiểm kê, áp giá đều tuân theo các trích đo kỹ thuật được đơn vị có tư cách pháp nhân trực tiếp và độc lập đo đạc, trong những lần đo đạc, ban địa chính xã là một thành viên. Sau khi hồ sơ kiểm kê áp giá hoàn thiện được dán lên bảng tin của UBND xã và có thông báo cho nhân dân đến kiểm tra. Sau 20 ngày nếu không có khiếu nại gì, chính quyền địa phương sẽ giao nộp cho Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng thẩm định. Sau thẩm định, các đơn vị này gửi cho UBND huyện, UBND huyện ra quyết định đền bù, Hội đồng đền bù GPMB thi hành quyết định. Vì vậy, có ý kiến của các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng cho rằng có sự khuất tất trong trích đo kỹ thuật và kiểm kê áp giá là không có cơ sở.
Nguyên nhân vướng mắc
Trong quá trình tìm hiểu thực tế, cho thấy nguyên nhân của những vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A chủ yếu là do người dân hiểu chưa đầy đủ về các chủ trương, chính sách liên quan. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp cố tình “làm khó” các cơ quan chức năng với hy vọng số tiền đền bù, hỗ trợ của gia đình mình sẽ tăng hơn. Mặt khác, theo phản ánh của người dân thì một số nơi còn xảy ra tình trạng, các đơn vị khi triển khai thi công trên diện tích đã được chính quyền địa phương bàn giao mặt bằng, đã không thông báo trước để người dân có sự chuẩn bị, gây bức xúc trong nhân dân. Về tình trạng một số hộ dân chưa chấp hành và tuân thủ các quy định về thực hiện đền bù GPMB, còn có một phần lỗi do hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở chưa liên kết, phối hợp chặt chẽ để làm tốt khâu tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của người dân. Có nơi còn máy móc trong quá trình triển khai các quy định của Nhà nước, như chỉ niêm yết danh sách công khai ở trụ sở UBND xã mà không đưa về dán ở nhà văn hóa các khối xóm theo nguyện vọng, yêu cầu của dân. Tại cuộc họp ngày 10/02/2014 của UBND huyện Quỳnh Lưu về phương án đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Huyện ủy cho rằng: “Do một số cán bộ không nắm chắc các nguyên tắc, quy định nên trong công tác tuyên truyền, giải thích với nhân dân chưa rõ, còn xảy ra tình trạng dân thắc mắc cán bộ giải thích không ra, gây bức xúc trong nhân dân..”. Bên cạnh đó, ông cũng thẳng thắn thừa nhận: “Đất cấp trong hành lang an toàn giao thông có bìa đỏ là chính quyền địa phương sai, không được đổ lỗi cho thế hệ trước để giấu khuyết điểm. Vấn đề ở đây là phải giải thích cho dân hiểu, tiền thu thuế đất hàng năm đã được huy động xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn và theo quy định thì đất trong phạm vi PMU1 không được đền bù, để vận động bà con bàn giao mặt bằng sớm. Trường hợp bất đắc dĩ mới triển khai phương án bảo vệ thi công”.
Việc một số chi bộ, hội đoàn thể tại khối xóm ở một số địa phương chưa thực sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, hay tình trạng bí thư, xóm trưởng “vào hùa” với một số hộ trong việc yêu cầu bồi thường trong phạm vi chỉ giới đã giải tỏa PMU1 cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp khó. Thậm chí ở xóm 13, xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu) cấp ủy chi bộ, ban cán sự xóm do không nắm chắc tình hình, để xảy ra việc một số đảng viên, hội viên cựu chiến binh tự ý lấy chìa khóa mở nhà văn hóa tổ chức họp không đúng quy định, nhân danh Hội Cựu chiến binh để làm đơn khiếu kiện tập thể vượt cấp. Có nơi, một số thành viên ban Hội đồng giải phóng mặt bằng nắm không vững các quy định, giải thích một cách qua loa, thiếu trách nhiệm, gây hiểu nhầm và bức xúc đối với một số hộ dân. Như việc người dân một số nơi vẫn không hiểu được, vì sao trên cùng một thửa đất nhà ông A, ông B được đền bù, còn hộ mình (liền kề) thì không được đền bù. Cá biệt còn có cán bộ trong tiểu ban GPMB cũng đòi bồi thường trong phạm vi PMU1.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng người dân một số xã, xóm phản ứng dây chuyền trong việc yêu cầu bồi thường trái quy định. Bởi đã có những cá nhân, kích động, lôi kéo người dân làm trái các chủ trương, chính sách của nhà nước để tạo tâm lý đám đông, đa số gây áp lực cho chính quyền và các cơ quan chức năng. Thực tế có nơi người dân chỉ làm theo một vài đối tượng “đầu têu”, nếu người đó không đồng ý ký vào hồ sơ bàn giao mặt bằng thì mình cũng không ký. Bởi vậy, một số địa phương đã thực hiện đối thoại trực tiếp với những hộ “cá biệt” đó để giải thích và giải quyết cụ thể về những vướng mắc, đòi hỏi. Như ở huyện Quỳnh Lưu còn xảy ra tình trạng người dân xã này gây áp lực, khống chế không cho người dân xã liền kề ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Do đó dẫn đến thực tế, có xã đã bàn giao mặt bằng, nhưng không thể triển khai thi công. Điển hình như ở xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Văn, Quỳnh Lâm…
Bảo vệ thi công là phương án bất đắc dĩ
Để kịp thời bàn giao mặt bằng Quốc lộ 1A cho chủ đầu tư triển khai hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền - Trưởng ban Chỉ đạo Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 625/UBND-GT ngày 27/1/2014: “Giao UBND các huyện, thị: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao kịp thời mặt bằng đối với phần đất đã giải tỏa trước đây, yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/2/2014; trường hợp đối với các hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng thì tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ hồ sơ và thủ tục đảm bảo đúng quy định để tổ chức đợt cao điểm bảo vệ thi công trong thời gian từ ngày 15-25 /2/2014”.
Tuy nhiên, đến nay đã quá mốc thời gian phải tổ chức bảo vệ thi công, nhưng trong cuộc đối thoại với nhân dân xóm 4 (Nghi Yên, Nghi Lộc) ngày 18/2 và xã Diễn An (Diễn Châu) ngày 20/2 một số người dân vẫn không đồng tình ký vào hồ sơ, vẫn kiên quyết đòi bồi thường trái quy định. Ông Nguyễn Ngọc Võ - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Bảo vệ thi công là phương án cuối cùng. Tuy nhiên, khi đến thời gian đã cam kết mà các hộ vẫn không chịu ký hồ sơ bàn giao mặt bằng thì chúng tôi vẫn phải tiến hành bảo vệ thi công. Một số hộ dân cho rằng việc bảo vệ thi công phải có các văn bản quyết định như trong việc cưỡng chế là hiểu sai, vì đây là đất thu hồi trong phạm vi đã giải tỏa”.
Phương án bảo vệ thi công là phương án cuối cùng, bất đắc dĩ sau khi đã tiến hành tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đến từng hộ dân. Nhưng đến thời hạn 30/4/2014 là mốc thời gian phải bàn giao mặt bằng mà người dân vẫn không đồng thuận thì việc bảo vệ thi công là điều tất yếu phải xảy ra. Ngày hôm qua, ngày đầu tiên phương án bảo vệ thi công đã được thực hiện đồng thời tại đoạn qua xóm 14, xã Diễn An, Diễn Châu và đoạn qua khối 15, phường Quỳnh Xuân (T.X Hoàng Mai). Dự kiến từ nay đến ngày 30/4 sẽ tiếp tục thực hiện phương án bảo vệ thi công ở các điểm vướng mắc.
Theo khoản 3, Điều 5 của Quyết định 04/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ngày 19/1/2010: “Đối với phần diện tích đất đã được Nhà nước giải tỏa trong quá trình thực hiện chủ trương chính sách qua các thời kỳ nay các chủ sử dụng đất không còn sử dụng hoặc đang sử dụng nhưng do tái lấn chiếm (kể cả trường hợp chưa có quyết định thu hồi) thì bị thu hồi đất mà không được bồi thường về đất. Về việc bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất, khoản 3, Điều 15 của Quyết định 04 cũng quy định rõ “Tài sản trên đất đã thực hiện giải tỏa trong quá trình thực hiện chính sách qua các thời kỳ hoặc phá dỡ trong quá trình thực hiện các dự án trước đây thì nay không bồi thường hỗ trợ”. |
Nhóm phóng viên