Kỳ cuối: Những bài học không bao giờ thừa

27/01/2014 18:21

(Baonghean.vn)- Thiên tai, bão lũ luôn gắn liền với những đau thương, mất mát. Nhưng, cũng trong những trận bão, những đợt lũ dồn dập của năm 2013 chúng ta được thấy sự tỏa sáng của tình người, của ý thức trách nhiệm với người dân của các đồng chí lãnh đạo, của cán bộ, chiến sĩ trong toàn tỉnh.

Sáng ngời tình người trong bão lũ

Trong đợt lũ lịch sử ở thị xã Hoàng Mai, rất ít người có thể quên được hình ảnh đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường lội giữa dòng nước xiết vào lúc 2h sáng để chỉ huy công tác cứu nạn chiếc xe chở hàng đi cứu trợ cùng đồng chí Nguyễn Tài Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương bị lũ cuốn trôi. Trưa 2/10/2013, khi chiếc xe của đồng chí Nguyễn Tài Dũng được đội cứu hộ đưa lên bờ, hình ảnh những chai nước lọc, những gói mì tôm lấm láp bùn đất trôi từ trong xe ra đã khiến những người có mặt nín lặng vừa xúc động vừa thương xót, vừa cảm phục cho sự hi sinh của đồng chí Phó giám đốc Sở Công thương Nghệ An. Vì tiếng kêu cứu của người dân mà đồng chí đã vội vàng chất mì tôm, nước uống lên xe, chạy ra thị xã Hoàng Mai để cứu dân và đồng chí đã hi sinh anh dũng.

Đại tá Hà Tân Tiến, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh mang mì tôm cho người dân thị xã Hoàng Mai trong đêm.
Đại tá Hà Tân Tiến, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh mang mì tôm cho người dân thị xã Hoàng Mai trong đêm.

Cũng trong đêm hôm đó, người dân dọc sông Hoàng Mai không quên được hình ảnh ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng thường trực Ban phòng chống lụt bão tỉnh cùng Đại tá Hà Tân Tiến, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh lên ca nô vào từng nhà dân để kiểm tra xem người dân cần thiết nhất là cái gì mà chỉ đạo ứng cứu. Giữa dòng nước bạc, chảy xiết, cảnh ông Hoàng Nghĩa Hiếu và Đại tá Hà Tân Tiến lọ mọ trèo tường, lội nước vào tận từng nhà dân, đưa cho họ gói mì tôm, chai nước khoáng và giúp mang từng gói cơm nguộn, lạnh ngắt từ gia đình này sang gia đình khác để họ cầm hơi trong đêm khiến nhiều người dân cảm phục và xúc động.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng thường trực Ban phòng chống lụt bão tỉnh đưa người dân phường Mai Hùng ra khỏi vùng nước lũ.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng thường trực Ban phòng chống lụt bão tỉnh đưa người dân phường Mai Hùng ra khỏi vùng nước lũ.

Trước khi trận lũ dữ ở Hoàng Mai diễn ra, người dân Nghệ An cũng chứng kiến những tấm gương trẻ tuổi dũng cảm, không ngại hiểm nguy để cứu người như em Nguyễn Sỹ Phúc (SN 1996, học sinh lớp 12 THPT Nghi Lộc II, huyện Nghi Lộc), Lê Văn Được, học sinh lớp 9, trường THCS xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương,… Trước đó, hình ảnh con tàu cao tốc của bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cùng các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã bất chấp hiểm nguy, tiến ra vùng biển Vịnh Bắc Bộ để cứu khẩn cấp tàu cá NA-93044 TS của ông Trương Văn Thức trú tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai bị chết máy khi đa trên đường tránh trú bão trở thành hình ảnh đẹp của những nỗ lực, hợp tác chí tình của lực lượng bộ đội biên phòng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, là minh chứng sinh động nhất cho tình cảm quân dân - cá nước, góp phần quan trọng để ngư dân yên tâm bám biển.

Sau những đợt mưa lũ liên tiếp, Nghệ An chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong thương, mất mát, những tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện của cả nước lại chung tay, chia sẻ cùng đồng bào Nghệ An. Theo thống kê của Mặt trận tổ quốc thị xã Hoàng Mai, đến cuối năm, đã có hơn 300 đợt các đoàn đến thực hiện việc cứu trợ, cứu nạn người dân vùng lũ với tổng số tiền và hiện vật khoảng 23,5 tỷ đồng, bên cạnh đó còn có hàng chục đoàn tình nguyện, thiện tâm khác trực tiếp đến tận các hộ dân để cứu trợ, cứu nạn mà chính quyền địa phương chưa thể thống kê hết. Trước đó, nhiều hoàn cảnh thương tâm khác trong bão, lũ cũng được các tấm lòng nhân ái trong và ngoài nước hỗ trợ, giúp đỡ.

Và những bài học không bao giờ thừa

Việt Nam được coi là một trong 5 quốc gia trên thế giới dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu toàn cầu. Nghệ An nằm ở khu vực miền Trung, diện tích rộng, địa hình phức tạp, lắm sông, nhiều suối và là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất vì những thảm họa của thiên nhiên. Đặc biệt, với đường bờ biển dài cùng hơn 4000 tàu thuyền đánh cá với gần 19.000 lao động đang ngày đêm bám biển, cố gắng vươn ra các ngư trường xa hơn để đánh bắt có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội và giữ gìn chủ quyền biển đảo của tổ quốc, ngư dân Nghệ An luôn phải đối mặt với những thiên tai bất ngờ.

Lực lượng quân đội giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả bão lũ.
Lực lượng quân đội giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả bão lũ.

Dịp cuối năm, những tin dữ liên tục báo về từ biển khơi khi hai tàu cá của ngư dân xã An Hòa và Quỳnh Long bị mất tích trên biển. Trong số 18 người gặp nạn trên 2 con tàu thì có 2 người đã được cứu sống, 2 người được tìm thấy thi thể, còn 14 người vẫn đang trong tình trạng mất tích. Hiện nay, nguyên nhân của hai vụ đắm tàu này vẫn đang tiếp tục làm rõ, tuy nhiên, có một thực tế mà lâu nay chính quyền địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí đã đề cập đến rất nhiều là sự chủ quan của ngư dân đối với những tình huống gió bão, không khí lạnh, áp thấp nhiệt đới trên biển. Theo kinh nghiệm của ngư dân, đây chính là thời điểm mà cá tôm trên biển rất nhiều và đã có những tai nạn, những cái chết thương tâm, đau lòng vì sự chủ quan của ngư dân.

Nhìn lại năm qua với dồn dập những trận bão lớn, những cơn lũ lịch sử, chúng ta thấy rằng, có rất nhiều bài học đã được rút ra sau mỗi đau thương, mất mát. Đó là sự chủ quan của người dân khi đi qua những đập tràn chảy xiết ở miền núi, là sự phớt lờ cảnh báo của một vài ngư dân vùng biển để đánh thêm mẻ cá, cũng là bài học thiết thực, sát sườn cho những nhà quản lý, vận hành các hồ đập thủy lợi, thủy điện mỗi khi mùa mưa bão đến,… Quan trọng hơn, trong một năm với nhiều sự kiện thiên tai, chúng ta đã có một đợt tổng diễn tập trước thảm họa thiên nhiên với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn quân và toàn dân cùng nhau đồng sức, đồng lòng với mục tiêu giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.

Tàu cá ngư dân neo đậu tránh bão ở cầu Diễn Kim, huyện Diễn Châu.
Tàu cá ngư dân neo đậu tránh bão ở cầu Diễn Kim, huyện Diễn Châu.

Năm 2014, dự báo tình hình biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Những bài học trong năm qua sẽ vẫn còn luôn tươi mới đối với tất cả người dân và chính quyền các địa phương. Một thực tế cho thấy rằng, trước thiên tai, bão lũ, nếu toàn dân đồng sức, đồng lòng, không chủ quan trước những diễn biến dù là nhỏ nhất của thời tiết thì chắc chắn chúng ta sẽ giảm được rất nhiều những thiệt hại về người và tài sản.

Nguyên Khoa