Kênh truyền thông hiệu quả

18/06/2014 15:14

(Baonghean) - Giờ đây, các cặp vợ chồng ở xã ven biển Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu) đã thay đổi cách nghĩ, cách nhìn về công tác DS-KHHGĐ. Có được nhận thức đó là nhờ người dân được tham gia Câu lạc bộ Chăm sóc sức khỏe sinh sản do Hội phụ nữ xã triển khai.

Cộng tác viên tuyên truyền dân số tại bến cá xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu).
Cộng tác viên tuyên truyền dân số tại bến cá xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu).

Có mặt tại bến cá xã Quỳnh Nghĩa khi bà con đang tập trung chờ những con tàu cập bến. Trong số đông bà con ngư dân có mặt 12 cộng tác viên dân số trên tay cầm tờ rơi phân phát cho từng người để tuyên truyền nâng cao nhận thức về dân số, SKSS-KHHGĐ.

Quỳnh Nghĩa là xã vùng biển, có 8.247 nhân khẩu và 2.015 hộ, người dân sống dựa vào nghề đi biển, nam giới thường xuyên vắng nhà, thường không quan tâm với các vấn đề về công tác dân số. Từ khi Đề án “ Kiểm soát dân số vùng biển, vùng ven biển” triển khai, Quỳnh Nghĩa được chọn là 1 trong 5 xã điểm duy trì CLB chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhóm, tư vấn cộng đồng tại huyện Quỳnh Lưu. Từ tháng 9/2009, xã đã ra mắt và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) chăm sóc SKSS/KHHGĐ theo định kỳ 2 tháng/lần.

Chị Tô Thị Mai, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: Để vận động các thành viên tham gia CLB, từng cộng tác viên dân số đã cùng với cán bộ phụ nữ trong các xóm đến tận các gia đình, vận động cá nhân, cặp vợ chồng tham gia CLB. CLB đã tổ chức thành nhóm, tập hợp đủ mọi lứa tuổi, các chuyên trách dân số lo phần nội dung và ý tưởng kịch bản cho mỗi lần sinh hoạt. Thường thì từ ngày 14 - 17 (âm lịch), thời điểm trăng sáng trong tháng thuyền không ra khơi, các nhóm tập hợp ở nhà văn hóa xã, xóm để sinh hoạt câu lạc bộ. Lần lượt những thông điệp về dân số được giới thiệu như: Vai trò, trách nhiệm của gia đình, Luật Hôn nhân gia đình và bình đẳng giới, sàng lọc trước và sau sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống,...

Nhiều chị em từ chỗ không dám nói lên suy nghĩ của mình về các vấn đề SKSS/KHHGĐ, vì cho rằng đó là điều tế nhị, nhưng đến tham gia CLB họ đã mạnh dạn chia sẻ để được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sinh sản an toàn nhất.... Chị Tô Thị Thủy, xóm Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa, thành viên CLB tâm sự: “Hầu như chưa bao giờ biết đến sinh hoạt cộng đồng là gì, khi tham gia CLB, chị em chúng tôi đã hiểu biết hơn về chuyện thầm kín, quan tâm đến sức khỏe bản thân”.

Chia sẻ về hiệu quả công tác dân số, duy trì hoạt động CLB, chị Tô Thị Mai cho biết thêm: Chúng tôi vừa tích cực truyền thông vận động, tư vấn thuyết phục làm thay đổi hành vi; Vận động các đối tượng ký cam kết không sinh con ngoài kế hoạch. Tăng cường mở nhiều đợt chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ bằng nhiều hình thức như: treo băng rôn khẩu hiệu, cung cấp nhiều tranh ảnh, tờ rơi, các cụm pa nô áp phích được treo trên trục đường chính. Tổ chức hoạt động sân khấu hóa trong các buổi sinh hoạt CLB, thường xuyên tư vấn cộng đồng, tư vấn nhóm nhỏ ở mọi lúc mọi nơi...

Trong năm 2013, ban Dân số xã Quỳnh Nghĩa đã tổ chức khám phụ khoa cho 505 chị, đặt vòng thuốc điều trị miễn phí cho 120 chị, siêu âm sàng lọc trước sinh cho 34 chị. Cũng từ khi sinh hoạt nhóm, những chuyến đi biển của ngư dân dường như rôm rả hơn, ngoài chuyện giá cả, chuyện nắng mưa thời tiết, họ có thêm những kinh nghiệm về kế hoạch hóa gia đình để chia sẻ. Với chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm nhanh, từ 30,6% (năm 2009), xuống còn 21% (năm 2014).

Từ hiệu quả hoạt động của CLB, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền để nhân rộng các câu lạc bộ này, xem đó là một kênh tuyên truyền chính để xã tiến tới đạt các chỉ tiêu mà Đề án 52 đã đề ra.

Phạm Ngân