Kỳ 1: Mưa dồn, lũ dập

26/01/2014 21:00

(Baonghean.vn) - Với 14 trận bão cùng hàng chục đợt mưa như trút, những trận lũ lịch sử, không khí lạnh tăng cường, áp thấp nhiệt đới... năm 2013 là năm mà Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung phải hứng chịu nhiều thảm họa của thiên nhiên. Mặc dù vậy, nhờ làm tốt công tác chỉ đạo và triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai nên đã phần nào giảm thiểu được thiệt hại cho người dân. Đã có nhiều hi sinh, mất mát không thể nào bù đắp được sau mỗi trận lũ to, bão lớn nhưng trong mưa bão, tình người, tình quân dân người vẫn sáng ngời.

Mưa dồn, lũ dập

Nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, với diện tích rộng nhất nước, địa hình phức tạp, từ xa xưa đến nay, Nghệ An luôn là vùng đất khắc nghiệt, lắm mưa, nhiều bão. Đến hết tháng 7, trên biển Đông đã xuất hiện tới 5 cơn bão lớn. Đầu tháng 8/2013, khi trời đang nắng chang chang, du khách đang thưởng ngoạn vẻ đẹp của khu du lịch biển Cửa Lò thì trên biển Đông xuất hiện bão số 6. Mặc dù bão không đổ bộ vào đất liền nhưng trên đường đi của mình, bão đã quét qua dọc vùng biển Nghệ An và gây ra những hậu quả nặng nề: 2 tàu cá bị đánh chìm, 16 ngư dân rơi xuống biển trong đó 1 người mất tích.

Mưa lũ chia cắt nhiều xã của huyện Hưng Nguyên.
Mưa lũ chia cắt nhiều xã của huyện Hưng Nguyên.

Sau đó vài tuần, người dân phải tiếp tục phòng chống cơn bão số 7 và đặc biệt là hoàn lưu của cơn bão số 8 gây mưa lớn trên diện rộng khiến 13 người chết, 4 nhà dân bị sập, 962 nhà bị ngập, 2 điểm trường cùng 15 phòng học bị ảnh hưởng. 1.491,6 ha lúa bị thiệt hại trong đó 70% diện tích mất trằng, cùng với đó là 5108,5 ha ngô và hoa màu, 549,7 ha cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại, 8,45 ha đất canh tác bị xói lở, hơn 495 ha thủy sản bị mất trắng, gần 3400 con gia súc, gia cầm, trâu bò bị chết vì nước cuốn trôi,… Khi người dân chưa kịp gượng dậy, khi nước lũ đang trắng đồng thì trời lại tiếp tục mưa lớn, bão chồng bão, lũ chồng lũ.

Cơn bão số 10 tiếp tục gây mưa to đến 500 mm tại khu vực Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai khiến mực nước ở hồ Vực Mấu lên mức báo động, phải xả lũ khẩn cấp. Hậu quả của nó thật nặng nề, toàn bộ thị xã Hoàng Mai ngập băng trong biển nước. Nước ngập mái nhà, lút đường quốc lộ, nước cuốn trôi cả những hồ tôm bạc tỉ chỉ chờ một vài ngày nữa là thu hoạch, nước cuốn tan những đoạn đê biển xung yếu, biến các làng mạc ở ven biển Quỳnh Dị, Quỳnh Phương của thị xã Hoàng Mai thành những cửa biển, những con tàu bị sóng đánh tan, những kho hải sản chuẩn bị cho dịp Tết, trong chốc lát bị biến thành khối bùn nhão nhoét, hôi hoắc,…

Hồ Vực Mấu xả lũ, gây nên trận lụt lịch sử ở thị xã Hoàng Mai.
Hồ Vực Mấu xả lũ, gây nên trận lụt lịch sử ở thị xã Hoàng Mai.

Khi cụm từ “lũ Hoàng Mai” đang được nhắc đến nhiều nhất trên các mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng thì người dân các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên tiếp tục phải sống trong cảnh lũ chồng lũ. Lượng mưa quá lớn từ Hà Tĩnh đổ về khiến tất cả các đập nước thủy lợi lớn nhỏ ở huyện Thanh Chương, Nam Đàn đều tràn cửa xả lũ đến vài mét, 2 hồ đập nhỏ ở huyện Thanh Chương bị vỡ gây nên lũ cục bộ, chia cắt nhiều nơi. Gần 1 tuần liền, người dân các xã vùng cụm Bích Hào gồm Thanh Tùng, Thanh Hà, Thanh Giang, Thanh Xuân, Thanh Mai, Thanh Lâm của huyện Thanh Chương, vùng Chín Nam của huyện Nam Đàn và vùng ngoài đê Tả Lam của huyện Hưng Nguyên phải sống chung với dòng nước lũ chảy xiết, đục ngầu. Đã có nhiều cái chết đau lòng xảy ra vì lũ,...

Đến tháng 11, khi người dân vùng ngập lũ đang cố gắng gượng dậy, ra đồng sản xuất cho kịp thời vụ và vớt vát những gì còn sót lại sau những đợt bão lũ liên miên thì siêu bão số 14 (tên quốc tế là siêu bão Hayan) xuất hiện. Trước khi hướng thẳng vào miền Trung Việt Nam, cơn bão này đã san phẳng toàn bộ thành phố Tacloban, Philippines khiến gần 10 ngàn người chết. Sức mạnh của siêu bão được đánh giá là chưa từng xuất hiện trên trái đất đã khiến tất cả mọi người dân đều lo lắng, khiếp sợ, tìm cách phòng chống và tránh trú bão.

Kịp thời ứng phó với những thảm họa thiên tai

Ngay khi siêu bão số 14 vượt qua khu vực PhilippinesThủ tướng Chính phủ đã trực tiếp điều hành cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành trên cả nước, bàn biện pháp ứng phó với siêu bão. Tại đầu cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã tham dự họp và đã tiếp thu đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Ngay sau đó, công tác triển khai trên toàn tỉnh được diễn ra với cuộc họp trực tuyến của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh với các ngành, các huyện, thành, thị. Đích thân đồng chí Nguyễn Xuân Đường lần lượt đi kiểm tra các khu vực xung yếu, các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy cũng có mặt tại các địa phương mà mình phụ trách để chỉ đạo chính quyền và nhân dân khẩn trương chống bão. Không khí căng như dây đàn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh vừa dõi theo mọi di biến nhỏ nhất của cơn bão trên bản đồ vệ tinh vừa chạy như con thoi giữa các vùng như Cửa Lò, Hoàng Mai, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, hồ Vực Mấu, hồ Sông Sào để kiểm tra công tác ứng phó với bão.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường thị sát vùng lũ Hoàng Mai vào lúc 2h sáng ngày 2/10/2013
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường thị sát vùng lũ Hoàng Mai vào lúc 2h sáng ngày 2/10/2013

Trong khi đó, chính quyền địa phương các huyện, xã và người dân trong toàn tỉnh cũng lo lắng, chèo chống nhà cửa, thuyền bè, chặt bớt những cây xanh quanh nhà để tránh ngã đổ vì gió bão. Người dân vùng ven biển từ xóm Rồng xã Nghi Thiết (Nghi Lộc), làng chài Nghi Tân (Cửa Lò) đến các xã vùng thấp như Diễn Hải, Diễn Bích (huyện Diễn Châu) Sơn Hải, Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu), Quỳnh Lập, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) cũng cấp tập sơ tán đồ đạc, tài sản có giá trị trong nhà để chạy bão. Một số hộ dân ở làng Rồng, Nghi Thiết vì nhiều lí do khác nhau đã không chịu sơ tán, chính quyền địa phương đã phải dùng biện pháp cưỡng chế,… May mắn thay, khi sắp đổ bộ vào đất liền thì siêu bão giảm cấp và đổi hướng, đi dọc bờ biển rồi đổ bộ vào khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh rồi tràn sang Trung Quốc, không gây ra nhiều thiệt hại về người và của như dự đoán.

Ngay sau khi siêu bão không đổ bộ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã khẳng định rằng, dù bão không gây nhiều ảnh hưởng tới Nghệ An nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh nhà đã thể hiện rất tốt tinh thần chủ động phòng chống bão. Có thể khẳng định đây là đợt tổng diễn tập ứng phó với các thảm họa thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Không riêng gì trong đợt siêu bão số 14 mà từ trước đó, công tác chỉ đạo và ứng phó với thiên tai đã được các cơ quan, ban ngành và người dân địa phương làm rất tốt. Trước mỗi trận bão, mỗi đợt lũ, đích thân các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh đều có các công điện khẩn cấp, gửi chính quyền, người dân địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống bão lũ. Bên cạnh đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh cũng kịp thời có mặt ở các điểm xung yếu, sát cánh cùng nhân dân trong những thời khắc khó khăn nhất. Đến giữa tháng 12/2013, đã có tất cả 18 công điện về phòng chống lụt bão được Ban chỉ huy lụt bão tỉnh gửi đến các huyện, thành thị và các cơ quan liên quan, có 58 báo cáo nhanh về tình hình lụt bão gửi Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và các Bộ, ngành Trung ương cập nhật tình hình bão lũ của Nghệ An,…

Mưa lũ gây ngập ở huyện Quỳnh Lưu.
Mưa lũ gây ngập ở huyện Quỳnh Lưu.
Lực lượng công an, quân sự tham gia cứu hộ cứu nạn ở Khe Ang, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn.
Lực lượng công an, quân sự tham gia cứu hộ cứu nạn ở Khe Ang, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn.

Lúc cao điểm, toàn tỉnh đã huy động hơn 1000 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ các sở, ban, ngành, chính quyền và người dân địa phương với những phương tiện, máy móc tốt nhất có thể để vào cuộc cứu hộ, cứu nạn ở khu vực Khe Ang, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn và giúp dân chạy lũ ở thị xã Hoàng Mai cũng như các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên. Thậm chí, vào 22h đêm 1/10/2013, đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh còn triệu tập cuộc họp khẩn cấp, quyết định thành lập Ban chỉ huy tiền phương phòng chống lũ ở thị xã Hoàng Mai.

* Kỳ Tiếp: Những bài học không bao giờ thừa.

Nguyên Khoa