Bài cuối: Người Mông còn yêu chữ viết của mình

18/07/2014 23:26

(Baonghean) - Người Mông ở Nghệ An từ lâu đã dùng chữ viết của dân tộc mình như một phương tiện giao tiếp. Sau một thời gian bị hạn chế, chữ này lại được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng các bản người Mông...

Lớp học chữ Mông tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn.
Lớp học chữ Mông tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn.

TIN LIÊN QUAN

Ở huyện Kỳ Sơn, người Mông là đông nhất và cũng là huyện có nhiều người Mông ở Nghệ An. Đấy là một dân tộc còn nhiều nét văn hóa lạ và bí ẩn. Họ là một trong những dân tộc có chữ viết riêng. Người Mông dùng chữ Latinh để ký âm tiếng nói của mình và các dấu thanh cũng được ký hiệu bằng những chữ cái. Từ những năm 1960, người Mông ở Nghệ An cũng dùng chữ viết của dân tộc mình như các cộng đồng cùng sắc tộc thuộc các tỉnh khác trong nước. Theo ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện thì từ thập niên 60 của thế kỷ trước tại huyện Kỳ Sơn có Trường Sư phạm chữ Mèo! Chữ viết của người Thái ở Nghệ An có một thời gian dài mai một, riêng người Mông đã dùng chữ viết của dân tộc mình một cách khá liên tục trong suốt lịch sử cư trú trên địa bàn này. Hiện nay, chữ Mông được giảng dạy trong các lớp thuộc hệ tiểu học cũng như lực lượng vũ trang, các giáo viên công tác tại địa bàn có nhiều người Mông cư trú. Năm 2006, Bộ Giáo dục - Đào tạo có Quyết định 44 về việc bồi dưỡng chữ Mông cho đội ngũ cán bộ vùng miền núi.

Những năm gần đây, cứ vào mùa hè, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn lại mở lớp bồi dưỡng chữ viết người Mông. Đối tượng tham gia lớp học là những thầy cô giáo người Mông đã học qua chữ của dân tộc mình thì học để nâng cao kỹ năng đọc viết. Cũng có những người chưa từng học qua chữ Mông và thường là những cô giáo trẻ, thậm chí là các thầy cô giáo người Kinh, Thái hay Khơ mú học tiếng Mông, chữ Mông với mục đích để giao tiếp tốt hơn với học trò cũng như các vị phụ huynh trong các bản Mông. Khóa bồi dưỡng chữ Mông năm nay được chia làm 2 lớp. Lớp nâng cao có học viên chủ yếu là người Mông đã biết qua chữ viết của dân tộc mình, lớp thứ 2 là những thầy cô giáo dạy tại địa bàn người Mông vừa học tiếng nói vừa học chữ viết. Cô giáo Vi Thị Luận, người Thái nhưng công tác tại vùng người Mông xã Nậm Cắn đã 20 năm. Cô là sợi dây kết nối giữa người giáo viên với cộng đồng làng bản. “Biết tiếng Mông mình cũng am hiểu hơn về văn hóa của họ”, cô giáo Luận cho biết. Còn với thầy giáo Trần Danh Hanh, giáo viên Trường Tiểu học xã Huồi Tụ thì việc học tiếng Mông sẽ giúp anh dễ dàng hơn trong công việc.

Theo lời chỉ dẫn của ông Lê Văn Hoa, chữ Mông hiện vẫn được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng các bản Mông, nhất là các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Nậm Cắn… Chúng tôi tìm về bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ tìm hiểu phong trào học chữ Mông. Bà con Mông nơi đây hiện giờ đã có nhiều người vào đại học, cao đẳng; nhiều người đã là thầy cô giáo, bác sỹ, bộ đội, công an… họ vẫn yêu thích chữ viết của dân tộc mình. Vừ Y Pà là một trong những người như thế. Hiện cô là sinh viên y khoa, vẫn thường dùng chữ Mông hàng ngày. Dù không có một ngày đi học chữ Mông vì ngày còn là học sinh thứ chữ này chưa được giảng dạy, nhưng qua học hỏi những anh chị lứa trước, Y Pà đã có thể đọc thông viết thạo chữ Mông. Còn anh Vừ Bá Công, 28 tuổi thì tự hào vì vẫn còn giữ được những bức thư bằng chữ Mông viết cho vợ ngày còn đi học xa và luôn coi đó là những kỷ vật thiêng liêng của vợ chồng. Ngày nay, người trẻ ở bản Trung Tâm cũng đi học nhiều nhưng không còn viết thư cho nhau nữa, đổi lại họ gửi gắm tâm tình qua tin nhắn điện thoại. Chữ Mông không khó học như chữ viết của người Thái lại dùng chữ Latinh nên có thể nhắn tin, đánh máy mà không cần phải cài phần mềm riêng.

Vì có nhiều người trong cộng đồng người Mông hiểu được chữ viết của mình nên có một số loại biểu ngữ tuyên truyền chính quyền huyện Kỳ Sơn sử dụng song song hai thứ tiếng Việt và Mông. Tại một số bản xã Huồi Tụ, chúng tôi vẫn thấy ven đường có biểu ngữ kêu gọi: “Người Mông ta không di cư trái phép sang Lào” có thể hiện bằng chữ Mông. Anh Dềnh Bá Lồng, Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ dẫn chúng tôi tham quan những biểu ngữ này và cho biết: Bà con rất tự hào vì chữ viết của mình vẫn được gìn giữ và có sự quan tâm của chính quyền trong việc gìn giữ chữ viết cũng như bản sắc văn hóa của đồng bào Mông.

Rồi anh Dềnh Bá Lồng giới thiệu với chúng tôi thăm người chú họ của mình, đó là anh Dềnh Chếnh Công, ở bản Huồi Khả, một trong những người đầu tiên trong bản biết viết chữ Mông. Năm nay đã gần 40 tuổi, có trên 30 năm biết đọc chữ Mông. Ngày ấy, việc học chữ Mông còn bị nhiều hạn chế, trong một lần sang Lào thăm người thân anh đã học chữ Mông tại đây. Một thời gian dài anh viết lại những bài hát, những điệu dân ca của dân tộc mình trong một cuốn sổ nhỏ, trong đó có một vài bài thơ tự sáng tác. Sớm mồ côi cha mẹ nên đề tài về cảnh mồ côi luôn khiến anh thích viết nhất. Anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ ăn tết mồ côi, rồi dịch nghĩa với những câu đầy buồn thương, u uẩn. Anh bảo: Bài thơ buồn nhưng nó luôn nhắc anh nhớ về công lao cha mẹ, từ đó thêm gắn bó với những người thân yêu, ruột rà!

Cũng theo anh Dềnh Bá Lồng, ngoài anh Chếnh Công, trong các bản Mông ở Huồi Tụ còn có nhiều người nữa dùng chữ Mông để ghi lại những bài dân ca, thơ, thậm chí là các gieo kèo trong mối quan hệ xã hội. Có những dòng họ từng có mâu thuẫn với nhau, nhưng rồi con cái họ thương yêu nhau, muốn được thành vợ thành chồng, trước khi cho làm đám cưới, hai họ phải làm giao kèo sẽ bỏ qua những mâu thuẫn để kết thành thông gia.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn huyện Kỳ sơn có 2 loại chữ Mông đang được người dân sử dụng. Số người sử dụng nhiều nhất là chữ Mông do các nhóm người theo đạo Tin Lành sáng tạo mà bà con gọi là chữ Mông Quốc tế. Một thứ chữ khác là chữ Mông - Việt Nam vốn có xuất xứ từ người Mông ở Lào Cai, đang được giảng dạy cho học sinh cũng như những học viên là giáo viên, cán bộ lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn tỉnh.

Hữu Vi