Hạnh phúc vô bờ

07/04/2014 18:52

(Baonghean) - Ông Nguyễn Xuân Dung (ngụ ở xóm 6, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu) giờ đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Mỗi lần nhớ về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, người đàn ông mù lòa lại rơi nước mắt khóc thương... Nhưng bù lại cô con gái ngoan ngoãn, hiếu thảo, tài sản vô giá là niềm hạnh phúc vô bờ bến của người cha mù…

Tháng ngày hàn vi

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ông Dung vẫn không sao quên được cái ngày đen tối ấy... Năm 1963, khi ấy ông là công chức phòng thiết kế công trình - cơ quan Nông trường thuộc Bộ Nông trường, ông cùng đồng nghiệp chơi đá bóng không may bóng bay trúng mặt, ngã bất tỉnh. 5 tháng 17 ngày nằm tại Bệnh viện Mắt Trung ương, hy vọng rồi thất vọng, ông gần như suy sụp hẳn khi biết mình bị mù vĩnh viễn.

Rồi như một sự run rủi của số phận. Những tháng ngày bĩ cực trên giường bệnh, chàng trai khiếm thị tình cờ gặp người con gái tên Trần Thị Tuyến (quê xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội) là người nhà của một bệnh nhân nằm cùng phòng. Sau những lần lên thăm người nhà, nhìn thấy chàng trai trẻ sớm gặp bất hạnh, cô Tuyến bắt chuyện. Dần dà, những cuộc nói chuyện trở nên thân mật, trái tim hai người rung động. Đó cũng là lúc chàng trai Nghệ và cô gái Hà Thành bắt đầu một chặng đường lưu lạc!

Ra viện, chàng trai mù không còn khả năng quay trở lại chỗ làm cũ, đành phải lên Bắc Giang học nghề dành cho người khiếm thị. Nhưng sớm nhận thấy, cuộc sống ở đây chỉ có thể trang trải được cho bản thân mình, còn những người thân ở quê biết nương tựa vào ai? Nghĩ thế, ông quyết định khăn gói trở về, bắt đầu lao vào làm việc kiếm sống. “Đó là những ngày hàn vi của cả gia đình tôi. Mẹ mất khi tôi 23 tuổi, cha thì già yếu, ba đứa em nheo nhóc, đứa sài, đứa đẹn”, ông Dung nhớ lại.

Phút thư giãn của ông Nguyễn Xuân Dung.
Phút thư giãn của ông Nguyễn Xuân Dung.

Người đàn ông mù từ từ lần giở những ký ức xưa cũ: “Ngày ấy, thấy người ta đi làm thủy lợi cho hợp tác xã để tính công điểm, tôi cũng đi theo. Họ tát nước, tôi cũng tát nước. Họ một đầu dây, tôi cũng một đầu dây, rồi cứ thế mà lôi. Cực nhất là những lần đi củi tận Nghĩa Đàn, gần sáu mươi cây số, mà tôi chỉ biết nắm vào sau cái đuôi xe kiến an mà cuốc bộ. Người ta sáng mắt còn biết chỗ mà tránh chứ tôi mắt mũi chẳng thấy đâu, cứ đè ổ voi, ổ gà mà lao vào, trầy trượt giữa đường rừng”. Ông không chặt củi mà đi theo để trông xe: “Người ta mang theo cái dây thừng, cột hết các xe lại rồi cột vào chân tôi. Nhỡ mà gặp kẻ gian, thấy động thì tôi kêu lên, họ chặt củi gần đó nghe thấy sẽ chạy về giải cứu. Cũng may, ngày đó tôi đi trông xe cho người ta lấy củi không gặp một kẻ gian nào. Nhưng nhiều khi ngồi cho họ cột giữa rừng, bất thình lình gặp mưa thì người ướt hết. Bù lại, lúc về tôi được người ta trả công đã đành, mỗi người còn cho thêm mấy bó củi”.

Ngày ấy, ông còn theo người ta chở củi, chở dầu đi khắp các xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận, Quỳnh Hải, Quỳnh Long (Quỳnh Lưu)... để bán. Nông nhàn, ông lại đi lấy tăm, lấy cây hương trầm rồi mò mẫm, quờ quạng khắp các đường làng, ngõ xóm bán kiếm tiền đong gạo. Ông nói: “Hồi đó, tôi quyết tâm phải nuôi bằng được mấy đứa em ăn học nên chẳng nề hà việc gì”.

Những năm 70 của thế kỷ trước, ở Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu), mọi người khó lòng quên được hình ảnh người đàn ông mù mỗi sáng, chiều cầm loa pin Trung Quốc, đi khắp xã để tuyên truyền. Mỗi khi xã có chủ trương, chính sách gì cần tuyên truyền đều tìm đến gặp ông. Sau khi đã thông suốt, ông chỉ việc nhắm vào đó mà nói. Không cần đến văn bản, ông đã cùng với cán bộ xã Quỳnh Ngọc đi khắp thôn cùng, ngõ hẻm để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Cuộc sống khốn khó của gia đình khiến chàng trai khuyết tật không còn màng đến chuyện riêng tư. Ngoài 40 tuổi, ông Dung vẫn còn là một người độc thân cho đến một ngày... Cuối năm 1979, theo tiếng gọi của tình yêu, bà Tuyến khăn gói lặn lội từ Hà Nội về Nghệ An. Hai người nối lại tình xưa và họ thành vợ thành chồng. Ông Dung tâm sự: “Thực ra, năm 1965, tôi và một người bạn ra Hà Nội thăm bà ấy. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ lúc đó bà ấy không đủ can đảm để cùng tôi về Nghệ An. Vậy là tôi đành theo bạn xuống Hải Phòng, chênh chao trên con tàu của một người đồng hương về lại Quỳnh Lưu. Ngày đó chiến tranh ác liệt nên tàu cứ đi một đoạn lại phải dừng tránh bom. 14 năm kể từ ngày lưu lạc chính những cánh thư đã giúp chúng tôi đến được với nhau”.

Tưởng chừng như hạnh phúc đã mỉm cười với chàng trai khiếm thị, nào ngờ... Khi đứa con gái đầu lòng của hai người vừa chào đời được bốn ngày, cũng là lúc bà Tuyến phải quằn quại vì căn bệnh ung thư gan. Người mẹ bất hạnh ấy đã ra đi trong đau đớn khi con gái mới chỉ được một tháng mười ngày tuổi...

Gà trống nuôi con

Tài sản lớn nhất của người cha mù ấy chính là cô con gái Nguyễn Thị Gái. Trong dòng hồi tưởng của mình, ông Dung còn nhớ rất rõ: “Ngày thứ 5 ngã bệnh, vợ tôi vẫn còn sữa cho con. Nhưng nghe anh em họ bàn phải tách mẹ và con ra vì bà ấy yếu lắm rồi. Tôi chưa biết tính sao thì thật may, lúc đó có bà mự cũng vừa mới sinh con. Thế là tôi bế con đi gửi. Được mấy hôm, bà mự không còn đủ sữa cho hai đứa, mà bà lại còn phải đi làm. Tôi đành đón con về pha nước cơm thay sữa”.

Cám cảnh “gà trống nuôi con”, nhiều bà mẹ đang nuôi con nhỏ trong xóm thường lui tới, ghé thăm cho bé con bú sữa. Các em của ông Dung lúc này cũng đã lớn nên gánh vác, đỡ đần cho ông được phần nào. Ban ngày, ông gửi con rồi đi làm. Hết đi bán tăm, bán hương trầm, ông lại đi củi; chở củi, chở dầu đi khắp vùng bán lấy công làm lãi, kiếm tiền rau cháo cha con qua ngày... Khi màn đêm buông xuống, ông lại trở về căn nhà nhỏ chăm bẵm con thơ.

Ngày đó, chân phải ông bị đau thần kinh, chân trái đau thấp khớp, lại cả căn bệnh huyết áp cao hành hạ. Nhưng dù nắng, mưa, người cha mù vẫn tất tả làm lụng nuôi con. Bằng tình yêu thương cùng sự giúp đỡ của hai người em gái, ông đã làm tròn trách nhiệm của người cha lẫn người mẹ.

Ngày cô con gái đậu vào khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông xúc động đến lặng người. Lòng người cha mù ngổn ngang bao tâm sự. Ông những mong con gái sẽ trở thành một cô giáo trường làng để được nương tựa khi tuổi già đến, nhưng bây giờ nguyện vọng của con đã theo một hướng khác. Và quan trọng là tiền đâu để nuôi con ăn học? Điều này khiến ông nhiều đêm không ngủ. Một lần nữa, người cha mù lại phải gồng mình nuôi con học đại học.

Trên con đường gian lao ấy, ông Dung chưa bao giờ cảm thấy đơn độc, bởi xung quanh ông còn có những người thân, bạn bè, bà con lối xóm và trên hết là lòng quyết tâm của người con hiếu thảo. Chị vừa mới nhập học đã đi làm thêm kiếm tiền phụ bố trang trải việc học cho mình. Ông Dung tâm sự: “Nhiều lần, thấy con vừa tan ca làm, vội vàng bắt xe từ Hà Nội trở về, lả đi vì mệt và đói nhưng trong túi thì vẫn đầy thuốc, đầy quà cho bố, tôi thương nhưng giận nó quá!”.

Chị Nguyễn Thị Gái bây giờ đã là nhân viên của một công ty xuất khẩu lao động sang Nhật, công việc ổn định, thu nhập khá. Ông Dung từ lâu cũng không còn phải đi bán tăm nữa. Những ngày hàn vi đã lùi xa…

Nguyễn Thị Hòe

Quỳnh Lưu