Ukraine "gồng mình" giữ Crimea và các tỉnh phía Đông

10/03/2014 16:04

(Baonghean) - Trong lúc chính phủ lâm thời tại Ukraine còn chưa tìm ra cách nào ngăn chặn việc nước Cộng hòa tự trị Crimea bỏ phiếu về việc sáp nhập vào Nga vào ngày 16/3 tới, lại có thêm nhiều khu vực miền Đông Ukraine lên tiếng đòi tiến hành trưng cầu ý dân về quy chế tự trị.

(Baonghean) - Trong lúc chính phủ lâm thời tại Ukraine còn chưa tìm ra cách nào ngăn chặn việc nước Cộng hòa tự trị Crimea bỏ phiếu về việc sáp nhập vào Nga vào ngày 16/3 tới, lại có thêm nhiều khu vực miền Đông Ukraine lên tiếng đòi tiến hành trưng cầu ý dân về quy chế tự trị.

Những diễn biến này cho thấy, dường như nỗi lo sợ của Ukraine cũng như của Mỹ và các nước phương Tây về một tiền lệ nguy hiểm ở Crimea – mồi lửa kích hoạt phong trào ly khai ở các tỉnh phía Đông Ukraine đang dần hiện hữu. Và việc duy trì tình trạng đất nước “là một thực thể thống nhất” quả là một bài toán quá khó đối với Chính phủ tạm quyền ở Ukraine thời điểm này.

Hôm 8/3, gần 3.000 người đã tập trung biểu tình tại Quảng trường Lênin ở trung tâm Thành phố Donetsk đòi tiến hành trưng cầu ý dân về quy chế vùng Donbass. Những người biểu tình thuộc nhiều lực lượng chính trị và tổ chức xã hội khác nhau, trong đó có Đảng Cộng sản, Đảng “Khối Nga”, phong trào xã hội “Mặt trận miền Đông”. Một số người biểu tình cầm cờ Nga, còn những người khác mang theo biểu ngữ: “Nhân dân ủng hộ trưng cầu ý dân”, “Tổ quốc của chúng ta – Liên Xô”, “Donbass – Nga”. Cũng trong ngày 8/3, hơn 2.000 người đã tụ tập tại Quảng trường Tự do ở Kharkov, yêu cầu lãnh đạo địa phương từ chức, đồng thời ủng hộ việc tiến hành trưng cầu ý dân về quy chế của tỉnh này. Trong khi đó, quyền Thị trưởng Thành phố Sevastopol, ông Dmitry Belik cho biết, sau cuộc trưng cầu ý dân, Sevastopol có thể sáp nhập vào Nga như một thực thể riêng rẽ.

Người biểu tình treo cờ Nga.
Người biểu tình treo cờ Nga.

Việc các thành phố “đua nhau” đòi quy chế mới thông qua các cuộc trưng cầu ý dân đang thực sự làm đau đầu giới lãnh đạo tại Ukraine, nhất là khi bài toán Crimea còn chưa có lời giải. Và không khó để nhận ra làn sóng đòi quy chế mới tại những thành phố phía Đông của Ukraine – nơi có đông người Nga sinh sống được “kích hoạt” từ tâm điểm Crimea. Vì vậy, Ukraine với sự trợ giúp của Mỹ và các nước phương Tây đang cố gắng hết sức để giữ lại Crimea, nếu không, Ukraine khó có thể yên tâm được là các hoạt động đòi li khai chỉ dừng lại ở đây.

Sau khi 78 trong tổng số 86 nghị sĩ trong Nghị viện Crimea bỏ phiếu thông qua đề xuất sáp nhập vào Liên bang Nga, ngày 16/3 tới đây sẽ là thời điểm người dân Crimea bày tỏ ý nguyện của mình về việc có sáp nhập vào Nga hay không. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, với đa số dân là người Nga, tỷ lệ phiếu có kết quả là “Có” nhiều khả năng sẽ cao hơn. Thế nhưng, cho dù sáp nhập vào Nga là ước nguyện của người dân Crimea thì Ukraine, Mỹ và các Liên minh châu Âu cũng không dễ dàng để điều đó trở thành hiện thực.

Ngay sau khi Nghị viện Crimea thông qua đề xuất sáp nhập vào Nga, Chủ tịch Quốc hội Ukraine Alexander Turchynov đã ký một sắc lệnh, trong đó bác bỏ quyết định này. Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk thì cho rằng quyết định của Nghị viện Crimea là một động thái bất hợp pháp. Crimea đã và vẫn đang là một phần không thể thiếu của Ukraine. Ngoại trưởng tạm quyền Ukraine Andrii Deshchytsia ngày 8/3 còn khẳng định, chính quyền lâm thời sẽ không từ bỏ Crimea và “sẽ làm tất cả mọi việc trong quyền lực của mình để giải quyết một cách hòa bình cuộc khủng hoảng tại nước Cộng hòa tự trị này”.

Vốn ủng hộ phe đối lập Ukraine ngay từ đầu trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia này, Mỹ cũng nhanh chóng lên tiếng phản đối kế hoạch trưng cầu ý dân của Crimea. Tổng thống Barack Obama tuyên bố: “Cuộc trưng cầu dân ý dự kiến về tương lai của Crimea có thể vi phạm Hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế. Mọi cuộc thảo luận về tương lai của Ukraine phải có sự tham gia của chính phủ hợp pháp nước này." Tất nhiên, Liên minh châu Âu không thể có quan điểm khác với Mỹ khi cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy đều cho rằng cuộc trưng cầu dân ý của Crimea trái với hiến pháp Ukraine và do đó là bất hợp pháp.

Nhưng bất chấp mọi sự phản đối, Thủ tưởng Cộng hòa tự trị Crimea Sergei Aksyonov đã tuyên bố một cách cứng rắn: không ai có thể hủy sự kiện này. Chủ tịch Nghị viện Crimea Vladimir Konstatinov còn bác bỏ lập luận về tính vi hiến của cuộc trưng cầu ý dân rằng “Những người từng vi hiến trên Quảng trường Độc lập và vẫn đang vi phạm pháp luật lại kết tội chúng tôi. Chúng tôi sử dụng quyền của mình tại cuộc trưng cầu ý dân như một quyền không thể phủ nhận”.

Trong khi Ukraine, Mỹ, Liên minh châu Âu cố để giữ Crimea, còn bản thân Crimea lại nhất định muốn về với Nga, dư luận thế giới đồng loạt đổ dồn sự chú ý sang Nga, xem liệu đề nghị của Crimea có “gây khó” cho Nga, khi mà trước đó Tổng thống Vladimir Putin trong một cuộc họp báo đã từng tuyên bố: “Nga không xem xét khả năng sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước mình”. Trong cuộc gặp giữa phái đoàn của Nghị viện Crimea với các Nghị sỹ Hạ viện và Thượng viện Nga, Chủ tịch Duma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga Sergei Naryshkin đã tuyên bố Quốc hội Nga sẽ tôn trọng “lựa chọn lịch sử” của Crimea và “ủng hộ sự lựa chọn tự do của nhân dân Crimea cũng như Sevastopol”.

Những tuyên bố này có thể được hiểu rằng, nếu người dân Crimea lựa chọn Nga thì Nga cũng sẽ “dang tay chào đón”. Điều này liệu có mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của ông Putin? Quay lại thời điểm Tổng thống Putin tuyên bố hôm 4/3 rằng “Nga không xem xét khả năng sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước mình”, thì sau đó ông cũng đã bổ sung thêm rằng “Tôi hoàn toàn tin tưởng chỉ có những công dân đang sống trong vùng lãnh thổ này hay lãnh thổ khác…, mới có thể có quyền xác định tương lai của họ”. Rõ ràng, câu nói này cũng hàm chứa ẩn ý giống như thông điệp của Quốc hội Nga, đó là Nga “không có chủ định” sáp nhập Crimea, còn nếu Nga ở thế “bị động”, phải chấp nhận “nguyện vọng tha thiết của nhân dân Crimea” lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Trong khi Ukraine, Mỹ, Liên minh châu Âu đang cực kỳ “sốt ruột” về tương lai của Crimea thì ngược lại, Nga lại tỏ ra hết sức bình thản bởi Nga đang chiếm ưu thế rõ ràng trong “ván cờ Crimea”. Nếu như trước đây, Nga không hề tốn một viên đạn mà vẫn kiểm soát được Crimea, thì việc Nga chẳng cần tranh giành mà vẫn có được Crimea sau cuộc trưng cầu ý dân là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng về số phận của Crimea có lẽ vẫn còn phải chờ xem liệu các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây đã thực hiện hoặc đang đe dọa với Nga có thể làm suy chuyển ý định của Nga hay không, hoặc liệu hai bên có thể đạt tới một thỏa thuận nào đó về Crimea trong số các bước đi ngoại giao hiện nay.

Và điều đáng buồn cho Ukraine là việc có giữ được Crimea hay không lại không phụ thuộc vào những cố gắng hiện nay của chính phủ lâm thời – một chính phủ đang phải dựa dẫm quá nhiều vào các thế lực bên ngoài.

Thúy Ngọc