Những chuyến biển

14/07/2014 15:46

(Baonghean) - Bây giờ, ngư dân ở làng biển Hải Giang - Cửa Hội (Thị xã Cửa Lò) mỗi chuyến ra khơi không chỉ là đàn ông, mà nhiều phụ nữ cũng tràn đầy nhiệt huyết vươn khơi bám biển cùng chồng...

Trời nắng gay gắt. Chốc chốc những luồng gió Lào thổi về làm khô ráp thịt da. Mới chưa đầy 1 giờ chiều, miền chân sóng Cửa Hội đã tấp nập người qua lại. Từ trong nhà, ngoài cổng và bên mép nước ở biển, họ xôn xao nói cười: "Chuyến ni, nhà bên đó đi mấy ngày rứa". "Nhà tui chuyến ni cả vợ cả chồng cùng đi"; "Chúc may mắn nhé..." Miệng nói chuyện, tay thì vác lưới, bưng mủng, trên các mạn thuyền, những tấm lưng trần các ngư phủ chảy ròng mồ hôi. Họ miệt mài kiểm tra lại lưới, dây chạc, máy móc, công việc quen thuộc mỗi một chuyến vươn khơi. Còn các mẹ, các chị gánh đá, gánh nước lên thuyền cho chồng, cho con. Chị Lê Thị Bình (43 tuổi) quệt mồ hôi, cười giòn: "Mệt chi em, quen rồi mà. Mỗi chuyến biển mới là một niềm tin mới. Tin cá bạc đầy khoang". Chị gánh hai thùng nước đến bên chiếc thuyền mủng, chèo ra thuyền lớn trước mặt độ vài trăm mét. Anh Thế (chồng chị) nở nụ cười tươi đón đôi thùng nước từ tay vợ, đón nhận cả câu chào quen: “Chuyến biển thuận lợi nhé". Chị Bình lại chèo thuyền mủng quay vào bờ.

2 giờ chiều, mọi chuẩn bị cho chuyến biển đã hoàn tất. Chị Bình bảo: "Bữa ni thuyền đi sớm. So với mọi bận, độ hai tiếng đồng hồ nữa mới đi, em ạ”. "Ban nãy, chị nói phụ nữ ở đây mấy năm nay bám biển cùng chồng. Sao chị không đi biển cùng anh mà lại chèo thuyền vô?! "Cháu nó mới thi đại học xong, mẹ hứa thi xong cho đi quê Bác chơi, nên tui ở nhà một chuyến. Ngày mai, nhổ neo giờ mô chị sẽ gọi cho em đi cùng".

Chị Bình chuẩn bị chuyến lộng mới.
Chị Bình chuẩn bị chuyến lộng mới.

Tôi theo chị Bình trở vào làng. Mùi mắm, ruốc Cửa Hội đương mùa chín tỏa ra thơm phức. Làng bạt ngàn chum, vại làm mắm, làm ruốc. Chị Bình bảo: "Phụ nữ miền đất này vừa bám biển cùng chồng vừa làm nghề nước mắm, ruốc, rồi buôn bán ở cảng cá. Đời sống bà con khấm khá so với trước nhiều rồi. Cứ mỗi chuyến đi biển, chị em nắm bắt được giá cả, rẻ thì mua làm mắm, ruốc, đắt thì nhập cho các đại lý. Nói chung, làng biển giờ đây năng động lắm, nỏ như xưa chỉ đàn ông, con trai mới giỏi đi biển, giỏi tính toán bán buôn mô". Ngôi nhà của chị Bình kiên cố, lợp ngói đỏ tươi, nằm cuối làng biển lộng gió, đầy ắp tiếng sóng biển. Bà Sỹ, mẹ chồng chị Bình đang lom khom đánh lại thùng ruốc dưới nắng trời, chiếc nón lá che gần hết mặt bà Sỹ nhưng dường như chỉ cần nghe tiếng bước chân con dâu, bà Sỹ đã đoán ra…

Bà Sỹ quả là hiếu khách, bà một mực giữ tôi ở lại ăn bữa cơm, bảo có nhiều chuyện biển khơi bà chưa kể hết. Trong bữa cơm chiều, bà Sỹ bảo, xưa mới về làm dâu, bà không quen được con sóng, chỉ cần nhìn thấy sóng là đã muốn say rồi. Ông nhà bảo, theo mấy chuyến biển sẽ cứng sóng ngay thôi. Bà Sỹ lại lo, đàn bà, con gái, ai người ta cho lên thuyền. Rứa mà ông ấy cho bà lên thuyền đi một chuyến thật. Thuyền toàn đàn ông, con trai, duy nhất có một cháu nhỏ độ 15 tuổi cũng theo bố để làm quen với sóng nước, may mà còn có cái việc cơm nước trên thuyền cho mọi người, đỡ xấu hổ. Bà Sỹ phải theo chồng lên thuyền cơm nước, "thiếu rau, canh mô được".

Ngoài việc đó, bà còn đảm nhận công việc gỡ cá, phân loại tôm, cá. Vậy là, sau mỗi mẻ lưới, thuyền cập bến, chẳng phải ngồi phân loại như trước mà đem bán luôn, vừa thuận tiện cho người mua, vừa không mất thời gian. Con dâu bà thấy vậy cũng xung phong đi biển, giúp chồng và mọi người trên thuyền. Bây giờ, một số chị em ở làng biển ni giỏi bám biển rồi, còn đảm nhận rất tốt hai việc: cơm nước, phân chia các loại tôm, cá, không như trước đây, các mẹ, các chị đợi đến giờ thuyền về, đón thuyền ở cảng cá mới lên thuyền gỡ lưới lấy cá, tôm... Đêm đầu tiên ở Cửa Hội, chị Bình còn dẫn tôi đi thăm một số gia đình trong làng nức tiếng làm nước mắm ngon, vậy mà một tháng họ vẫn sắp xếp được dăm chuyến vươn khơi bám biển cùng chồng.

Hôm sau, tôi theo vợ chồng chị Bình đi lộng, giữa mênh mông nước, tôi có cảm giác rõ nhất về sự lênh đênh. Thi thoảng, những con thuyền ầm ào tiếng máy nổ lướt qua nhau, trên những con thuyền ấy là những tấm lưng trần vạm vỡ, màu da đen sạm của ngư dân bởi quanh năm dạn dày với nắng gió. Thuyền nào cũng có một phụ nữ. Mỗi một con thuyền qua, họ chào nhau bằng cái nháy mắt, nụ cười và câu nói quen: "Chuyến biển hên nhé". Gió biển thổi lồng lộng, mỗi người trên thuyền lại ngước mắt nhìn lên lá cờ Tổ quốc trên cao đang tung bay phất phới theo làn gió. Chị Bình bảo: "Tất cả những lá cờ này vừa được thay mới đó, gió biển, mưa bão quật chóng cũ lắm". Ngoài biển khơi thì con thuyền và lá cờ Tổ quốc là bạn thân tình.

Đi biển mới biết người dân biển họ quý nhau. Thuyền đậu xa nhau thì thôi, chứ đậu gần, bữa cơm nhà này dọn ra ăn món chi nhà bên đều biết, mời nhau là chuyện quen thuộc rồi". Anh Thế đang say sưa chuyện, tiếng thuyền bên vọng lại: "Bên nớ có uống nước chè vằng thì đỗ sát nhà sang đây. Anh Thế đáp "Dạ, có chứ ạ", rồi quay sang tôi nói: “Người dân biển thường gọi thuyền là nhà. Người vừa mời uống nước là ông Kính. Ông Kính năm nay 62 tuổi, trừ ngày biển động, còn lại ông không bỏ chuyến biển nào. Ông nổi tiếng "tay" đánh lưới giỏi nhất làng, thả đến mô trúng luồng cá đến đó. Ông tự tay làm các loại lưới, ngư cụ. Khi xưa nghèo, cả hai vợ chồng chẳng ai nỡ lòng để con phải nghỉ học dở chừng, ai cũng được học hết cấp 3. Có một người con trai nay làm công an ở trong Thành phố Hồ Chí Minh, xin được việc làm cho hai em trai. Ba con gái của ông Kính lấy chồng làng Xuân Dương cũng sắm được thuyền riêng.

Biển về đêm một màu đen kịt. Dưới ánh đèn điện hắt xuống, những tấm lưng trần đang say ngủ. Chị Bình bảo: "Người đi biển dễ ngủ rứa đó, đặt lưng là ngủ được ngay, rứa chứ đến giờ thả lưới không ai gọi ai, tự khắc biết là dậy thôi". Hơn 9 giờ đêm, sau một giấc ngủ ngắn độ vài giờ đồng hồ, mọi người trong thuyền bắt tay vào lưới, biển lại trở lại rộn ràng, tiếng người, tiếng máy động cơ, nhộn nhịp cuộc mưu sinh. Đi biển, người lái máy rất quan trọng. Phải điều chỉnh vô lăng cho thuyền chạy chầm chậm để mọi người thả lưới. Chị Bình cũng giúp chồng thả lưới, gần 1 giờ đồng hồ lưới thả xong cũng là lúc tranh thủ ngồi câu mực, đợi sau một giờ đồng hồ kéo lưới lên rồi tiếp tục thả, một đêm thả độ 3 lần lưới như thế. Chị Bình nói: "Những lúc con sóng vỗ mạnh, lưới nặng trĩu cánh tay".

Một vàng lưới độ dài của dây tầm 50 đến 70 mét và độ dài của lưới từ 30 đến 50 mét, trên phao, dưới chì, bên dưới lưới còn có thêm một ống típ làm bằng sắt dài 10 mét nữa". Mẻ lưới đầu tiên kéo lên, chị Bình reo to: "Trúng luồng cá nục, cả tôm nữa anh em ơi". Rồi mẻ thứ hai, thứ ba, khi đó nhìn đồng hồ đã gần 4 giờ sáng và cũng là mẻ lưới cuối cùng của một chuyến biển. Chị Bình cười, nói: "Lại một chuyến biển hên. Đi biển lạ vậy đó. Hôm thì trúng đậm, hôm chẳng đủ tiền dầu. Nếu bữa mô được ít thì ở lại biển một vài đêm, vì rứa khi đi biển thuyền mô cũng chuẩn bị lương thực dự phòng!".

Theo tính toán của vợ chồng anh Thế, chị Bình, mỗi chuyến biển trừ chi phí vẫn có lãi dăm bảy trăm ngàn. Có chuyến đánh được tôm, cua cho tiền triệu. Bình quân, trừ các ngày mưa gió, bão lũ, trừ các khoản chi phí, mỗi năm cũng có lãi được dăm chục triệu đồng/ mỗi lao động.

Trở vào bờ, tôi mới bắt đầu thấy mệt, ù tai và mỏi mắt. Có lẽ do mất ngủ sau một đêm thức trên biển. Còn chị Bình, trông chị chẳng hề mệt mỏi chút nào. Chị nhập xong sản phẩm, quay lên chợ chuẩn bị lương thực cho chuyến biển mới!

Thu Hương