Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013

20/03/2014 20:13

Sáng 20/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013.

Tới tham dự Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2013 có TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký VCCI; ông David B.Shear - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Hugh Borrowman - Đại sứ Australia tại Việt Nam; ông David Devine - Đại sứ Canada tại Việt Nam; ông Joakim Parker - Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Virginia Foote - Đồng chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-VBF; ông Jung In Kim-Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam; ông David Whitehead-Chủ tịch Phòng thương mại Úc tại Hà Nội; Bà Sherry Boger - Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Tổng giám đốc Intel Việt Nam; ông Patrick J. Gilabert - Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam; ông William Taylor - Phó trưởng đại diện Quỹ Châu Á; và đại diện các tỉnh.

Phát biểu tại Lễ công bố, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 là năm thứ chín đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố Việt Nam. Báo cáo là tập hợp “tiếng nói” của 8.093 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, báo cáo cũng phản ánh cảm nhận của 1.609 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, góp phần hoàn thiện bức tranh tổng thể về môi trường kinh doanh tại Việt Nam dưới góc độ một điểm đến đầu tư quốc tế.

“Báo cáo PCI 2013 là báo cáo đầu tiên trong rất nhiều kỳ báo cáo PCI do VCCI trực tiếp quản lý và thực hiện, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Đây có thể coi là biểu tượng thành công của hoạt động hỗ trợ phát triển khi VCCI, một đối tác trong nước, có đầy đủ năng lực để tiếp tục đưa hoạt động này lên một mức thành công mới” – TS Lộc khẳng định.

Trình bày kết quả chỉ số PCI 2013, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Trưởng Ban phụ trách, Ban Pháp chế cho biết, với số điểm trên 66, Đà Nẵng trở lại dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số PCI. Đây là những gương mặt không quá xa lạ trong nhóm dẫn đầu. Cũng theo ông Tuấn, trước thời điểm 2011, địa phương này liên tục giành vị trí thứ nhất hoặc thứ hai trong bảng xếp hạng PCI hàng năm. Sau khi rớt xuống vị trí thấp nhất trong lịch sử PCI (xếp thứ 12/63) năm 2012, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ học hỏi và rút kinh nghiệm. Năm nay, Đà Nẵng đã vươn trở lại dẫn đầu bảng xếp hạng.

Với số điểm trên 65, Thừa Thiên-Huế đứng vị trí thứ hai. Kể từ năm 2007, Thừa Thiên-Huế đã có những cam kết mạnh mẽ về việc cải thiện điểm số PCI. Từ năm 2007 đến nay, địa phương này đã ban hành bảy văn bản kế hoạch, nghị quyết và ba Quyết định của UBND tỉnh về cải thiện PCI.

Bảng xếp hạng PCI 2013
Bảng xếp hạng PCI 2013


Các tỉnh xuất sắc khác tiếp tục là Đồng Tháp (63,35) và Kiên Giang (63,55). Kể từ lần đầu công bố PCI đến nay, Đồng Tháp chưa bao giờ xếp hạng dưới 11, và đã từng đạt thành tích cao nhất là vị trí số 1 vào năm 2012. Kiên Giang cũng vươn dần lên thứ hạng cao qua nhiều năm liền (xếp thứ 6/63 năm ngoái). Quảng Ninh (với thứ hạng trung bình là 18 và cao nhất là vị trí thứ 7 năm 2010) và Bến Tre (thứ hạng trung bình là 16 và cao nhất là vị trí thứ 7 năm 2008) cũng là những gương mặt quen thuộc trong đội hình dẫn đầu PCI.

Bất ngờ duy nhất trong nhóm dẫn đầu là tỉnh Quảng Ngãi, với vị trí số 7 trong bảng xếp hạng. Đây là một bước tiến nổi bật của tỉnh, vốn thường đứng ở vị trí trung bình, với điểm số 38,5 từ năm 2006-2012 và chưa bao giờ vượt quá vị trí thứ 18. Giống như Thừa Thiên-Huế, kết quả này của Quảng Ngãi xuất phát từ cam kết cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền tỉnh được cụ thể hóa trong các văn bản ban hà nh chính thức.

Ngược lại, Bình Dương có sự tụt hạng đáng kể, rơi xuống vị trí 30 giữa bảng. Lào Cai - quán quân của bảng xếp hạng PCI năm ngoái, cũng thể hiện phong độ sa sút, rơi xuống vị trí 17 thuộc nhóm điều hành Khá. Và năm nay đứng cuối bảng thuộc về Tuyên Quang.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, năm nay, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2013 có một số thay đổi và điều chỉnh quan trọng về phương pháp để bắt kịp với những bước chuyển của môi trường kinh doanh và môi trường thể chế ở Việt Nam.

Cụ thể, năm nay, nhóm nghiên cứu sử dụng thêm dữ liệu mới để xây dựng các chỉ số thành phần cũng như loại bỏ các chỉ tiêu không còn phù hợp. Báo cáo đã bổ sung thêm chỉ số mới - “Cạnh tranh bình đẳng” nhằm phản ánh yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp về một môi trường kinh doanh bình đẳng. “Mặc dù có những thay đổi về mặt phương pháp song Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vẫn đảm bảo cách xếp hạng nhất quán và hợp lý, chú trọng đến những lĩnh vực quản lý quan trọng đối với doanh nghiệp và cần cải cách” – ông Tuấn khẳng định.

Cũng tại Lễ công bố, VCCI và Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI) đã trao giải thưởng của cộng đồng doanh nghiệp cho các tỉnh, thành phố có thành tích xuất sắc trong PCI 2013.

Trao giải thưởng cho 7 địa phương có thành tích cao nhất trong bảng xếp hạng PCI 2013
Trao giải thưởng cho 7 địa phương có thành tích cao nhất trong bảng xếp hạng PCI 2013

Ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch TP Đà Nẵng, địa phương dẫn đầu chỉ số PCI năm 2013 cho biết, sau khi tụt xuống mức kỷ lục vào năm 2012, TP đã cùng vào cuộc phân tích làm rõ nguyên nhân. Theo đó, nhiều cuộc gặp mặt, đối thoại giữa chủ tịch TP và các doanh nghiệp được diễn ra. Bên cạnh đó, TP đã không ngừng cải cách thủ tục hành chính, ban hành các kế hoạch kịp thời, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp. “Trong thời gian tới, Đà Nẵng cam kết sẽ có những điều chỉnh tốt hơn nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư” - ông Chiến khẳng định.

Qua 9 năm thực hiện nghiên cứu và công bố Chỉ số PCI cho thấy, các địa phương đang ngày càng quan tâm và đánh giá cao về ý nghĩa và tác động của chỉ số này. Tuy còn chịu nhiều khó khăn song các tỉnh, thành phố đã có nhiều cách thức khác nhau để nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh của mình. Khi triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn, những phân tích sát thực về thách thức hiện tại như chỉ số CPI là thực sự rất có giá trị.

Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt; và cuối cùng là thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

Theo VCCI