Chuyện hy hữu ở Trường Mầm non Tuổi thơ

24/07/2014 09:46

(Baonghean) - Thời gian gần đây, chị Nguyễn Thị An (chung cư Tân Phúc, Vinh Tân, TP. Vinh) có đơn gửi đến nhiều cơ quan báo chí phản ánh việc con chị - một cháu bé 5 tuổi được đánh giá là nhanh nhẹn, ngoan ngoãn đột nhiên bị nhà trường cho nghỉ học mà không hề có một văn bản thông báo chính thức. Sự việc hy hữu, chưa có tiền lệ đang khiến dư luận rất quan tâm và đặt câu hỏi liệu quyền được bảo vệ, học tập và phát triển của trẻ em đang bị xem nhẹ?

Trường Mầm non Tuổi thơ.
Trường Mầm non Tuổi thơ.

Lỗi người lớn, trẻ em chịu tội

Trong đơn gửi về Báo Nghệ An, chị Nguyễn Thị An (chung cư Tân Phúc, Vinh Tân, TP. Vinh) phản ánh: Con trai của chị là cháu H. M. N bị Trường Mầm non Tuổi thơ (Khu đô thị mới Vinh Tân, TP. Vinh) buộc nghỉ học không có lý do. Cụ thể: Ngày 29/5/2014, nhân viên hành chính của Trường Mầm non Tuổi thơ gọi chị An đến lấy hồ sơ của cháu N về vì trường quyết định không cho con trai chị học ở trường nữa. Chị An hỏi nguyên nhân thì nhân viên hành chính không trả lời cụ thể. Chị An đã nhiều lần gọi điện cho Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu giải quyết vụ việc dứt điểm. Ngày 14/6/2014, chị An đến làm việc trực tiếp với ông Đặng Minh Chưởng, Chủ tịch HĐQT Trường Mầm non Tuổi thơ để làm rõ lý do buộc cháu N nghỉ học nhưng không được hợp tác và nhà trường vẫn không có bất kỳ một văn bản cụ thể buộc con chị thôi học.

Chị An trình bày: Cháu N vào học tại Trường Mầm non Tuổi thơ từ ngày 1/8/2013. Trong thời gian học ở trường, cháu N được các cô giáo đánh giá là ngoan ngoãn, thông minh và nhanh nhẹn. Ngày 28/5/2014, cháu được nhà trường lựa chọn vào đội văn nghệ để biểu diễn trong buổi lễ tổng kết năm học. Theo hướng dẫn của giáo viên, chị An đã mua đồ biểu diễn cho cháu và giao cho cô giáo rồi về đi làm. Tối cùng ngày, chị An đến trường thì thấy cháu N không có giày để đi, túi đồ không thấy. Khi chị An hỏi cô giáo thì cô nói “không biết” vì đã giao túi đồ cho cháu rồi. Tìm mãi không thấy, chị An và giáo viên có lời qua tiếng lại với nhau. “Buổi sáng, tôi đã giao túi đồ cho cô giáo nhưng đến tối cô nói không biết là vô trách nhiệm. Cháu là trẻ con thì làm sao mà biết được. Trong khi biểu diễn thời trang, các bạn khác đều ăn mặc đầy đủ thì con trai tôi không có đồ biểu diễn và phải đi chân đất. Tôi vừa thương cho con vừa thấy muối mặt khi các phụ huynh khác cho rằng tôi không biết lo cho con”, chị An cho biết.

Sáng ngày 29/5/2014, chị An quá bất ngờ khi nhà trường quyết định từ chối cho cháu tiếp tục học ở trường qua điện thoại. “Là trường tư thục nhưng đây là một tổ chức ngành nghề hoạt động có điều kiện, theo khuôn khổ pháp luật. Khi con tôi vào đây học có đơn xin học thì lúc buộc con tôi nghỉ học nhà trường cũng phải có lý do, có văn bản. Mà đứa trẻ không có tội, còn chuyện người lớn thì tự giải quyết với nhau”, chị An bức xúc. Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Minh Chưởng, Chủ tịch HĐQT Trường Mầm non Tuổi thơ cho rằng, nguyên nhân của việc không cho bé N tiếp tục học là do không tạo được sự hợp tác giữa phụ huynh và nhà trường. “Trong quá trình cháu N học tại trường thì phụ huynh có thái độ thiếu tôn trọng giáo viên. Nhà trường nếu không dứt khoát thì sẽ ảnh hưởng đến các cháu khác trong trường và tâm lý của cô giáo. Việc túi đồ của bé thất lạc là sơ suất chứ không phải là cái tội để phụ huynh xúc phạm cả tập thể nhà trường như vậy”.

Chị An thừa nhận, sự việc túi đồ thất lạc chỉ là giọt nước tràn ly nhưng nếu biết cách xử lý thì sự việc sẽ không đi quá xa như bây giờ. Trước đây, chị đã từng có ý kiến khi biết thái độ phục vụ của nhà trường đối với bữa ăn của trẻ, có bữa ăn các cháu ăn cơm khê, cháo loãng và chưa đạt yêu cầu, các khoản thu chi của trường nhập nhằng... Phải chăng những phản hồi tích cực và xây dựng của phụ huynh đã làm cho nhà trường phật ý? Trước sự việc đó, nhà trường chưa một lần mời phụ huynh đến để trao đổi, bàn bạc và lắng nghe ý kiến các bên nhằm giải quyết vấn đề thấu đáo. Từ đây, đã dẫn đến những nghi ngại, rào cản khiến cho mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh trở nên căng thẳng. Đến ngày 29/5, nhà trường tiến hành họp hội đồng và trong cuộc họp đó, 100% giáo viên của trường đều đồng thuận với ý kiến từ chối nhận chăm sóc cháu N trong năm học tới. Sự việc này, khiến cho phụ huynh hết sức bức xúc.

Một quy định sai điều lệ

Trả lời câu hỏi vì sao từ chối nuôi trẻ nhưng không ra văn bản thông báo với phụ huynh, ông Chưởng cho biết thời gian này đang trong dịp nghỉ hè, đến đầu năm học mới sẽ báo cáo việc này với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Vinh. Cho đến lúc này, phía nhà trường vẫn một mực cho rằng, việc không cho cháu N tiếp tục theo học là đúng với quy định. Trong Quy định điều kiện tiếp nhận và trả lại các bé tại Trường Mầm non Tuổi thơ do Chủ tịch HĐQT nhà trường Đặng Minh Chưởng ký ngày 12/7/2013 (trước khi trường đi vào hoạt động) Mục 1 về việc từ chối chăm sóc nuôi dưỡng bé nếu: “Phụ huynh có thái độ thiếu tôn trọng giáo viên, có những yêu cầu chăm, nuôi dưỡng và giáo dục bé riêng gây khó khăn cho nhà trường”. Giải thích cho quyết định này, ông Đặng Minh Chưởng nói: “Đây là quy định của Trường Mầm non Tuổi Thơ. Trong hồ sơ của các bé đều có”. Nhưng theo chị An thì từ khi xin con vào học cho đến nay chị chưa hề được biết về quy định này của nhà trường.

Tuy nhiên, dù đó là quy định riêng của trường thì cũng hoàn toàn trái với điều lệ hoạt động của trường mầm non. Bà Lê Thị Phương, Phó phòng GD-ĐT Thành phố Vinh cho biết: Trong điều lệ trường mầm non không có quy định về vấn đề buộc thôi học đối với học sinh. Và từ trước đến nay, chưa có nhà trường nào cho học sinh nghỉ học mà chỉ có phía học sinh, phụ huynh đơn phương nghỉ học. Nhà trường có những nội quy riêng nhưng phải phù hợp với quy định của Nhà nước và phải được công khai trước toàn trường, có sự chấp thuận của phụ huynh học sinh. “Đây là sự việc hết sức đáng tiếc và nguyên nhân là sự ứng xử của nhà trường và phụ huynh chưa đúng mực. Đáng lẽ, nhà trường nên mời phụ huynh lên làm việc để xác định nguyên nhân. Nếu phụ huynh sai thì nên yêu cầu phụ huynh khắc phục”, bà Phương cho biết.

Cho dù là lỗi của nhà trường hay phụ huynh thì việc một cháu bé 5 tuổi bị buộc thôi học là điều hết sức đáng tiếc và thiệt thòi cuối cùng thuộc về cháu. Chị An cho biết: Thông tin con tôi bị đuổi học đã được nhà trường thông báo cho cô giáo biết và đã phát tán khắp nơi. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ, tạo ra sự kỳ thị không đáng có trong xã hội.

Sau khi không được tiếp nhận chăm sóc tại Trường Mầm non Tuổi thơ, gia đình đã xin cho cháu N. đến học tại một cơ sở mầm non khác và việc học của cháu bị gián đoạn gần 2 tháng. Trả lời câu hỏi khi quyết định không cho cháu bé 5 tuổi học tiếp thì nhà trường có nghĩ đến những hệ quả ảnh hưởng đến tâm sinh lý của bé hay không thì ông Chưởng cho biết: Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng. Nhưng nhà trường đã thông qua phụ huynh nên người mẹ phải có trách nhiệm giải thích thế nào đó cho trẻ hiểu. Và chuyện nhà trường không làm văn bản, không nói chuyện rõ ràng thì đó là trách nhiệm của phụ huynh.

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Đối với trẻ 5 tuổi là giai đoạn phát triển có tính chất quyết định để tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ trong tương lai. Ðiều đó đòi hỏi trẻ em 5 tuổi phải được chuẩn bị một cách đầy đủ về tâm thế để thích nghi với một giai đoạn mới. Vì vậy, trong đề án phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi mà mục tiêu tỉnh Nghệ An đề ra cán đích cuối năm 2014 là huy động và dành mọi ưu tiên hàng đầu cho trẻ 5 tuổi đến trường nhằm chuẩn bị tốt nhất cho trẻ vào lớp 1. Thế nhưng trong trường hợp xảy ra ở Trường Mầm non Tuổi thơ là điều hết sức đáng tiếc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, thói quen sinh hoạt, quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Thiết nghĩ, trong vấn đề này thì cả nhà trường và phụ huynh cần nhìn lại và tự rút ra những bài học, kinh nghiệm. Và trên hết, phải đặt quyền lợi của trẻ em lên hàng đầu để cùng nhau tạo dựng một môi trường tốt nhất cho trẻ em học tập và phát triển một cách toàn diện.

Phạm Bằng

Điều 2, Chương I, Điều lệ trường mầm non ban hành theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định nhiệm vụ và quyền hạn của trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập như sau:

1. Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Huy động trẻ em lứa tuổi mầm non đến trường; Tổ chức giáo dục hoà nhập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật.

3. Quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

4. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật.

5. Xây dựng cơ sở vật chất theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá hoặc theo yêu cầu tối thiểu đối với vùng đặc biệt khó khăn.

6. Phối hợp với gia đình trẻ em, tổ chức và cá nhân để thực hiện hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

7. Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trẻ em tham gia các hoạt động xã hội trong cộng đồng.

8. Thực hiện kiểm định chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo quy định.

9. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Và Điều 47, Chương VII, Điều lệ trường mầm non quy định về trách nhiệm của gia đình như sau:

1. Thường xuyên liên hệ với nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập để được thông báo kịp thời tình hình của trẻ em nhằm phối hợp trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

2. Tham gia các hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, nhà trường, nhà trẻ góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.